Bát điếu giả cổ (gốm sứ Bát Tràng) – Nguồn ảnh: battrang.com/
Dẫn nhập:
Khi không vác xác qua đây xin nhận nơi này làm quê hương, đến cái tuổi hoàng hôn, khi trưa phơi sách khi chiều tưới cây, người viết mon men làm quen với cái thú chơi đồ cổ để rồi gặp một cụ bạn già thuộc dạng thâm căn cố đế qua bàn mạt chược. Nhà cụ có cái điếu bát hai lần di cư theo cụ, năm 54 và 75, lâu lâu cụ bạn già mò lụi cụi ra nhà để xe làm một bi… điếu cầy, khói bay mịt mùng. Còn cái điếu bát cụ để hoài vọng những người muôn năm cũ, mực đọng trong nghiên sầu, bên phố đông người qua…
Thấy cái điếu bát để làm cảnh, nghĩ dại “của đi tìm người” nên há họng gạ mua, nhưng cụ lắc đầu quầy quậy nhất định không bán. Một buổi cờ đang tàn cuộc không còn nước, cụ cháy túi bèn cấn cái điếu bát cho người viết.
Rồi cụ đi vào cõi tĩnh mịch, thỉnh thoảng nhìn cái điếu bát lại nhớ cụ bạn già, lại lây lất qua cái điếu cầy với bạn bè xưa cũ một thời nằm chết dí trong trại cải tạo và lấy nó làm cái thú đi mây về gió. Thế nên người viết có bài viết này cùng giấc mơ hoa với những người về tự trăm năm…
***
Từ sáng đến giờ, lão xác như ve loay hoay với ba mớ rau cỏ như húng quế, ngò gai với tía tô. Đầu óc lại rối như canh hẹ nghĩ đến tiện nội lão láo ngáo qua đây còn khuân cả mảnh vườn cải quê nhà theo, mới tối hôm qua, bàn về cái giỗ vào giữa năm, lại được thể lào thào là gà luộc mà không có lá chanh xắt nhỏ thì nhạt thèo lèo như nước ốc ngâm vôi, nên lão nghĩ quẩn ắt hẳn là phải đào một cái hố trồng cây chanh cho mùa tới. Mà dạo này trái gió trở trời hay sao ấy, trước tiện nội lão thì “rằm cũng ừ, mười tư cũng gật”, bây giờ mặt nặng như chiếu ướt, cứ tung tẩy là lão dạo này đốc chứng, đâm ra sinh tật, tối nào ngủ cũng ngáy “ro…ro…ro…” như gọi đò sang sông, như thợ mộc kéo gỗ, nghe giận gì đâu. Ấy vậy chứ còn trẻ trung gì cho cam, hai vợ chồng già bén hơi nhau như khói bếp bén nóc rạ cũng gần nửa đời người, con đàn cháu đống cả đấy. Để rồi từ nẫy đến giờ, lão chẳng làm được việc gì ra hồn, vì cứ bổ nháo chuyện này ra chuyện kia, nhưng nhắc đến lũ cháu, lão mới khuây khỏa được đôi chút, như mới tối hôm qua, thằng cháu đích tôn bắt ông nội kể chuyện cổ tích Na Uy của nhà trường và ngẫm nghĩ cũng hay hay, chẳng khác gì truyện Từ Thức về trần của người mình: Truyện về một lão tiều phu lên rừng đốn củi. Sau một giấc ngủ trưa, tỉnh dậy thấy mình râu tóc xồm xoàm, lưng còng má hóp, quần áo rách tả tơi với màng nhện giăng tứ tung và bên cạnh là cái rìu đã rỉ sét. Nghĩ mãi không biết chuyện gì xẩy ra, cuối cùng đành lọm khọm, tìm đường lò dò về nhà thì thấy vườn không nhà trống, vợ con đã trôi sông lạc chợ tự thuở nào. Làng mạc đầu trên xóm dưới tiêu điều vắng hoe, để không ai còn nhận ra. Mãi mới có người cháu hay chắt nào đó, nhìn thấy cái rìu cũ kỹ như rìu nhà, nhíu mày moi móc trí nhớ… Và chợt nhớ ra rằng cách đây cả hơn trăm năm có cụ cố của dòng họ, một hôm lên rừng chặt cây đốn củi và không thấy trở về nữa.
Tiếp đến, lão bồn chồn bằng vào những ngày kỵ, ngày húy sắp đến với năm hết tết đến, quanh đi quẩn lại, không ngoài những chuyện cũ qua thư nhà với đất cát hương hoả, cùng những cái tên quen thuộc như ông Tuần, bà Cả đã khuất bóng từ lâu, hay chuyện làng nước, nhà này mới lợp mái ngói, nhà kia mới đào cái ao, cá trắm, cá quả to bằng cái bắp chuối, tát không xuể. Và để rồi lão lấp lửng về một khung trời của cây đa bến cũ, lâu dần đã trở thành biểu tượng ký ức sâu đậm, nhắc tới bến cũ, lại bồi hồi mang mang, như bất chợt nhớ lại những ngày tháng năm nào, ẩn hiện như một dấu tích của cái sân gạch vồ vuông vức, trong những ngày nắng hanh phơi lá hong bẹ. Qua đến mùa gió nồm lại ủ thuốc trong cót, trong bồ đằng sau bếp cùng mùi thơm ngậy xông lên ngào ngạt, ngửi cũng thấy say như thuốc Đông, sợi lớn mầu tương đối nhạt, thuốc Hồ sợi nhỏ mầu như đen, sờ tay vào dính như có nhựa. Đến đây, lão ơ hờ, tay cầm cái xẻng và thừ người ra, vì thật tình mà nói thì lão cũng có hơi lọng cọng và cũng chẳng biết gì hơn. Lão lại tiếp tục đào thêm dăm ba nhát đất… Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng chiều nay lão cũng tính gom lũ con để bàn bạc cái giỗ ông cụ cho tươm tất một chút, không thể quấy quá như mọi năm được. Bất giác lão thở dài thườn thượt và thương hại cho lũ con của lão, suốt ngày trong phòng với cái ti vi và điện thọai. Cũng may chúng còn có ít nhiều chuyện cổ tích, nhưng lại của người Tây phương, và lão tự thầm nhủ, để lúc nào rảnh rỗi, lão sẽ kể chuyện… “Ngày xưa” cho chúng nghe.
Để rồi lão cũng không hiểu tại sao, cứ u hoài nặng trĩu với hình ảnh của mấy cái bình vôi lăn lóc dưới gốc đa già cỗi ở góc làng, bên cạnh bờ ao và xa xa là miếu đền rêu phong ẩm mốc, nhân tiện lão cũng có dịp ê a với đàn con, như: “Ngày xưa, các cụ ta an cư quanh quẩn ở Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… Cả mấy chục đời vun xới với nghề trồng thuốc lào, để cơ ngơi một thời vàng son nở mày nở mặt với nhà ngói cây mít, năm gian hai trái, ngói lợp đều tăm tắp như vẩy rồng. Phủ trên huyện dưới, ai ai cũng chẳng lạ gì với cái tên thuốc lào Vĩnh Bảo, sau này cả nước biết tiếng qua cái tên huyện Tiên Lãng…”.
Lão vừa lơ đãng bước tới, vừa tủm tỉm cười nghĩ đến cả cái buổi thiếu thời ngày nào bê cái điếu bát của các cụ ra hiên làm trộm một hơi, rồi thì say như điếu đổ, say như thạch thùng say thuốc và cũng có thể vì vậy cả nhà gọi gã là… thằng Nõ Điếu chăng. Đang như chống gậy trúc khua cua trở về làng xưa chốn cũ, thì như số ruồi, lão hụt cẳng giẫm vào cái hố cây chanh đang đào dở dang ngã bổ chửng ra đằng sau, đầu chạm vào cái vũng nước mưa nghe cái “tõm”, như tiếng sung chín rụng ngoài bờ ao nhà và không biết trời trăng mây nước gì nữa. Trong cái lửng lơ gần đất xa trời, lão vẫn còn lơ mơ nhớ mang máng tay cầm cái xẻng…
***
Tôi chúa ghét nhiều người thường vác cái mặt lên như con bọ ngựa để ngọ nguậy là người biết nhiều, rồi nổ như pháo thăng thiên với: “Tôi là nhân chứng của lịch sử”, nếu được bạn bè bốc nhằng là thông thiên bát cổ thì cái mũi lại nở to ra bằng cái gáo. Tôi không rồ đến độ như vậy, nói cho ngay thì cái tôi đáng ghét của mình chỉ là cái gạch nối không đâu của một dòng họ. Nhưng khổ một nỗi, tôi lại không phải là người dương thế, cũng chẳng phải là ma, mà ấm ớ chỉ là… cái điếu bát, mà cụ bà Hồ Xuân Hương đã vẽ vời “Lưng tròn vành vạch đít bảnh bao – Mân mân mó mó đút tay vào – Thủy hỏa tương giao sôi sình sịch – Âm dương nhị khí, sướng làm sao”.
Ấy, có tự trào hay khẩu khí này nọ như cũng vậy thôi, tôi cứ tuệch toạc như thể người ngợm có ba phần, đầu, mình và chân tay. Nếu có tả chân “điếu tôi” thì bóc ngắn cắn dài, không ngoài trên răng dưới hột thị gồm cái điếu bát, cái xe điếu và cái bát điếu. Chẳng giấu gì, thực tình tôi không hiểu được là mình thuộc giới tính nào, chỉ biết rằng thân tôi được làm bằng sứ hay sành, với dăm đường chỉ cùng hình vẽ ngư, tiều, canh, độc, không thì để trơn tuốt tuồn tuột, trắng như ếch lột cũng chẳng sao. Nhưng được cái dáng tôi hình tròn thắt cỏ bồng, “Lưng tròn vành vạch đít bảnh bao”, giống như mấy bà mệnh phụ phu nhân trong tranh vẽ thời Phục Hưng, cái bụng thỗn thện, cái mông to chành bành như đít trâu, có lẽ vì vậy tôi thuộc giống cái chăng. Chẳng như ông tây bà đầm lạng quạng với “Lơ với La”, các cụ ta xưa cùng tình tự dân tộc, gì cứ nhúc nhích thì các cụ tóm ngay cho là… con: Như con cu, con chim. Ngồi đồng một đống chẳng nói chẳng rằng như gái ngồi phải cọc thì các cụ phang cho là… cái, như: cái hĩm, cái bàn. Trở về với điếu tôi, vô duyên gì đâu ngay giữa mặt nhu nhú là cái nõ, thâm sì như cái tĩn của mấy bà nạ dòng, đèo bòng thêm một cái lỗ to đùng bằng hạt ngô. Bên cạnh tôi, lề mề là cái thằng phải gió xe điếu, cái giống gì mà gầy đuỗn đuồn đuột bằng cái thân đũa, đầu thì xám ngoét, nhưng được cái mỗi lần “Mân mân mó mó đút tay vào” thì nước nôi tôi lại “Âm dương nhị khí sướng làm sao”, được thể tôi lại gào thét như sấm chớp mây mưa. Áo quần tôi bên Tây thì có bên Tầu thì không, được mô tả thơ thẩn với hôm qua em đi tỉnh về với chân chất quê mùa thì giống như cái váy, nôm na là được tiện bằng gỗ, hình ống, nên các cụ gọi lằng nhằng là… cái bát điếu.
Nằm đuỗn trước mặt các cụ, tôi cứ tênh hênh tôi để cái sự đời tôi ra, tối lửa tắt đèn các cụ lên cơn tòm tem, mò ra cái sập gụ và đét đồn lên rồi bế tôi ra vần với vê, một bi thuốc nhỏ và tròn vừa bằng… con nhặng xanh rồi ấn với nhét vào cái nõ. Châm cái đóm tre chẻ mỏng tang và cái thằng phải gió nằm bên cạnh là cái xe điếu trúc mầu vàng chỉ đợi có vậy, nhỏm ngay dậy lom khom để đút vào, tiếp đến là “Thủy hỏa tương giao sôi sình sịch”, tôi thì rên la, các cụ thì ngẩng cao đầu, mắt lim rim và miệng phà ra phì phò hết sức là thống khóai, thế rồi mắt mũi thấy xa xa là dồi núi nhấp nhô chập chùng, thấy mặt đất sàng qua quét lại. Ấy vậy mà đóm thuốc xòe lên, ngọn lửa vừa tắt thì ngón tay ngón chân tôi tê rần. Trong cái bải hoải rã rời của tứ chi, mạch máu như nở ra, tôi loáng thoáng như nghe tiếng ríu rít như chim hót, tiếng kêu nghe thật hay: Khi buồn nghe như giọng thút thít của người con gái trong cái đêm trao duyên gửi phận, tấm tức cho mối tình đầu. Lúc vui vẻ như con gà trống gân cổ gáy, khi giận dữ chẳng khác mấy mụ nạ dòng đang vén váy rít qua kẽ răng…
Mỗi thời mỗi khác, thời của tôi có tự trào hay tự thuật nếu có hơi quá đáng thì cũng tự hỏi, thằng xe điếu gặp phải tay cụ bà Hồ Xuân Hương một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa thì có sao đâu. Riêng thời của các cụ tôi xưa thì có phúc có phần đâu không biết, nhưng dòng dõi các cụ điếu tôi cũng thế gia vọng tộc như ai, đời vua Tự Đức được phong quan với tước “Thủy Hỏa Mặc Hầu”. Chuyện gì cũng phải có đầu có đũa, như gia tộc của điếu tôi được các cụ kể lại khởi đầu từ thời quan Nội Hầu Phạm Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, quận Đường Hào, Hải Dương. Đời vua Trần Anh Tôn, Phạm tướng quân cầm quân chinh phạt xứ Lão Qua, quân sĩ xa nhà, đêm đến trời lạnh lẽo rét buốt nên bắt chước dân địa phương hút loại thuốc này cho ấm, để giải khuây nỗi sầu viền xứ. Khi trở về, du nhập luôn thói quen hút thuốc trên và sau được gọi là… thuốc lào.
Cụ tổ điếu tôi được sinh ra đời vào khoảng thời gian ấy, năm nào không rõ. Ít lâu sau Phạm tướng quân kết duyên với con gái nuôi của đức Trần Hưng Đạo và sinh ra công nương Tĩnh Huệ, sau này gá nghĩa với ông Nghè Vũ Quỳnh, người làng Mộ Trạch, Hải Dương. Theo điếu tôi được biết thì dòng họ Vũ này là một chi, một tông nào đó với ông Nghè Vũ Kiệt gốc ở Tiên Du, Bắc Ninh. Trước nữa thì thủy tổ dòng họ Vũ là cụ cố tổ Vũ Hồn, giữ chức Kinh Lược Sứ vào năm 841, thời Cao Chính Bình, nhà Đường, làm An Nam Đô Hộ Phủ. Ông có cha là Vũ Huy, người Phúc Kiến, Trung Quốc và mẹ người An Nam tên Nguyễn Thị Đức.
Bà cụ tổ điếu tôi theo công nương về làm dâu họ nhà họ Vũ từ ngày ấy.
Đến thời cụ cố ông tôi cùng thời với ông đồ Vũ mà điếu tôi đang sắp sửa tản mạn dưới đây, thì con đường khoa cử và gia cang càng ngày càng đi xuống. Ông đồ Vũ hương trúng tuyển tam trường nên được gọi là sinh đồ, tính thi hội để được gọi là hương cống. Nhưng ông không có cái duyên với cái nghiệp bút nghiên, nên rút cuộc vẫn là ông đồ bát nháo, dở ông dở thằng. Thế nên ông sinh bất đắc chí không thiết gì thi cử nữa, tiến vi quan đạt vi sư, nhưng ông cũng chẳng chịu an phận thủ thường với nghề dậy học, và cũng chẳng màng đến mài mực ra mà kiếm gạo, nên xuân hạ thu đông, ông cứ nằm co với mo cơm tấm ấm ổ rơm là đủ. Như vừa kể ở trên, cụ cố điếu tôi hầu hạ điếu đóm ở nhà ông đồ từ lúc ông còn để chỏm, với gia cảnh túng thiếu như vậy, một tay cụ lo toan gánh vác, buôn đầu chợ bán đầu sông, tất bật đêm ngày nên cũng tươm tất đâu vào đấy. Ông đồ họ Vũ tự cho mình là bậc nho giả sinh bất phùng thời, đâm dở dở ương ương, chập chờn hoang tưởng mình là tráng sĩ mài gươm dưới trăng “Ta mượn nâu sòng che kiếm bạc – Mười năm gió núi lộng thư phòng”. Đến cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc, tưởng ông đồ không còn gì huyền hoặc nữa, thì bỗng dưng không đâu ông lừng lững phong kiếm quy điền, đóng cửa tạ khách. Lâu lâu như kỳ nhân dị sĩ, lại thả hồn về phương tây phương bắc, miệng ngâm nga như điên như khùng “Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vi vút đá chạy cát dương”. Cụ cố tôi lấy thế làm lạ và hỏi cho ra lẽ thì hóa ra trong tâm tư ông đồ họ Vũ đang mang một hoài bão, mà cụ chịu không hiểu nổi. Ai đời thân học trò trói gà không chặt, văn dốt vũ dát, không biết kỳ môn, không rõ trận đồ, không tinh binh pháp… Lại đâm đầu đi tìm Thanh Long Đao nặng 20 cân của Mạc Đăng Dung, hiện đang lưu lạc ở đâu đó, tận ải Nam Quan.
Nhân một hôm, cụ cố tôi qua bên làng Hồng Châu gần đấy, điếu đóm với cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm và được cụ Trạng dậy “Tan tác Kiến kiều An đất nước – Xác sơ Cổ thụ sạch Am mây”. Xong cụ bỏ lửng, nói vọng bâng quơ ra cửa với người khách mới bước vào: “Chép miệng đánh tan quân kiến gió – Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi”. Cụ cố tôi nhìn kỹ, hóa ra đó là Nguyễn Kim, nho phong sĩ khí, dáng dấp an nhiên, ở trấn Kinh Bắc ai cũng biết tiếng. Trở lại nhà, cụ cố tôi có mạo muội luận về thời thế tạo anh hùng với ông đồ: Không lẽ suốt đời chỉ lo mài dũa ngôn từ, chuyên công làm văn, tuổi xanh làm phú, đầu bạc tụng kinh. Nay quốc phá gia vong, sao không không như người xưa, lấy sở học ra kinh bang tế thế, lấy chí nhân thay cường bạo, đem đại nghĩa thắng hung tàn. Sao không theo phò Nguyễn Kim, trung quân ái quốc, giữ chính ghét tà, đang rục rịch chiêu hiền đãi sĩ và mộ quân đánh Mạc Kính Cung, tức vua Càn Thống, hiện lẩn quẩn ở Sầm Nứa, Hòa Bình bên Lão Qua tìm kiếm con cháu nhà Lê về phò làm vua. Kẻ sĩ bách vi, một công đôi việc, mang ít cây thuốc của người Lào về để con cháu có cơ ngơi canh tác, gây dựng hương hỏa cho dòng họ Vũ về sau. Theo cụ cố điếu tôi, nhất cử lưỡng tiện là xin vua Lê khai khẩn vùng đất Cổ Am của nhà Mạc thuộc vùng Thủy Nguyên, phía tây có núi cao, phía đông có biển sâu, giữa là ruộng nương cò bay thẳng cánh, vì chiến tranh tan tác nên đã bị bỏ hoang từ lâu.
Thế là cụ cố tôi lại tay xách nách mang theo dòng họ Vũ lập nghiệp ở vùng Cổ Am, dựng đất Tiên Lãng, Vĩnh Bảo với nghề trồng cây thuốc của người Lào. Nghiệp tổ của điếu tôi khởi đi từ đời nhà Trần, thế nên sang đến đời Lê, vua Lê Thánh Tông có bài vịnh Cái Xe Điếu với hai câu “Động sóng tuôn mây khi chán miệng – Nghiêng trời lệch đất thuở buông tay”. Và tới nhà Mạc suy tàn, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu thơ “Thôi thôi mặc lũ thằng hề – Gió mây ta lại tìm về gió mây”, nhưng ấy là chuyện sau. Qua đời Nguyễn, ngỡ rằng đến đời vua Tự Đức với phong hàm “Thủy Hỏa Mặc Hầu” là hết chuyện, trích đông tây kim cổ ngược về đời vua Gia Long còn giai thọai cụ Nguyễn Hầu Cẩn Chánh Đại Học sĩ đi sứ Tầu lần thứ hai vào năm 1813, cụ ghé đất Nghi Hưng chuyên làm ấm trà và đặt cả thuyền điếu bát. Vì vậy trước khi đi cụ đã cho thợ mộc lấy gỗ đẽo điếu tôi làm mẫu, bên ngoài vẽ nét thảo trúc lâm thất hiền hay đạp tuyết tầm mai này kia. Đi sứ xong, nhận hàng về đến sông Tiền Đường cụ thấy điếu hơi nặng, bèn mở ra ngắm nghía thì mới hỡi ơi là toàn điếu đặc như quả bưởi, quả bòng bằng đất vì thợ mộc quên khoét rỗng ruột. Sau đến sách Vân Đài Loại Ngữ của cụ Lê Quý Đôn và tập Đồng Khánh Dư Địa Chí Lược gọi cây thuốc lào là tương tư thảo. Một loại cây kỳ thú mang cái tên gợi nhớ gợi thương qua ca dao thời thượng “Trúc xinh trúc đứng đầu đình – Em xinh em hút thuốc lào vẫn xinh”. Gần đây thì nhà thơ Quang Dũng với một thoáng em về trong đáy cốc, gợi ý qua câu hát quan họ Bắc Ninh “Thoáng bóng ai về trong khói thuốc – Mắt cười lúng liếng lá răm tươi” này kia.
Nhưng đó là chuyện của họ hàng hang hốc điếu tôi với thơ thẩn, lại còn mò mẫm ra khỏi gốc tre làng cùng chữ nghĩa dân gian… em xinh em hút thuốc lào vẫn xinh. Hoặc giả như “Những nơi chiếu cói, võng đay – Điếu sàng, xe điếu chàng say là đà…”. Nói xa chẳng qua nói gần thì chuyện họ hàng điếu tôi cũng ở… “cái võng” mà ra, chuyện là cố tôi cứ ăn no ngủ kỹ, con đàn cháu đống, sinh sôi nẩy nở như cá lòng tong đẻ vào những ngày mưa phùn gió bấc, nên còn đi xa hơn nữa, vào tới tận Quảng Bình và cuối cùng thì ngừng chân ở đây, không hẻo lánh tới Đàng Trong, ấy là thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Vì những lỉnh kỉnh như nào là cây thông điếu, đến đóm làm lạt tre, phải là tre giang, mình dầy lóng dài hay nứa tước mỏng, lại còn phải phơi khô này nọ và rắc rối hơn nữa là cái… mồi lửa. Rồi tất cả bằng vào sự tình cờ, vua Quang Trung kéo quân ra Bắc Hà lần thứ ba để đánh đuổi quân Thanh. Ngài hành quân thần tốc, cứ ba người thay phiên nhau cáng võng bằng cái đòn tre bánh tẻ. Bánh tẻ chỉ chung một loại tre thân to, ruột rỗng, không già cứng, không non mềm. Nhìn thấy cái đòn võng, có chú suất đội trong toán lính nghĩ đến ngay nên thay cái điếu bát bằng cái điếu tre. Sau người nhà nông thấy tiện lợi, dễ dàng mang theo trong công việc đồng áng, nên đoạn tre một đầu được vạt nhọn, cái đầu vẹt nhọn ấy cắm xuống bờ đất. Sau khi cầy bừa đến lúc nghỉ ngơi, kéo lên châm lửa, đốt thuốc, làm một cữ, rít một hơi nên được gọi là cái điếu cầy.
Mưa thuận gió hòa, thuốc lào mò mẫm vào đến Thừa Thiên để có thuốc vấn như cái loe kèn, tục gọi là thuốc Cẩm Lệ. Hay nói khác đi là thuốc lá. Nhưng ấy là chuyện mãi về sau này…
Trở lại với chi điếu cầy họ hàng với điếu tôi: Chú suất đội cho lính cắt ống tre, một đầu còn mấu để đựng nước, ngang thân ống khoảng một phần ba từ đáy, khoét một cái lỗ đủ để gắn cái nõ hình như cái phễu, phía cuối ống phễu tõe ngang như hình cái guốc, gọi là guốc điếu. Khi hút, khói thuốc đi qua cửa ải này, kêu giòn hay không ở chỗ khéo tay gọt cắt cái nõ hay guốc điếu vừa kể trên. Như hữu duyên thiên lý năng tương ngộ của trời đất, quân lính của vua Quang Trung thì cứ hai người cáng, người còn lại mồi lửa lúi húi nấu cơm bằng con cúi rơm. Đó là thân cây lúa khi đã gặt đập hết thóc và tết lại như kết tóc, to bằng bắp tay hay bắp chân để dùng làm mồi giữ lửa, lửa âm ỉ cháy, khi cần thì thổi phù phù vào mồi và lửa sẽ bốc lên. Thế là cái điếu cầy gắn liền với… con cúi rơm như định mệnh đã an bài.
Thời thế đổi thay, người Bắc vào đến trong Nam khoảng đầu thế kỷ 20, trước cả phong trào mộ phu đồn điền cao su, lúc ấy diêm, quẹt còn hiếm. Không lẽ đi đâu cũng mang con cúi rơm ở quê nhà to bằng cái bắp chân, nên họ mang theo nắm bùi nhùi, trong túi thủ hai hòn “đá kỳ” như hai cục xà-bông, cần tắm táp thì kỳ cọ. Cần hút thuốc họ cà mạnh hai hòn đá vào nhau cọc cạch cho… tóe khói, tóe lửa. Vì thế có một dạo, người nước Nam gọi người nước Bắc Kỳ ta với cái tên… cọc cạch lửa là vậy.
Rồi cũng theo những bước thăng trầm của vận nước nổi trôi, với lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng… Năm 54, dòng họ thuốc lào tôi tay gánh tay gồng với rau muống, dắt díu nhau khăn gói lũ lượt di cư vào Nam đất ấm tình nồng, để rồi trải rộng ở vùng Cái Sắn hoang sơ vắng ngắt, chiều chiều nghe tiếng cu ngói kêu lại nhớ nhà trong điếu thuốc, khói huyền bay lên cây để có thuốc lào 3 số 8 ở tiệm Vĩnh Phát vùng Ngã Ba Ông Tạ. Thôi thì hãy trở về với kẻ sĩ với cái điếu cầy trong một thời thái bình thịnh trị “Ngẩng đầu đưa khói vào mây – Nghênh ngang hiền triết điếu cầy thăng thiên”, thế nhưng phải đợi đến cái năm thế sự thăng trầm quân mạc vấn, ấy là năm 75, thằng em điếu cầy mới hồ hởi có mặt và phấn khởi theo đôi dép râu mũ tai bèo. Thêm một lần nữa chi điếu cầy của dòng họ tôi lại vất vả ngược xuôi, bên kia là núi bên này là sông, từ trại cải tạo ở biên giới Việt Miên, đến tận dẫy núi Hoàng Liên Sơn, heo hắt với gió thổi muông chiều, và rồi đến những ngày cận Tết mỗi năm hoa đào nở, lại nhớ cánh mai vàng của miền Nam mưa nắng hai mùa và ngơ ngáo nhìn nhau: “Điếu cầy càng rít càng kêu – Mặt người dại khói càng vêu mặt người” . Để Thanh Tâm Tuyền vay mượn từ câu ca dao nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên, để có năm ba câu thơ nhớ đời: “Nhớ bạn như nhớ thuốc lào – Đường gần nhưng cách trở xiết bao” và đường gần đây là cái hàng rào kẽm gai của hai làng và ông đã trầm ngâm trong một chiều vắng: “Mong ngày gặp lại nằm chung chiếu – Tán gẫu qua đêm như thuở nào”
Ngược về cái buổi nhiễu nhương ấy, thằng em tôi tranh thủ về thành phố trấn ở đầu đường cuố hẻm, hàng quán không có mái che, dăm cái ghế gồ chân thấp, dưới đất có cái bếp lò, trên bàn dăm bịch ny lông đựng trà và thuốc lào 3 số 1 xuất xứ từ đường Lý Thái Tổ và không thể thiếu cái điếu cầy với những kẻ sĩ sinh bất phùng thời. Nơi hè phố, hút một điếu thuốc lào, hãm một ly trà mộc, kẻ sĩ ngâm nga: “Hãm một ngụm trà khô mộc thảo – Hồn bay lên một cõi trời mây”. Để trôi dạt về những ngày tù tội, mới cảm thấy nỗi nhớ “Ngồi chơi hút điếu thuốc lào – Tạm quên những lúc gian nan ưu phiền” cùng nỗi say bằng vào mỗi buổi sáng “Điếu thông, đóm nỏ, thuốc êm – Thử coi sẽ thấy đảo điên ngất trời”. Rồi nhét bi thuốc, châm que diêm, bắn một phát, rồi ngã lăn đùng ra, mặc kệ trời đất xoay mòng mòng “Sá gì mấy cuộc bể dâu – Loay hoay chỉ tổ bạc đầu mà thôi”
Sá gì một cuộc bể dâu, hãy nghe một người viết kể lể: “Cái điếu đó, làm sao tôi quên được những ngày ở trong tù, sang đến đất Thái với diện H.O. Trưa mùa hè nắng gắt, giữa đám người nắm, ngồi, ngổn ngang trong trạm tạm trú, nhớ điếu, thèm hút, tôi mới cảm thấy cái cảnh chia ly giữa tôi và cái điếu cầy nó thảm thiết, ray rứt và buồn thảm như thế nào. Bỗng tôi… “nghe” thấy mùi thuốc quen thuộc và thoáng nhìn thấy một làn khói trắng, tôi biết chắc đó là khói thuốc tương tư thảo. Đang cơn ghiền, tôi mò tới làm quen, mục hạ vô nhân, bèn bắn một bi và khai pháo cả một cối thuốc “Tựa lưng thả khói thong dong – Tít say lú lấp cả mong với chờ” và kẻ sĩ ly hương lại thêm một lần u hoài “Người bỏ xứ ngồi ôm vừng trán rộng – Nhớ nhà trong điếu thuốc lào say”. Bởi thuốc lào sấy nắng, bao nhiêu gió sương nắng nôi của đất nước quyện thành nên tôi ếm cả nắng gió quê nhà vào buồng phổi thì cảm nhận, không có cái say nào bằng say quê hương. Chỉ có một chút khói quê hương sao mà say, dù rằng mới xa quê nhà mới có mấy ngày, lại liên tưởng đến câu thơ “Sớm mai đánh bệt trước thềm – Đứ đừ phun khói thuốc lên tận trời” và ngẩng đầu về phương tây, phương bắc, chẳng biết bao giờ trở lại”.
***
Trở lại chuyện những nơi chiếu cói, võng đay…, chuyện rằng từ cụ tổ, cụ cố tôi theo hầu dòng họ Vũ cả mấy đời, cho đến đời “điếu tôi” thì được xem như con cháu trong nhà nên tôi được phép gọi cụ là “ông nội”. Lúc này, nghề nhà với thuốc lào Vĩnh Bảo, dưới tay ông nội tôi đã có tiếng từ xứ Đòai sang xứ Đông. Có một dạo chỉ thua thuốc lào Cả Nghị ở dốc Hàng Gà đầu phố Huế, nhưng trội hẳn thuốc lào Ông Tề vùng Bến Tre. Có thể nói, trồng thuốc và ủ thuốc là nghề gia truyền của dòng họ, cha truyền con nối đến ông nội điếu tôi là hết… lộc trời. Dài dòng với nghề nhà thì cây thuốc trồng lá mầu xanh rêu, thân to và cứng, lớn lên, bẻ lá dưới gốc được để nguyên cả tầu, xếp thành bó móc trên sào ngang phơi khô. Chừng độ đủ nắng, lúc lá đã rũ mề, cuốn lá tròn, thái từng sợi nhỏ, những sợi ấy trải trên nong phơi và ủ. Lúc đầu lá còn tươi, mùi ngai ngái, sau se khô, mùi hăng hắc, chưa tẩm thuốc, được gọi là thuốc mộc Lại còn xóc thuốc và đấu thuốc, đấu là trộn hai hoặc ba thứ thuốc với nhau, về mùa hanh, thuốc khô giòn, khi đấu thuốc phải phun một lớp nước đường loãng. Qua đến mùa gió nồm, phải tránh gíó máy, chăm sóc sao cho thuốc khỏi… ốm o gầy mòn. Kịp lúc người Pháp có mặt ở nước ta, ông nội tôi học lóm được một loại thuốc mới mầu vàng đen, đằm và ngon hơn, mùi thơm và khói bay vào tới tận… kinh đô Huế với vua Khải Định.
Khoảng năm nào điếu tôi không nhớ, vua Khải Định ra Hải Phòng để đi Marseille dự đấu xảo, trong đó có trưng bầy mấy phong thuốc lào Vĩnh Bảo và ghé quận đường để ban cho ông nội tôi chức hàm cửu phẩm vì có công phát huy nghề trồng thuốc. Vì vậy mới sáng tinh mơ, ông nội tôi đã khăn đống áo the, tay cắp tráp đi hầu vua. Vì ngại quan trên trông xuống kỳ mục trông vào, lại sợ phạm thượng nên lễ bộ của ông nội tôi chỉ có thế, không ô che lọng chắn, xe tay xe kéo với kẻ hầu người hạ, chỉ theo sau là hai chú tá điền khiêng trống. Cái trống này là trống lâu đời của đình làng, theo các cụ thì khi gõ nhẹ, có đủ ngũ âm như vũ, chủy, dốc, thượng, cung. Lúc đánh lớn thì âm vọng tới cả mấy xã, mấy tổng. Trống được làm bằng da trâu mộng mạn đường ngược, mà phải là loại trâu sừng cánh ná, tai lá mít thì da mới dầy. Tang trống là nguyên thân gỗ lim hai, ba người ôm không xuể, ngâm nước cả năm rồi phơi nắng để hấp khí âm khí dương. Trên đường cái quan, hai chú tá điền đang nhởn nhơ khiêng trống thì cái quai trống bện bằng dây thừng bị đứt, cái trống đổ lăn long lóc xuống ruộng. Vì vừa to vừa nặng, nên hai chú tá điền không cách nào vác lên nổi, cả ba cuống quýt không biết làm cách nào, ngay cả thông minh nhất nam tử như điếu tôi cũng bí lù. Cùng tắc biến, biến tắc thông, bỗng một trong hai chú tá điền vỗ trán một cái bốp và ba chân bốn cẳng, ù té chạy vù sang làng bên cạnh, lúc này nhà không đồng trống vì ai nấy đều đã lên huyện xem mặt… vua cả rồi. Và một lát sau, chú ấy hí hửng mang về được: Một cái võng.
Trống được võng lên huyện đánh thùng thùng vang trời vọng đất để đón vua… Vua Khải Định nghe chuyện, thấy chú tá điền vừa có công khiêng trống, vừa lanh trí nên ban cho chú ấy phẩm cửu hàm. Còn ông nội điếu tôi, của người phúc ta được đôn lên hàng bát phẩm. Nhưng chuyện bất ngờ đến đây vẫn không xong, chú ấy nghe vua phán vậy, mừng quá thể, bèn lăn đùng ra, tay bắt chuồn chuồn, rồi trợn mắt trắng dã về chầu ông bà ông vải ngay tại sân huyện. Chú ấy lại chết vào giờ trùng, nên vua Khải Định lại cấp thời phong cho chú làm Thành Hoàng làng điếu tôi. Dân làng rất mừng vui, mặc dù sau cái chết tức tưởi, cung kính khấn vái và gọi là: Ông Cửu Võng.
Nhưng dân làng bên cạnh vì trâu buộc ghét trâu ăn nên đâm ức, lại bị mất võng. Nên xầm xì to nhỏ, và bôi bác kêu ngài Thành Hoàng làng điếu tôi là: Thằng ăn trộm.
Chuyện đầu cua tai nheo nó là như vậy, riêng ông nội điếu tôi mặc dù được thẻ bài ngà do chính tay vua ban. Nhưng ông nội tôi cũng không lấy đó làm thỏa thuê gì cho lắm, cũng chẳng phải vì dân làng bên cạnh gọi xách mé Thành Hoàng làng mình là thằng ăn trộm, mà tang thương ngẫu lục thì chuyện nó như thế này: Nếu “điếu tôi” ở cái thời buổi giao thời ấy, nếu được đi học để có chút tiếng Tây tiếng u, thì cả tháng tiền trọ học, ăn ở giặt giũ chỉ mất ba đồng bạc bà đầm xòe, một đồng là mười hào, một hào là mười xu, đến đời ông vua con còn đúc tiền chinh, giá trị chỉ bằng… nửa xu. Hành khất ngửa tay được có một chinh nhẹ hều, vì vậy họ hàng nhà Hồng Thất Công có câu “Bảo Đại làm hại ăn mày” thì cũng không ngoa. Trong khi ông nội tôi, cứ bánh thuốc lào lớn 25 xu, bánh thuốc nhỏ gói hình quả ấu 5 xu. Năng nhặt chặt bị, lúc này ông nội tôi ăn nên làm ra và gần như giầu nứt đố đổ vách, giầu đến độ mấy quan Tây phải lập một đồn thuế quan ngay bến đò Quý Cao để đánh thuế… ông nội điếu tôi, vì ở bến đò này, ông nội tôi có cả một đội giang thuyền tam bản mấy chục chiếc chở thuốc lào đi tứ xứ. Một thuở hoàng kim của gia đình ông nội tôi là một dinh thự kiểu Tây, nằm trên một nền gạch cao cả thước, cột là cột La Mã, Hy Lạp gì đó cao thẳng vút, trong nhà đèn “măng-sông” sáng choang. Năm cậu ấm tôi mười tám tuổi đã lấy xe ô tô của ông nội điếu tôi, chiếc xe thứ hai sau Hoàng Cao Khải của xứ Bắc Kỳ, để ngao du sơn thủy. Cậu ấm tôi đầu đội mũ cối thuộc địa, áo bốn túi có cầu vai, có tài xế lái đi Đồ Sơn tắm biển hay ghé dốc phố Cát Dài ăn chả rươi, khi tôm he, tôm càng, lúc bát bún tầu xao cua bể hay bát miến nấm tai mèo, thịt cua đã đẩy đưa cậu mợ ấm về lại Hải Phòng ở là như vậy.
Để rồi ông nội điếu tôi vẫn tối ngày đi ra đi vào, thở dài sườn sượt, vì từ thời Khải Định qua đến thời Bảo Đại, mợ ấm tôi xơi tôm cua cho lắm nên cứ lười chẩy thây ra, chẳng chịu đẻ đái gì sất cả, để ông nội tôi có thằng cháu nối dõi tông đường cho vui cửa vui nhà. Rồi cả hai cậu mợ ấm, thay phiên nhau nhang khói, lời kệ, câu kinh, tiếng chuông, hồi mõ qua hết đền này miếu kia, ăn chay niệm phật, lạy trời khấn thánh để mong có thằng con cầu tự. Nhưng chẳng đi đến đâu, mợ ấm vẫn không chịu nhúc nhích, cứ ì ra, nhà trên nhà dưới vẫn vắng như chùa Bà Đanh. Đến nỗi có lúc ông nội tính kiếm mợ hai cho cậu ấm thì may quá trời thương thánh độ, có người mách về đền Bảo Sơn khấn. Đền này nằm ở làng Phù Ủng, quê ngoại của ông nội tôi, có đền thờ quan Nội Hầu Phạm Ngũ Lão, dầu gì cũng dây mơ rễ má cũng cả chục đời với ái nữ Phạm tướng quân, chứ đâu có xa lạ gì.
Y như rằng, linh thật là linh, tháng sau Phạm tướng quân hiện về bay qua bến phà Khuể trên con sông Văn Úc và bên kia là huyện Tiên Lãng có làng An Tử Hạ là quê ngoại của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở đây có mả Nghè, nơi an táng cụ được gọi là đất Lý Học. Cái tên từ Chu Sán, danh sĩ đời nhà Minh với câu “An Nam Lý học hữu Trình Tuyền”. Qua Tiên Lãng là bến Hàn, xưa ở bến này có quán Trung Tân, nơi cụ trạng ngồi ngâm vịnh thế cuộc, thiên cơ, quốc vận. Bến đò ấy đưa khách từ Ninh Giang sang huyện Vĩnh Bảo bằng cái cầu phao là địa phận Cổ Am, vùng đất trồng thuốc lào với thập bát trang am như Đông Am, Nam Am, Thượng Am, Hạ Am… Cũng là vùng đất của họ Trần khởi nghiệp từ đây, sau mới về Tức Mặc thuộc trấn Sơn Nam Thượng. Như cụ Trạng Trình qua sấm ký “Bao giờ Tiên Lãng chia đôi – sông Hàn nối lại thì tôi lại về”. Con sông đào cổ xưa chảy qua Tiên Lãng bị bỏ lấp từ lâu, nay được khơi lại với cái cầu phao được bắc lên, hai huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo được nối lại. Cả huyện chờ sấm ký “hiện thực”, chẳng thất “tôi” về mà chỉ thất hai anh em Trần Tiêu, Khái Hưng Trần Khánh Dư, con cháu của Trần Khắc Trang người Cổ Am có mặt trên văn đàn…
Bay vù vù qua mấy rặng tre, nóc rơm nóc rạ trong làng, nhưng khôn nhà dại chợ, Ngài nỏ mắt tìm không ra một mống. Vì cái làng gì đâu, trồng gì không trồng lại đi trồng… thuốc lào, những cây thân thấp mập mạp lá to đang kỳ bánh tẻ, mùi thuốc tẩm lần trong vị ngọt của ngô non và đòng đòng quanh cánh đồng. Đầu thôn cuối ngõ toàn là thợ cắt, thợ ủ, thợ đấu. Vì là làng tân lập, nói không phải là làng văn học cũng không hẳn là đúng, theo mấy thầy địa lý với địa linh nhân kiệt cùng long chầu hổ phục, thì đầu rồng nắm ở tận làng Hành Thiện thuộc Sơn Nam trấn, chân sau nằm ngay cái ao thuộc thôn Tiên Lãng. Nên long mạch bị úng thủy, hay nói khác đi là chân rồng bị… phong thấp, ai nấy muốn đại đăng khoa, tiểu đăng khoa thì phải đợi… Đừng vội chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, đến khi nào chân rồng cọ quạy như muốn đi, là đã đến lúc phải bỏ làng bỏ nước, tha phương cầu thực xứ người, thì mới nên ông nên thằng. Đó cũng là lý do tại sao với cái số thân cư thê, trai huyện Tiên Lãng không lấy gái cùng quê là ở cái cớ sự đó mà ra. Chưa hết, gặp chân rồng 4 móng thì mũ áo thênh thang, ra gõ gặp đàn bà chửa, vớ phải rồng 3 móng thì chỉ có nước ngồi buồn gãi gối… làm thơ là hết đất. Phạm tướng quân cũng biết thế, tính vào nhà báo mộng cho ông nội điếu tôi biết chuyện… con rồng cháu tiên cũng rắc rối, nhiêu khê không phải là ít…
Vừa giẫm chân bước vào nhà thì Phạm tướng quân trợn mắt, bắt gặp ngay “Thằng ăn trộm” đang lúi húi nhét “điếu tôi” vào cái bị. Vì không ít thì nhiều, điếu tôi cũng là của gia bảo của dòng họ Vũ bấy lâu nay. Tướng quân nhìn kỹ thì lại không ai hơn, chính là ông Cửu Võng: Thần Hoàng của làng tôi.
Bị bắt quả tang, sợ quá, ông Cửu Võng đánh rơi “điếu tôi” xuống đất.
Mặc dù là thần là thánh, nhưng Phạm tướng quân cũng dài người ra suy nghĩ mông lung vì cái khó nó bó cái khôn. Vai vế phẩm hàm sau ông nội tôi là ông Cửu Võng, Ngài tính hóa kiếp ông này cho đầu thai vào mợ ấm tôi, nhưng Ngài còn phân vân vì thấy ông này lại… thằng ăn trộm. Còn đang suy tính cách nào cho vẹn đôi bề, vì của khôn người khó, trời cũng gần sáng rồi, đã đến lúc Ngài phải thăng. Bất chợt Ngài nhìn xuống đất, và thấy thằng “điếu tôi” đang nằm chờ thời, ngổng ngang trăm bề với năm, sáu mảnh.
Phạm tướng quân vuốt râu, bật cười ha hả và vù… biến mất.
Đúng ngày đúng tháng, cậu ấm tôi có được cậu con quý tử. Đúng là con cầu tự, con trời con Phật có khác, có nhau tràng quấn cổ, tai dầy như tai Phật, cả nhà đều khen thằng bé số đẻ bọc điều và kháu khỉnh gì đâu, mặt tròn như thắt cổ bồng, phiền một nỗi, bên mép lại có cái nốt ruồi làm duyên. Như cụ Trạng Trình qua sấm ký “Bao giờ Tiên Lãng chia đôi – sông Hàn nối lại thì tôi lại về”. Thế nhưng lớn lên một chút, cậu biết chơi trò lấy cái ống điếu, lom khom thổi vào tĩn con vịt bầu, cho cái bụng… trương phềnh lên, thế nên cả nhà gọi cậu là… thằng Nõ Điếu.
***
– Dậy đi học thằng Nõ Điếu…
Nằm ngã bất tỉnh nhân sự chẳng biết bao lâu, lão choàng tỉnh dậy khi nghe thấy có ai gọi lão bằng cái tên tục từ cái thuở thiếu thời ấy. Cái tên mà bằng vào cái tuổi gần đất xa trời này, nay mới lão mới được nghe lại và lão cho rằng chỉ là tiếng gọi của qúa khứ trong giấc mơ, vậy thôi. Lão thấy người ê ẩm râm ran, lại giật mình thấy trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn lúc nào không hay và định thần tự hỏi cớ sự gì mình nằm đo đất ở đây. Thế nhưng vẫn nằm nướng thêm một lát cho nó êm ả trước khi ngồi dậy, bỗng lão hoảng hồn nhớ lại cái ngã trời giáng hồi nãy và truyện lão tiều phu lên rừng đốn củi… Và lão suy nghĩ miên man, bằng cái tuổi này rồi, lão cũng tự hiểu đó là chuyện cổ tích bao giờ cũng mở đầu với hai chữ “Ngày xưa…” thế thôi. Nên lão yên chí mò mẫm sờ đầu sờ tai, thấy râu tóc vẫn còn nguyên, quần áo có nhăn nhúm, dính chút đất cát. Trong đầu lão đong đưa nghĩ ngay đến một số bài báo gần đây, viết về những “Lỗ hổng thời gian” của một số người vượt thời gian không gian, lạc đường về quá khứ và tìm lại tiền kiếp của mình, ở một góc làng xa xôi hẻo lánh nào đó. Để rồi nhớ lại khúc cầu này, con sông kia, nhà không số, ngõ không tên… Thỉnh thoảng lại bê về được cái nồi, cái chảo hoen rỉ, cũ kỹ cả mấy trăm năm…
Lão ngáp dài, vươn vai đứng dậy và thầm nhủ cứ như truyện phong thần ấy. Quay sang bên cạnh, lão muốn dựng tóc gáy, sợ như bò thấy nhà táng vì không thấy cái xẻng đâu nữa. Mà thay vào đó là một vật cũ xì, mốc meo như món đồ cổ lâu ngày. Dụi mắt nhòm một lần nữa, thoáng bắt gặp được một cái gì quen quen, lão vội vàng nhỏm ngay dậy, cái vật ấy cũng chẳng đâu xa, nằm ngay trong cái hố chanh mới đào…
Giời ạ, ông giờ có mắt xuống đây mà xem, nó là:
Cái điếu bát !!!
Trúc gia trang, tiết xuân, năm Ngọ
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét