Ngày 11 tháng 11 năm 1872, con tàu Dei Gratia của Anh do thuyền trưởng David Moorhouse chỉ huy rời New York, mang dầu cá heo và rượu tới một số cảng ở Địa Trung Hải. Ngày 4 tháng 12, lúc 13 giờ, “thời tiết tốt, mặt biển có sóng nhưng an toàn”, theo nhật ký hành trình thì khi còn cách Açores và Gibraltar khoảng 600 hải lý, người hoa tiêu thấy một cánh buồm cách một quãng. Anh ta báo cho thuyền trưởng. Thuyền trưởng nhìn và ngạc nhiên: trên tuyến đường tấp nập thế này, việc gặp gỡ như vậy là hình thường.
“Tốt thôi, có sao đâu.”
“Lúc tôi vừa nhìn thấy cơ. Có gì đó bất thường trong cung cách của nó. Nó không đi thẳng, như kiểu người lái say hoặc bệnh.”
David Moorhouse hướng ống nhòm về hướng đó.
“Đúng là không bình thường. Hướng mũi tàu về phía đó!”
Dei Gratia đổi hướng và tiến
nhanh về phía cái buồm, vì mặc dù con tàu kia di chuyển lạ lùng nhưng đi
rất chậm. Nó còn đủ xa để tàu này phát tín hiệu cảnh báo.
“Hãy hỏi nó có cần trợ giúp không”, Moorhouse ra lệnh.
Mệnh lệnh được thi hành, nhưng
không thấy phản hồi. Khoảng cách giảm thêm. Thuyền trưởng thả neo, cố
nhìn tên của con tàu rồi bỗng la lên:
“Bỏ mẹ, đó là Mary Celeste!”
Con tàu mang quốc tịch Hoa Kỳ này
được đăng ký ở quận Parrsboro, vùng New Scotland, và đã vận hành 11
năm, đi bất cứ đâu miễn có hàng để chở. Đó là tàu hàng với 280 chiếc
thùng lớn, dài 30 mét. Nó không mới nhưng đã được tân trang. Cấu trúc
của nó rất vững chãi. Nó vừa được kiểm tra kỹ và hiện trạng là tốt. Nó
được chỉ huy bởi thuyền trưởng Benjamin Briggs, người cùng hội với
thuyền trưởng cũ của ông là John Winchester người New York, bây giờ là
chủ tàu buôn. Hội này có cả một hải đoàn nhỏ.
Điều lạ nhất là Moorhouse lại
biết Briggs. Họ đã gặp nhau ở New York, từ đó bắt đầu một chuyến đi xa
mấy ngày. Moorhouse quý trọng Briggs. Ở tuổi 38, đây là một sỹ quan một
trường kiểu cũ, kín đáo và nguyên tắc, nhưng nóng tính và quý trọng
những giá trị truyền thống. Từ khi nào đó, anh đã trở thành một Albert
Richard thứ hai, trẻ tuổi nhưng nghiêm túc, và cũng giống như Andrew
Gilling.
Mary Celeste được bảo dưỡng tại
New York ngày 4 tháng 11, một tuần trước Dei Gratia. Ngoài chỉ huy và
hai sỹ quan khác, nó còn có 4 thủy thủ và một đầu bếp, mang theo 1700
thùng rượu cồn trị giá 37 ngàn dollar.
Sau khi đến gần Mary Celeste mà
vẫn chưa biết có còn ai sống sót trên tàu hay không, Dei Gratia cũng bị
sự cố. Thuyền trưởng David Moorhouse ra lệnh cho cấp phó của mình là
Oliver Deveau lấy xuồng và đem theo hai người xem chuyện gì xảy ra. Đó
là sự khởi đầu của bí ẩn lớn nhất trong ngành hàng hải
***
Một hồi sau, ba người trèo lên
boong tàu nhờ dây chão đứt thõng xuống. Họ lên tiếng gọi. Không có ai
trả lời. Họ bắt đầu tìm kiếm trên boong. Một trong hai xuồng cứu hộ bị
thiếu, nhưng không có dấu hiệu vừa trải qua một cơn bão: không có gì bị
thổi bay, tất cả đều ở nguyên vị trí. Deveau đi lại phía đuôi tàu và
thấy nước ngập khoảng 1 mét. Tuy nhiên, các máy bơm vẫn trong trạng thái
hoạt động tốt và có thể dễ dàng hút hết ngay lượng chất lỏng tích tụ.
Hàng hóa trên tàu còn nguyên. 1700 chiếc thùng đựng rượu cồn vẫn được
xếp ngay ngắn. Một cái nắp thùng bị rơi ra, nhưng rượu còn nguyên bên
trong. Từ phía đó không có thêm dấu hiệu nào khác.
Trong cabin của thuyền trưởng,
ngược lại, họ bị bất ngờ: một chiếc piano tủ có cấu trúc tinh tế, làm
bằng gỗ màu hồng, đặt đối diện thành cabin. Quần áo phụ nữ để trên ghế
cạnh chiếc hộp để mở cùng với kim chỉ. Chiếc giường có vẻ như có người
vừa nằm mới dậy, và vẫn còn dấu vết thân người nhỏ hơn một người đàn ông
trưởng thành. Có vẻ đã có phụ nữ hoặc trẻ vị thành niên ở đây. Đáng
ngạc nhiên nhưng không đến nỗi là không thể, vì một số thuyền trưởng vẫn
đưa gia đình của mình lên tàu.
Trong nhà bếp cũng có một cảnh
tượng gây bất ngờ như vậy. Đĩa và li vừa dùng trong bữa ăn được xếp cho
khô trong tủ tường. Các hộp đựng được mở ra như để chuẩn bị cho bữa tiếp
theo, một bữa ăn đã không diễn ra.
Càng đi tiếp, Deveau và hai người
kia càng thấy lạnh người. Trong phòng của các thủy thủ, mọi thứ đều
sạch sẽ, ngăn nắp, đúng vị trí. Giường nằm chỉnh tề, áo quần gọn gàng.
Có cả tẩu và thuốc lá. Chi tiết cuối cùng này càng gây ấn tượng mạnh, vì
một khi thủy thủ không mang theo thuốc lá có nghĩa là họ rất vội hoặc
hoảng loạn. Như vậy, Mary Celeste đã bị bỏ lại một cách hết sức vội
vàng. Nhưng vì sao? Không thể là do bão, vì nếu có thì dứt khoát phải có
dấu vết.
Trong cabin của thuyền phó, họ
thấy có một số dấu vết. Ở đó có cuốn nhật ký hành trình. Nó dừng lại ở
trưa ngày 24 tháng 11, ở 36 độ 56 phút vĩ độ bắc, 27 độ 20 phút kinh độ
tây. Có vẻ như con tàu đã trôi suốt 12 ngày, khoảng 600 hải lý, cho đến
khi được phát hiện. Nhưng không chắc chắn là ngày xảy ra thảm kịch gần
đến mức nào. Trên một con tàu như Mary Celeste, với kích thước khá khiêm
tốn, người ta không ghi nhật ký hàng ngày. Ở đây, trong 18 ngày hành
trình thì chỉ có 7 ngày ghi nhật ký.
Chi tiết quan trọng nhất là trong
phòng thuyền phó có một thanh kiếm với dấu chữ thập danh dự. Lưỡi kiếm
có vết màu nâu. Phải chăng đó là máu? Nó có vẻ là vật trang trí hơn là
vũ khí, nhưng có lẽ phải điều tra kỹ mới biết rõ.
Oliver Deveau trở về tàu Dei
Gratia và làm báo cáo. Moorhouse, mặc dù rất bối rối, đã quyết định hành
động. Anh ra lệnh cho họ quay lại Mary Celeste và xem lại hoa tiêu. Hai
tàu sẽ cùng đi tới Gibraltar, cảng gần nhất.
Ngày 13 tháng 12 năm 1872, hai
tàu đến Gibraltar. Trên suốt chặng đường, Mary Celeste đã ngoan ngoãn đi
theo Dei Gratia như chú cún đi theo chủ. Không có sự cố nào xảy ra. Cầu
tàu vừa kịp đặt, thuyền trưởng Moorhouse đã lao đi tìm chỉ huy của
cảng. Anh vội vàng kể lại vụ tai nạn, rồi đề cập ngay đến việc lấy tiền
bảo hiểm. Mặc dù ở trong hoàn cảnh khá đặc biệt, nhưng Mary Celeste có
thể được coi như bị lạc, thuyền trưởng tàu bạn đã trợ giúp, và theo luật
hàng hải thì có thể được hưởng một phần giá trị.
Sau khi nghe câu chuyện của
Moorhouse và chưa vội có ý kiến gì, với sự điềm tĩnh “Ăng Lê”, giám đốc
cảng bắt đầu xem xét vấn đề tiền bảo hiểm.
“Cái này thì phải đợi điều tra, thuyền trưởng ạ.”
David Moorhouse không hiểu.
“Sao lại thế? Mary Celeste bị bỏ lại. Việc quá rõ.”
“Cái đó thấy rõ từ lời kể của anh, nhưng chỉ có điều tra mới xác định chính xác…”
Moorhouse điên tiết. Người ta
nghi ngờ lời nói của anh? Người ta ngờ vực cái gì chứ? Chưa có gì như
vậy được phát ngôn. Nhưng đáng tiếc là việc điều tra được chỉ đạo bởi
Solly Floyd, trưởng công tố ở Gibraltar, mà viên quan này, người lao vào
các vấn đề về luật “ăng lê” trong khi chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh
vực này, đã lập tức gán cho vụ việc một vẻ giật gân nhất.
Sự kiện là hai thuyền trưởng quen
biết nhau làm vị trưởng công tố hào hứng nghĩ ngay đến phương án đầu
tiên: Briggs và Moorhouse bàn nhau dàn dựng lấy tiền bảo hiểm để chia
nhau. Người của Dei Gratia đưa người của Mary Celeste lên tàu của mình
rồi đưa họ lên bờ…
Nhưng Solly Floyd đã nghĩ lại.
Benjamin Briggs sở hữu một nửa con tàu và lượng hàng, tiền bảo hiểm chỉ
bằng phần nhỏ, nên vụ này sẽ mang lại cho anh ta thất thiệt lớn. Ngoài
ra, một kịch bản như vậy sẽ làm thủy thủy đoàn của cả hai tàu trở thành
tòng phạm, các thủy thủ của Dei Gratia sẽ phản đối dữ dội do họ vô tội.
Floyd không trì hoãn nữa. Ông ta cho phép Moorhouse tiếp tục hành trình
tới Địa Trung Hải để giao hàng với điều kiện sau đó phải trở lại
Gibraltar.
Trong khi chờ đợi, do không có
vấn đề thảo luận trái phép giữa hai thuyền trưởng, trưởng công tố nghĩ
đến một phương án li kỳ hơn: một cuộc nổi loạn. Ông xem xét kỹ Mary
Celeste và phát hiện ra rằng ngoài thanh kiếm bị vấy bẩn còn có những
vệt màu mâu nhạt ở nhiều chỗ khác. Ông gửi chúng đến một phòng thí
nghiệm để phân tích và tiếp tục điều tra. Không có dấu hiệu đánh nhau
trên tàu, nhưng ông thấy một “sự hỏng hóc ở phía trước”, một rãnh dài 2
m, sâu 10 cm và rộng 32 cm. Với Solly Floyd thì không còn gì đáng ngờ.
Cái rãnh đó “không thể được gây ra bởi điều kiện thời tiết mà bởi một
vật sắc”. Trong khi đó, những vết nâu ở một số chỗ và trên lưỡi kiếm có
vẻ không phải là máu mà là gỉ sắt. Nhưng Floyd không công bố điều này và
vẫn tiếp tục điều tra.
Tháng 1 năm 1873, thuyền trưởng
Winchester, đồng chủ sở hữu Mary Celeste, từ New York tới Gibraltar. Ông
mang theo những thông tin thuận lợi cho cuộc điều tra. Trước hết,
thuyền trưởng Briggs đến phút chót đã quyết định lên đường cùng vợ là
Sarah và con gái Sofia 2 tuổi. Như vậy sự bí ẩn về cây đàn piano và dấu
vết đứa trẻ trên giường đã được giải tỏa. Tiếp đó, ông cung cấp một danh
sách những người có mặt trên tàu: ngoài thuyền phó Albert Richard và
trung úy Andrew Gilling, Mary Celeste có một đội thủy thủ kỳ cựu gồm 4
người Đức và Scandinavia, ngoài ra còn một đầu bếp.
Được mời tham gia điều tra,
Winchester ngay lập tức phản đối Floyd. Ông rất tức giận vì Floyd đã
nghi ngờ Briggs, một người có nhân cách không chê vào đâu được, có lập
trường không khoan nhượng, một tín đồ kháng cách sùng đạo, trước mỗi bữa
ăn đều đọc kinh. Ông cũng không tin có nổi loạn. Theo ông thì cái rãnh
là kết quả của sự va chạm với một mỏm đá hoặc một mảnh tàu vỡ, như vẫn
thường gặp trên con đường thủy tấp nập này. Về các thủy thủ, ông cho
rằng Briggs đã tuyển lựa họ, như vẫn thường làm, với sự cẩn trọng tối đa
và họ không thể nào nổi loạn.
Tuy nhiên, điều này vẫn không
ngăn được Solly Floyd đưa ra kết luận theo tinh thần ban đầu của ông ta:
“Giả thuyết của cá nhân tôi là đội thủy thủ đã say rượu, và do đó đã
giết thuyền trưởng Briggs cùng vợ con anh ta và làm hỏng mũi tàu để làm
người ta tin rằng nó đã húc phải đá, và họ đã tẩu thoát vào một thời
điểm giữa 25 tháng 11 và ngày 5 tháng 12, trên một con tàu nào đó đang
đi sang Mỹ.”
Về phía mình, vị chủ tàu người Mỹ
nói: “Theo ý kiến tôi, con tàu đã bị thuyền trưởng và đội thủy thủ bỏ
lại do gặp bão, trong lúc hoảng loạn vì những lý do không chính đáng.
Nếu không có ai tái xuất hiện thì tôi nghĩ rằng họ đã chết đuối trên
xuồng, còn Mary Celeste sẽ là điều bí ẩn thú vị nhưng đau buồn của biển
cả.”
Winchester đã được tòa án
Gibraltar ủng hộ, sau khi nhận được kết quả phân tích các vết màu nâu
nhạt mà ông trưởng công tố vẫn giữ bí mật phán đoán, và vì cồn trong các
thùng là methanol, một chất lỏng không uống được, vì nó có thể làm cho
kẻ uống phát điên và mù mắt.
Tòa án đã tuyên như sau: “Một
mặt, con tàu còn nguyên vẹn và vẫn hoạt động bình thường, mặt khác,
không có dấu hiệu bạo lực trên boong hay trong cabin, nên nó đã bị những
người trên tàu bỏ lại vì lý do không được biết. Do đó, thuyền trưởng
David Reed Moorhouse sẽ được nhận 1700 bảng, tương đương 1/5 giá trị
chuyến hàng và con tàu.” Vụ việc được chính thức khép lại.
Mary Celeste được vận hành trở
lại ngay ngày hôm sau, với thuyền trưởng và đội thủy thủ mới, hướng về
Gênes. Tư trang của gia đình Benjamin Briggs được giao cho viên lãnh sự
Hoa Kỳ tại Gibraltar. Khi kiểm kê, người ta thấy những vật gây xúc động:
“hai cái mũ phụ nữ, một áo ngủ, một cái mùng, một búp bê, một cái quạt,
hai cái kim đan, một cái váy…”
Mary Celeste tiếp tục hoạt động,
nhưng sau đó đã chấm dứt sự nghiệp một cách thảm hại. Dường như nó phải
chịu số phận bi thảm đến cùng. Tháng 1 năm 1885, thuyền trưởng khi đó là
G. C. Parker đã cố tình cho nó lao vào rặng Rochelle ngoài khơi Haiti
để lấy tiền bảo hiểm. Bị bắt và bị khép tội cố ý gây tai nạn, nghĩa là
tội lừa đảo, anh ta bị tống giam trước khi xét xử. Còn chính Mary
Celeste thì “bạc dần trên rặng đá miền nhiệt đới cho đến khi không còn
gì nữa”.
***
Tuy nhiên, trước cái ngày hôm đó,
Mary Celeste đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Nó nhanh chóng trở
thành bí ẩn hàng hải lớn nhất mọi thời đại.
Trách nhiệm thuộc về Solly Floyd.
Không hài lòng với việc tuân thủ phán quyết của tòa Gibraltar, ông ta
đã tổ chức nhiều cuộc gặp với giới báo chí và tuyên truyền trước đông
đảo công chúng về vụ việc. Nhưng chính nhà văn trinh thám Conan Doyle
mới thực sự quảng bá cho Mary Celeste thông qua một truyện xuất hiện năm
1884.
Với khả năng nghệ thuật tuyệt
vời, nhà văn đã sáng tác ra những chi tiết không hề có thực nhưng đánh
mạnh vào trí tưởng tượng của người đọc… Sau khi lên tàu, Deveau và hai
thủy thủ cảm thấy một mùi hương tỏa ra từ bếp ăn. Họ đến chỗ bếp lò. Một
con gà hầm vẫn còn ấm trong nồi. Trong phòng ăn sát bên cạnh có 4 chiếc
đĩa trên bàn với một ít đồ ăn. Xa hơn chút, trong tủ hong đồ vải có một
khăn trải đang được hong khô. Deveau cầm nó lên, nó vẫn còn ướt. Nói
ngắn gọn là Mary Celeste đã bị bỏ lại. Mọi người trên tàu, những người
đang ăn dở và đứa trẻ đang trong giấc ngủ, đã lao xuống xuồng cứu hộ
trong thời tiết tốt.
Thiên truyện đã gây ấn tượng sâu
sắc. Các thủy thủ vốn là những người mê tín đã nghe nói đến Mary Celeste
mà không khỏi run rẩy. Nó trở thành Con Tàu Ma, một nỗi ám ảnh tồi tệ
làm người tư sợ hãi trong những chuyến đi trên biển. Cánh nhà báo mọi
nước đều bị cuốn vào vụ việc. Những cách giải thích bay bổng nhất được
tung ra. Một số nói đến sự dịch chuyển bất thường của những tinh tú vào
ngày 4 tháng 12; số khác nói về một thủy quái xuất hiện trong vùng biển
nọ; một bức họa cực kỳ sống động cho thấy một con mực khổng lồ đang giơ
cao Benjamin Briggs cùng người vợ Sarah và đứa con gái nhỏ Sofia trong
những cái tua của nó càng gây chấn động.
Nhiều năm trôi qua, người ta
không còn đếm xuể có bao nhiêu thủy thủ xưng tội khi hấp hối tự nhận
mình là thủy thủ tàu Mary Celeste và những cuốn sách đưa ra giả thuyết
mà không có bằng chứng thuyết phục nào. Mỗi người đều đi theo cách riêng
của mình. Tàu đã bị tấn công bởi cướp biển Phi châu, và bọn này đã tẩu
thoát khi thấy tàu Dei Gratia đến. Người đầu bếp bị điên đã đầu độc mọi
người rồi vứt xác họ, sau đó tự lao xuống biển. Đội thủy thủ đã bị bệnh
dịch và do quá hoảng sợ nên đã rời khỏi con tàu. Thuyền trưởng và thuyền
phó bơi thi, những người khác đứng xem trên mạn tàu, và một con sóng
lớn đã hất tất cả xuống biển. Do có trào lưu nói về đĩa bay, người ta
còn gán vai trò cho những con người nhỏ bé da xanh, và về sau còn gắn cả
với Tam Giác Bermuda.
Vì tất cả những giả thuyết này
đều xuất phát từ trí tưởng tượng nên không có dính dáng với sự thật về
tàu Mary Celeste. Không một thành viên nào của gia đình Briggs cũng như
của đội tàu được tìm thấy nên người ta chính thức tuyên bố rằng họ đã
chết cả trên biển, và một buổi lễ đã được tổ chức để tưởng niệm họ ở
ngoại ô New York. “Con tàu đã bị thuyền trưởng và đội thủy thủ bỏ lại
trong lúc hoảng loạn do gặp bão, vì những lý do không rõ ràng”, ông chủ
tàu Winchester đã kết luận như vậy, nhưng vấn đề là thủy thủ đoàn của
mọi con tàu đi qua gần đó đã được phỏng vấn và họ đã bảo đảm rằng khi đó
không hề có cơn bão nào.
Nếu vậy thì vì sao một thuyền
trưởng dày dạn như Benjamin Briggs lại phải vội vã rời một con tàu trong
trạng thái còn nguyên vẹn và bắt mọi người lên xuồng cứu hộ để đón nhận
một cái chết gần như chắc chắn? Trong 50 năm, bất chấp sự nhạy bén của
nhiều người, câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp.
Cho đến khi xuất hiện Pemberton.
***
Ta hãy trở về với năm 1926.
Laurence J. Keating, một nhà báo trẻ, cùng những người khác lao vào việc
tìm sự thật về Mary Celeste, đã nói chuyện với một thủy thủ già người
xứ Wales, John Pemberton. Đó là một con sói biển có bộ tóc tráng bù xù,
chiếc cằm giống đế giày, một cẳng chân bằng gỗ, và lúc nào cũng thèm
khát. Mỗi khi có người nói đến Mary Celeste, ông ta đều hăng máu và gật
đầu lia lịa.
“Tôi biết. Tôi đã ở trên tàu Mary Celeste.”
Nhưng khi người ta hỏi điều gì đã
xảy ra thì ông ấy lại im lặng. Ông ấy im lặng cho đến cái buổi tối
trong năm 1926 khi ông ta gặp Laurence Keating. Anh này đến gặp ông mà
không hy vọng gì nhiều. Có thể ông ấy chẳng nói gì, hoặc nói vơ nói vẩn.
Nhưng, trái với dự đoán, khi Laurence hỏi, ông ấy đã nói, và những điều
ông ấy nói không phải là không hấp dẫn, thậm chí rất thú vị.
“Chẳng có con ma nào ở đó cả. Tất cả là do thuyền trưởng Moorhouse bịa ra.”
Một khi toàn bộ câu chuyện của
Moorhouse là sự bịa đặt thì vấn đề được giải quyết một cách đơn giản. Đó
cũng đã luôn là giả thuyết của Keating. Anh hỏi:
“Thế khi ông ấy lên tàu Mary Celeste thì trên tàu có ai không?”
Pemberton cười khẩy:
“Sao lại không! Thì tôi ở đó mà.”
Và ông ấy bắt đầu câu chuyện về Mary Celeste.
***
Tất cả bắt đầu vào tháng 9 năm
1872. Trên một con đê ở New York, tàu Mary của Briggs và tàu Dei Gratia
của Moorhouse được buộc lại với nhau. Hai thuyền trưởng là đôi bạn già.
Lúc đó Briggs đang gặp phải một khó khăn lớn. Đội thủy thủ của anh ta
không muốn ra khơi. Anh ta phàn nàn với Moorhouse.
“Mình cần người. Mary Celeste phải xuất hành vào ngày kia. Cậu có thể cho mình mượn đội thủy thủ của cậu không?”
Là bạn thân, thuyền trưởng
Moorhouse đã chấp thuận để anh ta mượn 4 thủy thủ và đầu bếp Pemberton.
Nhưng chưa đủ. Sau đó, khi đi dạo trên bờ đê, Briggs đã gặp một thủy thủ
bị lác, có tính cách rất độc đoán và thô bạo, tên là Jackson Hullock.
Họ bàn việc khi uống rượu, và Hullock đồng ý làm phó trên tàu Mary
Celeste. Anh ta gật đầu nói:
“Với đội thủy thủ thì hãy tin tôi, thuyền trưởng ạ. Ngày mai anh sẽ có người.”
Hullock có lối hành xử khôn khéo
nhưng khá thực dụng. Anh ta đi tìm một người quen, một chủ sòng bạc có
nhiều thành tích xấu, và nhờ người đó đưa 4 hay 5 người gì đó đến tàu
sau khi cho uống say mèm. Ngày hôm sau, Mary Celeste khởi hành với nửa
tá người bóng bẩy và ồn ào hết mức có thể.
Trong khi đó, thuyền trưởng đem
xuống tàu cả vợ, con gái và cây piano, vì Briggs phu nhân thích chơi
đàn. Có thể đoán rằng anh ta đã chịu đựng đội thủy thủ, mặc dù nóng
tính. Nhưng viên thuyền phó Hullock đã xử lý tình huống theo thói quen
của anh ta. Anh ta thẳng cánh nện hai hay ba kẻ gì đó, và những kẻ còn
lại im bặt. Trong những ngày tiếp theo, tình hình khá ổn, cho đến cái
ngày 24 tháng 11 mà thuyền trưởng Briggs đã ghi vào nhật ký hành trình:
“36 độ 56 phút vĩ độ bắc, 27 độ 20 phút kinh độ tây, thời tiết tốt”.
Một cơn bão dữ dội bất ngờ ập
đến. Mưa gió kinh hoàng. Bị bất ngờ, người hoa tiêu đã bỏ cần lái, và
Mary Celeste nghiêng sang một bên. Lúc đó, con người máu lạnh Hullock,
người chỉ huy thực thụ của con tàu, đã ra các mệnh lệnh kịp thời, và
chính anh ta cầm cần lại đưa con tàu trở lại tư thế thăng bằng.
Nhưng thảm kịch vẫn tiếp tục.
Trong cabin của thuyền trưởng, chiếc piano trượt trên những bánh xe và
biến thành một cỗ máy gây chết chóc. Nó đập đi đập lại vào thành cabin.
Briggs phu nhân tội nghiệp đã không tránh được. Chiếc piano đè lên và
cán qua cán lại trên người cô. Khi chồng cô phát hiện ra, anh rú lên và
ra lệnh đập chết hoa tiêu, bỏ xác vào cái túi và ném xuống biển. Hullock
cố kiềm chế thuyền trưởng và nhốt anh vào cabin.
Vài giờ sau, một thảm kịch khác
bùng phát. Thuyền trưởng không cho phép thả xác vợ anh ta xuống nước.
Anh ta gào thét điên dại. Anh ta đòi mọi người phải đến chỗ đuôi tàu và
mở một thùng cồn và ngâm xác chết vào đó. Hullock lại phải can thiệp.
Anh ta đưa cái xác qua người thuyền trưởng và, trong đêm tối bão bùng,
vị phu nhân đáng thương bay qua mạn tàu xuống biển.
Ngày hôm sau, 25 tháng 11, thời
tiết xấu đã qua, nhưng những sự kiện đau buồn chưa chấm dứt. Benjamin
Briggs biến mất. Cuối buổi sáng, sau khi đã tìm khắp nơi, người ta buộc
phải thừa nhận rằng thuyền trưởng Briggs không còn trên tàu Mary Celeste
nữa. Anh đã tự vẫn vì tuyệt vọng chăng? Hay là Hullock đã loại bỏ con
người đã suy sụp này? Cánh thủy thủ bắt đầu nhìn thuyền phó với vẻ ngờ
vực và thì thầm với nhau:
“Chắc chắn hắn làm vụ này.”
Khi đó, Hullock đã ra một quyết
định. Có thể do anh ta có tội, hoặc đơn giản muốn yên lành, anh ta đã
cho phép mọi người được tự do sử dụng những thùng rượu cồn. Phần còn lại
của chuyến hành trình là cuộc nhậu vĩ đại. Khi đến Santa Maria thuộc
Açores, Hullock và đồng đội, vốn đã biết khá rõ vùng này, quyết định
nghỉ ở đó. Và họ đã không có ý định quay lại châu Âu, nơi họ phải trả
lời những câu hỏi khó chịu về cái chết của thuyền trưởng. Chỉ có 4 thủy
thủ của tàu Dei Gratia mà thuyền trưởng Moorhouse cho Mary Celeste mượn
là tiếp tục hành trình. Cùng với họ có Pemberton. Họ muốn trở về với con
tàu của họ, con tàu vốn đi trên cùng tuyến đường với Mary Celeste.
Cuộc tái ngộ diễn ra ngày 4 tháng
12 năm 1873. Thuyền trưởng Moorhouse lên tàu Mary Celeste. Chỉ có bốn
người của anh ta đang trên tàu. Họ kể cho anh ta nghe những gì đã xảy ra
và xin anh ta cho lên tàu Dei Gratia. Họ không muốn bị tìm thấy trên
chiếc tàu đã bị bỏ đi khi họ còn cả mà thuyền trưởng và vợ con đã chết.
“Hãy nhận lại chúng tôi, thưa thuyền trưởng. Phải bỏ Mary Celeste thôi. Cứ để nó tự trôi đến đâu thì đến.”
Tuy nhiên, thuyền trưởng
Moorhouse còn có một ý đồ khác: tìm cách lấy tiền bảo hiểm. Thế là anh
ta tưởng tượng ra câu chuyện khó tin nhưng cả thế giới đã tin, về con
tàu đột nhiên bị cả đội tàu bỏ lại. Thế là người của anh ta không phải
lo lắng gì, còn anh ta thì được một phần tiền hàng.
Câu chuyện của Pemberton là như
vậy. Keating đã viết thành một cuốn sách, The Great Mary Celeste Hoax
(Cú lừa vĩ đại Mary Celeste), để công bố sự thật về vụ việc này sau gần
50 năm.
***
Thật đáng tiếc, đầu năm 1970,
những cuộc điều tra công phu đã đi đến kết là Laurence Keating đã bịa
đặt toàn bộ. Mọi thứ đều sai, bắt đầu từ việc gặp Pemberton. Con người
hay giễu cợt và có cái chân gỗ này chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của
nhà báo trẻ. Đầu bếp thực sự của Mary Celeste là W. G. Head.
Phải nói là rất đáng ngạc nhiên
vì câu chuyện này được xem là thật trong thời gian dài như vậy. Trái với
mô tả của Keating, sự thật là đã có một chiếc xuồng bị mất, và điều đó
có nghĩa là những người trên tàu đã bỏ trốn chứ không phải vài người đã
lên bờ, những người còn lại trở về con tàu Dei Gratia. Mặt khác, anh ta
đã không nhắc đến đứa bé gái Sofia Briggs. Tiếp theo, cơn bão bất ngờ và
khủng khiếp đã không được ai nói tới. Cuối cùng, rượu chứa trong các
thùng là methanol không uống được vì nó gây điên và làm mù mắt, và cuộc
chè chén như đã mô tả nghe không hợp lý.
Đến nay thì đã có thể kết luận…
rằng không có gì chắc chắn, trừ một điều: đội thủy thủ và những vị khách
trên tàu Mary Celeste đã biến mất mà không rõ lý do trong khoảng từ 24
tháng 11 đến ngày 4 tháng 12 năm 1872 giữa Đại Tây Dương trong khi không
có cơn bão nào ở vùng đó.
Tuy nhiên có thể nêu ra một cách
giải thích. Gần đây, người ta nói về ngộ độc thực phẩm. Hơi ẩm có thể
làm xuất hiện trong ngũ cốc những chất độc gây ảo giác. Khi ăn phải
chúng, những người trên tàu sẽ lên xuồng cứu hộ và sau đó mất tích cùng
với xuồng.
Gần đây hơn nữa, với sự tiến bộ
của kỹ thuật phát hiện các hiện tượng trên mặt đất, người ta đã ghi được
những chấn động dưới đáy biển. Trong vùng mà người ta nghi ngờ xảy ra
thảm kịch, tầng đất cái đặc biệt không ổn định, những mảng kiến tạo của
châu Âu, châu Phi và châu Mỹ kề nhau và đôi khi va chạm với nhau một
cách khủng khiếp, gây ra những đợt sóng thần. Tuy nhiên, do xa các châu
lục nên những đợt sóng này có thể không được ghi nhận. Những con tàu
nhận gặp phải những chấn động lớn từ dưới đáy sâu, Chúng có thể không bị
nhấn chìm hoặc bị lật, nhưng có thể rung lắc đến mức gây hoảng sợ. Ngay
cả những tàu chở hàng trăm ngàn tấn dầu cũng bị chao đảo. Người ta tin
rằng khi gặp hiện tượng như vậy, thuyền trưởng Briggs đã hoảng sợ và ra
lệnh rời khỏi tàu tức khắc. Vấn đề là hiện tượng này để lại dấu vết:
những đồ vật trên boong và trong các phòng sẽ bị hư hại nghiêm trọng.
Trên tàu Mary Celeste thì không có gì như vậy.
Vì lý do đó, mọi nghiên cứu gần
đây chuyển sang một hướng khác, đó là về lượng hàng trên tàu. Ngày nay,
người ta cho rằng mọi việc xoay quanh 1700 thùng methanol. Chính chất
cồn này là trung tâm của bi kịch và là chìa khóa của bí ẩn. Do hàng được
chất lên tàu trong tháng 9, tháng lạnh ở New York, nên nó không gây ra
vấn đề gì đặc biệt. Nhưng đến Açores thì nhiệt độ tăng đáng kể nên nó đã
lên men. Một thùng đã bị bật nắp, và một ít chất lỏng bị tràn ra là
khởi đầu cho mọi chuyện. Những thùng kim loại va đập vào nhau tạo ra tia
lửa. Dưới tác dụng của chúng, hơi cồn bắt lửa và cháy bùng lên, làm mọi
người kinh hãi… Khi đó người ta còn biết rất ít về những tính chất của
những sản phẩm dễ bốc hơi như cồn và mọi người đã quá sợ hãi. Trong mọi
trường hợp thì một chuyến hàng methanol không thể phát nổ, không thể gây
hại và quả là người xa ta đã thấy không có gì hư hại. Nhưng vào thời
đó, người ta đã bỏ qua điều đó.
Khi thấy những hiện tượng như
vậy, thuyền trưởng Briggs đã quyết định không phiêu lưu. Anh không phải
người dễ dàng bỏ tàu và chắc chắn không làm như vậy nếu chỉ có anh và
đồng đội. Nhưng sự có mặt của vợ con đã khiến anh phải giữ an toàn. Anh
quyết định cho mọi người xuống chiếc xuồng đang được buộc vào tàu bằng
một dây chão. Không may là gió đã nổi lên đúng lúc đó và dây chão bị
đứt. Các thủy thủ đã cố hết sức để giữ xuồng, nhưng con tàu có buồm
chuyển động quá nhanh đã rời xa. Những người trên xuồng đã trôi dạt
trong Đại Tây Dương mênh mông và tất cả đều đã chết.
Cách giải thích có vẻ đúng nhất
là như vậy. Tuy nhiên, người ta cũng biết rằng biển cả không bao giờ tự
khai ra những bí mật của nó.
NGUYỄN TRẦN SÂM dịch từ cuốn La Terrible Vérité của Pierre Bellemare, nxb France Loisirs, 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét