Kinh tế Cuba hồi phục sau cuộc
khủng hoảng bắt đầu năm 1990 do mất sự trợ giúp từ Xô Viết. Tuy nhiên,
kinh tế tăng trưởng với tốc độ chậm. Cuba đổ lỗi cho lệnh cấm vận của Mỹ
và chương trình kế hoạch hóa tập trung.
Năm 2010, ông Raul Castro bắt đầu mở cửa nền kinh tế trở lại theo hướng tự do hóa thị trường hơn.
Các nguồn thu nhập chính của Cuba đến từ
việc xuất khẩu dịch vụ y tế sang Venezuela, du lịch, đường, nickel,
thuốc lá, xì gà, cà phê, và dược phẩm.
Tháng 12/2014, Tổng thống Mỹ Barrack
Obama tuyên bố Mỹ sẽ khôi phục quan hệ ngoại giao với chính quyền Havana
và sẽ tiến tới bình thường hóa quan hệ hoàn toàn. Kể từ đó, Mỹ đã nới
lỏng các kiểm soát về thương mại và du lịch, và nhiều thỏa thuận kinh
doanh đã được ký kết, tạo ra hy vọng kinh tế Cuba sẽ tăng trưởng nhanh
hơn.
Tờ Financial Times vừa đưa ra một vài
con số thống kê thú vị về kinh tế Cuba – quốc đảo lớn nhất tại Carribe
với diện tích 111.000 km vuông và dân số hơn 11 triệu người này.
- Đổi thuốc men lấy dầu từ Venezuela
Sau khi Liên Xô tan rã những năm 1990,
Venezuela trở thành nước viện trợ chính cho Cuba. Trong 15 năm qua, mỗi
ngày Cuba nhận gần 100.000 thùng dầu từ Venezuela đáp ứng một nửa nhu
cầu năng lượng của nước này. Đổi lại, Cuba cung cấp thuốc men và các
dịch vụ y tế cho Venezuela.
Kinh tế Cuba cũng nhận được nhiều sự trợ
giúp từ các nước xã hội chủ nghĩa khác. Mới đây, Tổng thống Nga
Vladimir Putin đã xóa khoản nợ 32 tỷ USD từ thời Xô Viết cho Cuba.
- GDP chính thức đạt 5.539 USD/người, nhưng người dân chỉ mang về nhà 20 USD/tháng
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP
bình quân đầu người của Cuba đạt 5.539 USD. Nhưng đây là con số dựa
trên mức tỷ giá phi thực tế.
Cuba đang sử dụng song song 2 đồng tiền,
gây bất tiện cho người dân. Đồng CUP được chính phủ sử dụng để trả
lương cho công chức, và đây cũng là đồng tiền người dân chỉ sử dụng để
mua một số hàng hóa theo sổ mua hàng bao cấp. Một đồng tiền khác là đồng
CUC được sử dụng để mua bán hầu hết các loại hàng hóa ở siêu thị, cửa
hàng, và thanh toán cho các dịch vụ khác.
Đồng CUC có giá trị tương đương với đồng
USD, trong khi 24 CUP mới đổi được 1 USD. Một tính toán của Viện
Brookings (Mỹ) cho thấy khoảng 40% người dân lao động Cuba thuộc nhóm có
thu nhập trung bình và mức lương họ nhận được từ Chính phủ là rất thấp
nếu quy đổi ra đồng CUC.
- Chưa đến 5% người dân được tiếp cận Internet
Nằm ngay cạnh Mỹ nhưng Cuba lại là một
trong những quốc gia khó kết nối Internet nhất thế giới. Cho đến
tận tháng 7/2015, chỉ những người làm việc trong Chính phủ mới có thể
kết nối mạng. Chi phí để truy cập Internet bên ngoài lên tới hơn 4
USD/giờ, tương đương khoảng 91.000 đồng/giờ.
Du khách tới Cuba có thể sẽ gặp
khó trong việc truy cập Internet. Dù hầu hết các khách sạn lớn
tại đều đã có mạng WiFi tính phí, nhưng tốc độ kết nối giảm
chậm do nhiều người sử dụng.
- 90% người dân có nhà riêng
Tỷ lệ sở hữu nhà riêng của người Cuba ở
mức cao nhờ chính sách cải cách kinh tế của Chủ tịch Raul Castro sau khi
lên nắm quyền thay người anh trai Fidel Castro. Ông Raul đã từng bước
đưa cơ chế thị trường vào trong nền kinh tế.
Người dân Cuba giờ đây đã được phép mua
bán nhà cửa, ngoài ra còn có thể kinh doanh nhỏ lẻ, sở hữu điện thoại di
động, mua bán xe hơi.
- Quan hệ kinh tế với Mỹ ấm lên
Quan hệ giữa Cuba và Mỹ đã ấm dần lên
dưới thời Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro. Các doanh nghiệp Mỹ
giờ đây có thể cung cấp cho Cuba các dịch vụ Internet và viễn thông,
đồng thời giao thương với khu vực kinh tế tư nhân mới nổi của Cuba.
Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng công
dân Mỹ đi du lịch ở Cuba sẽ phải chịu ít quy định hơn, và có thể mang về
từ Cuba số hàng hóa trị giá 400 USD. Trong số hàng hóa này, người Mỹ
thường mang về xì gà và rượu rum với giá trị khoảng 100 USD.
- Người Mỹ gốc Cuba chủ yếu sống tại bang Florida và Miami
Có một lượng lớn người Cuba sống ở bang Florida – nơi có dân số đông và ảnh hưởng khá lớn đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.
Hơn 2/3 trong số 2 triệu người Cuba và
người Mỹ gốc Cuba đang ở Mỹ sống tại bang Florida, trong khi 18% người
dân Miami là người Cuba hoặc gốc Cuba.
Hạo Nhân tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét