Lan man tự truyện.
Tôi tự biết dù đã thất thập,phải nhận mình là một lão bà,nhưng không hiểu vì sao khi "tám"với bạn hữu dù trực diện hay trên mạng,tôi vẫn không bỏ được cái tính tếu tếu tự thuở nào,vẫn thấy tâm hồn mình phơi phới tươi trẻ như xưa( mà nào phải đời tôi không có lúc "lên thác,xuống ghềnh")-như cái thuở áo dài trắng"lếch thếch" đến trường.Tôi dùng từ"lếch thếch" vì quả thực chỉ khi đã trở thành cô giáo,tôi mới chú ý ăn mặc tươm tất cho bõ công dạy dỗ của cha mẹ và thầy cô !!! Còn trước đó thì tôi... có thể cột hai vạt áo dài cho gọn rồi nhảy múa,nghịch ngợm thoải mái !!!Chả là cả đời đi học của tôi,lớp tôi không bao giờ có một trang nam tử hán nào cả,thì tội gì mà phải yểu điệu cho phí tuổi"đời chưa trang điểm" ! Tiểu học cũng một lớp nam,một lớp nữ rạch ròi.Trung học thì tôi học GIA LONG,ngoài vài ông thầy,thế giói của chúng tôi là thế giới..."vịt giời".Vịt giời thì bơi lội thoải mái có gì là lạ ! Khi tôi vào Sư phạm,cũng nam nữ thọ thọ bất thân...là cô giám thị của chúng tôi muốn như thế ! Các đấng mày râu bị đẩy lên lầu trên,để tầng trệt cho chúng tôi mặc sức tung hoành.Chúng tôi thường bị bà giáo dạy môn công dân giáo dục gọi lên trả bài và dùng cây roi dài đẩy vạt áo dài lên xem chúng tôi có lê lết lấm láp chỗ nào không để bà còn có dịp lên lớp thế nào là công dung ngôn hạnh cho bọn giặc cỏ chúng tôi,chuẩn bị hành trang cho chúng tôi vào đời trở thành những người vợ,người me. hoàn hảo...
Nghịch ngợm,phá phách cho lắm rồi cũng đến đoạn kết của tuổi học trò !...Rồi vào đời mà lại vào đời với tư cách là một nhà mô phạm.Đã bao nhiêu thế hệ trẻ đi qua đời tôi,nhưng dấu ấn quan trọng nhất vẫn là những năm đầu với những trò nhỏ chân đất ở một vùng quê chiến tranh và nghèo nàn mà chỉ nội tên của các em cũng gây ngạc nhiên cho chúng tôi không ít.Những cái tên mộc mạc,thô kệch như cuộc đời các em vậy.Nhưng với tôi,các em nhỏ này mới thật sự đáng yêu làm sao ! Những đôi mắt tròn vo,trong veo,ngây thơ,chăm chú vào sách vở,coi cô giáo như là thần tượng của mình...Ngay đến phụ huynh của các em cũng vậy,những người nông dân tuy chất phác nhưng thấm nhuần tư tưởng quân,sư,phụ.Người thầy đứng thứ hai chỉ sau người lãnh đạo đất nước.Thuở ấy người thầy được tôn trọng như thế đó !Cho nên bất cứ ngày giỗ,ngày tết ở nhà nào,các thầy cô cũng được trịnh trọng mời tham dự.Và khi con họ thi đậu thì chúng tôi thường được họ vui mừng đem tặng một bó mía,một quầy dừa tươi hay một bó hoa huệ..to đùng,cây nhà lá vườn.Chúng tôi dở khóc dở cười với những món quà tặng ấy vì nó quá nặng mà mình thì phải chen chúc trên những chuyến xe đò cọc cạch từ trường về nhà ở thành phố.Nhưng cũng không thể tùy tiện đem cho những người ở địa phương vì như vậy là phụ tấm lòng của người tặng và chính cái tình chân chất ấy là động lực giúp chúng tôi gắn bó nhiều hơn với ngôi trường quê nghèo khó ấy !!!
Sau này có ngày nhà giáo,ai sao không biết chứ tôi thật sự không ưa ngày này !Ý nghĩa cao cả của ngày này như thế nào,tôi nhìn không rõ,nhưng trước mắt,học sinh tìm mọi cách tặng thầy cô những món quà có giá trị như một cách mua chuộc hay ban ơn cho nhà giáo nghèo.Cách nào thì tôi cũng cảm thấy bị dị ứng !Trước ngày" trọng đại" đó,tôi thường làm "công tác tư tưởng" với đám học trò láu cá.Tôi bảo rằng điểm tôi cho là do công sức học tập của các em chứ quà có lớn bao nhiêu cũng không lay chuyển được tôi đâu(dù rằng lúc đó tôi rất khó khăn) !!! Do đó thường là tôi chỉ nhận được một cây viết,một cuốn sổ tay hay đơn giản là một tấm thiệp,có khi là của một học sinh đang du học ở nước ngoài gửi về.Hoa thì tôi cho là xa xỉ ở thời buổi ấy ! Nhưng tôi vui lắm vì lòng tôi nhẹ nhõm,đầu tôi thanh thản,lương tâm tôi bình yên.
Cứ như thế mà tôi cũng gắn bó được với nghề giáo tới 25 năm.Sau đó thì tôi bồng bềnh theo vận nước nổi trôi mà lưu lạc phương xa,nhưng những "ngày tháng học trò"và những"ngày tháng làm thầy học trò"luôn luôn là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời thăng trầm của tôi !
Seattle tháng 5/2011. Việt Nga.
Tranh Xuân Lộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét