Sau 30/04 là biến động của từng con người. Chia ly và chết chóc, đau thương và mất mát trong từng mỗi gia đình.
Anh ạ tháng tư sương mỏng lắm
sao em nhìn mãi chẳng thấy quê
hay sương thành lệ tra vào mắt
mờ khuất trong em mọi nẻo về.
Gia đình tôi cũng thế, ngày đất nước thống nhất cũng là ngày chia cắt của gia đình. Anh tôi du học năm 70 đã bặt tin, em trai tôi không bước vào ngưỡng cửa đại học mà bỏ nhà đi tìm chân lý với tâm sự nặng lòng. Mẹ tôi hụt hẫng vì tưởng chừng như mất cùng lúc hai đứa con yêu, niềm hy vọng gởi gắm cho đứa con phương xa như tan theo bọt nước.
Trong đau buồn, mẹ theo tôi về rừng để chôn dấu nổi buồn. Bà ngoại theo mẹ, còn tôi… Tôi sống trong mơ màng. Chán nản thời cuộc, tôi tưởng mình như hai nhân vật Bá Di – Thúc Tề bỏ lên núi để sống cách biệt, không hưỡng lộc của nhà Chu.
Nguyên nhân thầm kín và mạnh mẽ nhất khiến tôi từ bỏ thành phố, từ bỏ học trò mến yêu cũng là tiếng gọi nơi rừng thẳm. Cái đẹp ngỡ ngàng của dòng suối xanh trong cô tịch giữa rừng đã thu hút tâm hồn tuổi thanh niên khi mới bước vào đời. Tất cả những gì tôi tưởng chỉ thấy trong những tác phẫm thơ mộng đã bày ra trước mắt và tôi đã sống với nổi đam mê … quên đi ngày tháng.
Nơi đây, tất cả đều phải tự lực cánh sinh. Chúng tôi cắt tranh, lợp nhà. Đào đất trộn muối và rơm làm vách. Căn nhà vách đất do chúng tôi làm đến nay gần bốn mươi năm vẫn còn vững vàng, chỉ thay mái tranh bằng mái tôn.
Chúng tôi phát rẫy, trồng lúa. Thu hoạch được lúa rồi phải biến thành hạt gạo để có cơm ăn. Trong quá trình tự lực tất cả mọi thứ, tôi mới hiểu thấm thía cuộc đời, thấm thía ca dao tục ngữ mà ông cha mình đã trãi qua. Bao nhiêu kinh nghiệm đúc kết lại cho đời những vần thơ ấy. Khi mồ hôi muối lăn dài đọng khô lại trên mặt tôi đã hiểu thế nào là
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.
Nơi đây, bà ngoại là chỉ huy trưỡng, mẹ đầu bếp chánh và tôi là lao động chánh. Ba người phụ nữ với ba tâm trạng nhưng cùng vui với tạo vật nơi đây. Thiên nhiên và công việc đầy ắp làm tôi không còn nhớ gì đến ngày tháng, cuộc sống đã qua nơi thành phố.
Mỗi ngày, khi đã xong mọi thứ, nhiệm vụ cuối cùng và quan trọng nhất là phải giã lúa thành gạo và từ gạo cám giã thành gạo ăn được. Nơi đây chúng tôi sống như những người thượng cổ, gạo giã miệt mài trong cối đá chỉ đủ ăn một ngày. Không có nhà máy xay xát, không có điện, không quán xá, chợ búa và không có hẳn con người nếu tôi không ra khỏi khu vực của mình. Đôi khi đứng cuốc đất trước nhà, nghe tiếng chó sủa tôi lại nhìn lên mong ngóng một gương mặt nào đó để thay đổi không khí phần nào.
Dần dần chúng tôi thấy cần phải có cối xay để cải thiện cuộc sống và theo lời người dân địa phương tôi tìm đến người hàng xóm làm cối xay – ông Ba Răng còn gọi là ông Ba Rừng Xanh, một nhân vật huyền thoại.
Nói là hàng xóm chứ thực ra nhà ông ở sâu trong rừng. Chúng tôi ở bìa rừng và là hàng xóm gần nhất của ông. Tôi phải mò mẫm trong rừng thật lâu mới tới nơi. Đến đây tôi như bị mê hoặc bởi vẽ đẹp thanh bình của nó.
Ba túp lều tranh nhỏ xíu nằm thành cụm sát nhau, thấp lè tè bao quanh bởi một con suối tuyệt vời.
Bạn phải cúi đầu sát xuống để chui vào nhà không vách, không cửa nẻo. Một nhà chỉ có một cái võng duy nhất làm nơi ngủ, nhà kế tiếp là nơi nấu ăn kê bằng mấy viên gạch với thịt heo rừng phơi khô treo lủng lẳng xung quanh. Nhà còn lại được xem như nhà khách chỉ với vài khúc cây để ngồi.
Ông sống một mình bằng nghề săn bắn. Ông bảo thịt ăn không hết, phơi khô treo khắp nơi cho khách lở đường. Ai đến đây mỏi chân cứ việc nghỉ ngơi và lấy nướng ăn, đừng làm bẩn nơi ông ngủ là được. Điều cấm kỵ nhất là không được câu cá nơi con suối sau nhà.
Lúc ấy tôi mới hiểu tại sao suối nhà ông thanh bình đến thế. Cá khắp nơi tụ về bơi lượn với sự bảo trợ của ông. Ngồi sau nhà ngắm đàn cá thấy thật yên bình, tôi cứ ngẫm nghĩ…. Tại sao ông chọn cuộc sống này! Thực ra ông đã có gia đình, con cháu nhưng ông từ bỏ tất cả để vào sống giữa thâm sâu cùng cốc. Ông sợ con người đến thế sao! Sao ông có thế sống bình yên nơi đây trong thời loạn lạc! Có lẽ một ngày nào tôi sẽ hỏi nhưng chưa có ngày ấy thì tôi đã ra đi. Ý định viết về ông đã không thực hiện được. Giờ đây tôi chỉ nhớ đến ông như nhớ đến một bức tranh phong thủy có ông lão ngồi bên dòng suối.
Sau này nơi thành phố tôi được biết ông đã từ giã rừng sau một trận thập tử nhất sinh. Con heo rừng khôn ngoan đã giã chết và khi ông đến gần mở bẩy thì đạp tung ông lên, may mà không chết. Ông đã bị nhiều trận nhưng trận đó là trận chiến cuối cùng. Không biết vì sợ sanh nghề tử nghiệp hay vì rừng đã biến mất dần không còn nơi nương tựa nên rừng xanh không còn là nơi nương náu và ông Ba Rừng Xanh đã trở thành dĩ vãng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét