Chương I
PHƯƠNG NAM - VÙNG ĐẤT MỚI
Sài Gòn
Thế là chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã thành cư dân của Hòn ngọc Viễn Đông. Tôi không còn nhớ đầy đủ, nhưng bà con lối xóm ở cái ngõ tên Vạn Chài này cũng là dân ngụ cư là phần nhiều. Dân Bắc dân Trung vào nhiều. Dân miền Tây kéo về thành phố kiếm sống cũng không ít. Lũ trẻ con thì thâm nhập rất nhanh.
Nói vậy chứ cũng phải rất lâu sau, mấy anh em tôi mới có thể tạm quen với cuộc sống mới. Ban đầu chúng tôi cứ mãi không hiểu người ta nói gì cứ líu ríu, câu chữ cứ bẻ dấu như mấy đứa bạn nói ngọng ngày nhỏ của tôi. Nghe riết rồi cũng quen tai. Nhiều người ở Bắc vào đã có thể nói theo giọng Nam. Nhưng anh em tôi vẫn giữ nguyên chất giọng quê hương.
Sài Gòn vốn là vùng đất trũng thấp, từ xa xưa tuy là rừng rậm nhưng cũng chỉ là những cây nhỏ. Tôi cũng có nghe kể, Sài Gòn vốn là vùng thương lái mà Chúa Nguyễn đã đặt điểm giao thương để kết nối buôn bán với dân tứ xứ.
Ở Sài Gòn có nhiều những hàng cây cổ thụ đứng trầm mặc, mát lắm, những hàng cây không biết được trồng từ bao giờ đứng hai bên đường phố sầm uất, ung dung dõi theo mọi vật đổi sao dời, suốt chiều dài lịch sử. Có những hàng cây sao được người Pháp trồng từ những năm 1882, 1883. Có phố thì hai bên là hàng cây xà cừ, còn gọi là cây sọ khỉ, được trồng cùng thời với những cái bướu, cái nu như gu của con bò khổng lồ.
Nhiều cây cổ thụ đứng sừng sững vài ba người ôm không xuể. Trên cây, những loài rêu, dây leo, tầm gửi quấn quanh chằng chịt. Thi thoảng có những nhành phong lan đung đưa, lấp ló.
Ở đô thị lớn, nhưng lại ở trong cái xóm như cái mụn lẹo, toàn dân lao động nghèo, thành ra vẫn cứ là lối sống của dân quê. Mẹ tôi tiết kiệm và chắt chiu từng khoản tiền mà anh cả tôi đưa cho mẹ lo chợ búa nấu nướng ăn uống cả nhà.
Mẹ tôi thi thoảng ngồi bên cửa nhìn về nơi xa xăm nào đó. Khi ấy tôi đã lớn, không còn nũng nịu mẹ nữa, mà tôi lại thấy mình đã thành một cậu trai lớn, cần chăm sóc mẹ. Mẹ đã sống ở làng quê, đã sinh cả đàn con. Nay thành đàn bà góa, tuổi mẹ không còn trẻ, lại phải bôn ba xa quê, xa tít tắp mù khơi không biết bao giờ được trở lại quê hương. Tôi biết mẹ buồn trong lòng lắm. Nhưng ở ngoài quê thì đàn con không được học hành, không biết sẽ sống ra sao. Mẹ tôi con gái xóm Chùa, lấy bố tôi con trai xóm Giếng. Đi lấy chồng rồi vẫn thường chạy qua chạy lại nhà đẻ. Nay ở xa xôi, không chăm sóc được nhà đẻ, không biết các cậu các dì tôi học hành sinh sống ra sao. Rồi nỗi nhớ quê hương bản quán, nhớ cha mẹ, nhớ bà con, nỗi đau khi không còn bố tôi bên cạnh… Mẹ hẳn là người đàn bà kiên cường biết bao.
Tiếng ở Sài Gòn bao năm, mà thủa đó tôi cũng chưa hề được đi chơi mấy công viên như Thảo Cầm Viên, Tao Đàn, đi chơi cho đúng nghĩa. Cũng chưa hề được đi xem phim rạp. Bởi mấy anh em tôi, một lòng quyết tâm học chữ, học bằng mọi giá, học để làm người tử tế, cho dù sống ở dưới thể chế nào.
Mời Xem :
Tự Truyện Của GS.Đỗ Đình Chiểu ( Chương IV : Ra Đi )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét