27 thg 12, 2016

FM974:Uganda: Cuối Cùng Người Abayudaya Do Thái Giáo Ở Mbale Đã Dựng Lại Giáo Đường



Radio FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 26/12/2016

    Dưới cái nắng nung người của trời Phi châu, người đàn ông tên Seth Yonadav, thản nhiên, bước từng bước một, trên con đường đất mòn đầy bụi, vui cười đưa tay chỉ về hướng đám thiếu niên mặc áo vải sợi trắng mỏng, đứng tụ tập trước cái giáo đường Do Thái giáo vừa mới cất xong.   
   
 Nằm khiêm nhượng trên ngọn đồi cao, giáo đường phơi mình như một vương miện giữa các trường học và mấy dãy nhà bao quanh, tất cả được làm chủ và điều hành bởi cộng đồng người Ugandan theo Do Thái giáo nhỏ bé tại thôn ấp hẻo lánh Mbale, những người có mặt ở vùng này hơn một thế kỷ trước đây. Phần lớn giáo đường được xây lên do sự tài trợ tài chánh từ những người dân Mỹ, được coi là biểu tượng hãnh diện cho nhóm chừng hơn vài trăm người Ugandan Do Thái giáo, có tên gọi là nhóm Abayudaya theo tiếng địa phương, những tín đồ, dù yếu thế vẫn giữ vững lòng tin của mình, bất chấp mọi  kỳ thị và thiên kiến, mà họ đã phải đau khổ chịu đựng từ nhiều năm qua tại một quốc gia phần lớn theo đạo Tin lành. Cộng đồng Abayudaya, tiếp tục tìm cách có được sự công nhận chánh thức từ Do Thái, tổ chức Jewish Agency, một tổ chức phi lợi nhuận, làm việc chặt chẽ với chính quyền, phục vụ cho quyền lợi của người Do Thái giáo trên khắp thế giới, đã tuyên bố nhìn nhận nhóm Abayudaya này từ năm 2009, theo lời của ông Yonadav, 42 tuổi, một giáo viên, người được xem là quản gia trông coi giáo đường nói rằng, rất nhiều người dân đến nơi này học và theo đạo, hiện đã có 50 người trở thành tín đồ của Do Thái giáo trong một năm qua.

    Yanadav nhớ lại những ngày của năm 2013, mỗi khi đám đông tụ tập đông nghẹt tại cái giáo đường cũ, dựng tạm bợ gần làng, người của cộng đồng Abayudaya bắt đầu nó với nhau giấc mơ sẽ có một nơi thờ phượng mới, tốt đẹp hơn với đầy đủ lễ tắm theo nghi lễ Do Thái giáo đúng tập tục. Người trưởng nhóm, ông Gershom Sizomu, một giáo sĩ Do Thái giáo, được huấn luyện ở Mỹ, đã đắc cử chức vụ dân biểu ở quốc hội Uganda, bắt đầu vận động quyên tiền với những người bạn mà ộng quen ở ngoại quốc, ngôi giáo đường mới được đặt tên là giáo đường “Sue And Ralph Stern”, tên của vợ chồng một người Mỹ Do Thái giáo ở California, vì đã có lòng đóng góp số tiền lớn 300 ngàn đô la cho việc xây cất. Sizomu, được xem là, người Do Thái đầu tiên thắng ghế dân biểu quốc hội ở Uganda, theo ông ta sự đắc cử này là dấu hiệu cho thấy nhóm người Do Thái giáo Abayudaya, cuối cùng đã đang được chấp nhận bởi một cộng đồng bộ lạc lúc nào cũng nghi kỵ nhau. Vào những năm 1970, nhà độc tài Idi Amin, liệt nhóm này là một phần tử bất hợp pháp, sống ngoài vòng luật lệ, từ đó dân số của nhóm này co cụm lại, không hơn vài trăm, trong những năm 1980 sau đó, bạo động do xúi giục và hậu thuẩn từ chính quyền Uganda, thời bấy giờ, đã xảy ra nhiều vụ bạo động, mưu toan chiếm giựt phần đất nơi giáo đường vừa mới xây lên.

    Hôm nay cái cộng đồng nhỏ nhoi chừng 2000 người đó đang tận hưởng nổi vui mừng mới có, tại đây, bên cạnh giáo đường, họ có một trung tâm y tế, hai trường học, một chỗ dạy làm bánh cho phụ nữ, một nhân viên xã hội và gian nhà tiếp khách. Ít nhất, qua kết quả này, gián tiếp người Ugandan Do Thái giáo đã được người láng giềng Tin Lành và Hồi giáo đối xử một cách bình đẳng và tương kính. Cộng đồng Abayudaya được lập nên bởi một người sĩ quan quân dội Ugandan, Semei Kakungulu, chuyển từ Tin Lành qua Do Thái giáo vào đầu thế kỷ 20, và có nhiều người theo sau đó, khi ông này chết năm 1928, ông để lại một khu đất lớn để người Abayudaya làm nơi xây cất chỗ thờ phượng, ông Sizomu hiện là người lãnh đạo tinh thần và có quyền kiểm soát hợp pháp trên mọi thứ tài sản thuộc nhóm đạo này. Hầu hết người của nhóm Abayudaya, có cả ông Sizomu và thầy giáo Yanadav sinh ra trong những gia đình theo tập tục người Ju- Đa, nên họ phải có bổn phận nuôi nấng con cái theo mô thức và phương cách của người Do Thái giáo. Không giống các nhóm đạo Tin lành, thường rao giảng cho người theo đạo mình một cách rộng rải, dễ dàng khắp các nơi ở Uganda, nhóm Do Thái giáo Abayudaya, bảo thủ và nghiêm khắc hơn, người muốn chuyển đạo hay mới vào đạo phải trải qua một số thủ tục rườm rà, khó khăn cho nên, tới năm nay, chưa có người nào.

    Jacob Mulabi, anh chàng học sinh 18 tuổi, không theo đạo Tin lành của gia đình mà chuyển qua Do Thái giáo, nói rằng anh đã phải bỏ học và cảm thấy không còn hy vọng nếu không quyết định, sống như những người Do Thái giáo láng giềng và các người bạn thân của mình, năm 2014, Mulabi là một học sinh được cấp học bổng tại một trong hai trường của nhóm Abayudaya, nơi trường học có các khung cửa song sắt hình ngôi sao David và văn hóa đời sống của người Do Thái được giảng dạy. Một buổi sáng mới đây, giáo viên Judith Horowitz từ Philadelphia, Mỹ, là một trong số mười người, tụ họp cầu nguyện chung bên trong cái giáo đường mới, sau đó khi những người Abayudaya cởi bỏ áo choàng đi ra ngoài, thì Horowitz vui cười cho biết, đây là một điều thích thú nhất trong đời mà ông chưa từng có khi được cầu nguyện với họ. Horowitz, một người theo nhánh Do Thái Cải Cách, nói rằng, cô đọc nhiều tài liệu về nhóm Abayudaya, nên đã cùng người bạn từ Boston, Mỹ, bàn nhau và quyết định đi Uganda cho bằng được. Theo cô, ngôi giáo đường mới, không rộng lớn, giản dị nhưng tuyệt dịu và rất vui sướng thấy được những tín đồ Abayudaya này có cùng một lòng tin Do Thái giáo như mình.

    Tháng ba, tổ chức Jewish Agency thông báo, nhóm Abayudaya Do Thái giáo đã được cộng đồng người Do Thái công nhận là một phần của họ nhưng bộ Nội vụ Do Thái, bộ chịu trách nhiệm về chính sách di trú và có thẩm quyền công nhận chánh thức, chưa có quyết định về tư cách tôn giáo của nhóm Abayudaya vì, họ chưa bao giờ yêu cầu, theo ông, sự việc này, trên thực tế, hết sức phức tạp. Theo lời của giáo sĩ Sizomu, mặc dù bất cứ người Do Thái nào cũng được quyền có quốc tịch Do Thái theo luật di trú nước này nhưng di dân tới nước này là chuyện nằm ngoài kế hoạch của nhóm Abayudaya, được công nhận người Do Thái giáo là một sự bảo đảm mà họ có, từ đó họ, người Do Thái giáo Abayudaya sẽ trở thành một phần của cái cộng đồng Do Thái rộng lớn trên thế giới và cũng là một thứ đặc quyền, bất cứ nơi nào có người Do Thái thì người Abayudaya sẽ được thân ái chào đón.

    Việc công nhận nhóm người Do Thái giáo Abayudaya, nếu có, sẽ bảo vệ họ tránh được những áp chế bất công mà họ phải chịu đựng từ những năm 1970, khi nhà độc tài Idi Amin ra lệnh đàn áp, ngăn cấm việc hành đạo và tuyên bố là tổ chức tôn giáo sống ngoài luật pháp, theo lời ông Joab Jonadad, xã trưởng xã Mbale, trong thời kỳ Idi Amin cai trị, quân lính Ugandan đã đập phá tất cả các giáo đường của nhóm Abayudaya, tống giam những người già cả hành đạo vào tù, tra khảo và giết chết không cần cho biết lý do. Cộng đồng Do Thái giáo lẻ loi Abayudaya hy vọng, chuyến viếng thăm lần này của thủ tướng Do Thái tới Uganda sẽ cải thiện sự liên hệ với các phần còn lại của thế giới Do Thái giáo. Năm rồi, tổ chức Jewish Agency công nhận cộng đồng này và chờ đợi những điều lệ hạn chế về tôn giáo sẽ được hủy bỏ, để nhờ đó, nhóm người Abayudaya được đến học tập cũng như cầu nguyện ở Do Thái,  trước khi có chuyến đi của thủ tướng Netanyahu tới Uganda, một giáo sĩ Do Thái thông báo cho nhóm này rằng, bộ nội vụ đã chánh thức công nhận người Abayudaya như là người Do Thái.

    Tổng thống hiện tại của Uganda, ông Yoweri Museveni, cho áp dụng nhiều chính sách thân thiện và cởi mở đối với người Do Thái, tuy vậy, theo lời giáo sĩ Gershom, người lãnh đạo cộng đồng Abayudaya, cũng còn lo ngại một khi nói rằng “ sẽ không an toàn cho người của ông sinh sống như là một nhóm Do Thái ít ỏi và cô lập trên vùng trung tâm châu Phi này,cho nên, sự công nhận bởi chính phủ Do Thái mang một ý nghĩa to lớn đối với họ, nếu có chuyện gì không lành xảy ra cho người Ugandan Do Thái giáo thì cả thế giới sẽ biết tới”.



Thuyên Huy

Mon 26.12.2016

   
   
   

   







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét