Vanvn- Nhà văn Cormac McCarthy được đánh giá là tiểu thuyết gia vĩ đại của Mỹ, tác giả của cuốn “Không chốn nương thân” và “Vượt lằn ranh” đã qua đời ở tuổi 89 tại nhà riêng, để lại di sản văn học đồ sộ. Sinh thời, McCarthy là người sống ẩn dật, tránh xa các buổi phỏng vấn, giao lưu ra mắt sách, lễ ký kết và diễn thuyết, nhưng theo tạp chí Times, McCarthy vẫn là “nhà văn của các nhà văn”, số người hâm mộ của ông còn “vượt xa sự công nhận hay doanh số bán hàng”.
Cormac McCarthy là một cái tên nổi bật cùng thời với những tên tuổi trên văn đàn Mỹ như Philip Roth, Don DeLillo và Thomas Pynchon. Các tác phẩm của ông khai thác sâu về chủ đề bạo lực, lấy bối cảnh miền biên giới nước Mỹ.
Các tác phẩm của ông đã được xuất bản tại Việt Nam gồm: Vượt lằn ranh, Thành phố vùng thảo nguyên, Những con tuấn mã, Không chốn nương thân. Cuốn Những con tuấn mã (All the Pretty Horses) được trao Giải thưởng Sách quốc gia tại Mỹ năm 1992.
Nhà phê bình văn học Howard Bloom ca ngợi McCarthy là “người thừa kế thực sự” của Herman Melville và William Faulkner. JT Barbarese, giáo sư Ngữ văn tại Đại học Rutgers, nói: “McCarthy, nếu không phải là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của chúng tôi, thì chắc chắn là nhà tạo mẫu vĩ đại nhất của chúng tôi. Nỗi ám ảnh không chỉ về nguồn gốc của cái ác, mà còn về lịch sử. Hai chủ đề đó giao nhau lặp đi lặp lại trong tác phẩm của McCarthy”.
McCarthy được giới truyền thông miêu tả là người sống ẩn dật, tránh xa các buổi phỏng vấn, giao lưu ra mắt sách, lễ ký kết và diễn thuyết. Trong khi đây là những hoạt động được các nhà văn nổi tiếng khác coi là nghĩa vụ nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo tạp chí Times, McCarthy vẫn là “nhà văn của các nhà văn”, số người hâm mộ của ông còn “vượt xa sự công nhận hay doanh số bán hàng”.
The Road (xuất bản năm 2006) là cuốn sách đoạt giải Pulitzer của Mỹ. Nó đã đưa tên tuổi của ông lên một tầm cao mới sau bộ ba tác phẩm viết về vùng thảo nguyên năm 1992. Một phần sự thành công này có sự góp mặt của Oprah Winfrey với vai trò là người giới thiệu cuốn sách tới công chúng. Sau đó, cuốn Không chốn nương thân (No Country for Old man) của ông đã được chuyển thể sang phiên bản điện ảnh và giành giải thưởng Phim hay nhất tại tại liên hoan Oscar năm 2008.
Cuộc đời đầy thăng trầm của McCarthy
Tác giả Cormac McCarthy, tên khai sinh Charles McCarthy, sinh vào ngày 20/7/1933, tại Providence, Rhode Island. Khi còn nhỏ, gia đình anh chuyển đến Knoxville, Tennessee, nơi cha ông là luật sư của Cơ quan quản lý Thung lũng Tennessee. Tuổi thơ của ông tương đối thoải mái, diễn ra trên mảnh đất của núi rừng, trong một ngôi nhà lớn màu trắng với những người giúp việc.
McCarthy không phải là một người ham đọc sách trong thời thơ ấu hay thời niên thiếu. Mãi tới lúc phục vụ trong Lực lượng Không quân Mỹ sau khi bỏ học tại Đại học Tennessee, McCarthy mới bắt đầu đọc nhiều, trong doanh trại của mình khi đóng quân ở Alaska.
Sau đó, ông chuyển đến Chicago, nơi ông hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình và kết hôn với người vợ đầu tiên Lee Holleman vào năm 1961, người mà ông có một con trai. Họ sớm ly hôn. Cuốn tiểu thuyết đó, The Orchard Keeper được xuất bản năm 1965, sau khi được biên tập viên nổi tiếng của Random House, Albert Erskine tiếp nhận. Erskine thừa nhận với tờ Times rằng sách của McCarthy không bao giờ bán được.
Nhiều năm liền, McCarthy đã viết trong khi sống bằng các khoản trợ cấp, đáng chú ý nhất là “trợ cấp tài năng văn chương” MacArthur, mà ông đã được trao vào năm 1981. Trước đó năm 1979, McCarthy được trao Học bổng MacArthur điều này giúp cuộc sống của ông bớt cơ cực.
Người ta thường thấy ông viết trên chiếc máy đánh chữ Olivetti của mình ở mọi nơi. Hai cuốn tiểu thuyết của ông, The Passenger và Stella Maris được phát hành chỉ cách nhau sáu tuần vào năm 2022. Các cuốn sách kể về một câu chuyện từ những góc nhìn khác nhau và có một nhân vật chính là nữ.
Việc tiểu thuyết của McCarthy thiếu các nhân vật chính là phụ nữ được phát triển tốt từ lâu đã trở thành một điểm bị chỉ trích. “Tôi đã lên kế hoạch viết về hình tượng người phụ nữ trong 50 năm. Tôi sẽ không bao giờ đủ năng lực để làm như vậy, nhưng đến một lúc nào đó bạn phải thử”, McCarthy trả lời Wall Street Journal vào năm 2009.
Đối với mức độ bạo lực trong tác phẩm của mình, McCarthy nói với Vanity Fair rằng ông không biết điều gì đã gây ấn tượng với mình về chủ đề đó, chỉ biết rằng ông cảm thấy cái chết là mô-típ chính ở trung tâm của tất cả cuộc sống của chúng ta. “Cái chết là tất cả. Cho bạn, cho tôi, cho chúng ta. Nó không phải điều gì xa vời”.
ĐỨC HUY/ZING
Xem Thêm Tiểu sử nhà văn Cormac McCarthy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét