18 thg 12, 2016

CON VỊT Và CON VẸT - HÙNG TÂM / NGƯỜI VIỆT

Tại sao truyền thông lầm về tâm lý quần chúng trong các cuộc bỏ phiếu vừa qua?
Giới truyền thông rồi các học giả đã đoán sai kết quả bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ sau khi đoán sai nhiều cuộc trưng cầu dân ý khác tại Anh Quốc, Colombia và ngay tại Ý vào tuần qua.
Một tháng sau cuộc bầu cử tại Mỹ, người ta tìm hiểu nguyên nhân và tranh luận, rồi nói đến khái niệm “post-truth.” Từ điển Oxford English Dictionary gọi đó là “Từ Quốc Tế Trong Năm,” International Word of the Year, và nếu gõ lên Google thì thấy có 240 triệu lần nhắc đến từ đó.
Chúng ta có thể tạm dịch là “hậu chân tướng” hay “hậu chân lý” để nói về hiện tượng lầm lạc chính trị căn cứ trên những điều sai cứ được trình bày như sự thật. Sau đó mới thấy ra sự thật khác, nhưng lại tranh luận tiếp rằng ai đưa ra những điều sai lạc ấy, trong mục đích gì? Thí dụ nóng hổi là những “tin ngụy tạo” – fake news – và việc chính giới Hoa Kỳ, từ Tổng Thống Barack Obama trở đi, đòi điều tra xem Liên Bang Nga can thiệp thế nào vào cuộc tranh cử Tổng thống năm nay, khi hai cơ quan hữu trách là CIA và FBI lại không có cùng một quan điểm.
Hồ sơ Người Việt tìm hiểu hiện tượng lầm lạc này, nhưng từ một góc độ khác, để giúp quý độc giả và cả giới bình luận!
Thuật quỷ biển
Chẳng biết vì sao và từ đâu, người Việt Nam chúng ta đã có chữ “tin vịt” để nói về loại tin tức không có thật. Năm nay người ta mới có chữ post-truth và fake news đang thành thông dụng, nhưng tìm hiểu kỹ thì mới thấy người mình hình như tinh quái hơn khi có chữ “tin vịt.”
Hình như từ “post-truth” được tác giả Ralph Keyes dùng lần đầu vào năm 2004 trong cuốn sách tựa đề là “Post-Truth Era,” sau đó David Roberts nói về “post-truth politics” vào năm 2010, là hiện tượng lầm lạc chính trị vì tin vịt. Thật ra, truyền thông Tây phương đã có một từ thông dụng là “meme” do một nhà khoa học về sự chuyển hóa sinh ly Richard Dawkins phát minh vào năm 1976.
Xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ “mimema,” chữ meme hàm ý là điều bắt chước, từ trên đưa ra cho dưới học theo (giả dụ như cha truyền con nối, thầy dậy trò nghe) hay phát triển theo chiều ngang, qua truyền thông hay phim ảnh cho đại chúng cùng xem và tin. Ông Dawkins nói đến hiện tượng di truyền như trong sinh lý học: cơ thể tiếp nhận các chủng tử hay “gene” thì trí não cũng có thể tiếp nhận thông tin và bị ảnh hưởng. Nếu là thông tin sai lạc thì suy nghĩ lầm lạc và có hành động hay chính sách sai quấy! Hiện tượng “post-truth” đang gây sôi nổi chỉ là một “meme” mới, một con vịt mới.
Về chính trị thì con vịt này nguy hiểm khi nó được các con vẹt lưu truyền tiếp. Truyền thông con vẹt gây họa cho chúng ta mà mình không biết!
Đã nói đến một từ cổ Hy Lạp thì ta không quên rằng trong nếp văn hóa chính trị Trung Hoa, người ta có từ “thuật quỷ biển” là nghệ thuật quỷ quái biển lận nhằm gây lầm lạc cho đối thủ, lầm về ta và lầm về địch! Giới nghiên cứu chính trị Hoa Kỳ đã dịch từ này thành “perception management,” trong ý nghĩa là “nghệ thuật gây ấn tượng.” Với phương pháp thông tin đại chúng phát triển rất nhanh và nhờ kỹ thuật hiện đại, như qua Twitter, Face Book hay mạng xã hội, người ta có thể là nạn nhân của “thuật quỷ biển,” ấn tượng bị quản lý mà không hay!
Khi tranh luận về hiện tượng “post-truth,” người ta cho rằng Donald Trump đắc cử tổng thống là do thuật quỷ biển của đối phương!
Từ lằn ranh tả hữu qua lãnh vực văn hóa
Chẳng lẽ truyền thông và giới an ninh Hoa Kỳ lại bị lầm lạc tới mức đó sao? Hình như sự thể nó phức tạp hơn vậy.
Từ nhiều năm nay, giới hướng dẫn dư luận là truyền thông báo chí, các học giả và thầy cô trong trường, v.v… đã hiểu sai hay tiên đoán lầm một số kết quả bỏ phiếu tại nhiều nơi trên thế giới và gây lúng túng cho giới lãnh đạo chính trị. Ở đây, ta chỉ nói về cuộc đầu phiếu tự do của các chế độ tương đối dân chủ, như bầu cử năm 2015 hoặc trưng cầu dân ý tại Anh ngày 23 Tháng Sáu, tại Colombia ngày hai Tháng Mười, hay tại Ý vào tuần qua. Đấy là bối cảnh chung.
Riêng tại Hoa Kỳ thì kết quả tranh cử tổng thống đã gây chú ý vì trái ngược với đa số dự đoán hay bình luận. Sau đấy, giới quan sát mới tìm hiểu hoặc tranh luận về nguyên nhân lầm lạc.
Mời độc giả xem video: Putin cho hay sẵn sàng gặp Trump “bất cứ lúc nào”
Thí dụ từ cánh hữu, bên đảng Cộng Hòa, người ta cho rằng xã hội Hoa Kỳ đã đổi thay từ vài chục năm nay, từ 1960 hay 1980, khiến một thiểu số ưu tú da trắng tách dần khỏi quần chúng và nhóm đại gia giàu nhất, khoảng 3-5% dân số, tự cô lập và hết quan tâm đến số phận của 30% dân chúng bần cùng nhất ở dưới. Chẳng những vậy, thiểu số giàu sang và có học ấy lại đề cao nếp văn hóa lạc quan, phóng túng và thậm chí lố bịch như thường thấy trong phim ảnh.
Từ cánh tả, bên đảng Dân Chủ, người ta tự kiểm điểm và thấy thiểu số ưu tú và phú quý, kể cả giới học giả và bình luận gia khét tiếng là tinh tường, không đánh giá tầm quan trọng của yếu tố vô thức, hay tiềm thức quần chúng. Tiềm thức ấy là bản năng chính trị, có ảnh hưởng còn cao hơn cái “ngã” hay tính chất siêu ngã trong tâm lý con người. Vì đánh giá sai tâm lý quần chúng, người ta mới kinh ngạc về kết quả bỏ phiếu.
Khi ráp lại hai cách giải thích khách quan này thì chúng ta có thể nghĩ tiếp, rằng quần chúng ở dưới cho là giới thượng lưu ở trên sống dư thừa mà sa đọa, và sở dĩ như vậy là vì… họ xem phim của Hollywood và đọc báo lá cải về đời tư của minh tinh màn bạc hay danh tài thể thao. Cũng vì xem phim, không về tài phiệt Wall Street tham lam và vô tình hay về các mưu hiểm của điệp viên CIA chống lại chính quyền, mà về đám Mỹ ruộng bệnh hoạn và hiếu sát, nhiều người còn tin rằng thành phần bỏ phiếu cho Donald Trump là đám da trắng thất học, có tính kỳ thị và ưa thích bạo động.
Không phải là mọi nghệ sĩ hay lực sĩ giàu có đều đồi trụy như vậy, và đám da trắng sùng đạo không đòi đưa người khác lên giàn hỏa thiêu, nhưng ấn tượng này đã có trong tâm lý của nhiều người và nó chi phối quyết định bỏ phiếu trong khi báo chí lại chẳng nhìn ra.
Sự thật chình ình trước mắt là xã hội Hoa Kỳ đang bị khủng hoảng về văn hóa vì một số giá trị truyền thống đã tạo ra sức mạnh cho nước Mỹ lại bị nhiều người bỏ rơi, thậm chí khinh miệt. Với một số người tự nghĩ là tiến bộ thì tinh thần ái quốc – với biểu tượng là quốc kỳ – hoặc tinh thần sùng chuộng tín ngưỡng và kỷ cương gia đình, là biểu tượng lạc hậu, mê tín. Đám người “mê tín” và “vô học” tại các tiểu bang bị lãng quên đã bỏ phiếu và gây bất ngờ cho các tiều bang tiên tiến nhất ở ven biển.
Khổ nỗi là khi ấy những con vẹt lại suy luận tiếp rằng quần chúng dại dột tin vào tin vịt mà bỏ phiếu sai, có khi là tin vịt do các thế lực thù nghịch tung ra! Tức là ngay trong cách tìm hiểu, người ta lại có thể loan truyền tiếp nhiều luận cứ nhuốm mùi “meme.”
Chúng ta có thể tìm ra một cách giải thích khác khi theo dõi tin tức về cháy rừng! Trong trận hỏa hoạn, chính ngọn lửa bừng bừng đã gây ra sức hút làm bão lửa lan rộng với tốc độ cao. Nạn cháy rừng có thể là do kẻ gian đốt rừng mà cũng có thể là do nguyên nhân tự nhiên, nhưng khó trị vì quy luật vật lý hóa học. Báo chí có thể vô tình, nhưng là luồng dưỡng khí thổi bùng tin vịt như trong một đám cháy rừng. Bây giờ mới tìm xem ai là kẻ ném que diêm vào rừng!
Kết luận ở đây là gì?
Con vẹt mới đáng sợ hơn con vịt!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét