TTO -
Nhiều từ tiếng Pháp được Việt hóa và sử dụng rộng rãi ở nước ta. Nhưng
hiện nay, một số từ tiếng Pháp bị lạm dụng (một cách vô tình hoặc cố ý),
thậm chí dùng sai trong văn nói.
Minh họa Lap |
Dưới đây là những trường hợp thường gặp nhất:
1 Dụng cụ bấm kim được giới văn phòng gọi là a-graph. Thật ra, a-graph (agrafe) là kim bấm, còn dụng cụ bấm kim là a-grap-phơz (agrafeuse).
2 Thẻ đăng ký ôtô, môtô, xe máy được gọi một cách vắn tắt là cạc-vẹt hay cà-vẹt. Một số dịch vụ ép thẻ viết từ này trên bảng hiệu là “card vert”. Ở đây có hai nhầm lẫn về cách viết và về nghĩa của từ. Thứ nhất, cạc-vẹt hay cà-vẹt phải viết là carte verte (thẻ xanh).
Thứ hai, carte verte không phải là thẻ đăng ký xe có động cơ mà là giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới, ra đời ở châu Âu năm 1949 từ một thỏa ước quốc tế xác định trách nhiệm dân sự của chủ xe và công ty bảo hiểm. Tên đúng của thẻ đăng ký xe có động cơ là carte grise (thẻ xám).
3 Một nhầm lẫn tương tự về cách viết thường thấy trên bảng hiệu dịch vụ in ấn là dòng chữ “card visit”. Cách viết đúng là carte de visite (hoặc business cards, name cards, visiting cards nếu dùng tiếng Anh).
4 Bière glacée (bia ướp lạnh) thường được phát âm là “bia lát-xê”. Vì “lát-xê” na ná với “đét-xe” (dessert: món tráng miệng) nên có người thản nhiên gọi bia ướp lạnh là “bia đét-xe”. Tráng miệng bằng bia thì quả là tửu lượng có thể sánh ngang với Tiêu Phong đại hiệp trong Thiên long bát bộ.
5 Ốp-la và ốp-lét lần lượt là âm Việt hóa của món œuf au plat (hay œuf sur le plat) và omelette (trứng rán). Trong món œuf au plat, lòng đỏ trứng còn nguyên dạng, chưa chín hoàn toàn và được bao quanh bởi lòng trắng. Trong món omelette, lòng đỏ và lòng trắng được đánh đều và thêm gia vị trước khi rán chín. Việc không phân biệt hai món ăn này có thể gây ra hiểu lầm giữa người gọi món và người phục vụ.
6 Quả hồng xiêm thường được gọi là quả xa-pô-chê. Thật ra, xa-pô-chê (sapotier) là cây hồng xiêm, còn quả của nó là xa-pô-ti (sapotille). Nhà thơ Bàng Bá Lân (1912-1988) từng đề cập đến việc này trong đoản văn Vườn tược miền Nam.
7 Các văn bản hành chính thường được đánh số đi kèm với dấu gạch xéo (/) và các chữ cái. Trong tiếng Pháp, dấu gạch xéo này được đọc là “xuyệt” (sur: trên) giống như “xuyệt” trong cụm từ “tông xuyệt tông” (ton sur ton). Nhiều người đọc dấu này là “xẹt” và gây cảm giác là lạ. Tại sao ta không đọc dấu gạch xéo này là “trên”, giống như 2/3 được đọc là “hai trên ba”?
Trừ từ ốp-la còn có tranh luận trong việc chuyển nghĩa tiếng Việt, những nhầm lẫn nói trên đều có thể tránh được nếu sử dụng từ tiếng Việt tương đương. Nếu không, bạn có nguy cơ bị xem là lập dị hoặc khoe chữ nếu phát âm đúng từ agrafeuse thay vì dùng sai agrafe như người khác.
Năm 1942, giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) xuất bản quyển Danh từ khoa học (Vocabulaire scientifique).
Trong lời nói đầu lần tái bản thứ hai (1948), tác giả cho biết gần
6.000 danh từ toán học, vật lý, cơ học, thiên văn học và hóa học trong
tác phẩm của ông đều lấy ý từ tiếng Pháp. Đến nay, phần lớn các thuật
ngữ này vẫn còn được sử dụng. Không chỉ trong khoa học, nhiều từ tiếng Pháp cũng được Việt hóa và sử dụng rộng rãi trong đời sống như nhà ga (gare), bình ắc-quy (accu - viết gọn của accumulateur), ác-ti-sô (artichaut), a-mi-đan (amygdale), bê-tông (béton), nói bá láp (palabre), ban-công (balcon), băng ghế (banc), dải băng (bande), băng đảng (bande), ruy băng (ruban), viên bi (bille), bia (bière), bánh bích quy, bánh quy (biscuit), bi-da (billard), bơ (beurre), tiền boa (pourboire), áo bờ-lu (blouse), bom (bombe), đồn bót (poste), căng-tin (cantine), ca-nô (canot), cao su (caoutchouc), cáp (câble), cà phê (café), cà rốt (carotte), cà vạt (cravatte), com-pa (compas), quay cóp (copier), cua gái (faire la cour), cúp cua (cours), đầu húi cua (court), chiếc cúp (coupe), lốp xe (enveloppe), săm (chambre à air), đi văng (divan)... Đặc biệt, từ lô cốt có nguồn gốc từ blockhaus - ghép bởi hai từ gốc Đức block và haus, được dân Pháp sử dụng từ thế kỷ 18 và đang có mặt trong từ điển Larousse. |
CÔNG KHANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét