Mời Xem :
Tự Truyện Của GS Đỗ Đình Chiểu : HÌNH BÓNG QUÊ HƯƠNG - Chương II (Gia Đình Họ Đỗ )
Chương III NHỮNG NGÀY ẤU THƠ
Cánh đồng quê là hình ảnh đẹp nhất, sinh động nhất.
Hình ảnh ấy luôn nằm sâu trong tim tôi, dù có đi qua biết bao núi đồi và thảo nguyên, qua bao làng mạc phố xá sầm uất, đi qua bao tháng năm nhọc nhằn hay hạnh phúc, để giờ đây đã là một người đàn ông đủ thăng trầm cuộc đời.
Cánh đồng phía trước nhà mang bao kỷ niệm thân thương. Không chỉ là những hình ảnh nằm sâu trong tiềm thức, theo mùa lúa mà cứ thế đổi sắc màu, theo từng thời khắc sáng trưa chiều tối mà vương vấn nhớ nhung. Đó còn là những thanh âm ngọt ngào nhất, có thể xoa dịu những nỗi đau trong chặng đời sau này. Là cả hương vị đồng quê, bảng lảng cùng khói bếp xóm làng. Hằng đêm, gió từ miền xa thổi tới, mang theo hương đêm ngai ngái mùi bùn đất, mùi của sương sa và những loài cua cá ẩn nấp đâu đó dưới chân ruộng.
Nhớ về tuổi thơ là nhớ đến hình ảnh cánh đồng thân thương ấy, nhớ đến tiếng cười reo vui tuổi thơ ở cái vụng nhỏ. Nhớ những căn nhà thôn quê bình dị mà đẹp kỳ ảo uốn lượn quanh quanh. Nhớ tiếng reo cười của bạn bè, những trận cãi vã, vật nhau uỳnh uỵch trên bờ cỏ. Mà tôi thường là thằng bạn nhỏ con đứng giữa hai phe, luôn bênh vực đứa yếu thế.
*
Tuổi ấu thơ của tôi là thời kỳ hạnh phúc nhất trong cuộc đời, cho dù gia đình nghèo lắm. Nhà Nho học thủa xưa đã nghèo. Thời Pháp thuộc, lại càng nghèo. Nhưng tôi vẫn thấy vô cùng ấm áp mỗi khi nhớ đến những năm tháng xưa.
Khi đó, tôi có bố có mẹ, có anh chị. Tôi luôn nhớ cảm giác ấm áp đó để thấy rằng đó mới là hạnh phúc quý giá của đời người.
Thủa nhỏ xíu, tôi thường hay có những trò nghịch mà các anh chị kể đáng yêu lắm. Bố tôi cũng hay trêu cậu con trai bé. Bố cho cơm vào hai bát. Nhưng một bát to là bố đặt một bát nhỏ giấu ở dưới lớp cơm; còn bát nhỏ cũng ngần ấy cơm như nhau. Thấy bát to, cậu xí luôn vì tưởng nhiều cơm hơn. Cả nhà cười to, cậu biết bị trêu đùa nên dỗi, quay ra khóc nhè.
Khi tôi lên bảy tuổi, đang chơi chợt nhớ ra mẹ đi chợ mãi chưa về, liền bỏ đồ chơi đó, chạy ra cửa ngóng mẹ. Thực ra ngày đó làm gì có đồ chơi như trẻ con bây giờ. Đồ chơi của lũ trẻ nông thôn nghèo như chúng tôi, thì chỉ là cây que tre hay hòn gạch, rồi những thứ tạp nham bất kể thứ gì nhặt nhạnh lôi vào nhà chơi trò xây nhà. Tôi đặc biệt không nghịch phá, đập vỡ đồ hay leo trèo. Mà rất hiền. Hay tỉ mẩn ngồi nghĩ ngợi xếp đồ chơi tự kiếm về.
Đợi mãi thì mẹ cũng đi chợ về. Tôi chạy ra đứng trên bậu cửa, khóc sụt sịt. Xong nũng mẹ tới nỗi cứ một tay vít nắm tay nải, một tay lôi bằng được mẹ cúi xuống, há miệng đòi ngậm vú để ti mẹ. Bảy tuổi rồi mà vẫn ti mẹ, nên hình ảnh này thường bị mọi người nhắc đến trêu. Các anh chị tôi nhắc đến trêu tôi cũng chỉ vì khi ấy tôi còn nhỏ xíu và mọi người kể đáng yêu lắm. Mải ôm bú mẹ, xong lăn ra ngủ, có những khi các anh chị ăn hết phần quà vì tưởng em bú mẹ không ăn, tôi thức dậy vẫn nhớ ra, đòi không được thì khóc ăn vạ. Bố liền lôi cái roi cật ra, rồi ông quật mạnh roi vào cái cột nhà, hỏi cột nhà: có nín không, thế là tôi nín khóc.
Ngoan đáng yêu từ bé nên tôi được mọi người rất thích. Có bà Ba Cò ở xóm Giếng cứ xin làm con nuôi, mẹ tôi từ chối khéo, không đồng ý. Tôi cứ thấy bà Ba Cò nựng nịu mình, hỏi muốn làm con nuôi bà ấy không, tôi lắc đầu chạy vụt về nhà. Trốn sâu trong một xó nhà.
Như tôi đã kể. Tôi khi còn nhỏ xíu hay ra gốc cây đa ngồi chơi. Hội làng vào đám cũng chạy ra xí chỗ ở gốc cây đa cùng một lũ bạn lớn nhỏ, có khi cãi cọ nhau chút, rồi đâu lại vào đấy. Khi bị người lớn chen chân xem rước kiệu, thấp quá thì đu rễ đa mà nhòm cho rõ.
Khi kiệu vào đình thì đành buông cái chỗ đã xí ấy mà chạy vào theo. Nhớ lời người lớn dạy, khi vào đến sân đình thì đầu phải cúi xuống. Tôi chỉ cúi được một chặp, thì cứ phải nghển cổ nhìn lên theo kiệu. Có lúc len vào sát mà sờ vào tay vào người mấy ông đô vật, như thể lấy chút sức mạnh của các ông ấy.
Phía trước có một cái ao làng. Hội thường tổ chức thi bắt vịt ở dưới ao. Có lần tôi cũng được rủ tham gia thi bắt vịt. Người thi phải bịt mắt, lội xuống ao đuổi theo đàn vịt chạy tán loạn phía trước. Chỉ có thể cảm nhận được tiếng vịt kêu quàng quạc hay sải chân bơi oàm oạp dưới nước. Tôi chưa bao giờ bắt được con vịt nào. Tôi còn bé quá, chưa biết cách túm giữ chúng. Nhưng vui lắm. Niềm vui theo tôi cả vào giấc ngủ nhiều năm sau này.
Vực dài tại xóm Thượng Đoạn là nơi ghi nhiều kỷ niệm với bạn bè trong xóm. Sau khi được bố tập cho bơi, và ném cho bè bằng thân cây chuối, thì tôi cũng dạn hẳn. Nhóm chúng tôi có Đỗ Dụ, Đảng và tôi… tự bê cây chuối tập bơi ở vực.
Nhờ tập bơi ở làng từ nhỏ mà môn bơi lội đã theo tôi suốt đời, đi đâu cũng tìm hồ tắm.
Nhưng bây giờ thì hai cái vực không còn trong veo như thủa xưa nữa. Xã đã cho người đấu thầu cả hai vực. Người ta dựng cả dãy chuồng chăn lợn cạnh vực. Phân và nước thải chảy lọt xuống vực, đi đến gần mùi xú uế nồng nặc, cá dưới vực không biết họ nuôi bằng cách gì. Xung quanh bờ vực, người ta thả rau muống nước và một số loại rau vườn khác. Hàng ngày, người trại Vực vẫn ra thu hoạch rau mang ra chợ bán. Mùi phân gio cống rãnh, nước đọng và tiếng lợn kêu… đã lấy đi của chúng tôi những tiếng cười reo trong trẻo ngày nào…
Khi tôi bắt đầu đi học chữ là học ở nhà ông giáo Sâm gần nhà. Ngôi trường làng do ông Hòa lạc xây mà tôi có kể ở trên. Ngồi học mà chỉ mong chị Mận gọi về ăn cơm. Khi thầy cho về ăn cơm thì mừng lắm, vội vàng cắp quyển vở chạy ngay ra khỏi lớp, rồi theo đường nhỏ trong làng về nhà.
Những năm đó tôi còn nhỏ quá, chưa hiểu hết mọi chuyện. Trẻ con cứ được chơi được ăn là thích.
Tôi nhớ đến tình bạn, những người bạn nhỏ hay chơi với nhau thì nhiều lắm.
Hồi đó tôi thân với anh cu Văn, con người bác họ.
Lại nói về người bác dâu là bà bếp Sĩ mẹ anh cu Văn. Tuy là bác dâu mà tôi thương như bác ruột. Cũng vì bác quý tôi, rất hay quan tâm chúng tôi. Bao nhiêu năm sau này, tôi vẫn luôn nhớ đến hình ảnh người bác dâu đi cấy rẽ, mặc cái váy sồng lội ruộng bùn rét run những ngày đông lạnh cắt da cắt thịt…
Thi thoảng anh cu Văn gọi tôi ra sân cái điếm canh, rồi kiếm ít cành khô, nhóm lửa nướng ngô. Ngô mót được từ ruộng xa. Anh cu Văn lội ruộng kiếm cá mót khoai mót ngô khéo lắm. Ngô không đem về nhà ăn riêng, mà mang ra ngoài điếm canh, rồi rủ chúng bạn cùng thưởng thức. Sở dĩ ra đó, vì ông cụ sinh ra anh cu là bác bếp Sĩ cũng hay phải trực điếm canh.
Ngô nướng thơm nức. Mấy đứa ngồi xúm quanh nhai nhồm nhoàm những hạt ngô non, hạt thưa thớt do dân bẻ ngô chê không thèm bẻ mấy bắp bị cùi. Họ để lại cho bò ăn thì phải. Thế là lũ trẻ có cái để mà khao nhau.
Cũng có khi đang giờ ra chơi ở trường, anh cu Văn ló mặt qua hàng rào vẫy tôi ra rồi bẻ cho nửa bắp ngô mới nướng xong thơm ngọt lắm.
Nhóm còn có con anh cu Văn là Cường. Cường cũng lứa tuổi tôi, nhưng phải gọi tôi là chú. Hai chú cháu có khi chia đôi quả trứng cho nhau.
Dạo đó, thi thoảng lũ trẻ con móc đâu được mấy quả trứng vịt. Chắc do vịt được lùa cả đàn ngoài đồng, nhiều con mót đẻ thì cứ hồn nhiên thả luôn ngoài đồng nước. Mấy cu cậu lội ruộng mót trứng, có khi được cả rổ. Chúng chạy về lập thành tích với bố mẹ. Nhưng giấu một ít trong túi quần vạt áo túm lại, rồi chạy đi rủ bạn.
Lấy ống bơ họ ném ngoài bờ giậu. Nổi lửa ở cái khoanh đất trống lại kín đáo ở gần nhà thờ họ Đỗ. Rồi nhóm trẻ “đánh dây thép” rủ nhau chạy ra thưởng thức món trứng luộc ống bơ.
Điếm canh bây giờ người ta đã chặt hai cây gạo từ khi nào, dân dựng nhà gần sát. Điếm hiện chỉ có ban thờ, do làng cắt cử hương khói. Còn ngôi trường làng thì các cháu Đỗ Quân, Đỗ Trường cháu anh cu Văn xưa (con trai của cu cậu Cường) thuê làm xưởng mộc. Mấy năm dịch dã, xưởng đóng cửa im lìm, chỉ hoạt động rất ít để giữ vị thế.
Như tôi đã nói ở trên, tôi rất muốn khôi phục lại ngôi trường làng. Nhưng không chỉ là ngôi trường làng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn có khao khát được phục hổi lại khu quần thể điếm canh, hai cây gạo và ngôi trường làng để làm khu văn hóa. Để cho con cháu luôn ghi nhớ đến những gì là dấu tích văn hóa tâm linh của ông cha tổ tiên.
*
Khi tôi lên tám đến chín tuổi, thì phải đi học theo trường lớp cao hơn. Tôi được vào học trường Nguyễn Huệ, học chữ quốc ngữ.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên những ngày đi học xa xưa đó. Nếu mỗi người đều có những kí ức tuổi thơ đẹp, cho dù là đang sống giữa những ngày cực nhọc nhất, thì con đường đến trường luôn mang đến cho những đứa trẻ như tôi niềm mơ ước trong trẻo.
Từ nhà đến trường ở làng Sêu, là phải đi bộ 5 cây số. Mỗi ngày cả đi cả về là 10 cây số. Chặng đường đi học, ngang qua đình Đặng Giang. Từ đó qua sông là đến làng Sêu. Cho dù với một đứa trẻ yếu như tôi, đi bộ để đến trường rất vất vả, khi nắng khi mưa, nhưng tôi vẫn chịu khó đi, hầu như không bỏ buổi học nào nếu không bị cảm hay gặp chuyện gì bất khả kháng.
Khi ấy thì tôi ít được thưởng thức những trò chơi và những món ăn như ngô nướng, trứng vịt rơi vãi ngoài đồng nướng lên… có thể gọi là những món ẩm thực ngon nhất của cuộc đời tôi. Nhưng tôi tự thưởng cho mình những luồng gió mát lịm. Mỗi khi đi học về nắng quá là tôi lại ghé vào đình Đặng Giang để được hưởng những cơn gió mát lành đó. Nói vậy, cũng đâu phải là gió thật. Mỗi khi tôi ngồi xuống ở bậc cửa đình, tôi có cảm giác những luồng gió mát đang thổi từ trên trời, quạt cho thằng bé khỏi bị say nắng hay bị cảm lạnh. Những vỗ về vọng đến từ đâu đó tiếp cho tôi nghị lực để nuôi dưỡng khát vọng học hành thành tài.
Những năm 1948-1950 đó, khi tôi theo học trường Nguyễn Huệ Kháng Chiến, là học sinh ít tuổi nhất được ông giáo Thụ tặng giấy khen là học sinh Học thuộc lòng Sử ký (ngày nay tôi vẫn còn giữ được tấm giấy khen đó).
Tôi rất nhớ khoảng thời gian này. Bây giờ mỗi khi về nước, mỗi khi có điều kiện là tôi lại tìm thăm các ông giáo già, như ông giáo Bình, ông giáo Minh, ông giáo Nguyên.
Sau này tôi cũng thường xuyên gặp gỡ cùng những học sinh trường Nguyễn Huệ Kháng Chiến là Chu Duy Kính, Phan Thu,…
Tôi cũng không quên tìm cậu bạn thời thơ ấu. Đó là ông Đỗ Đình Phú, con ông Lý Truy (Lý trưởng). Nhà Phú giàu có, nhưng chúng tôi chỉ chơi với nhau kiểu trẻ con vô tư thôi, chứ Phú chưa bao giờ cho tôi cái gì. Kỷ niệm đến giờ tôi vẫn còn nhớ là ngày đó đến chơi nhà Phú, có bức tượng nặn bằng đất, tôi thích mê, vì thích quá mà bạn Phú đồng ý bán cho bạn Triệu. Bán cái tượng đất mà Phú còn phải làm văn tự.
Nghĩ lại cũng thấy vui vui. Phú sau này lập nghiệp tại tỉnh Tuyên Quang. Khi về nước, tôi đã tìm bằng được và đã tìm đến thăm nhà ông bạn thuở nhỏ giờ ở Tuyên Quang.
*
Tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng. Một sáng đi học, khi vừa đến cổng trường, đập vào mắt tôi là tấm bảng yết thị:
“Vì tình hình chiến sự, nên thông báo…”.
Vậy là trường phải tản cư đi Thanh Hóa.
Tôi buồn và thất vọng lắm. Vì không thể đi theo.
Khi đến trường lấy giấy chứng nhận là học sinh trường Nguyễn Huệ trong chiến tranh, để hy vọng được học tiếp một ngày gần đây. Tôi cầm tờ giấy chứng nhận trên tay, cứ lật đi lật lại mà lòng bâng khuâng nhớ những tháng ngày đã qua bên thầy bên bạn. Tôi phải xa trường Nguyễn Huệ từ đó. Các bạn, các anh chị học cùng trường thì tiếp tục theo trường vào Thanh Hóa. Sau này rất nhiều người thành tài, một trong những người học hành đỗ đạt và làm nên công trạng là ông Chu Duy Kính.
Nhưng giữa bao ký ức triền miên êm đềm và dữ dội của tuổi thơ tôi, có một ký ức mà tôi không bao giờ có thể chôn vùi, không bao giờ có thể khép lại nỗi khắc khoải xót xa cho hình ảnh quê hương bà con thân quyến của mình.
Rời trường Nguyễn Huệ, tôi lủi thủi về làng.
Lúc dó Pháp Tây đóng bốt đầu đê. Vậy là không được đi học, phải về làng đi phu. Chúng bắt phá ụ đất để xe của chúng xuống đầu đê. Có lần chúng tôi bị thằng tây đen nó cầm roi đánh, bắt đi ngay, làm nhanh. Mình thì vục đầu vục cả thân hình còm cõi đói ăn thiếu thốn đủ thứ để làm phu. Còn bọn tây ăn uống toàn đồ chúng mang theo, cười nói hưởng thụ, thi thoảng quay ra quá nạt dân phu. Ức lắm. Mà khi đó còn bé nên nhìn bọn chúng ăn uống vứt vỏ bánh kẹo, vỏ lon nước,… bụng sôi lên vì đói và rất thèm.
Thực dân Pháp thật ác độc. Tội ác của chúng gây ra cho gia đình tôi và người Việt Nam, thật không thể kể được cho hết nỗi đau khổ bất hạnh thời đó.
Chúng thường bắn vu vơ ra xung quanh nhằm thị uy, đe dọa Việt Minh. Chúng ở trong đồn bắn “chơi” mà làm bà nội tôi chết ngay tại chỗ. Bà là người đầu tiên bị bắn chết ở làng. Hôm đó là ngày 6/2/1947, theo lịch ta. Dân làng hết thảy ngỡ ngàng khi không hề biết cái chết đang đến rất gần bất cứ ai. Khi đó tiếng đạn réo ù ù, và có tiếng nổ đanh gọn. Chúng tôi không hề biết chỉ lát nữa thôi là chúng tôi sẽ vĩnh viễn mất đi người bà đáng kính trọng. Đạn câu từ đồn Pháp ra, không trúng vào Việt Minh mà chính là trúng vào dân; trúng ngay vào bà nội tôi. Bà chết mà vẫn không thấu được vì sao mình lại bị trúng đan. Nhiều người làng bắt đầu lo sợ trước tội ác, trước cuộc chiến tranh bắt đầu thành hình bộ mặt quỷ ác gớm ghiếc.
Ngày 1/6/1950, lịch âm
Bố tôi đưa cả gia đình tản cư vào nhà thờ Đồng Chiêm, cách làng khoảng 10 cây số.
Nhưng không ai trong gia đình tôi ngờ rằng, đó chính là những ngày cuối cùng còn có cha trên đời.
Người cha thân yêu, người trụ cột gia đình, người là kim chỉ nam cho các con, bị trúng đạn tụi Pháp bắn ra dọa nạt dân. Bố tôi chết tại chỗ. Một sự kinh hoàng bao phủ. Mẹ tôi cùng đàn con tê tái không biết làm gì.
Trong khoảng ba mươi ngày của cái thời kỳ đen tối đó, gian khổ đói ăn, thiếu thốn vật chất, tinh thần luôn căng thẳng lại đau thương mất mát ập đến. Mất bố coi như mất hết niềm vui và hạnh phúc của cái gia đình bé nhỏ của chúng tôi. Mẹ tôi gần như gục xuống không phân định được ngày đêm.
Sau khi bố chết gục, anh em chúng tôi nhờ các ông bà xung quanh, rồi bảo nhau vào xưởng gần đó xin ván để chôn bố. Nhưng họ cũng không đủ để cho. Vác mấy tấm ván lẻ về, nhờ người ghép, mà vẫn thiếu không đủ cỗ quan, nên đành vùi cha xuống đất, vùi xuống dưới hố sâu nhờ lòng đất che chở.
Chôn bố xong, chiều tà mẹ con đưa nhau về làng. Những cái bóng dật dờ đi trên con đường nhỏ.
Đau thương và thất vọng.
Về làng gia tài còn một con chó, không còn kế sinh nhai, tôi phải bế nó đi bán. Lòng tôi quặn thắt.
Trên đường đi gặp cô Tổng Giáo, em họ bố. Cô xót xa nhìn tôi ôm con chó trên tay.
Cô chỉ có thể nói những câu thảng thốt:
“Bố cháu mất rồi phải không. Cô không kịp biết để đến tiễn bố cháu…”
Tôi cứ đi không phân định được thời gian. Không nhận biết rõ con đường mình đang bước. Giao chó cho họ rồi, mà tôi không nỡ buông tay. Mãi sau, đành phải quay đi. Lúc ra về, tôi ôm nó và dặn: “Thôi mày ở lại”. Con chó nhỏ không biết tiếng người, nhưng cũng cảm nhận được tình cảnh lúc này. Mắt nó ánh những giọt nước mắt, nhìn theo cậu chủ.
Hình ảnh con chó đáng yêu ấy vẫn ám ảnh tôi tới tận bây giờ. Biết bao chặng đường tôi đã đi qua. Biết bao ngôi nhà tôi đã gắn bó, cùng với hình ảnh những chú chó. Nhưng mỗi khi đi đâu nhìn thấy chó thì tôi lại nhớ đến và thương con chó đó như thể nó cũng là một hình hài ruột thịt của tuổi thơ chúng tôi.
Bán chó lấy tiền vốn mua khoai về luộc, không phải để ăn, mà là để bán. Anh Vọng và tôi, hai anh em ngày ngày bán khoai luộc kiếm tiền sinh nhai, đỡ đần cho mẹ.
Tôi lấy bút chì và mảnh giấy bằng bàn tay ghi lại sự kiện bố mất tang thương; và những ngày tháng tuyệt vọng này.
Một khát vọng, mong được đi học đỗ đạt thành tài để báo hiếu cho cha mẹ, khi ấy vẫn luôn âm ỉ trong trí óc non nớt của tôi.
Đó cũng là cái mốc lịch sử của đất nước ta.
Cho mãi đến bây giờ, khi nói tới những ngày tháng khủng khiếp đó, ai ai cũng mong sao chiến tranh đừng bao giờ xảy ra trên đất Việt đau thương. Và tôi cũng vậy! Cho dù khi đó tôi đâu đã biết gì mấy. Nhưng có đi đến chân trời góc bể, cho dù thân xác có hư hao đến đâu, cho dù cuộc đời có biến thiên thế nào chăng nữa, thì tôi cũng không bao giờ nguôi ngoai quên lãng được những ký ức tang thương ngày ấy.
Mặc dù trớ trêu thay, sau này lại chính nước Pháp nuôi tôi ăn học, chính nước Pháp đặt tôi vào vị trí mà tôi đã phấn đấu không ngừng suốt cả thời trai trẻ để đạt được.
Đó là một nước Pháp thay đổi, không còn chế độ thực dân.
Tôi đủ trí tuệ để hiểu đâu là tội ác, và đâu là sự tiến bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét