20. XƯỚNG HÁN - HỌA NÔM
Năm 70 tuổi, Nguyễn Công Trứ làm bài thơ chữ Hán (có
lẽ là duy nhất của cụ?) để mời các bạn cùng hoạ nhân dịp “thất thập cổ lai hi”.
Rất nhiều người hưởng ứng, trong số đó có những văn tài nổi tiếng như Cao Bá
Quát, (xem nguyên văn bài xướng và các bài hoạ ở trang….), nhưng cụ Thượng Trứ
lại thích nhất bài của của ông Nghè Nguyễn Quý Tân. Sở dĩ như vậy là vì trong
khi mọi người đều hoạ bằng chữ Hán thì duy nhất một Nghè Tân viết bằng tiếng
Nôm Việt - là thứ tiếng của dân tộc, dân gian mà ông yêu quý và suốt đời dùng -
trong cuộc sống hàng ngày, trong thơ và trong những cuộc chơi ca hát.
Sau đây là bản dịch nghĩa bài xướng viết bằng chữ
Hán của cụ Uy Viễn:
Hằng ngày ta sẽ cùng chơi đùa với trẻ con
Ta hôm nay không còn giống ta ngày xưa nữa
Ta theo thời mà làm con rối mua cười cho thiên hạ
Thấm thoát nay đã đến tuổi cổ lai hi
Cái chân chất không cần trau tria mày mặt nữa
Vẻ tốt tươi đem nhuộm cho râu tóc để làm gì
Ta tự lấy làm thẹn chẳng có chút công trạng gì
Thôi hãy phó mặc cho núi Hồng hạ lời khen chê.
Và bài hoạ bằng thơ Nôm của Nghè Tân:
Bẩy mươi tuổi tác vẫn nhường ri
Mới biết xưa kia buổi thiếu thì
Rượu tỉnh thơ say hồn Lí Bạch
Trúc cười hoa cợt thú Vương Hi
Giang sơn nắm lại đôi tay khẩu
Văn võ buông ra một ngón tì
Cùng kiếp phù sinh hay dở sạch
Dẫu ai tiếng thị với lời phi!
Lấy vần Nôm hoạ lại vần chữ Hán là một việc rất khó,
vì đó thực chất là hai ngôn ngữ, một âm vần nhưng ở hai trường nghĩa khác nhau,
nhưng ông bạn trẻ Nghè Tân (lúc đó mới 34 tuổi) tài hoa đã tài tình chọn được
những từ, những ý rất đắt, rất hợp tâm hợp ý của người bạn già: không gợi đến
cái thời “làm con rối mua cười cho thiên hạ”, mà chỉ nhắc lại “buổi thiếu thì”
xưa kia với những thú vui của cầm kì, thi tửu; còn bây giờ lại vẫn cuộc chơi
“ngoài vòng cương toả”, bất chấp miệng thế gian (26) thị phi hay dở.
(26) Về hưu, cụ Thượng Trứ thường cưỡi cỗ xe bò cái
với tấm mo cau “Che miệng thế gian”.
21. NGUYỄN CÔNG TRỨ CHÍNH LÀ TÔI!
Năm Thiệu Trị thứ tư 1844, đang làm Tuần vũ An
Giang, Nguyễn Công Trứ bị Nguyễn Công Nhàn (27) vu cáo chở thuyền gian, buôn
hàng lậu nên bị nhà vua cách hết chức tước, bắt làm lính trơn sung vào đội quân
tuần thú ở Quảng Ngãi.
Trên đường từ An Giang đi Quảng Ngãi, không có ngựa
xe, ông lính Trứ đi bộ, mình mặc cái áo cộc màu chàm, đầu đội chiếc nón dấu,
vai quàng ruột tượng, con dao tu vỏ bằng gỗ cài bên hông. Một hôm, đi đến huyện
Tuy Phước thì trời đã tối, liên hỏi thăm tìm chỗ trú nhờ qua dêm đâu. Nghe giọng
nói biết ông lính này là người xứ Nghệ, lại thấy ông già cả thương tình nên một
người dân sở tại ân cần chỉ cho ông nhà quan Huấn đạo huyện mình và bảo: “Quan
là người đồng hương với ông đấy, tình ngài hiền và trọng người lắm, ông nên vào
chào ngài rồi xin ngủ nhờ luôn cho đỡ vất vả”. Nguyễn Công Trứ nghe lời người
dân tốt bụng.
Chủ nhà đúng là vị quan tử tế, nhận ra giọng đồng
hương của người lính già lỡ độ đường, quan Huấn bảo người nhà dọn cơm nước mời
ăn tươm tất rồi cùng ngồi nói chuyện tự nhiên. Khi được biết người lính vừa từ
An Giang ra, quan hỏi:
- Ông ở trong đó chắc có biết quan Tuần vũ Nguyễn
Công Trứ?
- Thưa, tôi có biết. Thì ra quan Huấn cũng có quen
biết với quan Tuần vũ?
- Không, chúng tôi không có cái vinh dự đó, nhưng đã
được nghe tiếng cụ rất nhiều, vì cụ cũng là đồng hương với chúng tôi mà! Nào cầm
quân đánh giặc, nào khẩn điền, nào thi ca, việc gì cụ cũng giỏi, cũng lừng danh
khắp nước! Chúng tôi chỉ coi mình như bậc học trò của cụ, ai ai cũng ao ước được
gặp cụ một lần!
Thấy viên quan Huấn đạo này chân tình, lại có lòng
quý mến mình như vậy mà mình không nói thực ra thì thật không tiện nên người
lính già liền nói:
- Thưa… tôi chính là Nguyễn Công Trứ đây ạ!
Quan Huấn kinh ngạc, nhìn kỹ diện mạo người khách rồi
liền sụp xuống lạy. Nguyễn Công Trứ vội vàng đỡ dậy, rồi hai người đồng hương
tình cờ gặp nhau ngồi nói chuyện văn chương, thời thế cho đến tận khuya.
(27)Nguyễn Công Nhàn (1789 - 1872), quê ở Phú Hoà,
Phú Yên, làm quan dưới ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, từng giữ chức Tổng
đốc, Thống chế, có thời cùng với Nguyễn Công Trứ cầm quân đánh quân Xiêm.
22. LÀM TƯỚNG KHÔNG VINH, LÀM LÍNH KHÔNG NHỤC
Đến Quảng Ngãi, Nguyễn Công Trứ, lúc đó chỉ là một
tay lính trơn, thản nhiên vào trình diện quan Tổng đốc sở tại. Vốn vì trước kia
đã có lần chịu ơn Nguyễn Công Trứ nên viên quan đầu tỉnh tiếp đãi ông lính già
rất tử tế, thấy tình cảnh một người từng là Thượng thư nay thất thế đến mức như
vậy thì tỏ ra rất áy náy, bất yên, muốn cho phép Cụ cởi đồ lính ra, nhưng Nguyễn
Công Trứ nói:
- Xin ngài cứ để vậy. Lúc làm Đại tướng tôi không lấy
làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vì
nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là
lính được.
Lúc ấy Nguyễn Công Trứ vừa 65 tuổi. Cái tư cách của
con người khi làm Ðại tướng chẳng cậy làm vinh mà khi làm lính không lấy làm nhục
càng khiến viên quan đầu tỉnh kính phục. Ông tâu vua, xin xét lại vụ án buôn lậu
ở An Giang. Quan Án sát Trần Ngọc Ðao được lệnh điều tra đầy đủ chi tiết, khi
trở về kinh tâu trình lại với vua rằng Nguyễn Công Nhàn đã phạm tội vu cáo;
Nhàn bị trị tội nặng và Nguyễn Công Trứ lại được bổ nhiệm chức Chủ Sự ở Bộ Hình
rồi lại Án Sát Quảng Ngãi, kế đến Thự Phủ Thừa Thiên.
23. BẤT ĐẮC DĨ DỤNG QUÝ ÔNG
Hà Tôn Quyền (1790-1848) quê ở Thanh Oai, Hà Đông, đỗ
Tiến sĩ năm 1822, là người nổi tiếng thời bấy giờ về văn tài và học lực, được
ba triều vua là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức trọng vọng, tác giả của các tập
sách Tôn phủ Thi văn tập và Mộng dương thi tập được đương thời lưu hành rộng
rãi. Tuy hơn Hà Tôn Quyền gần hai chục tuổi, nhưng Nguyễn Công Trứ mãi ngoài 40
tuổi mới đậu Giải nguyên, còn Hà Tôn Quyền thì 25 tuổi đã đỗ Tiến sĩ, vì vậy
hai người trở thành bạn đồng liêu, và cũng là bạn văn thơ với nhau. Người ta
nói, bình thường, hai người vẫn giao du xướng họa cùng nhau, đều có mặt trong
Hương Bình Thi Xã, vẫn vừa phục văn tài, học lực của nhau, nhưng vẫn vừa ngầm
đua tài với nhau. Hơn nữa, Nguyễn Công Trứ không ưa Hà Tôn Quyền về chỗ miệng
lưỡi khéo léo, nịnh hót lấy lòng nhà vua của ông ta.
Nhân một bữa, sau lúc bãi triều Hà Tôn Quyền vừa gặp
Nguyễn Công Trứ, liền đọc một vế đối hóc hiểm:
Quân tử ố kỳ văn chi Cụ lớn.
Nguyên đây là một câu cổ văn trong sách Trung Dung
“Quân tử ố kỳ văn chi trứ”, nghĩa là “Người quân tử ghét lối văn chương loè loẹt
bề ngoài” (Trứ tiếng Hán nghĩa là nổi trội, loè loẹt), nhưng ông Quyền lại thay
tên “Trứ” thành “Cụ lớn”, vừa tỏ vẻ kính trọng, vừa hóm hỉnh thách đối, nhưng kỳ
thực thâm ý của ông ta muốn nói: nhà vua ghét văn chương phù hoa của cụ lớn/Trứ.
Nhưng thật bất ngờ đối với Hà Tôn Quyền, không cần phải nghĩ ngợi lâu, Nguyễn
Công Trứ đọc liền một câu đối lại:
Thánh nhân bất đắc dĩ dụng Quý ông.
Đây cũng là một câu cổ văn Thánh nhân bất đắc dĩ dụng
quyền, nghĩa là “Đức Thánh nhân bắt đắc dĩ phải dùng quyền biến”. Nguyễn Công
Trứ cũng thật tài tình thay tên “Quyền” thành “Quý ông”, cũng vừa lịch sự và vô
cùng thâm thuý: nhà vua bất đắc dĩ mới phải dùng ông đấy thôi!
Người đời còn tán rằng vế đối của cụ Trứ không chỉ
là đòn nhằm vào Hà Tôn Quyền, mà còn ngụ cả ý chê nhà vua nữa. “Ý tại ngôn ngoại”
của câu này là phê phán nhà vua dùng người không đúng, bởi vì lúc thường thì
nên dùng “kinh”, lúc biến mới phải dùng “quyền”; nay đang thời bình trị mà nhà
vua dùng “quyền” thì không phải là đấng minh quân!
24. VỊNH CÂY VÔNG
Nhân đà đối đáp, Nguyễn Công Trứ lại đọc thêm một
câu cổ văn nữa:
- Cùng, thông, đắc, táng, bỉ thương mặc phó kì quyền.
Nghĩa là: Cùng,thông, thua, được, trời xanh giao phó
quyền hành.
Câu này cũng có chữ “quyền” ở sau cùng, và cũng để
thách thức Hà Tôn Quyền đối lại, nhưng Nguyễn Công Trứ còn có thâm ý nói rằng
Hà Tôn Quyền khéo nịnh nên mới được nhà vua giao phó cho quyền hành.
Không tìm được câu cổ văn nào có chữ “trứ” sau cùng để
đối lại, Hà Tôn Quyền đành ấm ức chịu một phen “lấm lưng trắng bụng”, chờ dịp
phục thù.
Nhân có con vừa thi đậu Cử nhân, Hà Tôn Quyền mở tiệc
ăn mừng, có mời cả Nguyễn Công Trứ cùng dự. Giữa bữa tiệc, mượn hơi rượu, Hà
Tôn Quyền chỉ ra cây vông đang nở hoa ngoài sân, ra một đề thơ “Vịnh cây vông”
yêu cầu các quan khách cùng vịnh chơi, tất nhiên người mà ông chủ nhắm vào đầu
tiên là Cụ Trứ. Để bắt bí, ông ta lại hạn bài thơ phải lấy vần “ông/bông”.
Trong số quan khách không thiếu những người hay chữ,
nhiều người đã tham gia cuộc chơi, nhưng rốt cuộc bài của Nguyễn Công Trứ được
mọi người công nhận là hay nhất.
VỊNH CÂY VÔNG
Biền, nam, khởi tử chẳng vun trồng
Cao lớn làm chi những thứ vông.
Tuổi tác càng già, già xốp xáp
Ruột gan không có, có gai chông.
Ra tài lương đống không nên mặt
Dựa chốn phiên li chút đỡ lòng.
Đã biết nòi nào thì giống nấy
Khen cho rứa cũng trổ ra bông!
Bài thơ đúng là một cái tát vào mặt chủ nhân! Nguyễn
Công Trứ vịnh cây vông, nhưng cả tám câu thơ đều nhằm vào công kích ông Quyền.
Hai câu luận 5 và câu 6 chỉ rõ Hà Tôn Quyền không phải là lương đống quốc gia
mà chỉ là hạng người nương tựa uy thế nhà vua mà thôi. Nhưng đặc biệt nặng đòn
và hợp cảnh là hai câu kết “Đã biết nòi nào thì giống nấy / Khen cho rứa cũng
trổ ra bông!”
25. TÂM SỰ QUA NHỮNG CÂU CA DAO
Cuộc đời Nguyễn Công Trứ thật lắm phen lên voi xuống
chó, mà thật ra không phải ông là người có thực lỗi, chủ yếu là do lòng ganh
ghét và cái nhìn thiển cận của triều đình và người đời, trước hết là của những
ông vua đầy nghi kị, hẹp hòi. Chẳng hạn, năm Minh Mệnh thứ 17, chỉ vì việc một
tên trọng tù vượt ngục, nhà vua hạ chiếu giáng ông bốn cấp, sau được phục ba cấp,
rồi vài năm sau lại phải giáng xuống Binh bộ Hữu tham tri và đổi về Kinh. Một
hôm ông vào trực trong thành Nội, vua trông thấy, hỏi:
- Khanh thường đi tuần hành các chốn dân gian, có
nghe được việc gì hay không?
Nguyễn Công Trứ thuận miệng tâu:
- Tâu bệ hạ, thần chỉ nghe những câu da dao, dân ca
thường hát ở chốn nhà quê là hay nhất, chẳng hạn như câu này:
Một ngọn đèn chong, hai ngọn đèn chong,
Quốc sĩ vô song là người Hàn Tín,
Anh chẳng thương em, anh đến chi đây,
Tứ bề rồng ấp lấy mây.
Câu ấy tuy ca dao thực, song khi thuật lại, Nguyễn
cũng ngụ ý mình là một kẻ có tài như Hàn Tín thuở xưa, và có ý trách nhà vua
hay nghi ngờ, rày thăng mai giáng, mà hình như không biết như con rồng kia còn
biết ấp yêu lấy mây.
Lại có chuyện kể rằng, sau một thời gian dài gian
truân lặn lội dẹp loạn nơi biên ải, cụ Thượng Trứ lai kinh, nhìn thấy mấy viên
quan “bảnh bao nhẵn nhụi” ngựa xe võng lọng chơi rong trong triều, liền đặt ra
mấy câu đồng dao dạy cho trẻ con hát khắp nơi:
Con mèo nằm bếp lo xo,
Ít ăn thì lại ít lo ít làm.
Con ngựa đi bắc về nam,
Hay ăn thì lại hay làm hay lo!
26. NGAY LÒNG Ở VỚI NƯỚC NHÀ
Khi cụ Trứ đã về hưu nhưng vẫn được nhân dân hai huyện
Tiền Hải, Kim Sơn nhớ ơn khẩn điền cho họ làng quê, việc làm nên lập sinh từ Cụ
rồi rước Cụ từ quê Hà Tĩnh ra chơi. Có một viên Thị vệ thấy thế, bèn bịa đặt mật
tâu về Kinh là cụ Trứ đang tìm cách thu phục nhân tâm, có ý mưu đồ làm phản.
Nhà vua vội vàng cho triệu cụ vào Kinh để tìm cớ trừ “hậu hoạ”. Tuy nhiên, khi
tỉnh táo lại suy xét, triều đình cũng hiểu được rằng đó chỉ là những lời đồn xằng
bậy, xấu xa. Tương truyền, lúc cụ đã vượt hàng ngàn dặm đường đất về Kinh, vua
Tự Đức vời Cụ vào bệ kiến để Cụ giãi bày tâm sự cho rõ thực hư. Nhân nhà vua hỏi
Cụ: “Ở hạt Tiền Hải và Kim Sơn dân tình làm ăn thế nào?”, Cụ mới tâu rằng:
- Thưa bệ hạ, dân hai huyện ấy làm ăn rất là vui vẻ,
ngày thì chăm lo cày cấy, tối về đập lúa ca hát, thật đúng là cảnh “Muôn dân
trăm họ, thái bình âu ca”. Họ thường đặt ra những câu hát đố rất là thú vị để
hát đối đáp với nhau.
Nhà vua hỏi:
- Như những câu gì, có thể đọc cho trẫm nghe được
không?
- Tâu Bệ hạ, chẳng hạn như câu này:
Đem thân cho thế gian ngồi,
Rồi ra lại nói những lời bất trung.
Vua hỏi là cái gì, cụ Trứ đáp:
- Tâu Bệ hạ, họ bảo đấy là cái phản.
Tự Đức lại hỏi:
- Còn câu gì hay nữa không?
- Tâu Bệ hạ, còn câu này cũng hay lắm:
Ngay lòng ở với nước nhà,
Người dù không biết trời đà biết cho.
Vua hỏi: Là cái gì?
- Tâu Bệ hạ, họ giảng đấy là cái máng nước.
Tự Đức biết ý Cụ ám chỉ việc Cụ bị vu oan và trách
triều đình không biết xét việc minh bạch có trước có sau, nên tìm lời an ủi cụ
rồi cho cụ trở về nguyên quán ở Hà Tĩnh.
27. TRÊN DƯỚI, TRONG NGOÀI, LỚN BÉ ĐỀU CHÓ CẢ!
Gần ba chục năm tận tâm lăn lộn chốn quan trường,
càng về già càng thấy nhiều, nghe nhiều, người mang chí nam nhi tang bồng năm
nào đã mỏi mệt lắm rồi, mấy lần dâng sớ xin nghỉ hưu nhưng vua vẫn không cho. Rồi
khi đã qua tuổi thất thập, Cụ lại lần nữa dâng sớ lên vua mới Tự Đức vừa lên
ngôi, và lần này thì được Ngài phê duyệt, được về với chức quan Phủ doãn Thừa
Thiên.
Ngày “nhận sổ hưu”, với 170 quan tiền được lĩnh,
Nguyễn Công Trứ liền rầm rộ tổ chức một bữa tiệc chia tay bạn bè, đồng liêu
trên dưới. Gia nhân tấp nập mượn nhà, mua sắm lễ vật, cơm rượu đề huề. Và thật
nhiều chó, những 40 con chó đủ loại sắc thể! Các quan khách kéo đến rất đông
(nghe nói nhà vua cũng vi hành đi bộ đến dự), ngửi mùi cầy do bàn tay những đầu
bếp xứ Nghệ chế biến thơm lừng, chỗ này chỗ kia dậy tiếng trầm trồ to nhỏ: “Ôi,
thịt chó, chó, nhiều quá!”
Và hình như chỉ chờ có vậy, cụ Thượng hưu đứng dậy
vuốt râu dõng dạc và khoan thai nói:
“Dạ thưa, đúng như vậy đấy ạ, - Cụ đưa tay chỉ quanh
khắp lượt, tiếp: đúng là trên dưới, trong ngoài, lớn bé, tất cả đều là chó hết
cả ạ!”
28. CHE MIỆNG THẾ GIAN
Cuối cùng Cụ Trứ cũng được về trí sĩ! Trước khi từ
giã kinh thành Huế để về với quê Hồng Lam non xanh nước biếc, Cụ ngất ngưởng ngồi
trên cỗ xe bò cái kéo, cổ bò lại đeo nhạc ngựa, long nhong đến từng nhà từ giã
những người quen.
Khi đến nhà Hà Tôn Quyền - vị đại thần trước kia đã
từng dèm pha gây cho ông nhiều bước thăng trầm lận đận, Nguyễn Công Trứ lấy một
cái mo cau, chép một bài thơ buộc vào phía sau đuôi bò, che... lại. Thiên hạ
xúm lại xem, rúc rích cười khiến họ Hà thêm tò mò. Nguyễn Công Trứ gạt mọi người
và úp sấp mo cau lại. Hà Tôn Quyền đòi coi cho kì được, sấn lại, lật ngửa tấm
mo cau lên. Hoá ra trên mo cau có bài thơ:
Xuống ngựa lên xe lọ tưởng nhàn
Lợm mùi giáng chức với thăng quan
Điền viên dạo chiếc xe bò... cái
Sẵn tấm mo che miệng thế gian.
Hà Tôn Quyền đỏ ngay mặt, hiểu ra là Nguyễn Công Trứ
xỏ mình, “miệng thế gian” hay dèm pha có khác chi miệng họ Hà.
Về hưu nhưng cụ Thượng Trứ không ở lại làng Uy Viễn,
mà vào ở một cạnh ngôi chùa trên núi Cảm Sơn, thuộc xã Đại Nại gần tỉnh lị Hà
Tĩnh bây giờ, và thường cưỡi bò vàng đạc ngựa đi chơi đây đó. Người đời truyền
tụng, để diễu và răn dạy những kẻ hay đàm tiếu những chuyện thị phi ganh ghét,
cụ viết thơ lên chiếc mo cau rồi buộc sau đít bò. Có người còn nhớ hai câu sau:
Miệng thế khó đem bưng nó lại.
Lòng mình chưa dễ bóc ai coi.
Thiên hạ thấy vậy lại đua nhau bàn tán, kẻ bảo Cụ
chán đời, người bảo Cụ ngạo thế; Cụ chỉ ngất ngưởng cười, nghêu ngao thơ, bất tận
chơi mà chẳng bận lòng.
29. GIỄU LỐI VĂN SÁO RỖNG
Một lần Cụ đang cưỡi bò rong ruổi chơi theo con đường
thiên lý thì gặp một toán các thầy cử tân khoa đang trên đường trẩy kinh thi hội,
cười nói rôm rả, ai cũng đua nhau khoe tài học tầm chương trích cú của mình. Cụ
cưỡi bò đi cùng các thầy một quãng dài, nghe các thầy nói chán rồi liền cất tiếng
bắt chuyện làm quen, nói:
- Lão nghe các thầy từ nãy đến giờ trổ tài văn thơ
thật sướng lỗ tai. Tình cờ hôm nọ lão có nghe lỏm được một đoạn văn có lẽ là của
một danh sĩ, bây giờ xin đọc các thầy nghe rồi nhờ các thầy luận giải giùm cho
lão với nhé.
Các thầy cử đang muốn trổ tài ta đây, thấy có dịp liền
tranh nhau nói:
- Được thôi, cụ cứ đọc đi, có gì chúng tôi sẽ nói cho
cụ biết.
Nguyễn Công Trứ ngồi trên lưng bò tủm mỉm cười rồi đọc
một mạch:
"Sông Nhĩ Hà sâu ba mươi sáu thước, chim ăn
chim béo, cá không ăn, cá bay về núi Hồng Sơn. Nhớ thuở xưa vua Thần Nông giá sắt,
vua Đế Thuấn canh vân. Cùng quăng, cùng quẳng, cùng quằng, tổng bất ngoại bò
vàng chi liếm lá!..."(28).
Các thầy cử nghe xong, không ai bảo ai đều khen là
văn kêu ý lạ; nhưng bình giải cho rõ ràng cụ thể thì các thầy đều tịt mít. Đọc
xong, Cụ Trứ xin phép dừng lại cho bò ăn cỏ và ôm bụng cười, để các thầy suốt
quãng đường cứ bàn luận mãi mà vẫn không ai hiểu nghĩa ý đoạn văn là ra sao, xuất
xứ từ đâu ra mà chưa ai từng được nghe tới…
(28) Có dị bản đọc là: “Sông Nhị Hà ba mươi thước nước,
chim ăn chim béo, cá không ăn, cá bay về núi Hoành Sơn, tưởng đương sơ Thang Võ
chi hưng. Ông loèm ông loẻm ông loem, tổng bất ngoại bò vàng chi liếm lá!”.
30. PHONG LƯU ĐÁO LÃO THẾ GIAN VÔ
Nghỉ hưu rồi, về quê, Cụ Trứ nhờ nhân dân giúp đỡ, dựng
một ngôi nhà lá rất nhỏ cạnh chùa Cảm Sơn dưới chân núi Đại Nài, cách lị sở tỉnh
Hà Tĩnh chừng vài dặm. Thường cưỡi bò vàng đạc ngựa cùng cô vợ trẻ (hầu non) vừa
mới cưới, cô này cũng là ca kĩ, đi ngao du và ca hát. Có lần ông gọi cả gánh ca
trù đến hát ngay giữa sân chùa. Vị sư trụ trì tại đây sợ quá, bèn tìm đến nhờ
quan Bố chính Hà Tĩnh lúc đó là Hoàng Nho Nhã can thiệp giúp. Hoàng bèn đích
thân đến xem, từ xa nghe lời ca trong tiếng đàn réo rắt:
… Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng,
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi,
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi gì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng!
Quan Bố chánh cũng say sưa với thơ hay, đào đẹp, giọng
ngọt, đàn êm, quay lại bảo với nhà sư trụ trì:
- Thôi đừng can thiệp vào thú vui của Cụ, mà có muốn
ta cũng không can thiệp được đâu!
Nghe kể, cuối buổi, Hoàng Nho Nhã làm tặng cụ Trứ
đôi câu đối rất hay:
Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu,
Phong lưu đáo lão thế gian vô!
Nghĩa là kẻ làm nên sự ngiệp khiến người đời khiếp sợ
trong thiên hạ vẫn còn, chứ người đến già vẫn phong lưu (như cụ) thì thế gian
không có!
Mời Xem
Giai Thoại Về Nguyễn Công Trứ P.2 (13- 19)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét