19 thg 12, 2012

Kỷ niệm thời cắp sách - VHP.Hạ Vũ

Kỷ niệm thời cắp sách - Hạ Vũ
Jun 8, 2012 6:34 AM

Đây là bài vừa được đưa vào web www.donghuongkontu.com.  Mời các bạn đọc.  Bài này đã được đăng vào Tập San Kỷ Niệm 50 năm khóa 2 của VHH, giờ được sửa chữa để làm nổi bật  tình thầy trò của VHH.  Hồng Phi

 
Kỷ Niệm Thời Cắp Sách_Hạ Vũ
 
(Xin  kính gởi đến những Người Cha Tinh Thần đã khuất cũng như còn hiện hữu trên cõi tạm này tấm lòng yêu thương và nhớ ơn của chúng con)
  ***    
Trừ những người bất hạnh không được đi học, đa số ai cũng có một thời cắp sách đến trường.  Thời gian làm học trò là thời gian đẹp nhất trong đời của một người, thời chỉ biết ăn rồi học, vui với sách đèn, với thầy và bạn, thời của mộng mơ, của những mối tình thoáng qua hay đậm nét rất nên thơ.  Thời học trò đáng nhớ nhất của tôi là khoảng thời gian tôi "Ra Xứ Huế" học ở Viện Hán Học, không phải giai đoạn làm "Em Gái Gia Long". Thế mới lạ!  Có lẽ vì ở nơi đây tình nghĩa thầy trò đáng quý của truyền thống dân tộc được biểu lộ tối đa, hết sức thân thiết đậm đà mà ít có trường nào được như vậy, và cũng tại nơi đây tôi có những người thầy đáng kính, đáng quý,  thương yêu học trò như con cái trong gia đình. Người thầy nơi đây không chỉ là Sư mà còn là Phụ nữa. Cho nên tôi viết bài này để vinh danh những Người Cha Tinh Thần của chúng tôi nhân ngày Father's Day 2012 sắp đến.
 
Cơ duyên đưa đẩy tôi đến với Huế cũng rất tình cờ.  Vào một ngày đẹp trời, tôi đọc báo thấy thông cáo tuyển sinh Khóa II của Viện Hán Học Huế.  Tên trường thật lạ làm động tánh tò mò.  Nghề nghiệp khi tốt nghiệp mới là động cơ mạnh nhất thu hút tôi.  Thế là tôi ghi danh, dự thi, và rồi trúng tuyển.  Đó là vào niên khóa 1960-1961, có năm nữ và mười nam người Miền Nam trúng tuyển.  Gia đình của năm cô gái này cũng qua giai đoạn nhức đầu vì lo lắng cho năm "cái hủ mắm" xa gia đình để "lập công danh".  Sau khi vào Phòng Giáo Vụ của Bộ Giáo Duc xin địa chỉ năm cô trúng tuyển để liên lạc cho có "đồng minh" và tìm người quen gởi gắm các "hủ mắm" xong, các phụ huynh cũng gồng mình cho con đi "du học". 
 
 Năm cô gái "Xứ Nam Kỳ Quốc" tuổi trăng tròn lẻ khăn gói ra tận "Xứ Trung Kỳ"... "du học".  Phải nói là vào thời điểm đó, con gái ở Sàigon xa gia đình đi học tận đất Thần Kinh xa xôi thì có lẽ năm đứa chúng tôi là những người tiên phong. Nhiều người bạn thắc mắc hỏi tôi: "Tại sao Sài Gòn có biết bao nhiêu trường mà không học, lại học chi xa xôi tận Huế?" Câu trả lời: "Tại vì tôi muốn làm Tùy Viên ở các Sứ Quán Vùng Đông Nam Á" (!) mặc dù tôi không biết chức Tùy Viên là gì, làm những công việc gì. Thế là tôi hãnh diện được những cặp mắt ngưỡng mộ chiếu cố. (Tiện đây tôi cũng xin giới thiệu sơ qua trường chúng tôi.  Đây là một trường trực thuộc Đại Học Huế được thành lập vào năm 1959 do chỉ thị đặc biệt của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.  Khi tốt nghiệp các sinh viên được bổ nhiệm một trong ba chức vụ sau: Tùy Viên Các Sứ Quán Đông Nam Á,  Chuyên Viên Viện Khảo Cổ, và GS Việt Hán tại các trường trung học.  Lúc đó theo quy định của Bộ Giáo Dục, chương trình học Việt Văn tại các trường trung học là 5 giờ và 1 giờ chữ Hán, nhưng vì các giáo sư Việt Văn  lúc đ ó hiếm người biết chữ Hán nên tạm thời giờ học chữ Hán cho vào chung với giờ Việt Văn thành 6 giờ một tuần, chờ đào tạo người phụ trách.  Rất tiếc Tổng Thống họ Ngô mất sớm, Viện Hán Học như đứa con mất cha nên bị chết yểu, chỉ được hai khóa tốt nghiệp.)
 
Buổi chiều tại nhà Ga Sài Gòn, sau khi nước mắt ngắn nước mắt dài chảy ướt cả khăn tay, ba đứa chúng tôi: Cam, Phi, Sương tiến đến chuyến xe lửa xuyên Việt Sài Gòn - Huế. Đang quyến luyến với cha mẹ mình thì một bà mẹ miền Nam tiến tới hỏi thăm:
-Chào các cháu. Các cháu đi đâu vậy?
Chị Cam, người lớn tuổi nhất trong ba đứa, được chúng tôi gọi là Chị Hai, trả lời:
- Thưa bác, chúng cháu đi Huế học.
- Có phải các cháu học Viện Hán Học không?
- Thưa phải.
- Các cháu có ai quen ở Huế không?
Tôi mau mắn trả lời:
- Thưa bác, chị Hai Cam của chúng cháu đây có người quen ở Huế.
- Ồ, tốt quá!. Bác có thằng con trai cũng ra Huế học Viện Hán Học. Cháu Cam cho bác gởi gấm con trai bác cho cháu nghen. Có gì cháu giúp đỡ nó. Nó tên Đức, đứng đằng kia.
Chị Hai Cam sau một lúc "ngậm hột thị", cũng trả lời giọng yếu xìu:
- Dạ đựơc.
Ngọc Sương thích vào hông tôi, cười hí hí và nói nhỏ:
- Chị Hai đùm bọc hai "em gái ngang hông", giờ có thêm một "em trai ngang hông" để đùm bọc nữa.
Tôi hóm hỉnh thì thầm:
- Trông anh cũng lớn, cỡ tuổi chị Hai, chắc phải kêu anh Hai. Chị Hai "đùm bọc" anh Hai! Gà mái thắng thế. Biết đâu chẳng là duyên trời dung rủi!
Chúng tôi lên xe lửa, anh Hai ngồi băng ghế sau lưng chúng tôi. Thế là chúng tôi rù rì chuyện bà má miền Nam chân chất, thật thà gởi gấm con trai cho một đứa con gái cũng lần đầu tiên xa nhà đến "xứ lạ quê người" như con bà, và cười hi hí với nhau. Bà thương con quá mà quên mất "nam nhi tính" trong con người của anh Hai.
Suốt đường dài, chúng tôi không nói chuyện với anh, mà anh cũng không làm quen với chúng tôi. Xuống xe lửa lúc 7 giờ tối hôm sau, chị Hai Cam quên mất lời hứa miễn cưỡng chiều hôm trước. Chúng tôi theo người quen về nhà, bỏ anh Hai tự "mưu sinh thoát hiểm".
 
Các thầy của trường đã giúp đỡ bước đầu rất lớn đối với đám sinh viên xa nhà chúng tôi. Các thầy đã coi chúng tôi như những đứa con ở xa về nên tận tình săn sóc. Ở Huế lúc đó Trường Đại Học không có ký túc xá cho nữ vì không ai dự trù một ngày có nữ sinh viên ở xa ra tận Huế học.  Kiếm chỗ ở trọ cũng rất khó, lúc đó chưa có dịch vụ cho thuê phòng trọ vì sinh viên nam thì có Ký Túc Xá Đại Học, còn sinh viên nữ ở xa tới học lại rất ít. Nếu gia đình có khả năng cho con gái học xa nhà thì họ cho con vào Saigon hết rồi. Cha Thích cho một số nam sinh Miền Nam nghèo không khả năng cư ngụ ký túc xá, ở miễn phí những phòng trống bên hông nhà của cha, và tìm chỗ trọ gần trường cho ba đứa chúng tôi.  Ngân thì ở nội trú trường dòng. Ngọc Minh đậu dự khuyết nên ra sau, và nhập bọn với chúng tôi. Chỗ trọ này vì nể tình Cha nên cho chúng tôi tạm trọ bước đầu. Sau đó, Sương tìm đưọc chỗ khác nên "ra riêng". Chủ nhà sống yên tịnh đã quen, nay có thêm ba người con gái miền Nam không rụt rè, e lệ, dịu dàng chút nào, không yểu điệu thục nữ, đài các tí ti nên có ý không hài lòng, chúng tôi tìm đường đi nữa. Lần này gia đình chị Cẩm Hà - người bạn cùng lớp- cưu mang chúng tôi. 
 
Trường chúng tôi hai năm đầu cũng "ở trọ" tại Di Luân Đường, sau "di cư" vào Đại Nội nơi đặt Văn Phòng của Quốc Trưởng Bảo Đại, rồi lại dời tiếp qua Bến Ngự nơi trường Mỹ Thuật cũ.  Mỗi lần dời chỗ, chúng tôi dời nhà trọ, vì không thể đi bộ. Năm đầu chúng tôi như Mán vào thành, ra Huế với mấy bộ quần áo, không mang theo xe đạp. Qua năm sau mới có xe đạp mà đi. Lần sau này gia đình thầy Nguyện cưu mang chúng tôi một năm, cho chúng tôi ăn ở miễn phí, và coi chúng tôi như những đứa con trong gia đình.  Mấy năm sau số nữ miền Nam gia tăng, nên thầy Dật lo thuê mướn hẳn một căn nhà trước ngày tựu trường, và đặt giường tầng cho bọn nữ xa nhà chúng tôi trú ngụ. Chừng đó chúng tôi được "an cư" nên mới "lạc nghiệp"... học hành.  Các thầy lo lắng cho bọn sinh viên xa nhà chúng tôi rất là chu đáo, như cha mẹ lo cho con cái.  Ân tình này chúng tôi khắc cốt ghi tâm. 
 
Vào ngày Tết, Chúa Nhật, và ngày lễ mấy năm đầu, đám nữ sinh này nhớ nhà, nhớ cha mẹ, buồn hiu, ủ rũ. Thầy Dật, thầy Âu, thầy Nguyện, thầy Kháng, cụ Định... thấy tội nghiệp nên kêu chúng tôi tới nhà chơi và dùng bữa. Chúng tôi dân Nam Kỳ Quốc rất thật tình, phần vì ăn cơm tháng lâu ngày ngán quá, nên được các thầy cho ăn thì "chiếu cố tận tình", không khách sáo chút nào hết.  Nhào vô phụ bếp rồi sau đó nhào vô ... phụ ăn.  Một lần ăn trưa ở nhà thầy Kháng, chúng tôi vẫn thật tình như người dân quê Nam Bộ, thế mà không bị chê "nữ thực như hổ? heo?", còn được thầy khen con gái Nam Kỳ dễ thương, năng động, thật thà, ruột để ngoài da. Chuyện này thì phải hỏi lại anh Đài, con của thầy Kháng và là đồng môn của chúng tôi, xem thầy khen như thế nào: như hổ hay như heo? Thầy có "chấm" đứa nào cho con trai của thầy không hay thầy sợ bọn nó ăn nhiều quá sẽ sập cửa sập nhà của thầy nên thầy "ngăn sông cấm chợ"?  Có lẽ các anh trai Huế sợ mấy o người "Việt gốc Miên" dữ như "cô Huờn đốt chồng", còn mấy o "Người Việt gốc Chàm" sợ  mấy anh Nam Kỳ Quốc nhậu như hủ chìm mà tán gia bại sản nên sau 5 năm học, đám nam nữ Saigon đành về quê miền Nam với tấm thân đơn côi, không ai mang theo "rờ-mọt" nào cả.  Câu ca dao: "Thừa Thiên đi dễ, khó về, Trai đi có vợ, gái về có con" bị đám trai gái Sàigon "hơi hơi" khù khờ, "thiêu thiếu" một chút chất thơ ở tâm hồn, "thiếu ti tí" tính lãng mạn ở trái tim... làm hỏng mất ý nghĩa tình tứ rồi. Ôi! Tiếc cho câu c a dao đầy thi vị của Huế!  Nhà thầy Kháng có ao nuôi vịt. Thầy hỏi bọn tôi: "Con gì đó?". Tôi nhanh nhẩu đoản trả lời là: "Con dzịt" làm cả nhà cười, trong đó có anh Đài. Từ đó, tôi chết danh "Con dzịt Hồng Phi". Đến bây giờ nửa thế kỷ rồi mà anh Đài "thấy con dzịt là nhớ Hồng Phi. Thấy Hồng Phi là nhớ con dzịt."  Hôm nay "Con dzịt Miền Nam" đốt lò hương cũ thương nhớ những người thầy xứ Huế ân tình một thuở.
 
Tôi nhớ có một năm, vào ngày mồng một Tết, thầy Nguyện có chiếc xe du lich, chở chúng tôi đi chùa. Chúng tôi theo thầy và cô thành khẩn lạy Phật và trưa đó ăn cơm của Phật. Mùng hai, Cha Thích, có chiếc xe truck nhỏ, đi nhà thờ La Vang, chúng tôi lại theo Cha quỳ lạy Chúa và trưa đó ăn cơm của Chúa. Mỗi lần Cha đi xa như Quảng Trị, Đà Nẳng, Cha đều cho đám nam nữ Saigon đi theo cho bọn nó đỡ buồn, đỡ nhớ nhà. Theo Cha thì chỉ tới nhà thờ và tu viện, theo thầy Nguyện thì chỉ có tới chùa lạy Phật mà thôi, chứ có được đi đâu ngoài hai nơi đó.  Nhưng chúng tôi rất vui vẻ và cảm thấy ấm cúng vô cùng khi được đi với Cha hay thầy Nguyện.  Chúa hay Phật gì chúng tôi cũng thành kính tôn thờ như nhau cả. Có lẽ nhờ thế mà trọn khoá 5 năm dài, chúng tôi không đau ốm hay hoạn nạn gì cả, và học hành cũng ra trò lắm.
 
Chúng tôi có vài kỷ niệm đáng nhớ đời với thầy Âu. Tôi còn nhớ năm đầu học Pháp Văn với thầy. Mỗi lần thầy giảng Les Misérables, Sans Famille làm chúng tôi nhớ nhà. Một đứa con gái chảy nước mắt trước. Sầu thương như bệnh dịch. Mấy đứa con gái Miền Nam thiếu chất miễn nhiễm chống "vi- rút yếu đuối" nên chảy nước mắt theo. Thế là cả đám xụt xịt, thút thít... làm thầy lật đật kết thúc bài giảng ngang xưong.  Chúng tôi thấy được tình cảm của thầy trong hành động này, và tự hứa lần sau không yếu đuối nữa, nhưng tình cảm gia đình không phải dễ kềm chế, nên thầy xem "mặt chúng tôi" mà giảng bài.  Tình cảm này thật đáng trân quý vô cùng. 
 
Thầy Âu có một quy luật do thầy "sáng tác giữ bản quyền" mà đã là học sinh Đồng Khánh thì không ai không biết.  Đó là hễ bước vào lớp sau thầy một bước là đi trễ, mà đi trễ thì không được vào lớp để học giờ đó. Thầy có nói cho lớp chúng tôi biết điều này, nhưng không nói chúng tôi có quyền dùng mọi cách, kể cả xô thầy qua một bên để "giành đường lấn sá", miễn là vào lớp trước thầy thì được.  "Chiêu thức" này nữ sinh Đồng Khánh đàn chị phải trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương mới khám phả ra được và truyền lại cho đàn em. Chúng tôi là cưụ nữ sinh Gia Long, không ai biết "kinh nghiệm bí truyền" này của mấy O Huế. Một lần, chuông reng vào lớp, chúng tôi tận ngoài cổng nên phải chạy rầm rập vào lớp ở trên lầu. Khi vào cầu thang, chúng tôi gặp thầy cũng đang đi lên. Chúng tôi được dạy "tôn sư trọng đạo", "quân- sư- phụ", nên khi gặp thầy thì đi sau lưng thầy, không dám vượt qua mặt để vào lớp trước.  Thầy đi chậm chạp và né qua một bên để chúng tôi vượt lên đi trước, nhưng chúng tôi nào biết ẩn ý của thầy.  Thầy chậm chúng tôi chậm, thầy nhanh chúng tôi nhanh, cứ sau lưng thầy mà nối bước. Thế là hôm đó chúng tôi bị lỗi đi trễ, "miễn học". Chúng tôi tức mình không thể cải, đành ngồi khóc đã đời, rồi sau đó đi lang thang cho hết giờ. Cũng vì nước mắt làm cảm động tấm lòng dạt dào tình cảm được bọc bằng những "quy luật sắt đá" của chính thầy "ban hành nội bộ", nên thầy tiết lộ "kinh nghiệm đau thương bí truyền" này. Than ôi! Chừng đó mới biết. Dù sao muộn cũng còn hơn không. Học trò xô thầy để giành đi trước, có lẽ chỉ có thầy Âu là người đi tiên phong trong quy định này.  Cũng từ quy tắc này mà chúng tôi lúc nào cũng phải sớm hơn thầy một bước.  Đúng giờ trở thành thói quen.
 
Thầy Âu còn có một quy định sắt thép nữa.  Đó là hình thức bài luận Pháp văn của thầy thì nhất nhất phải theo đúng tỉ lệ thầy đưa ra. Nhập đề dài 2/10 , và Kết luận 2/10 của tổng chiều dài bài văn. Còn lại là 6/10 của thân bài, ít nhất cũng phải gồm 2 đoạn trở lên. Mỗi đoạn dài tương đương với nhau. Bài nào không theo đúng tỉ lệ của thầy thì bị trừ điểm.  Để đạt được tỉ lệ, bài luận Pháp văn của tôi nộp cho thầy chỗ thì viết chữ nhỏ ri rí và khít rịt, có chỗ thì chữ to kềnh và thưa rỉnh thưa rảng. Thầy quy định như vậy để tránh tình trạng bài luận văn thiếu kết luận, mất cân đối, và thân bài dài lê thê mà chỉ có một đoạn.  Đến khi tôi đi dạy học, tôi lại đem quy định này mà bắt học trò tôi tuân thủ. Nhờ thầy, tôi cũng có thói quen quan tâm tới cân bằng của một bài văn khi cầm bút.  Hình hài thầy tuy không còn, nhưng thầy tôi sống mãi và theo tôi đi khắp nơi.
 
Chúng tôi là học trò nên tinh nghịch thì phải có, dù nam hay nữ. Trường tôi có vài thầy trẻ, nhưng thầy Phan dạy sử Tây Phương, là một thầy trẻ đặc biệt. Thầy không lớn hơn đám sinh viên của chúng tôi bao nhiêu tuổi nên đi dạy thầy luôn luôn vận com -lê để ra dáng một người thầy. Dáng thầy gầy và cao, đi xe đạp đòn dông cũ, áo veste ủi thẳng, sơ mi trắng toát, cà vạt hợp thời trang, giày bóng loáng, tóc tai tươm tất. Trông thầy rất đạo mạo, oai nghiêm nhưng lại là một ông thầy chịu chơi nhất trường. Chịu chơi ngầm thôi nhưng ai cũng biết!!!  Có lẽ vì chịu chơi quá nên thầy không tiền mua xe gắn máy.  Bốn mùa thầy đều ăn mặc như vậy, bất kể mưa rào hay mưa dầm, gió heo may hay gió bão, nắng ấm hay nắng đổ lửa.  Mùa hè, trông thầy mặc "com-lê", đi xe đạp đòn dông cũ dưới cái nắng toé lửa của xứ Huế, thật thảm làm sao! Thế mà thầy chịu được! Chắc có lẽ thầy khổ sở lắm!  Một hôm, Ngọc Minh và tôi nảy ra một ý tinh nghịch cho thầy điêu đứng với cái nắng mùa hè và bộ côm-lê của thầy. Chúng tôi nhân bài kiểm tra của thầy, làm nhanh ra sớm, không cần điểm cao, chỉ cần cười vui một trận là được rồi. Sân trường lúc đó vắng tanh. Chúng tôi xì bánh xe đạp của thầy.  Xong, ngồi một chỗ khuất, chờ giờ ra về xem thầy thê thảm cỡ nào. Thấy thầy buồn bực và thiểu não dẫn xe đạp dưới cái nắng đổ lửa để tìm chỗ vá lốp xe, chúng tôi lúc đầu thích chí, cười rúc rích. Nhưng sau đó bị mấy cái răng của lương tâm cắn cho mấy phát nên ân hận. Mấy ngày sau "tự thú" với thầy. Có lẽ tự thú của chúng tôi "thiếu thành khẩn", nên thầy không tin. Thầy bảo: "Tôi biết không phải mấy chị. Người khác."  Không biết người nào bị thầy nghi oan? Thầy không tin thì thôi, dại gì mà khăng khăng ôm tội vào người, lỡ bị lên văn phòng, thầy Dật cho một "bài học luân lý giáo khoa thư" thì bể mặt lắm.  Do đó chúng tôi lờ luôn.  Hôm nay viết mấy dòng thú tội này với thầy, ở tận xứ Huế xa xôi, thầy đọc được, cũng mang đến cho thầy một kỷ niệm vui nho nhỏ trong đời dạy học bị học trò nữ Miền Nam tinh nghịch phá phách.
 
Cụ Bột là người thầy dạy sử Trung Quốc, đúng như cái tên: thầy "hiền như cục bột". Thầy giảng bằng tiếng Việt nhưng bài học viết bằng chữ Hán. Lịch sử nằm trong đầu thầy, không bao giờ thầy cần sách hay bài soạn. Bài của thầy tuỳ từng trình độ chữ Hán của đám sinh viên mà dài ngắn khác nhau. Bài lịch sử của thầy rất cô đọng. Vừa học sử vừa học từ ngữ chữ Hán. Thầy dạy sử nhưng rất sính văn thơ.  Một lần thầy thử khả năng thi phú của đám môn sinh. Thầy bắt cả lớp làm thơ Đường bằng chữ Hán. Trời ạ ! Thơ tiếng Việt, tôi làm còn không ra nói chi đến thơ chữ Hán. Khổ ơi là khổ!  Sau mấy ngày vắt óc tôi cũng "nặn" ra được bốn câu. Đó là bài thơ đầu tiên trong đời của tôi. Không biết có đúng niêm- luật-vần hay không, tôi không nhớ. Bây giờ tôi chỉ nhớ có hai câu, vì bị thầy cười hì hì khi đọc hai câu đó. Tôi "quê" quá, nhưng nhớ đời. Đó là hai câu nhại theo thơ Tàu (làm sao tôi có đủ trình độ để "tối tác" thơ chữ Hán mà không làm "đạo chích" cóp thơ của thiên hạ!): "Ngưỡng đầu vọng hoả xa, Đê đầu tư cố hương."  Hi hi hi... thơ của Hồng Phi đó. Hoả xa chạy trên trời. Chắc đây là thành quả của Khoa Học Nhân Loại ở thế kỷ 22.  Hồng Phi là Nhà Tiên tri đại tài (!) xuất thân từ Viện Hán Học Huế.
 
Thầy Dương cũng là thầy trẻ, nhưng trông thầy lúc nào cũng như ông cụ.  Thầy dạy triết Đông Phương và văn học Việt Nam tùy theo cấp lớp.  Học văn với thầy là học các tác phẩm viết bằng chữ Hán. Thầy bắt học thuộc thơ và chữ trọn tác phẩm Chinh Phụ Ngâm bản chữ Hán, thơ chữ Hán của vua Trần, của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, của cụ Nguyễn Du v. v... Nhờ vậy mà vốn liếng chữ Hán của đám môn sinh tiến bộ nhanh. Nhưng hôm nay, tôi xin lỗi thầy và tất cả các thầy của Viện Hán Học, vốn liếng chữ Hán của tôi bị quên gần hết rồi!  Nếu bắt tôi viết ra, có lẽ đếm không hết mười đầu ngón tay và mười đầu ngón chân cộng lại!!!  Ồ! Tôi còn nhớ phát âm ba chữ tên họ của tôi theo tiếng Quan Thoại do thầy Chương dạy. Ôi! Tiêu ma công lao, tâm huyết, và tình thương của các thầy đối với đám môn sinh như tôi!!!  "Chữ thầy trả thầy", nhưng ân thầy vẫn mang suốt đời. Tuy nhiên, có một điều thầy Dương dạy mà tôi không thể quên được. Đó là sự khẳng định: "Dịch giả Chinh Phụ Ngâm Khúc là ông Phan Huy Ích, không phải bà Đoàn thị Điểm." Những chứng minh của thầy đương nhiên thầy có nghiên cứu cẩn thận. Bây giờ tôi cứ tin như vậy vì thầy Dương của tôi nói như vậy, không cần biết ai nói khác hơn.
 
Thầy Pierre Đỗ Đình là Việt Kiều Pháp sống ở Pháp mấy chục năm cho nên giọng nói tiếng Việt của thầy hơi cứng.  Thầy được mời dạy môn Pháp Văn ở Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Huế, và dạy Triết Tây Phương ở Viện Hán Học.  Thầy mang phong cách thầy trò như bạn bè của học đường Phương Tây vào Viện Hán Học, nên giờ học của thầy rất thoải mái, không bị căng thẳng thần kinh. 
 
Thầy Trần Điền dạy chúng tôi môn Pháp Văn ở lớp cuối.  Thế lực và địa vị của thầy trên chính trường rất lớn.  Tấm gương sáng này làm chúng tôi vô cùng kính phục.  Vào Tết Mậu Thân, Huế bị bao trùm lửa đạn, máu, và nước mắt.  Chúng tôi mất hai người kính yêu là thầy Trần Điền và thầy Kháng.  Nhưng những gì các thầy dạy dỗ, và chính bản thân các thầy là những tấm gương sáng vẫn còn tồn tại trong tâm khảm các môn sinh của thầy.
 
 Năm cuối là năm sắp ra trường, lo lãng khoá nhiều hơn học để phản đối việc giải tán trường và đòi hỏi phải bổ dụng chúng tôi như trong văn bản thành lập trường. (Lãng khóa: chữ sáng tạo của sinh viên Hán Học chúng tôi, chỉ sự kiện sinh viên vẫn đến trường, vẫn vào lớp mà không học, không làm bài, học bài, chứ không phải bỏ trường lớp). Chơi bao giờ cũng thích hơn học. Cụ Hà Ngại dạy chữ Hán. Đám nữ sinh viên chúng tôi sắp sửa ra trường làm cô giáo, không nhớ làm chuyện gì đó mà cụ giận. Cụ bắt đám con gái chúng tôi đứng "bích kê". (Đứng xoay mặt vào tường, trước lớp, có đầy đủ đám nam nữ sinh viên hiện diện.) Có lẽ trên thế giới này chưa có một trường đại học nào phạt sinh viên năm cuối sắp ra trường làm sư phụ sư nương như thế cả. Đó là cái "độc đáo" của Viện Hán Học chúng tôi. Cái "độc đáo" thứ hai là không có một ai trong chúng tôi phản đối việc đem hình phạt trẻ nít áp dụng cho đám sinh viên sắp làm thầy. Cả đám con gái chúng tôi thi hành hình phạt mà đứa này nhìn đứa kia cười rúc rích, không có biểu hiện ăn năn, hối lỗi dù một chút xíu. Có lẽ bọn chúng tôi đã coi lớp học là nhà, bạn đồng môn là anh em thân tình, cụ Hà Ngại như ông nội/ ông ngoại trong nhà, nên không ai thấy "quê" mà ngược lại thấy chuyện có vẻ tiếu lâm nên coi như một trò chơi và thi hành một cách nghịch ngợm. Có lẽ cụ thấy hình phạt không hiệu quả, nên cho cả đám về chỗ ngồi.
 
Vào những ngày cuối năm 1962, nhà trường có tổ chức tiệc tất niên. Chị Hai Cam vì biết nấu một vài món ngon, đứng ra nhận nấu tiệc tất niên. Phải nói sao bây giờ! Một cựu nữ sinh Gia Long, tiếp theo là sinh viên Viện Hán Học, suốt ngày chỉ biết ăn và học, vậy mà "xâm mình" nhận lãnh nấu tiệc cho tổng số sinh viên 4 lớp. Chị huy động đám nữ tham gia "phụ bếp". Phải gọi bọn tôi là "Bếp Rờ" mới đúng, đứng sớ rớ, hết rờ món này đến rờ món khác.  Bọn chúng tôi có biết bếp núc gì đâu, xắt hành còn không xong bị chi la chí chóe.  Thôi thì đành làm Thiên Lôi, chị chỉ đâu đánh đó: lặt rau, rửa rau, bưng bê, và dọn dẹp... Nấu và dọn món ăn không đáp ứng kịp nhu cầu "nam thực như hổ đói" của đám nam sinh.  Bị kêu ơi ới, chúng tôi chơi chiêu: dọn rề rà ra trước từng thứ mà các anh chỉ ngồi ngỏ chứ không ăn được  như nước mắm, muối tiêu, ớt, rau cải để "câu giờ" cho bà chị Cam và một vài bạn nữ trổ tài nấu nướng.  Sau cùng mới tới món chính, để cho... đói meo thì món dỡ cũng thành ngon.  Mệt mà vui.  Đám đồng môn thế nào cũng không được no lắm khi về nhà nhưng bị cấm phàn nàn. Các thầy đã theo dõi, động viên, khuyến khích, khen ngợi ban Lạc Diên tài tử này.  Chữ Lạc Diên này lúc đó tôi mới được biết, do một sư huynh người Việt gốc Hoa của bọn tôi gọi ban lo việc ẩm thực. Không khí thật là đầm ấm như dưới một mái nhà. Chúng tôi còn lưu giữ tấm hình chụp thầy Chương chung với ban đầu bếp trên sân thượng VHH ở Bến Ngự. Nhìn hình nhớ lại bầu không khí thân yêu của đại gia đình VHH ngày nào quá đi thôi!!! 
 
Đám nam nữ Saigon xa nhà, vào những ngày Lễ - Tết, không phải ngày nào cũng tới "ăn chực" nhà thầy cô, nên phải tự tổ chức tiệc tùng riêng cho mình đỡ buồn. Đám nữ tham gia thì đóng tiền cho chị Hai, đám nam thì đóng tiền cho anh Hai. Chúng tôi tổ chức ăn uống, ca hát vui vẻ với nhau.  Anh Hai biết mình xài tiền tuỳ hứng nên gởi tiền cho chị Hai cất giùm với lời dặn: đừng đưa tiền cho anh ngoài ngày quy định, dù anh có lời yêu cầu. Chị Hai chấp hành "quy ước" rất nghiêm khắc. Một lần anh cần tiền rất khẩn thiết ngoài ngày quy định. Anh xin chị đưa tiền lại cho anh, nhưng chị nhất định không đưa. Chị bỏ ngoài tai lời giải thích và năn nỉ ỉ ôi gần gãy lưỡi của anh.  Cuối cùng anh chịu thua, xoay cách khác để giải quyết vấn đề của mình.  Mấy ngày sau, anh than với chị:  "Tôi cần tiền để cứu mạng (!) mà gặp phải ly nước chanh đá không đường, chứ không phải ly nước cam."  Thế mà anh không tởn, vẫn tiếp tục gởi tiền cho người "đáng tin cậy nhất thế giới" của anh giữ giùm. Chuyện này bị tiết lộ ra ngoài. Đám "nữ quái" bọn tôi có màn chọc ghẹo cho vui cửa vui nhà. Gặp anh, mỗi đứa một câu:
- Anh Hai, bữa nay anh chưa đưa tiền chợ cho chị Hai nghen.
- Anh Hai, chị Hai nhất định nhịn đói, chờ anh về ăn cơm kìa.
- Anh Hai, chị Hai hết tiền rồi, đang kiếm anh kìa.
- " Bắc thang lên hỏi Ông Trời,
Đưa tiền gái giữ khó đòi, Ông ơi"
.............

Mỗi lần như vậy anh Hai không nói gì cả, chỉ lườm bọn tôi một cái mà thôi. Bị chọc như vậy, nhưng anh vẫn cứ gởi tiền đều đều cho chị Hai, và quan trọng một điều là tình cảm của anh chị vẫn ở trong mức giới hạn bạn bè, không phát triển thành tình yêu. Hay thật! Đáng ngưỡng mộ! ( Hay đáng tiếc !!!???)

Lễ khai giảng niên khoá 1960-1961 tại Di Luân đường,bên trái là biển hiệu “Viện Hán học”,

bên phải là biển hiệu “越南古學會館 (Việt Nam cổ học hội quán).

Bây giờ còn lại mấy...?
 
Còn nhiều... nhiều kỷ niệm nữa.
Hôm nay viết lại những mẩu chuyện kỷ niệm của chúng tôi ở nửa thế kỷ trước để gởi tấm lòng thương nhớ và quyến luyến của mình đến ngôi trường thân yêu cũ, cùng thầy và bạn xưa, kẻ còn người mất, nhưng trong tôi vẫn còn đậm nét! Thỉnh thoảng tôi nhớ lại và cười một mình như một kẻ mộng du. Không khí ấm cúng của ngôi trường như là mái ấm gia đình làm tôi nhớ mãi. Sau khi tốt nghiệp ra trường, và ngay cả khi có gia đình con cái đề huề, thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ thấy mình ngồi học ở ngôi trường xưa, đi lang thang bên bờ sông Bến Ngự, hay ngồi "vẽ" chữ Hán ở Di Luân Đường ngày mới vào trường, hoặc những buổi ôn bài luyện thi ở sân trường trong Đại Nội. Nhớ hết thầy này thầy kia rồi nhớ tới bạn. Nhớ anh Sảng hay chọc phá đám nữ sinh Saigon chúng tôi, nhớ giọng hát trầm ấm của anh Nghiên, nhớ tiếng đàn của anh Lê Anh, nhớ anh Đài đóng kịch "bán hột vịt lộn", nhớ chị Thương Lãng người đẹp hiền lành ít nói nhất trường, nhớ cái cười rúc rích của chị Cẩm Hà, Kim Thu, Ngọc Minh... lúc đứng bích kê, nhớ Ngọc Khuê vào giờ ra chơi ngồi lặng lẽ mắt mơ màng mộng mơ tới một bóng hình ở trường Y Khoa... nhớ hết người bạn này đến người bạn khác. Mong một ngày gặp lại đầy đủ, nhưng cơ duyên chưa đủ nên chúng tôi chỉ có họp mặt từng nhóm nhỏ mỗi khi có người )xa đến viếng Little Saigon.  Ở bên Mỹ này, mấy năm trước chúng tôi có dịp gặp thầy Nguyện từ bên Pháp qua chơi mỗi năm một lần. Thầy thì già yếu, tóc trò cũng bạc phơ.  Ngày xưa thầy nghiêm lắm, mà nay thì thầy không giấu giếm tình cảm của thầy nữa. Lần nào họp mặt thầy cũng xúc động nghẹn ngào. Còn bạn bè tuy tay bắt mặt mừng, miệng cười toe toét  mà mắt lại rưng rưng.   Ôi! Một Thời Vàng Son Hoa Mộng vẫn còn quanh quất đâu đây!  Tình thầy nghĩa bạn không phai nhạt mà càng đậm đà với thời 
gian.

Các GS và sinh viên Viện Hán học Huế trong lễ khai giảng khoá 1961-1962, tại Văn phòng Quốc trưởng Bảo Đại, Đại Nội Huế. Hai tấm băng-rôn ghi nội dung “Tu tề trị bình 修齊治平” và “Lễ nghĩa liêm sỉ 禮義廉恥”, là những chủ trương của Nho giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét