Mời Xem : Chương II DẤN THÂN SỰ HỌC (Tự Truyện GS.Đỗ Đình Chiểu )
Chương III : P.1
Bạn bè và những nỗ lực
Khi thi vào trường Chasseloup Laubat, tôi đỗ vớt, nhưng khi vào học chính thức, bằng nỗ lực và niềm đam mê học, phải nói là tôi lại như cá gặp nước. Tôi vốn được bố mẹ kỳ vọng, thường được bà con họ hàng khen trí thông minh bẩm sinh, giống bố tôi là người Nho học, tôi cũng từng đi làm “phu trẻ con” khi mới mười một tuổi, do lý trưởng và bọn tây xua đi.
Tôi mới mười mấy tuổi đầu đã có trải nghiệm cuộc sống khó khăn. Đói ăn thiếu mặc. Chui dưới hầm tăng xê ngoài đê, không miếng ăn ngụm nước. Nhìn thấy sông chảy mà không dám thò đầu chạy ra vục nước uống cho đỡ đói khát vì sợ Tây bắn. Mò cua bắt ốc ngoài đồng mà người lả đi vì đói. Nhìn thấy cái chết của những người máu thịt trong gia đình: bà nội mà tôi yêu thương, người cha là chốn nương tựa vững chãi, người chị yêu thương đàn em hết mực… Xót cho mẹ góa bụa, nhìn mẹ nén đau thương, ôm đàn con vào lòng che chở.
Nhưng tôi cũng đã được biết những thứ mà lũ bạn cùng lứa với tôi ở quê nhà Hòa Xá chưa hề được biết. Ví như, tôi đã được đi xe hàng, tôi đã được ngồi trên máy bay nhìn xuống mặt đất, thấy nhà cửa và ruộng đồng như những cục gạch vuông gạch xếp, dòng sông như con trăn, rồi lại như sợi chỉ. Tôi biết Hà Nội và hồ Thiền Quang, hay còn gọi là hồ Ha-le, hồ Halais. Tôi biết Sài Gòn hoa lệ, Hòn ngọc Viễn Đông. Tôi được học ở trường Tây, học thứ tiếng ngôn ngữ của những người đã bắn chết người thân bà con làng quê tôi, cũng là học thứ tiếng đẹp của một nền văn minh mà không chế độ thực dân nào có thể làm lu mờ.
Tôi còn bé như thế, đã phải căng óc ra phân biệt đâu là sự tàn ác khốc liệt, đâu là sự lương thiện và vẻ đẹp của trí tuệ, văn minh tiến bộ.
Chính vì vậy, tôi luôn sẵn sàng tinh thần chịu thương chịu khó quyết tâm học tập. Tôi luôn luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập. Tôi tự hiểu, mình được học hành và sống tốt như thế cũng là cơ duyên không thể bỏ lỡ, cũng không thể hời hợt cho qua tháng ngày.
Tại trường Chasseloup Laubat có thể khẳng định tôi là học trò nhà nghèo khó nhất trường nhưng không ai biết. Những điều đến với tôi, kể cả hoàn cảnh gia đình, càng thúc đẩy tôi chăm chỉ học, vượt qua khó khăn nhưng không mặc cảm với chúng bạn. Tôi biết mình có một thứ mà trên đời có những người không có được như tôi, đó là tình thương vô bờ bến của mẹ, tình thương của anh em trong nhà, nhất là anh cả của tôi. Anh đã thay cha mà dạy dỗ các em theo cách của những người đàn ông.
Bây giờ lứa tuổi các cháu trong dòng họ hẳn không thể hình dung nổi tôi đã sống và học tập trong hoàn cảnh như thế nào. Một căn nhà mái gianh dột nát. Một căn phòng chật chội không có bàn học, không có điện, nắng nóng chiếu thẳng vào nhà. Cơ bản tiện nghi không thể nói là có thứ gì đáng giá, ngay cả sách giáo khoa, từ điển, sách tham khảo cũng không có. Chỉ có thể mượn chép lại của bạn được cuốn nào hay cuốn đó…
Tôi nhớ hồi đó cũng hay mượn sách của bạn Trần Quang Minh. Sau này ông Minh là người phụ trách lương thực hậu cần cho chế độ cũ ở Xuân Lộc. Chúng tôi còn nhớ đến nhau, tuy không giúp gì được nhau sau này nữa, nhưng tất cả chúng tôi đều coi trọng tình bạn, không phân biệt thể chế nào.
Sau này tôi vẫn luôn sẵn sàng giúp bạn. Nhưng ông Minh cũng không nhờ gì.
Hồi đó còn nhỏ nên chúng tôi cũng có những cách giúp nhau rất trẻ con. Ví dụ cho bạn bên cạnh chép bài. Tôi nhớ nhiều lần tôi và Ngô Thanh Quế trao đổi bài cho nhau. Anh ấy chép bài tập tôi giải xong trước. Còn tôi lại xem bản dịch của anh ấy để chỉnh sửa cho bản của mình.
Các bạn tôi như Nguyễn Viết Tân, Ngô Thanh Quế, cùng tôi, là nhóm bạn học giỏi trong lớp.
Anh Pha tôi chỉ đủ tiền để mua căn nhà nhỏ trong xóm lao động nghèo. Mua bán trao tay, chứ cũng không có giấy tờ phức tạp gì. Nhà ở khu đất rất trũng thấp, hễ mưa là ngập hết lối ngõ và sân nhà.
Bạn bè đến chơi, hay trao đổi mượn sách mượn vở, hoặc cùng giải bài toán, cùng dịch một bài tập, thì đều hiểu gia cảnh của nhà tôi. Nhưng bạn bè yêu quý nhau đầm ấm lắm.
Có những lần Ngô Thanh Quế tới chơi, mưa vừa tạnh nhưng nước ngập lối ngõ, ngập dềnh ở sân, Quế vẫn lội vào không nề hà gì. Chúng tôi cứ bên nhau nhiều năm tháng. Sau này Quế học thành bác sĩ. Người anh rể của Ngô Thanh Quế là Quách Tòng Đức, như tôi đã kể ở trên, là Chánh Văn phòng của Ngô Đình Diệm. Nhưng vào những năm 60 đã chạy sang Pháp do thân Pháp. Chính vì vậy mà ông em vợ cũng được giúp đỡ. Tôi cũng được Ngô Thanh Quế luôn quan tâm ở xứ người. Sau này Quế mất sớm do bị bạo bệnh, cũng kịp lo cho con học thành tài. Người vợ về lại TP Hồ Chí Minh, mở tiệm thuốc tây ở đường Thành Thái.
Trong nỗi nhớ của mình, Sài Gòn với tôi chỉ học và học. Sài Gòn với tôi là hình ảnh mẹ loay xoay lo chợ búa cơm nước, tôi học xong đến bữa là có cơm ăn. Là hình ảnh anh cả đi làm với bộ quần áo tây đã bạc gấu, nhưng vẫn đẹp và sang trọng vô cùng. Mưa gió bão lốc gì anh em tôi cũng thấy đầm ấm lắm.
Một sự thôi thúc mạnh mẽ trong đầu, trong trái tim nhỏ nhoi. Thương mẹ thương anh và em. Tôi biết nhà trường cho thi vào các lớp trên, nếu đạt điểm chuẩn thì có thể được nhảy lớp. Tôi tính trong đầu, nếu nhảy lớp sẽ đỡ hẳn chi phí học một năm, đỡ rất nhiều sức lực. Vậy tại sao lại không thử xem?
Thế là lao đầu vào bức tường kiến thức.
Thời gian này, tôi luôn nghĩ đến bố tôi, đến ông thầy giáo làng. Khi chúng tôi còn nhỏ, thầy đã giảng những câu mà chắc chắn thầy biết lũ trẻ chưa hiểu được. Nhưng những đứa trẻ năm đó như tôi bây giờ lại cứ nghe văng vẳng câu nói của thầy:
“Sau này còn nhiều việc lớn hơn. Muốn làm được, các con phải học. Làng ta, xã ta chưa có trường, phải đi xa, vất vả đấy. Chỉ có học mới nên người, mới thoát được đói nghèo. Ông ta xưa đã nói: "Ngọc bất trác, bất thành khí/ Nhân bất học bất tri lý. Nghĩa là ngọc có mài mới đẹp. Người có học mới làm được việc lớn. Các con hiểu không?”
Cả lũ đồng thanh:
“Hiểu ạ”
Nhưng đó là những sự đồng tâm đồng lòng của lũ trẻ con, là lời nói dối chân thật của lũ trẻ làng quê nghèo. Nói “hiểu ạ” để vui lòng thầy, chứ đã hiểu hết nghĩa mà thầy giảng đâu. Nói “hiểu ạ”, để sau này ngấm vào trí não, tìm cách làm bằng được lời dặn của thầy năm xưa…
Dường như khi con người ta có quyết tâm cao, thì sẽ đạt được ít nhất là thành quả như mình mơ ước. Nhưng tôi còn đạt thành quả cao hơn cả mơ ước.
Năm thứ 1: Học và đỗ bằng trung học cơ sở
Năm thứ 2: Học trên lớp và tự học hè
Năm thứ 3: Học trên lớp và tự học hè
Năm thứ 4: Học trên lớp và tự học hè
Năm thứ 5: Học trung học phổ thông đỗ loại giỏi.
Kể chuyện thi nhảy lớp, tôi lại nhớ anh Pha. Hồi đó, mỗi khi lĩnh lương về là anh đưa mẹ phần lớn, phần chia cho các em ăn quà sáng, phần rất ít để bản thân anh chi tiêu khi đi làm.
Lần thi nhảy cấp tú tài ấy, anh nghĩ thương em chỉ cắm đầu vào học, từ khi vào Sài Gòn cũng không được đi chơi ở đâu. Sợ em bị căng thẳng quá vì chuẩn bị thi với khối kiến thức dồn học trong thời gian ngắn. Thế là trước khi tôi đi thi, anh mượn đâu chiếc xe hơi, đưa riêng tôi đi chơi Ô Cấp.
Buổi sáng hôm đó, mặt biển đầy hơi sương, những cụm mây trắng, mây đen lờ đờ sà xuống mặt nước gợn sóng lăn tăn. Gió yên, biển lặng, mùa cá nam đang vào vụ, những tay sào, tay lưới hồ hởi hạ thuyền ra khơi. Người đi đánh bắt xa bờ, người đi thả lưới, câu mực.
Từ nhỏ tới lúc đó, tôi mới biết thế nào là biển. Biển như lời thách đố cậu nhóc đang ngẩn người trước những con sóng. Biển chạy đi tận đâu? Ở đâu ra biển mà nước lại mặn vậy? Tôi ào xuống tắm biển. Thích quá tắm thật lâu, để đến nỗi khi lên bờ thì bị sụt sịt.
Tuy nhiên khi về tôi vẫn còn ôn qua bài. Hôm sau tôi vẫn làm bài thi rất tốt, và đã đậu tú tài, là trình học mà tôi đã nhảy một cấp độ.
Tôi đã có ba lần thi nhảy lớp và hoàn thành Tú Tài toàn phần khi mới mười bảy tuổi. Đó là năm 1956.
Nghĩ lại những thời gian đó, tôi chỉ thấy một tình yêu trong sáng với những đường phố, gốc cây, những ánh đèn vàng mờ nhạt trong đêm ồn ã của đất Sài Gòn hoa lệ. Tôi nhớ tiếng bạn bè tôi, họ đến từ nhiều vùng đất khác nhau, những âm giọng khác nhau của các vùng miền. Tất cả vẫn như còn văng vẳng bên tôi, cùng tôi suốt bao chặng đường dài…
Mặc dù có quá nhiều khó khăn quá nhiều điều xa lạ với một cậu bé Bắc Kỳ bỡ ngỡ ở xứ Nam, nhưng nếu bạn cần là tôi vẫn luôn giúp đỡ bạn bè khi có thể.
Tôi có người bạn tên Phẩm. Nhà cậu ta rất giàu, có cả công ty xe TP chạy đường dài, như tuyến Sài Gòn - Đà Lạt. Thế mà Phẩm học hành lơ đãng. Phẩm được ba má thuê thầy dạy thêm, còn đi học thêm hàng tuần mấy buổi ở nhà một bà giáo. Vậy mà khi trả bài ở lớp, điểm vẫn rất kém.
Có hôm tan học, tôi thấy sốt ruột cho bạn, liền gọi:
“Phẩm, đem sách vở đưa đây, tôi cho bài tập về nhà”
Thế rồi cậu ta vẫn không trả nổi bài.
Bữa đó, ba Phẩm nhắn gọi tôi đến cửa rạp hát Kim Cương. Ông nói:
“Bác biết cháu quý bạn. Có khi cháu giúp nó còn hơn là bác bắt nó cứ đi học thêm, đã dốt lại càng ngại…”
Tôi cố gắng giúp cho Phẩm bằng nỗ lực và sự hiểu của mình.
Tuy nhiên, không hiểu sao Phẩm vẫn cứ không chịu học. Kết quả không như mong muốn. Nhiều năm sau, tôi vẫn luôn trăn trở vì không thể giúp bạn. Cũng không biết sau này Phẩm có tu chí học hành làm ăn hay không. Cũng có khi cậy nhờ gia sản của gia đình…
Một điều khiến bạn bè rất khâm phục tôi, đó là trong suốt bốn năm đầu ở trường, tôi đã luôn dành được học bổng. Số tiền này, mỗi khi có là tôi mang về nhờ mẹ giữ.
Tôi nói điều ước ao với mẹ:
“Con muốn có chiếc xe đạp mẹ ạ. Khỏi phải đi nhờ xe buýt. Lại tiện đi học hoặc tham gia các sự kiện”
Mẹ tôi rất hiểu điều ước mơ đó của tôi.
Thật kỳ diệu, sau bốn năm học, tiền học bổng mà tôi nhờ mẹ cất giữ đã đủ mua được chiếc xe đạp mới tinh coong. Ngay cả anh Pha cũng ngạc nhiên thích thú.
Mấy anh em chúng tôi đưa nhau ra ngõ tập đạp xe. Mấy lần đã được ăn đất, quần áo lấm bê bết. Khi về nhà, mẹ tôi không mắng, mẹ lau mặt cho và giục đi tắm, để mẹ dọn cơm.
Cả nhà tôi quây quần bên mâm cơm đạm bạc, nhưng vui lắm. Niềm vui vì anh Pha được nâng lương. Niềm vui vì anh Vọng được vào học trường tư, dù là trường tư nhưng cũng là trường danh giá. Niềm vui vì em gái tôi cũng được thầy khen là thông minh.
Mẹ tôi cười. Ánh mắt mẹ lấp lánh khi nghe tin tôi báo điểm tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm thứ 5: Tôi đã đỗ loại giỏi.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét