23 thg 12, 2016

Nushu – Ngôn ngữ bí ẩn và độc quyền duy nhất của phái yếu trên thế giới

Nushu là một hệ chữ viết tượng thanh âm tiết, do phái nữ sáng tạo ra, được bảo mật và chỉ dành riêng cho họ. Với những nét chữ uốn lượn lịch lãm và độc đáo, ngôn ngữ bí mật Nushu này đã giúp cho không biết bao nhiêu thế hệ người Dao ở Trung Quốc và các nước lân cận có thể trao đổi thông tin với nhau trong điều kiện không được học chữ, không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Cho đến nay, nguồn gốc và thời điểm ra đời của ngôn ngữ Nushu vẫn chưa được xác định. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nó bắt đầu từ thế kỷ thứ 3 sau công lịch, thời kỳ mà chính quyền Trung Quốc cấm phụ nữ đi học. Những hủ tục như sắp xếp hôn nhân hay bó chân cũng ngăn cản nhiều cô gái đi xa khỏi quê hương của họ. Nushu được cho là bắt nguồn từ tục lệ “chị em kết nghĩa”. Những người phụ nữ nguyện suốt đời gắn bó với nhau dùng ngôn ngữ bí mật này để viết về những nỗi khổ đau và niềm thương nhớ khi phải đi lấy chồng xa, cách mặt với gia đình và chị em. Một câu thường được viết đi viết lại nhiều lần trong ngôn ngữ Nushu là: “Bên cạnh giếng nước thì người ta không biết khát, bên cạnh chị em thì người ta không biết khổ đau”. Ngôn ngữ Nushu còn được dùng để ghi lại những điều tâm sự riêng tư của nữ giới mà nam giới không thể hiểu được.


Nushu thường được thêu trên trang phục
Được cho là một loại chữ viết cổ bí ẩn được tạo ra và độc quyền dùng cho phụ nữ, Nushu được mẹ truyền cho con gái và chỉ có những người phụ nữ được truyền mới có thể hiểu được ngôn ngữ này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Nushu bắt nguồn từ tiếng thổ ngữ của người Dao thuộc Khu Tự trị người Choang. Hình thức của ngôn ngữ này trông giống như tiếng Trung, nhưng mỗi chữ chỉ đại diện một âm đơn lẻ, tựa như các chữ cái trong hệ thống ngôn ngữ Roman, chứ không có tính tượng hình như trong tiếng Trung. Nushu thường được thêu trên trang phục, xen lẫn với các họa tiết đặc trưng của dân tộc, nên nó tồn tại qua nhiều thế hệ mà không được phát hiện.

Nushu thường được thêu trên trang phục, xen lẫn với các họa tiết đặc trưng của dân tộc
Theo một số nghiên cứu được công bố, ngôn ngữ Nushu có thể được hình thành trong bối cảnh cuộc sống của người phụ nữ vùng Giang Vĩnh, tỉnh Hồ Nam (miền Nam Trung Quốc), bắt đầu bó chân từ năm lên 7 tuổi, quanh năm chỉ sống trong phòng dành riêng cho con gái khi còn nhỏ, lớn lên cũng chỉ ở trong nhà chồng. Công việc chính của họ là may vá, thêu thùa quần áo cho cả gia đình. Để đỡ buồn chán và hỗ trợ nhau, các cô gái trẻ thường tụ tập kết giao với nhau từ nhỏ cho đến khi lấy chồng. Trong nhóm nhỏ đó thì mỗi cô gái lại có một người gọi là chị em kết nghĩa. Tình cảm chị em kết nghĩa này hết sức nghiêm túc, được cộng đồng công nhận và kéo dài cho đến cuối đời của người phụ nữ. Các cặp chị em kết nghĩa này có nhiều điểm giống nhau ví dụ như cùng sinh một ngày, có khuôn mặt giống nhau và chiều cao như nhau. Chị em kết nghĩa chia sẻ, gắn bó và giúp đỡ về mặt tình cho nhau cho đến cuối đời. Những người phụ nữ sẽ chôn các đồ vật có chứa ký tự Nushu theo các bà bạn khi họ qua đời.


Đến khoảng giữa những năm 1960, có một người phụ nữ Dao bị ngất tại một ga tàu trong thành phố. Cảnh sát Trung quốc tìm thấy người phụ nữ này có mang theo một mảnh giấy có in chữ Nushu, thoạt trông rất nghi ngờ vì nó là một ngôn ngữ bí mật. Lúc này đang là cao trào của cách mạng văn hóa ở Trung quốc, nên người phụ nữ này bị bắt giam vì tình nghi là gián điệp. Chính quyền Trung quốc đã cho giải mã ngôn ngữ này. Nực cười thay, chính những người tham gia chiến dịch đã bị đưa đi trại lao động sau khi giải mã thành công ngôn ngữ Nushu, vì chính quyền không muốn để lộ bí mật về ngôn ngữ này ra ngoài.
Cuối cùng, bí mật về ngôn ngữ này cũng được hé lộ vào những năm 1980 bởi một học giả người Mỹ gốc Hoa tên là Lisa See. Khi đang nghiên cứu về tục bó chân của phụ nữ, tình cờ học giả này phát hiện ra có một ngôn ngữ riêng của họ. Lần từ dấu vết này, người ta đã khám phá ra cả một nền văn hóa riêng của dân tộc Dao. Sau đó, Lisa See đã viết truyện Hoa Tuyết và Chiếc Quạt Bí Mật, sau đó được bà Wendy Deng chuyển thành phim năm 2011.
Nushu 6
Cuối tháng 4 năm 2004, các nhà lưu trữ Trung Quốc công bố một bộ sưu tầm quý hiếm những đồ vật mang đặc trưng của Nushu. Triển lãm diễn ra tại khu tự trị Choang, Quảng Tây, là một phần trong những nỗ lực nằm nhận diện và bảo tồn thứ ngôn ngữ mà nhiều học giả lo ngại là đang ở bờ tuyệt chủng. Orie Endo – giáo sư về ngôn ngữ xã hội tại Đại học Bunkyo, Nhật Bản, người được xem là chuyên gia đầu tiên của thế giới về Nushu – cho rằng Nushu bắt nguồn từ một tập quán có tên gọi Jiebai Zimei, hay “hội phụ nữ chí cốt” trong các vùng Daoxian, Jianghua, Jiangyong, và Yongjiang. Endo cho rằng có thể kiểu chữ Nushu được gợi ý từ những mẫu hoa văn thêu thùa. Rất nhiều đồ vật trong triển lãm sẽ phản ánh ý tưởng này, trong đó có các tạp dề, túi xách, khăn tay và khăn quàng có thêu các ký tự Nushu.
“Chúng tôi đã sưu tầm được 300 đồ vật mang theo thứ ngôn ngữ hiếm hoi này trong 5 chuyến đi tới hạt Yongjiang, nơi ra đời của thứ ngôn ngữ chỉ dành cho phái yếu hồi năm ngoái”, Liu Gening, một trong những nhà sưu tầm, cho biết.
“Chiếc cổ nhất trong số chúng có từ cuối triều Thanh, vào đầu những năm 1900, và vật gần đây nhất là từ những năm 1960-1970”. Cũng theo Liu, Nushu hiện vẫn còn được sử dụng, nhưng chỉ ở một vài cụ bà hiếm hoi sống trong các vùng nông thôn xa xôi.
Nushu 8 Nushu 9
Một trong những người phụ nữ cuối cùng biết ngôn ngữ Nushu bí ẩn.

Một vài nhà ngôn ngữ châu Á hy vọng sẽ bảo tồn được ngôn ngữ này thông qua sách vở, giáo dục và những nỗ lực tiếp theo, nhằm duy trì thứ ngôn ngữ được xem là chữ viết độc quyền duy nhất của phái yếu trên thế giới.
Ngày nay, con gái người dân tộc Dao cũng học chữ Hoa như con trai, nên ngôn ngữ Nushu bị mất đi giá trị sử dụng và đang dần dần biến mất. Người ta cho rằng chỉ còn khoảng 10 phụ nữ Dao cao tuổi hiện có thể viết Nushu một cách thành thạo.
Tuấn Khanh tổng hợp

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét