(Dân trí) - Đó là phát biểu của GS-TSKH Nguyễn
Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về cuộc chiến
tranh biên giới năm 1979, cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc
Việt Nam.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Theo Bộ Giáo dục – Đào tạo, mặc dù các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, hải chiến Hoàng Sa, Trường Sa… đã được đưa vào sách giáo khoa, nhưng dung lượng thông tin như hiện nay là quá ngắn gọn, chưa làm thỏa mãn được những nhà viết sử, thầy cô giáo và học sinh.
37 năm đã trôi qua kể từ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc ngày 17/2/1979 là quãng thời gian vừa đủ để chúng ta nhìn lại dấu mốc lịch sử đáng nhớ này, để đặt cho nó một vị trí đúng tầm, trả lại cho nó một vai trò, vị trí xứng đáng hơn giống như những gì chúng ta đã làm đối với hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Trao đổi trên Tuần VietNamnet, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định: “Chiến tranh biên giới phía Bắc là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử. Và đã là lịch sử thì phải nhìn nhận nó với sự thật đầy đủ”.
Nhìn nhận lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, sách giáo khoa lớp 12 chỉ dành đúng 11 dòng để thông tin về cuộc chiến là quá ngắn, quá ít ỏi để có thể miêu tả hết những giá trị về mặt tầm vóc, ý nghĩa của cuộc chiến mà “chính nghĩa đứng về phía Việt Nam” trong việc bảo vệ biên cương, lãnh thổ trước sự xâm lược của Trung Quốc.
Nói như GS-TSKH Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 là cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. “Việc đưa cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1979 vào sách giáo khoa Lịch sử một cách tương xứng với tầm vóc cuộc chiến là việc dứt khoát phải làm. Với cuộc chiến này, chúng ta phải công bằng, sòng phẳng để nói cho rõ, cho hết mọi vấn đề", GS Ngọc bày tỏ quan điểm.
“Công bằng, sòng phẳng” nghĩa là chúng ta cần có những bằng khen, những phong tặng danh hiệu anh hùng bảo về Biên giới phía Bắc, phía Tây Nam trong các cuộc chiến từ 1979 cho đến gần 10 năm sau chứ không chỉ là “anh hùng chống Pháp”, “anh hùng chống Mỹ”. Tổ quốc ghi công cho những liệt sỹ chống Pháp, chống Mỹ thì tại sao lại lãng quên việc ghi công máu xương của cha ông đã đổ xuống trong thời kỳ này? Những bà mẹ Việt Nam anh hùng mất chồng, mất con trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ được vinh danh thì tại sao chúng ta bỏ quên những bà mẹ cũng mất chồng, mất con trong cuộc chiến bảo vệ biên giới? Hàng vạn con người Việt Nam đã không tiếc máu xương, hi sinh bảo vệ tổ quốc vẫn chưa được các nhà chép sử đưa vào sách giáo khoa một cách đầy đủ để ghi nhận công lao như nó cần có?
Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sách giáo khoa hiện hành tuy không đề cập đầy đủ nhưng cũng đã nói đến cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia và một số nội dung liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa. “Thông qua nhiều kênh khác nhau, Bộ đã được nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà sử học về việc cần đưa nội dung các cuộc chiến tranh vào sách giáo khoa với dung lượng phù hợp", Thứ trưởng Hiển khẳng định. Đây quả thực là tin đáng mừng, là sự lắng nghe hết sức cầu thị từ phía Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Nhà thơ Rasul Gamzatop từng nói một câu rất nổi tiếng: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng một khẩu súng lục, thì tương lai sẽ nã vào anh bằng đại bác”. Vì vậy, đưa thông tin đầy đủ sự thật, xứng đáng với tầm vóc của các cuộc chiến bảo vệ biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa rõ ràng là việc dứt khoát phải làm, dù muộn vẫn còn hơn không, phải không các bạn ?
Thế Nam
Xem Thêm :Biên giới tháng 2 năm 1979
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét