2 thg 6, 2023

Tự Truyện Của GS.Đỗ Đình Chiểu ( Chương IV : Ra Đi )

                     Chương IV

RA ĐI 

RỜI KHỎI LŨY TRE LÀNG ĐẾN VỚI CHÂN TRỜI MỚI

 

Nơi lũy tre làng

Cha mất. Bờ vai vững chãi để mấy mẹ con nương tựa không còn. Không câu chữ nào có thể diễn tả hết nỗi đau mất đi người cha giữa hoàn cảnh gian nan. Người đau khổ nhất là mẹ. Chúng tôi còn nhỏ quá, đau cũng không thể bỏ mặc mẹ. Đau cũng không biết đau bằng mẹ.

 Bấy giờ nhà cạn kiệt, không tiền mua thuốc, nên chị Mận tôi chết. Trên đời này, còn có nỗi thống khổ nào lớn như vậy.

Bà nội, cha, chị gái. Mỗi người bỏ thế gian này ra đi theo mỗi cách. Nhưng cuộc sống là sự tiếp nối, không chỉ bản năng sống, mà còn là nghị lực và khát vọng sống. Các ý nghĩ tiêu cực luôn bị đẩy lùi mỗi khi mặt trời bừng lên trên thế gian. Mặc nỗi đau như vết thương không thể nào liền, mấy mẹ con vẫn tiếp tục can trường để sống.

Không riêng gia đình tôi tiêu điều. Xung quanh chòm xóm cũng xơ xác tan tác, vì bom rơi, loạn lạc, cái đói cái khát cứ giày vò. Hết trận càn này đến trận càn khác của đế quốc Pháp và tay sai. Tới nay tôi vẫn sợ khi nhớ lại những trận càn quét đó. Mọi người bảo nhau đào hầm để trốn. Khi bọn giặc đến, thì có người báo tin, bà con bảo nhau chạy trốn. Cả gia đình trốn xuống hầm tăng xê ven bờ sông Đáy. Từ sáng đến sẩm tối, tiếng bom đạn nổ khắp nơi. Chúng tôi đói lắm. Đói khát nhưng rất sợ hãi, không ai dám ra khỏi hầm, nước cũng không có uống, phải ngắt những ngọn cỏ quanh miệng hầm nhấm nháp để quên đi cái đói cái khát cứ hành hạ.

Mẹ tôi thương các con, cứ liều chết chạy ra khỏi hầm vơ vội những nắm lá hay nhặt nhạnh những trái cây dại ven đê.

Tôi cũng không biết vì sao bọn giặc lại càn hết trận này đến trận khác trên quê hương tôi. Và sau mỗi trận càn, chúng thu được những gì? Nhưng những cơn đói hành hạ, hình ảnh lũ giặc càn, rồi bắn giết những người chúng gọi là Việt Minh, bắn giết những dân thường vô tội… là ấn tượng sâu đậm nhất đáng sợ nhất về chiến tranh. Toàn gia đình điêu tán không biết sống thế nào?

Tôi tuy nhỏ nhưng đã biết mò cua bắt ốc. Không chịu ngồi chờ đói, tôi cứ lội ra đồng đi bắt cua ốc. Nhưng tôi đói lắm, mắt hoa không bắt được con cua hay con ốc nào. Trời nắng chang chang, tôi mệt lả bước đi chệnh choạng, mãi mới về đến nhà. Mẹ xót tôi quá cứ đứng nhìn tôi.

Mẹ nói như muốn khóc, nhưng lại là truyền thêm cho tôi dũng khí: “Biết làm thế nào? Đành để các con đi mò cái ăn…”.

Tôi muốn thốt lên với mẹ: Hãy tin ở chúng con.

Mẹ tôi cứ ngày ngày nhẫn nại lo toan cho đàn con. Mẹ không gục ngã. Chính những hình ảnh đó của mẹ là sự thôi thúc tôi dấn bước trên những chặng đường.

Một thời gian sau anh Pha nhận được tin nhà.

Lúc ấy anh Pha đã theo chú tôi vào Nam được mấy năm rồi. Anh tôi là người biết lo xa và có quyết tâm cao. Anh theo học ở Nha học Chính của Ủy Phủ Cộng hòa Pháp. Còn trẻ mà anh đã biết tiết kiệm tiền, mua được một căn nhà lá nhỏ trong một xóm nghèo.

Ở xa lại bận việc học, không thể về lo toan và tiễn biệt cha. Anh Pha đã gom góp dành tiền gửi về để mẹ và các em vào Sài Gòn, thay đổi môi trường sống. Anh có quen bác Mô ở Hà Nội, nên gửi tiền về nhờ bác mua hộ vé cho cả gia đình mấy mẹ con tôi.

Khi nhận được thư và tiền anh Pha gửi về, mấy mẹ con thu xếp dời quê vào Nam tìm đường mưu sinh. Tôi còn nhớ rõ những giây phút chuẩn bị ra đi ấy. Nhà nghèo cũng không còn mấy đồ đạc. Làng xóm xung quanh cũng tản mác lắm. Nhưng cũng có một số ít đồ còn dùng được, thì chia cho bà con lối xóm chút tấm lòng làm kỷ niệm. Thu quần áo cho con ông cậu là em Hổ, con cậu tôi. Đôi guốc cho chị Chánh Hai. Chị Chánh Hai vốn người làng Tó, làm vợ hai ông Chánh Bá, hồi đó gia đình tôi hay qua lại thân thiết. Đồ dùng cá nhân không mang theo được thì chia cho chúng bạn, bà con hàng xóm. Nhà cửa giao lại cho người chú nuôi của ông bà nội tôi.

Sau này khi tôi về thì không còn lấy lại được ngôi nhà đó nữa.

Bà thím tôi đã để lại cho người khác. Họ cũng đã ở lâu năm trên nền đất ấy. Tôi luôn muốn mua lại để phục dựng căn nhà trong ký ức. Nhưng đó cũng chỉ là điều ước mong.

Năm 1951

Mấy mẹ con gồng gánh đi bộ từ xóm Giếng, Hòa Xá lên Vân Đình mới có xe đi ra Hà Nội. cả nhà lốc nhốc kéo lên chiếc xe hàng cũ. Mấy mẹ con ra đến Hà Nội thì về nhà bác Mô là bà con ở Bà Triệu, đợi ngày bay.

Lần đầu tiên cậu bé nhà quê quần nâu áo vá nhìn thấy xe bình bịch (xe máy), nhìn thấy nhiều cô tóc phi dê trên phố, và những thanh niên ăn mặc bộ đồ tây. Giống như lọt vào một thế giới khác.

Chúng tôi đi bộ ra chơi ở hồ Thiền Quang. Lần đầu ra Hà Nội nên cái gì cũng lạ lẫm. Ngay cả cái mùi cống ở hồ Thiền Quang giờ tôi vẫn còn nhớ. Chúng tôi tò mò liếc mắt vào biệt thự mà người ta bảo đó là nhà của ông Hồ Đắc Điềm, làm quan Tổng đốc Hà Đông. Ngôi nhà tọa lạc ở gần khu hồ Thiền Quang. Lúc đó tôi nghĩ, sao người ta giỏi thế, làm quan thì dĩ nhiên sẽ được ở sang. Nhưng chưa bao giờ tôi được biết đến một tòa biệt thự đẹp như vậy. Sau này khi tôi về nước đi thăm lại những nơi xưa cũ, tôi lang thang bên cái hồ Thiền Quang giờ bị thu nhỏ lại, dấu tích tòa biệt thự đó cũng không còn. Bao kiếp người trôi nổi nơi đâu cùng thời gian và những biến thiên lịch sử?

Tôi hình dung ra cậu bé Triệu ngày ấy, bộ quần áo nâu vá chằng vá đụp đúng nghĩa, đứng bên hồ nhìn mọi sự xung quanh với ảnh mắt của một cậu bé với tâm hồn trong trẻo. Cho dù bao khổ ải, đói khát hành hạ, vẫn niềm tin vào những miền tươi sáng.

Cậu Triệu lúc này quần nâu áo vá nhưng không quên mang theo cuốn nhật ký, giấy khen và các giấy tờ mà bố mẹ cẩn thận cất giữ trong cái hòm gỗ. Cậu giữ những thứ đó cẩn thận lắm, đi qua bao chặng đường bao sự cố, cậu vẫn bọc mang theo người rất đầy đủ không hề thất thoát… Sẽ chẳng ai tin được là 70 năm sau, những giấy tờ cũ, nước mực đã phai đi nhiều, những dấu triện tuy đã mờ theo thời gian, nhưng còn nguyên nét, trở thành giấy khai sinh chứng minh ông Đỗ Đình Chiểu (Triệu) là người con Hòa Xá, là người gốc Việt để lấy lại quốc tịch Việt Nam sau 70 năm bôn ba xứ người.

Cuốn nhật ký mang theo, khi nào khó khăn trong cuộc sống tưởng chừng không vượt qua nổi, tôi đều mang ra đọc để nhớ lời của bố: học và học.

Chúng tôi ở nhà bác Mô mười lăm ngày chờ mua vé máy bay. Ngoài lúc đi chơi loanh quanh, còn thì tôi chỉ ở nhà đọc tiểu thuyết cho bác Mô gái nghe.

Rồi cũng đến ngày ra sân bay. Lúc đó là sân bay Bạch Mai. Là máy bay cánh quạt, tôi cũng không có khái niệm là máy bay mới hay cũ. Chỉ thấy vừa háo hức vừa hơi run. Cả mấy đứa con ngơ ngác khi được người ta chỉ dẫn lên máy bay theo mẹ.

Rồi cũng đến lúc máy bay cất cánh. Tôi nhắm mắt lại, rồi lại mở ra, nhìn xuống phía dưới qua ô cửa kính bé xíu. Nhà cửa ruộng vườn phía dưới như những hòn gạch xếp. Rồi nhìn thấy dòng sông như con trăn khổng lồ. Phút chốc lại chỉ còn như sợi chỉ. Tuổi mười hai và những yêu thương những gian nan nơi quê nhà đã ở lại phía xa kia.

Giây phút gặp anh cả tôi ở sân bay đã khiến cho mẹ tôi nở nụ cười sau bao biến cố khổ đau nơi quê nhà.

Anh Pha đón tại sân bay rồi thuê xe đưa mấy mẹ con về nhà.

Nhà anh mua ở ngõ Vạn Chài. Chúng tôi háo hức lắm. Dù gì gia đình tôi cũng có nơi ăn chốn ở nơi đất khách quê người. Nhà anh lợp mái gianh, chỉ vỏn vẹn hai mươi tư mét vuông, ở sâu trong một ngõ hẹp của xóm lao động, không có đủ tiện nghi, cũng chưa có điện. Nhưng cả nhà rất vui và thấy ấm áp vô cùng.

Chúng tôi đã quên đi mệt nhọc, xúm vào cùng mẹ và anh cả bắt đầu lo toan cho cuộc sống mới.  (Còn Tiếp ....)

 

Đỗ  Đình Chiểu 

 Mời Xem Phần Trước 

Chương III NHỮNG NGÀY ẤU THƠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét