19 thg 12, 2012

Tai nạn tại nhà trẻ:Ngăn chặn và sơ cứu - Hạ Vũ


TAI NẠN TẠI NHÀ TRẺ MỸ: NGĂN CHẬN VÀ SƠ CỨU
                                                                                          VHP. Hạ Vũ
Làm tại phòng trẻ Infant and Toddler khỏang một năm thì vì nhu cầu tôi "lên lớp". Cùng lên với tôi có một số trẻ một tuổi rưởi trở lên. Lớp mới này trẻ từ một tuổi rưỡi đến hai tuổi rưỡi. Ở tuổi này trẻ được tập uống bằng ly và bỏ bú bình, vẫn còn mặc tã (khi hai tuổi mới bắt đầu luyện tập đi đại tiểu tiện trong nhà vệ sinh). Phòng vệ sinh ở ngay trong lớp học, không có cửa, để cô giáo làm hai việc một lúc vừa trông đứa này vừa phụ cô giáo kia trông chừng 11 đứa nọ, và cũng để trẻ không vô tình khoá cửa tự nhốt. Có trẻ sợ hãi khi ngồi cầu, cô giáo phải khích lệ, ôm trẻ để trấn an, mắt thì không rời những trẻ khác. Ở tuổi này, trẻ đi chưa vững vàng lắm, nói cũng chưa sõi, diễn tả ý muốn, cảm xúc bằng lời chưa thông, cho nên tai nạn dễ xảy ra nhiều nhất.

Trước hết tôi nói về Cắn & Cào cấu
Trẻ chưa biết nói sõi, cho nên thường biểu lộ những tức giận hoặc bất như ý của mình bằng hành động. Đó là cắn và cào cấu. Cào cấu trầy da hay té ngã trầy xước, người Mỹ không sợ bằng cắn thủng da rướm máu. Lý do: họ sợ truyền bệnh hiểm nghèo qua nước miếng. Để tránh những tai nạn này, cô giáo chẳng những phải nhanh mắt mà còn nhanh mồm và phán đoán chính xác phản ứng của trẻ.
Đối với trẻ nhỏ, hiểu biết chưa tường, chưa biết cách xử việc xử người, cô giáo phải dạy. Ngôn ngữ của cô giáo nói với trẻ phải ngắn gọn, đơn giản, và khẳng định (positive), không nên dùng lời phủ định (negative).
Ví dụ, khi đứa trẻ đang leo trèo mà ta thấy nguy hiểm, ta không nên nói "đừng leo" vì trẻ còn nhỏ, câu phủ định sẽ làm trẻ phân vân không biết: cô bảo "đừng leo", vậy thì làm gì đây? Cô giáo phải bình tĩnh nói là (không phải hốt hoảng hét): "tuột xuống" ("get down, please", hay "go down, please", hay đơn giản chỉ chữ "down", bỏ luôn chữ "please" để độc nhất chữ "down" vô đầu trẻ mà thôi.)
Không nên nói "đừng cào", "đừng đánh" mà nói là "vuốt nhè nhẹ" (soft touch),
Không nói "đừng cắn" mà nói là "hôn gió" (Blow kiss or Kiss).
Không nên nói "đừng hét", mà bảo trẻ: "dùng lời nói" (use your word), hay dạy trẻ biểu lộ sự tức giận của mình đối với bạn bằng câu: "Không, tôi không thích" (No, I don't like it), hay "dừng lại" (stop it), hay đơn giản chỉ một chữ "No" nếu trẻ chậm nói.

Vấn đề là cô giáo phải nhanh hơn phản ứng của trẻ. Khi thấy trẻ hả miệng là phải nói: "Kiss, kiss, kiss / hay Blow kiss, blow kiss". Khi nói như vậy, lỡ chậm hơn trẻ thì ít ra cũng giảm cường độ cắn, không đến nỗi trầy da. Có trẻ miệng đã ngoạm da bạn, khi nghe cô nói "kiss", mắt quay nhìn cô giáo. Cô lập lại "kiss", bé làm theo, xong buông ra. Thoát nạn! Một vài phụ huynh biện hộ con mình: "con tôi học hư ở trường, chứ ở nhà nó không cắn bao giờ." Họ không thấy rằng ở nhà không ai tranh giành đồ chơi với trẻ mà còn đưa thêm nữa. Do đó, thói quen "muốn gì được nấy" dễ nảy sinh, và trẻ không biết tới ai khác ngoài mình. Đứa trẻ này khi vào nhà trẻ, dễ giựt đồ chơi của kẻ khác. Không được thì cắn.
Ở nhà, trẻ ở lứa tuổi này (tôi không nói tới trẻ lớn hơn có anh chị em) không phải đối diện với sự đụng chạm giữa người và người dù có anh chị. Do đó trẻ bị hạn chế trong việc phát triển về mặt xã hội (social development). Tiện đây, tôi cũng nói thêm, có những đứa trẻ khi một tuổi hơn hoặc hai tuổi mới được cha mẹ gởi vào nhà trẻ lớp tôi. Ban đầu trông trẻ có vẻ chậm chạp và khù khờ lắm (trông vậy chứ không phải vậy.) Khi đồ chơi của mình bị trẻ khác giựt mất, đứng ngớ ngẩn nhìn, hoặc mếu máo khóc. Cô giáo phải dạy cho cách ứng xử, cách nói với bạn. Hầu hết trẻ con rất thích ra ngoài chơi. Xích đu là một trong những trò chơi ưa thích mà sân chơi của trẻ nhỏ tuổi ở Nhà Trẻ này chỉ có 2 cái thôi, cho nên mỗi lần tôi và ngưòi đồng nghiệp mở cửa cho ra sân chơi thì trẻ thường ào chạy tới xích đu. Trẻ nào tới trước được lên ngồi trước để cô giáo đong đưa cho. Trẻ mới "đi học" thì đủng đa đủng đỉnh đi tới, trễ sau nhiều người và phải chờ đợi lâu mới tới phiên. Chỉ cần vài tuần "đi học" là trẻ "khôn lanh" và nhanh như cắt. Cửa vừa mở là ào chạy tới vì biết quy luật "first- come, first - served".
Khi một đứa trẻ bị cắn dầu nhẹ hay nặng, cô giáo phải rửa vết thương bằng xà phòng sát trùng, chườm đá vào vết thương cho tan máu bầm. Người Việt chúng ta hay xức dầu nóng hoặc đắp muối cho tan máu bầm. Dầu và muối người Mỹ không tin tưởng vô trùng và nghi ngờ dầu có hóa chất không tốt trong đó. Ngay tức khắc chườm nước đá trong vòng năm bảy phút. Nếu trễ hơn thì không hiệu quả. Nước đá bỏ vào một Ziploc ngoài bọc napkin tránh nước đá dính vào da và không quá lạnh. Chườm trong vòng 15-20 phút. Té ngã trầy tay chân, u đầu... đều làm như vậy cả. Thưa các phụ huynh và ông bà nội ngoại của các cháu bé Việt Nam, cách này có hiệu quả tốt. Tôi nhớ có một lần, giờ chiều còn ít trẻ, tôi muốn cho trẻ lớp tôi "đổi món" nên dẫn ra sân dành cho trẻ lớn hơn. Lần đó, một trẻ lớn té ngã u một cục to tướng ở ót. Cô giáo phụ trách lớp đó mới vào làm cho nên còn lọng cọng. Tôi gởi cô đám trẻ của tôi, tức tốc chạy vào lấy nước đá chườm. Vết sưng xẹp liền. Khi phụ huynh vào rước, cô giáo đưa báo cáo và chỉ vết thương. Phụ huynh nhìn, chỉ thấy một vết sưng nhỏ, nên không có biểu hiện xót xa, hay bất mãn. Mỗi tai nạn đều phải viết báo cáo cho phụ huynh ngày giờ xảy ra, tai nạn gì, vết thương như thế nào, cấp cứu ra sao. Bản báo cáo này phải có thêm chữ ký của Hiệu Trưởng.
Để giúp phần ngăn ngừa thì thông qua trò chơi búp bê (doll), cô giáo phải giáo dục trẻ. Khi đứa trẻ mạnh tay hay cắn búp bê, cô giáo phải đóng kịch (tôi trở thành "đào thương" trong các tuồng cải lương) trong vai búp bê than: "Ui da! Đau quá! Bạn làm tôi đau"... hoặc "Đừng! Đau lắm.... Nhẹ tay bạn ơi"...Rồi tập cho đứa trẻ xoa vào vết đau của con búp bê, hôn con búp bê, và nói xin lỗi. Cô giáo phải cho phụ huynh biết tật hay cắn của con mình, để phối hợp với nhà trường làm giảm việc Cắn của trẻ. Người Mỹ họ sợ cắn rách da. Té ngã u đầu mẻ trán mà không sao. Bé Casey mà tôi kể chuyện lần trước, là đứa trẻ khiến tôi cực khổ nhiều nhứt, và cũng quyến luyến nhiều nhứt. Bé cũng thương tôi rất nhiều. Bé là một đứa trẻ nóng tính, hay hét và hay cắn khi không vừa ý. Tôi cũng đã hết sức ngăn chận, thậm chí tôi làm gì cũng nắm tay bé theo mình, vậy mà cũng không tránh khỏi xảy ra tai nạn cắn. Răng của trẻ nhọn, cắn trong khi tức giận thì rách da là chuyện phải có. Bà Hiệu trưởng bị các phụ huynh có con bị cắn than phiền nhiều quá và đòi cho con "nghỉ học". Bà không thể quy trách cho chúng tôi được. Chính bà biện hộ cho chúng tôi. Bà bảo với mẹ của bé Casey: cô giáo còn phải trông nhiều đưá, không thể để hết thì giờ cho bé Casey, như vậy bất công với những trẻ khác. Bà yêu cầu bà mẹ này dạy con cách nào đừng cắn nữa. Bà cho thời gian thử thách một tháng. Nhưng làm sao thành công được trong một thờì gian ngắn như vậy ở lứa tuổi đó. Giữa việc thiếu mất một đứa và nhiều đứa, bà phải chọn một. Và, bà chọn "đuổi học" Cassey, đứa trẻ mà bà vác lên vai cho ngủ trong mấy tháng trời. Tôi cũng vô cùng tiếc và ân hận mình phản ứng chậm hơn bé. Tôi coi đó là lần thất bại của tôi trong nghề nghiệp.

Thông qua việc tập cho trẻ tinh thần thay phiên (taking turn), sắp hàng chờ đợi tới phiên (getting line), cùng chơi chung(sharing), không giành giựt, đánh lộn, cào cấu, cắn xé..., cô giáo còn phải tập cho trẻ tinh thần tự quyết, công bằng trong trò chơi. Người Mỹ tập cho trẻ quyền tự quyết, chịu trách nhiệm với quyết định của mình, và bình đẳng ngay từ nhỏ, từ lúc chưa nói rành, chứ không phải buộc vâng lời người lớn như ở VN ta. Khi hai hay ba đứa trẻ giành một món đồ chơi, cô giáo can thiệp bằng cách họp các cháu lại cho các cháu chọn lựa giải pháp. Giải pháp cô đưa ra là: 1. Thay phiên nhau chơi, 2. Chơi chung, 3. chơi món đồ tương tợ, 4. Nếu không, thì cô sẽ cất món đồ chơi đó, không ai được chơi nữa. Khi các cháu chọn lựa rồi thì phải làm theo quyết định của mình (your choice, not mine). Còn nhiều nữa, không thể nói hết trong bài này.

Té ngã
Vấn đề chạy chơi, leo trèo, té ngã thì không thể tránh khỏi ở lứa tuổi này. Nhà trẻ nào cũng có xe đạp 3 bánh, scooters, xích đu (swinging structure), cầu tuột (sliding structure)... thích hợp cho từng lưá tuổi. Được một cái là trong suốt mười năm tôi làm ở nhà trẻ này không có tai nạn nào lớn phải cần xe cứu thương chở vào bệnh viện cả. Có hai trẻ trong lớp tôi phụ trách gặp tai nạn phải đem vào bệnh viện cứu chữa, xảy ra ở nhà. Tôi kể ra đây để các phụ huynh rút kinh nghiệm. Khi cho trẻ ngồi high chair, phải có mặt mình ở đó. Một bé trai lớp tôi té ngã khi lên high chair ngồi. Bà mẹ ỷ y những lần trước con mình leo lên ngồi một mình được, nên không để mắt tới khi con leo. Lần đó, cháu gãy xương tay phải băng bột. Một trẻ gái khác leo ngồi car seat, té gãy xương vai. May quá, năm xui, tháng hạn, giờ xấu của hai trẻ đó không nhầm vào giờ trong lớp tôi!
Một lần, trong lớp tôi, một trẻ té ngã phải may 3 mũi. Không thể nói hay hoặc dở ở đây. Vào cuối giờ, lớp tôi còn 3 trẻ, chuẩn bị đi về, tôi cùng với trẻ dọn dẹp đồ chơi, sắp xếp mọi thứ vào kệ. Một đứa bé, chạy lấy đồ chơi, chạy không nhanh lắm nên tôi cũng không nhắc nhở. Đùng một cái, cháu vấp té, đầu chạm vào góc của phần tủ dưới cái sink, rạch một đường ngang mày, chảy máu nhiều. Tai nạn xảy ra trước mắt tôi mà tôi không tài nào đỡ bé kịp, vì cách xa bốn năm bước. Chỉ có những người võ nghệ cao cường như trong phim bộ Hồng Kông, biết "phi thân", mới cứu kịp mà thôi. Tôi hoảng hốt, gọi bà Hiệu Trường, bà lật đật làm vệ sinh và cầm máu, và gọi qua building gần bên. Xin nói thêm, nhà trẻ nơi tôi làm việc nằm ở một building trong một Trung Tâm chăm sóc người già và người tàn tật. Con em của bác sĩ, y tá, nhân viên của Trung Tâm này được gởi ở đây để tiện việc đi lại, đưa rước. Nhờ vậy Nhà trẻ này được các bác sĩ và y tá ở đây tình nguyện giúp đỡ khi cần. Bà gọi điện thoại, đồng thời gọi phụ huynh. Một bác sĩ và vài y tá, vác y cụ chạy rần rần qua cứu cấp. Bác sĩ qua thì máu đã đựơc cầm rồi. Ông quan sát đứa trẻ thấy không sao, còn tỉnh táo, và khuyên chở vào bệnh viện để làm việc còn lại. Lúc sau ông bố tới chở con đi Bệnh viện may 3 mũi. Hên cho tôi một điều nữa, đứa trẻ té rách da đầu đó là cháu nội của tôi. Nếu là đứa trẻ khác, có thể tôi bị phụ huynh cho là làm việc tắc trách, chỉ lo chăm sóc cho cháu ruột của mình mà bỏ bê con họ.

Còn một tai nan nữa cũng cần nói thêm để phụ huynh có con nhỏ cảnh giác. Khi cho trẻ vào giường ngủ có thành chung quanh, nên điều chỉnh thành giường cao lút đầu trẻ (khi trẻ đứng) hoặc ngang vai (dưới cổ), đừng để gối hay đồ chơi to trong đó. Đây là kinh nghiệm học được từ chuyện kể của một phụ huynh. Bà kể cho chúng tôi về một tai nạn suýt chết người để rút kinh nghiệm. Một đồng nghiệp của bà đặt đứa con hơn một tuổi trong giường ngủ có thành cao. Người mẹ này cho thêm đồ chơi vào và đi làm việc khác cạnh đó. Được một lúc bà nghe có tiếng khẹc khẹc, quay lại thì thấy cổ của con bà đang mắc tòng teng ở thành giường, hai chân hổng lên khỏi nệm. Đứa trẻ đã đứng lên đồ chơi, tính leo ra, không ngờ đồ chơi vuột khỏi, văng ra xa. Hú hồn! May là bà làm việc gần đó. Nếu bà đi phòng vệ sinh, ra trể chừng năm mười phút... thì sao?
Tai nạn xảy ra rồi, mình mới biết. Không thể lường trước được hết mọi tình huống. Cho nên, khi giữ cháu trong nhà, hoặc khi có tiệc tùng sinh nhật của các cháu tôi, lúc nào tôi cũng là người theo kè kè chúng để ngăn ngừa những tình huống mà tôi cho là có thể mang đến nguy hiểm và cấp cứu kịp thời nếu xảy ra chuyện. Đó cũng là lý do, khi tôi còn một đứa trẻ phải giữ, bà Hiệu Trưởng phải làm vệ sinh phòng ốc: đổ rác, hút bụi, chùi cầu... của lớp tôi chứ không bảo tôi làm.
Ra sân chơi thì dễ té ngã lắm. Để giữ an toàn cho trẻ, sân cho trẻ nhỏ và trẻ lớn khác nhau hoặc cùng một sân nhưng khác giờ để tránh trẻ lớn lấn lướt, chạy ẩu làm té trẻ nhò. Trong vấn đề tai nạn, người Mỹ có cái nhìn khoáng đạt, thông cảm, không trách móc than phiền khi con bị té ngã, ngay khi té giập răng. Khi các cháu nhỏ chơi cầu tuột, cô giáo phải đứng cạnh bên luôn miệng nhắc nhỡ: " ngồi bẹp xuống, hai chân xuống trước". ("Sit down on your bottom. Leggs down first, please." là câu kinh nhật tụng của tôi khi ra sân). Các bé còn nhỏ, khi sliding down, mà nằm sấp cho đầu xuống trước dễ gặp tai nạn gãy cổ. Cô giáo thiếu kinh nghiệm, không biết điều này. Khi tới các công viên công cộng, tôi gặp nhiều phụ huynh cũng không biết điều này khi cho trẻ chơi cầu tuột.

Tai nạn trong khi Ăn hoặc Ngủ
Khi các cháu ngủ, cô giáo không được lơ là, phải luôn luôn để ý. Trẻ infant cứ 20-30 phút cô giáo phải check hơi thở của trẻ. Trẻ lớn cũng phải quan tâm. Lớp tôi phụ trách này, các trẻ ngủ trên giường xếp có chân cao khoảng hơn gang tay, để nếu trẻ rớt xuống đất cũng không đau đớn. Nhưng không phải như thế là an toàn mà không để mắt khi trẻ ngủ. Trong lớp tôi, có một bé gái rất hiền lành và ngoan. Thường ngày tôi cho bé lên giường, kéo chăn đắp, rồi để bé tự ngủ, lo đi xoa lưng cho trẻ khác khó ngủ hơn. Một ngày nọ, bé nằm theo dõi tôi. Thấy như thế nên tôi cũng theo dõi bé và nhắc chừng bé "go sleeping", "go night night". Có lẽ bé khó chịu trong người mà không biết diễn đạt thành lời. Đột nhiên bé trợn mắt chân tay giật giật. Bé động kinh. Tôi nhào tới bé, sờ trán thấy cháu sốt. Lật đật bảo bà Hiệu Trưởng gọi bố mẹ cháu. Tôi tốc mền, lột áo quần bé, lấy khăn nhúng nước lạnh lau toàn thân, nhất là những chỗ gấp nếp như cổ, nách, háng... cho cháu để hạ sốt. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời cháu bị bệnh động kinh. Khi nhiệt độ cơ thể xuống thấp cháu cũng bị động kinh. Cũng bé này, một lần đang giờ ăn trưa, bé ngồi không ăn. Có lẽ bé khó chịu trong người nên không đói và không muốn ăn. Tôi sờ trán thì thấy bé không sốt. Trong khi hâm thức ăn cho trẻ khác, tôi ngó chừng bé xem có ăn không. Đột nhiên cháu trợn mắt và tay chân giựt. Vì theo dõi cho nên tôi phóng tới đỡ bé ngay, chưa kịp ngã xuống đất. Cũng may là bé chưa ăn gì trong miệng. Nếu đang ăn mà bị động kinh thì nguy hiểm lắm. Tiện đây, tôi xin nói thêm, trẻ vừa ăn vừa đi hay chạy vòng vòng dễ bị hóc lắm.
Cô giáo chúng tôi năm nào cũng được tái huấn luyện một khoá cấp cưú trẻ (CPR) khi trẻ bị nín thở, tim ngưng đập, bị nghẹt thở vì vật cản trong cuống họng v. v., nhưng chỉ thực tập trên người giả. Chúng tôi chưa thực hiện ở người thật lần nào, vì chưa gặp. Không biết trong khi mồm miệng cứng, chân tay co giật mà bé bị hóc thức ăn thì tôi cứu cấp có thành công hay không? Sơ cứu trước khi xe cứu thương tới là giai đoạn rất quan trọng, quyết định phần lớn thành công hay thất bại trong việc cưú thương. Tôi bế bé giao cho bà Hiệu trưởng, trở về lo cho các trẻ khác. Các trẻ này không biết chuyện gì đang xảy ra nên không ai hốt hoảng. Bé này sau đó được bác sĩ cho uống mỗi ngày một viên thuốc để khống chế cơn bệnh, và bà mẹ giao cô giáo việc cho bé uống thuốc. Tôi không thấy đây là thêm việc, mà nhìn dưới nhãn quan khác. Tôi cho rằng phụ huynh đã tín nhiệm mình nên mới giao việc hệ trọng này cho mình. Tôi vui vẻ làm vì nghĩ mình được phụ huynh đánh giá cao.
Ở nhà trẻ Mỹ, người chăm sóc trẻ được huấn luyện rất kỹ lưỡng: vừa là người mẹ, vừa là cô giáo, vừa là y tá...để săn sóc trẻ có hiệu quả cao. Trong nhà trẻ còn cấm: kỳ thị sắc tộc, màu da, tuổi tác, nam nữ....qua cách giải quyết vấn đề, ngôn ngữ, sách đọc, bài hát, đồ chơi, trò chơi v. v. Vấn đề này không nằm trong bài viết hôm nay.
Để kết luận, quý phụ huynh an tâm khi gởi con cho nhà trẻ. Xin nhắc lại: Nhà trẻ quy mô, có giấy phép hành nghề. Quý phụ huynh nếu muốn gởi trẻ vào một Trung Tâm Giữ Trẻ nào nên hỏi ratio của từng lứa tuổi, quan sát sinh hoạt trong phòng và ngoài sân chơi của trẻ trước khi gởi trẻ.

Hạ Vũ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét