26 thg 2, 2017

Luật Hồi tỵ: 5 điều có thể bạn chưa biết (Từ Tạp Chí Luật Khoa)


Trong những năm trở lại đây, vấn đề tham nhũng trong cán bộ, công chức nhà nước đã khơi gợi dư luận về chính sách hồi tỵ thời phong kiến như một bài học chống tham nhũng. Đây là một chế định giúp chống nạn quan lại cát cứ, lạm quyền trong điều kiện không bị khống chế do “trời cao hoàng đế xa” ở địa phương.
Không chỉ có nhà nước Việt Nam phong kiến, các nhà nước ở những vùng địa lý khác nhau, vào những thời điểm khác nhau đã từng ban hành chính sách hồi tỵ.
Hình ảnh quan lại nhà Nguyễn. Ảnh: Wikipedia.
1. “Hồi tỵ” là gì?
hay t
Hồi tỵ (chữ Hán: 迴避 hoặc 回避 – tiếng Anh: rule of avoidance) nguyên nghĩa là: tránh né, lánh đi. Như vậy, hồi tỵ có thể hiểu  trong bối cảnh này là quy tắc tránh việc quan lại trở về chốn xuất thân làm quan. Với ý nghĩa ban đầu như vậy, sau này được bổ sung thêm, theo đó chính sách hồi tỵ ngoài việc không cho phép quan lại địa phương làm quan ở quê hương, còn cấm họ làm quan ở nơi có bà con là thuộc liêu (quan cấp dưới), hoặc nơi có gia đình nhà vợ, người thân trong gia tộc.
Luật hồi tỵ đối với quan lại có những biến thể khác nhau ở từng thời kỳ, tại từng quốc gia khác nhau. Nhưng nhìn chung, tinh thần xuyên suốt của hồi tỵ là để ngăn ngừa tham nhũng, kéo bè kết cánh theo dòng tộc thân thuộc của quan chức địa phương, giúp chính quyền trung ương tập quyền kiểm soát được quyền lực. 2. Xuất xứ từ Trung Quốc
Chính sách Hồi tỵ xuất hiện lần đầu tiên và sớm nhất ở Trung Quốc vào thời nhà Tùy (581-619), và tiếp tục được phát triển ở các triều đại tiếp theo cho đến thời nhà Thanh.
Theo đó, quan lại không được phép làm quan tại quê hương của mình để gia đình và bạn bè không thể ảnh hưởng đến công việc của họ. Thời hạn làm quan tại một địa phương chỉ kéo dài từ 3-4 năm, sau đó họ sẽ được luân chuyển đi nơi khác nhậm chức. Cha mẹ và con trên 15 tuổi không được đi theo.
Như vậy, các quan lại khi được bổ nhiệm về các địa phương, họ hoàn toàn xa lạ với cư dân và môi trường ở đó. Vì thế, tình trạng thiên vị thân hữu sẽ không xảy ra, đảm bảo công bằng, minh bạch.
3. Hồi tỵ ở Ấn Độ
Vào khoảng thế kỷ 16, ở vùng đất nay thuộc Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan, đế chế Mughal (Mongol) do Akbar đại đế thống trị cũng đã từng xuất hiện hệ thống tương tự “hồi tỵ”.
Hệ thống này nhằm đảm bảo nhà nước được vận hành trôi chảy và ngăn chặn nguy cơ tham nhũng. Quan lại không được giữ chức quá lâu để tránh thâu tóm quyền lực ở địa phương và trở nên uy vọng hơn Hoàng đế. Sau một khoảng thời gian nhất định, các quan chức sẽ được điều chuyển và thẩm quyền sẽ được luân chuyển thường xuyên. Việc vận hành hệ thống này dưới thời vua Akba đã giúp ngăn ngừa tham nhũng và sự thiên vị. Tuy nhiên, cách làm này đã bị các hoàng đế thế hệ sau lãng quên.
4. Hồi tỵ dưới thời vua Lê Thánh Tông
Ở Việt Nam, chính sách hồi tỵ được ban bố lần đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông (trị vì từ 1460 đến 1497) trong một nỗ lực cải cách hành chính và quan chế của ông. Dựa trên những kinh nghiệm trị quốc sau 26 năm đầu cầm quyền, Lê Thánh Tông đã ban bố những chiếu, lệnh về hồi tỵ, xây dựng chính sách này ngày một hoàn thiện trong 11 năm sau đó.
Đối tượng áp dụng của chính sách hồi tỵ dưới thời Lê Thánh Tông là các vị quan đứng đầu bộ máy chính quyền dân sự và quân sự địa phương. Quan trọng nhất là cấp cơ sở –  quan xã, những người dễ dàng bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ gia đình, gia tộc, không thể giữ được sự công tâm, khách quan trong công việc.
Về cơ bản, quan lại thời Lê sơ không được bổ nhiệm về cai trị huyện hoặc tỉnh mà người đó xuất thân hoặc có họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo. Họ cũng không được lấy vợ hoặc thiếp có xuất thân từ địa phương mình đang nhiệm sở và không được tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng.
Tuy nhiên, do không được pháp điển hóa thành luật nên chính sách hồi tỵ dần mai một và bị quên lãng. Chỉ đến thời Nguyễn, chính sách này mới được vua Minh Mạng khôi phục lại và hoàn thiện thêm.
5. Hồi tỵ dưới thời vua Minh Mạng
Luật Hồi tỵ được ban hành dưới thời vua Minh Mạng (trị vì từ 1820 đến 1841) vào năm 1831 và được sửa đổi bổ sung vào năm 1836. Kế thừa những tư tưởng tiến bộ của Lê Thánh Tông, luật hồi tỵ được vua Minh Mạng bổ sung, mở rộng phạm vi áp dụng với những quy định nghiêm ngặt hơn. Một số nội dung chính có thể kể đến:
– Quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản.
– Quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc.
– Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở.
– Các lại dịch nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác.
– Các quan lại không được làm quan ở nơi trú quán (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi.
– Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình.
– Các lại mục, thông lại các nha thuộc các phủ huyện là người cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác.
– Các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về kinh đô chầu được dự đình nghị, song khi trong các cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa phương mà mình nhậm trị thì không được vào dự.
– Các khảo quan (coi thi, chấm thi) có người thân thích dự thi ở trường mình thì phải báo lên cấp trên để tránh đi. Nếu cố tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái.
– Các quan thanh tra, xét xử thấy trong vụ án, vụ điều tra có người thân quen của mình (bà con nội, ngoại, bạn thân…) đều phải khai báo và hồi tỵ ngay.
Sau này, vua Thiệu Trị còn quy định thêm: Cấm quan đầu tỉnh lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình vợ nhũng nhiễu; cấm các quan tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan hiếp dân để được mua rẻ; cấm tư giao với đàn bà con gái trong trị hạt; cấm các quan lại đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh.
Dạ Lãm, tổng hợp từ:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét