Mời Xem P.3:
Giai Thoại về Nguyễn Công Trứ (20-30 )
31. /CÀNG GIÀ CÀNG DẺO CÀNG DAI!
Trong thời gian trú tại Núi Nài, hát xướng, ngao du
cùng bạn bè, khi tuổi đã ngoại thất tuần, Nguyễn Công Trứ gặp một cô gái mười bảy
tuổi. Như có duyên trời định, hai người - một lão già tóc bạc và một thiếu nữ
má hồng - đã đem lòng yêu nhau và gắn bó. Cụ Thượng Trứ hỏi nàng làm thiếp, và
nàng đã đồng ý làm lễ cưới. Trong đêm hợp hôn, Cụ cùng nàng bày rượu, đập trống
hát ca trù và sáng tác một bài hát nói ngay lập tức được truyền tụng khắp vùng:
và cho đến tận ngày nay không “tay chơi già” nào là không biết, thuộc một đôi
câu.
Trẻ tạo hoá ngẩn ngơ lắm việc,
Già nguyệt ông cắc cớ trêu nhau.
Kìa kia người mái tuyết đã phau phau,
Run rẩy kẻ đào tơ còn mảnh khảnh.
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh,
Nhất toạ lê hoa áp hải đường…
Và có lẽ cho đến tận ngày nay không “tay chơi già”
nào là không biết, không thuộc hai câu sau đây:
Tân nhân nhược vấn lang niên kỉ,
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam!
(Nếu thiếp mới hỏi chàng bao tuổi,
Năm mươi năm trước hai mươi ba!)
Và Cụ kết thúc khúc hát bằng một tuyên bố… xanh rờn:
Xưa nay mấy kẻ đa tình,
Lão Trần là một với mình là hai.
Càng già càng dẻo càng dai!
32. NHỮNG ĐÒN TRỪNG PHẠT BẰNG CHỮ NGHĨA
Làm quan, Nguyễn Công Trứ được dân chúng cảm phục,
quý mến nhưng cũng bị không ít kẻ ghen ghét, hãm hại, khiến cụ đã bao phen lên
voi xuống chó. Nhưng là một văn nhân nhân văn, những ân oán đó cụ không trả bằng
những mưu mô thảm độc, máu chảy đầu rơi, mà chỉ bằng trí tuệ sắc sảo, bằng lời
nói thâm thuý đôi khi cay độc - những đòn trừng phạt bằng chữ nghĩa nhiều khi
còn đau hơn hoạn, có khi còn hơn cả án tử hình!
Sau đây là một vài câu chuyện:
Với quan tỉnh Bắc Ninh:
Tương truyền, một trong những người đã từng vu khống
Nguyễn Công Trứ là quan Tổng đốc Bắc Ninh họ Phạm, và Nguyễn Công Trứ đã trừng
phạt như sau:
Trong một bữa tiệc có quan Tổng đốc Bắc Ninh cùng dự,
khi chén rượu đã ngà ngà, đáp lời mọi người mời mọc, thúc dục kể chuyện vui, cụ
Trứ nói:
- Thưa các quan, cách đây mấy năm, khi đương làm
quan ở đất Bắc, nhân đi hành hạt tại huyện lị Nam Sách gặp một đứa bé con mới
lên bảy tám tuổi mà thông minh linh lợi khác thường, tôi liền ra cho nó một vế
đối Nôm: Lời vàng quan tỉnh Bắc Ninh. Không ngờ, chẳng cần phải nghĩ ngợi lâu,
nó ứng khẩu đối luôn: Cửa ngọc bà huyện Nam Sách. Chà, “Lời vàng” đối với “cửa
ngọc”, “quan tỉnh” đối với “bà huyện”, “Bắc Ninh” đối với “Nam Sách” thì còn
chê làm sao được! Tôi liền thưởng cho nó một quan tiền.
Nghe chuyện, các quan đều pha ra cười, chỉ có quan Tổng
đốc Bắc Ninh họ Phạm thì đỏ mặt tía tai, cố ngồi nín thinh cho qua bữa tiệc.
Với Quan phủ Thạch Hà:
Quan phủ Thạch Hà, Hà Tĩnh, cũng có mối ân oán chi
đó với cụ Trứ nên có lần chịu đòn đau của cụ. Trong một bữa tiệc, khi các các
quan đã ăn uống say sưa rồi, cụ Trứ kể chuyện:
- Ở phủ Thạch Hà đất Hà Tĩnh quê tôi có một đứa bé
thần đồng. Nó ứng đối tài tình không thể tưởng. Một lần tình cờ gặp nó, tôi đọc
mau một câu thật dài để thách nó đối, thế mà nó đối hay và nhanh hơn cả người lớn
mới tài chứ. Câu tôi đọc là thế này:
- Chống chõi như quan phủ Thạch Hà. Thạch là đá, hà
là sông, giữa dòng sông ngăn đá.
Nó tiếp lời tôi mà đối ngay như sau:
- Giàu có như bà huyện Kim Động. Kim là vàng, động
là hang, trong cửa hang có vàng (29).
Các quan khách trong tiệc ôm bụng cười nghiêng ngửa
vô tư, chỉ riêng quan Tri phủ Thạch Hà thì nửa cười nửa mếu lấm lét nhìn quanh.
Với Lang trung bộ Lễ:
Trong một bữa tiệc khác, mũi dùi châm biếm của cụ
chĩa vào một viên Lang trung cũng có mặt trong tiệc. Thoạt đầu, Cụ hỏi:
- Thưa các quan bác, các quan bác có biết “Lang
trung” là gi không?
Đánh hơi thấy sắp được nghe một câu chuyện gì đó thú
vị, cả bàn gần như đồng thanh hô:
- Thưa không ạ, Cụ kể đi ạ!
- Vâng, vậy thì tôi xin kể chuyện “Ai ta hề Lang
trung” để các quan bác biết nhé. Ấy là vào cái thời làm quan ở Bắc kì, tôi có
biết một ông người Hoa khá giàu và có ba vợ, họ ở chung với nhau và thương yêu,
chiều chuộng nhau như bát nước đầy. Chẳng may, ông chồng mang bệnh nặng không cứu
chữa được. Khi đức lang quân vừa tắt thở, người vợ lớn liền nhào tới ôm lấy đầu
chồng than khóc nức nở, lặp đi lặp lại “Ai ta hề lang thủ”, nghĩa là:“Ôi thương
cái đầu của chàng!”
Người vợ thứ hai chạy lại ôm chặt lấy hai chân của
chồng mà khóc thảm thiết: “Ai ta hề lang túc”, nghĩa là: “Ôi thương cặp chân của
chàng!”
Còn người vợ thứ ba thấy thế vội chen vào giữa hai
chị, cầm lấy “cái ấy” của cố phu quân mà khóc than kể lể: “Ai ta hề lang trung!
Ai ta hề lang trung!”, nghĩa là: “Ôi thương cái… của chàng!”. Đấy, “Lang trung”
là thế…
Lời kể chưa dứt, đám tiệc đã trở nên nhốn nháo với những
tiếng cười hô hố, ha há, hi hí… Duy chỉ có một người không cười nổi, mà cũng
không biết làm sau giấu đi bộ mặt của mình: đó là viên Lang trung bộ Lễ trước
kia đã có hành động bất nhã với cụ Trứ.
(29) Về câu đối trong giai thoại này, có người còn kể
“độc” hơn như sau: Câu của Nguyễn Công Trứ ra là “Chống chỏi như quan phủ Thạch
Hà. Thạch là đá, hà là sông, giữa dòng sông ngăn đá, nên chi mồm ông phủ Thạch
Hà hà!”, còn thằng bé đối lại: “Giàu có như bà huyện Kim Động. Kim là vàng, động
là hang, trong cửa hang có vàng, bởi thế đồ bà huyện Kim Động động!”.
33. “ÂN OÁN GIANG HỒ” VỚI TỈNH THẦN HÀ TĨNH
Tương truyền, có lần các quan tỉnh thần Hà Tĩnh mật
tấu vu cáo Nguyễn Công Trứ lên vua Tự Đức, vì thế cụ rất hận, thường tìm cách
thừa dịp dạy cho các quan tỉnh Hà Tĩnh những bài học đích đáng. Sau đây là hai
trong số nhiều câu chuyện được truyền tụng trong dân gian.
1. Mùa xuân năm Canh Tuất (1850), lúc đó Nguyễn Công
Trứ về hưu dưỡng đã được gần nột năm, các quan tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ cúng
“Xuân thủ”, là lễ cúng đầu mùa xuân hàng năm. Tham dự lễ cúng, ngoài các quan
viê tại chức, các hưu quan trong tỉnh cũng được mời, tất nhiên trong đó có cụ
Thượng Trứ. Sau khi hành lễ là một bữa tiệc rượu khoản đãi các quan viên văn võ
tân cựu trong tỉnh.
Vào bàn tiệc, vì có mặt cụ Trứ nên ai nấy có vẻ e
dè, không dám phách lối khoe khoang như mọi khi, lỡ cụ châm chọc cho giữa công
chúng thì mất mặt. Thấy không khí trên tiệc buồn tẻ, Cụ Trứ mới lấy tư cách người
cao niên mời quan khách nói chuyện tự nhiên. Nhưng các quan vẫn chẳng có ai dám
nói trước. Quan Bố chánh chủ tiệc đành phải đứng lên thưa:
- Xin mời Cụ lớn Thượng thư nói trước, chúng tôi hậu
sinh, không dám thất lễ.
Cụ Trứ mỉm cười, và bắt đầu nói:
- Đa tạ các quan có nhã ý cho lão nói trước, lão xin
kể hầu mọi người vài câu chuyện vui vậy. Mà chuyện cũng xảy ra cách đây hơn mười
năm rồi…
Các quan hoan hỉ:
- Xin mời cụ, xin cụ cho nghe ạ.
Cụ Thương Trứ vuốt râu, mỉn cười, thong thả kể:
- Chả là hồi đó lão còn làm Tổng đốc Hải Yên, một
hôm đi đường gặp một đứa bé chừng mười tuổi mà trông lanh lợi vô cùng. Đoán nó
là một học trò thông minh, lão liền ra cho nó một câu đối: Ở Hà Tĩnh
sông lặng nhờ gió lặng (30). Nó ứng khẩu đối ngay: Tại Hải Yên bể yên bởi sóng
yên (31).
Lão tiếp tục đọc: Quan tỉnh Hà
Tĩnh mở miệng hay: lời lời châu ngọc.
Nó đối liền: Bà tổng Hải Yên giấu của kín: hàng hàng
gấm thêu (32).
Lão lại ra một câu đối bằng tục ngữ: Ăn một đọi, nói
một lời, đừng học thói tam tiên tam tổ. Nó cũng đối ngay bằng tục ngữ: Của ba
loài, người ba đấng, kể chi phường bát đảo bát điên (33).
Lão phục nó lắm, đọc một câu ngạn ngữ khác: Ném đất giấu
tay, ghê những kẻ mặt người dạ thú. Nó đối liền bằng một câu ngạn ngữ: Phun người
ngậm máu, sá chi phường miệng Phật lòng xà (34).
Các quan trong tiệc ngồi nghe, có người xuýt xoa
khen thằng bé giỏi, nhưng cũng có người tái mặt, cúi đầu.
2. Vào dịp tiết Trung Nguyên (rằm tháng bảy), quan Bố
chính Hà Tĩnh truyền cho quan huyện Nghi xuân tìm thuê một chiếc thuyền rộng
rãi để đêm rằm các quan xuống Bến Thủy hóng mát, chơi tổ tôm và hát cô đầu. Chẳng
may cụ Nguyễn Công Trứ biết được tin ấy, bèn đi tìm người lái thuyền đã nhận lời
cho các quan thuê thuyền. Anh lái trả lời:
- Thưa cụ, con đã lỡ nhận lời ông lí trưởng mất rồi ạ.
- Không sao, lão không cần thuê cả thuyền đâu. Lão
chỉ cần thuê cái mui thuyền đủ để ngồi hóng mát là được. Tôi sẽ trả cho anh một
quan tiền.
Anh lái thuyền bằng lòng. Trước khi đêm xuống, cụ Trứ
mặc bộ áo quần vải thô nhuộm nâu như một ông lão nhà quê bước xuống thuyền,
trao cho anh lái một quan tiền rồi ra ngồi trước mui thuyền hóng mát. Lát sau,
xe ngựa của các quan tỉnh, quan huyện lục tục kéo đến cùng đoàn đào kép hát cô
đầu. Mọi người lần lượt xuống thuyền, chèo chính giữa dòng sông Lam thơ mộng thả
neo và bắt đầu cuộc vui chơi, đánh bài, đần hát. Không ai để ý đến ông lão nhà
quê ngồi một mình đầu mui thuyền. Được một lúc, cụ lân la bắt chuyện với anh
chèo mui:
- Anh được mấy con rồi? Đã có cháu nào lớn chưa?
- Thưa cụ, con được ba cháu rồi ạ. Chúng nó đều còn
nhỏ dại cả. Vợ cháu lại gần ngày sinh nữa.
- Vợ gần ngày sinh, thì phải xa vợ nhá.
- Dạ. Nhưng đôi lúc vì thương vợ, nên cũng phải gần ạ.
Ông lão bất chợt cao giọng quát:
- Bậy! Vợ gần ngày sinh mà lại gần vợ thì chẳng là
thằng trong bú… thằng ngoài à!
Các quan trong thuyền đang say sưa chơi tổ tôm chợt
nghe từ bên ngoài mui thuyền vẳng tới “thằng trong bú… thằng ngoài”, thì đều dỏng
tai nghe ngóng. Sinh nghi bởi câu nói khiếm nhã như vậy, quan đầu tỉnh ra hiệu
cho quan huyện ra ngoài xem xét tình hình ra sao? Quan huyện bước ra, nhìn kỹ
ông già đang ngồi quay lưng hóng mát trên mui, liền nín thinh trở vào trình
quan Bố chính: “Chính Cụ Thượng Trứ đã nói câu ấy, Cụ đang ngồi ở ngoài mui
thuyền một mình”.
Quan Bố chính nói nhỏ:
- Mặc Cụ, chúng mình cứ tiếp tục chơi, làm như không
nghe gì, không biết Cụ ấy đang ngồi ngoài ấy.
Lát sau, ngoài mui Cụ Trứ lại cất giọng hỏi anh
chèo:
- Sao anh không hát đi cho vui?
- Dạ, con không biết truyện hay nên không hát ạ.
- Anh có muốn nghe tôi đọc Kiều không?
- Dạ, thưa có.
Cu Trứ cất giọng ngâm nga văng vẳng: “Bề ngoài thơn
thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.
Nghe giọng ngâm Kiều vọng vào, quan Bố chính thật sự
chột dạ, liền ra lệnh cho thuyền cập bến, “để các quan về, kẻo đêm đã khuya, ngọn
gió biển đã thổi mạnh”.
(30) Hà là sông, tĩnh là lặng.
(31) Hải là bể, yên là yên.
(32) Miệng hay đối với của kín! Lời lời châu ngọc đối
với hàng hàng gấm thêu!
(33) Tam tiên tam tổ đối với bát đảo bát điên.
(34) Mặt người dạ thú đối với miệng Phật lòng xà.
34. BÀI HỌC CHO QUAN HUYỆN HÁCH DỊCH
Một viên quan trẻ tuổi và rất hách dịch được bổ về
làm Tri huyện Nghi Xuân. Tuy cũng đã từng nghe tiếng Cụ Thượng Trứ nhưng chưa hề
gặp và có lẽ cũng cao ngạo hay sơ suất gì đó mà anh ta không tới yết kiến Cụ
như các quan khác thường làm. Vừa tới huyện lị được vài ba ngày, tân quan đã
quyết định đi hành hạt, sức cho hàng huyện biết ngày giờ nào quan sẽ tới xã,
thôn nào để biết mà nghinh tiếp rầm rộ.
Nghe dân tình bàn tán thấy chướng tai, Cụ Trứ bèn
vai vác cuốc tay dắt bò đến cho ăn cỏ trên con đường mà quan huyện sắp đi qua.
Một lát sau đoàn xe ngựa, võng lọng tân quan đi đến, tên lính lệ đi trước dẹp
đường, lớn tiếng hô:
- Ai nấy phải tránh về một bên để quan lớn đi hành hạt.
Cụ Trứ giả vờ không nghe, cứ chăm chăm cuốc, rồi lại
ngồi bệt xuống đường cái nhặt cỏ. Đám lính khiêng võng quan đến tận nơi mà Cụ
Trứ vẫn lom khom làm việc. Quan tức mình nhảy xuống võng, lớn tiếng quát:
- Hay cho lão già nhà quê vô lễ! Ngạo mạn!
Rồi giựt phắt cái cuốc trong tay cụ Trứ, ném xuống
con sông Lam trong xanh, rồi truyền bắt ông già phải thay một người lính võng
quan đi, còn con bò thì cho dắt theo.
Cụ Trứ lẳng lặng ghé vai khiêng võng đi trước, còn
quan huyện nằm trên võng ra dáng bệ vệ, hả hê. Vừa đi được chừng mươi thước thì
đoàn người gặp một anh đồ Nho người cùng huyện Nghi Xuân. Trông thấy Cụ Trứ,
anh đồ hốt hoảng chạy tới chắp tay chào hỏi:
- Bẩm, lạy cụ lớn! Sao Cụ lớn lại phải khiêng võng
như thế ạ?
Cụ Trứ chưa kịp trả lời, quan huyện đã giật mình, nhảy
ngay xuống đất, lắp bắp hỏi anh đồ Nho:
- Cụ già nầy là ai?
- Trình quan, đây là cụ Binh bộ Thượng thư trí sĩ, một
bậc hưu quan có danh vọng, uy tín và phẩm tước lớn nhất trong tỉnh Hà Tĩnh ạ!
Bấy giờ quan huyện mới như người mắc bệnh kinh
phong, run lẩy bẩy chắp hai tay lạy Cụ Trứ như tế sao:
- Bẩm lạy cụ lớn! Vì con mới đến nhận chức ở quý huyện,
chưa có dịp yết kiến nên chưa được biết Cụ lớn. Nay con trót đã phạm tội lỗi nặng
nề đối với cụ lớn. Trăm lạy Cụ lớn mở lương khoan hồng, con nguyện xin suốt đời
làm tôi tớ Cụ lớn. Xin Cụ lớn tha tội cho con.
- Tôi bắt tội, bắt tình quan huyện làm chi? Quan huyện
bắt tôi khiêng quan từ đâu đến đây, thì bây giờ quan phải khiêng tôi từ đây tới
đó, thế là công bằng. Còn cái cuốc của tôi, quan quăng đi, thì quan tìm mà trả
lại cho tôi, thế là xong việc.
- Con xin khiêng Cụ lớn tới nơi Cụ lớn cuốc cỏ khi hồi.
Còn cái cuốc, con trót quăng xuống sông cái, nước sâu quá con không thể lặn xuống
tìm được, con xin mua cái mới tốt hơn đền cho Cụ lớn ạ.
- Không được! Hơn ba năm nay, với cái cuốc xấu xí,
cũ kĩ ấy, tôi đã cuốc cỏ cho bò ăn, và cuốc rau má cho tôi cùng người nhà tôi
ăn, tình nghĩa giữa tôi và cái cuốc sâu đậm biết chừng nào! Người ta ở đời, - Cụ
Trứ nói tiếp, - có gì đáng quý bằng tình nghĩa hay không? Nay quan ỷ thế nhiều
tiền nhiều bạc, vứt cuốc tôi xuống sông, để rồi mua cái khác đền lại. Tiền bạc
thì quan có thể bồi thường được, còn tình nghĩa giữa tôi và cái cuốc thì có thể
lấy tiền bạc mà bồi thường được không?
- Bẩm lạy Cụ lớn! Con lỡ làm một việc tội lỗi tày trời
đối với Cụ lớn, bây giờ con hối hận lắm. Rất mong Cụ lớn thương hại con là đứa
hậu sanh có khác nào đứa con út của Cụ lớn.
- Đành rằng quan không biết tôi là Nguyễn Công Trứ,
nhưng quan vẫn thấy tôi là người già nua, tóc bạc đó thôi. Cái chức Thượng thư
của tôi là thân ngoại chi vật (35), quan muốn biết hay không muốn biết, là tuỳ
ý quan. Nhưng cái đầu bạc trắng của một người gần tám mươi tuổi, thì mọi người
trông thấy, không có lí gì mà quan không thấy? Đối với tôi mà quan còn hách dịch
đến thế, thử hỏi đối với những người dân đen thấp cổ bé họng thì quan sẽ tác
oai tác quái đến độ nào? Nay, nếu tôi dung thứ cho quan, thì vô tình tôi đã “trợ
Kiệt vi ngược” (36). Vậy nên tôi sẽ trình báo minh bạch lên Đường quan tỉnh Hà
Tĩnh chuyển trình về bộ Lại và triều đình xét xử, để làm gương cho những quan lại
xấu xa quen hiếp đáp lương dân vô tội.
Nghe nói, quan huyện càng tái mặt, ấp úng không nên
nửa lời.
Cụ Trứ nói tiếp:
- Bây giờ quan hãy khiêng tôi trở lại nơi tôi đang
cuốc cỏ khi hồi.
Quan huyện cúc cung ghé vai võng Cụ Thượng Trứ đi trở
lại nơi cũ, trước những con mắt hiếu kì của nhân dân địa phương. Còn con bò của
Cụ Trứ vẫn được người lính lệ dắt đi theo. Tới nơi, Cụ bảo dừng võng lại, thung
dung bước xuống đất, nhìn con bò bị đói cỏ, rồi nói:
- Quan huyện đã làm xong một việc rồi, bây giờ còn một
việc nữa là tìm cái cuốc của tôi cho kì được, - đoạn Cụ lấy tay chỉ xuống sông
Lam.
Quan huyện chắp hai tay vái dài, khóc nức nở không
còn biết xấu hổ, thể diện nữa. Bấy giờ, Cụ Thượng Trứ mới nghiêm nghị nói:
Thôi được, tôi tha cho ông một lần!
Quan huyện được một bài học chắc là nhớ đời.
(35) Thân ngoại chi vật: vật nằm ngoài thân thể.
(36) Trợ Kiệt vi ngược: giúp vua Kiệt làm điều bạo
ngược.
35. BÀI HỌC CHO QUAN ÁN SÁT HỐNG HÁCH
Câu chuyện này dài, dài hơn một giai thoại bình thường,
nhưng vì rất có ý nghĩa và rất thực nên cũng xin chép lại cho đủ, cho hết.
Mùa xuân năm Đinh Tị (1857), cụ Trứ 79 tuổi, như lệ
thường lại cưỡi bò vàng đạc ngựa đi từ núi Cảm Sơn (Thạch Hà) về làng Uy Viễn
chánh quán để bái yết từ đường họ Nguyễn, quãng đường độ năm chục cây số. Ra đi
từ lúc trời vừa sáng, mãi đến xế chiều Cụ mới đến gần khúc đường rẽ vào làng
mình. Thương con bò vàng đói và mệt, Cụ dừng lại nghỉ, dắt cho ăn cỏ dọc theo
con đường cái quan (tức là quốc lộ 1A bây giờ, quãng Gia Lách gần Bến Thuỷ). Được
một lúc, bỗng thấy một đoàn người đông đảo, mang cờ, lọng, trống, chiêng và bát
âm cùng võng, cáng, tiền hô hậu ủng đi tới. Thì ra đó là đám rước quan tân Án
sát Nghệ An (37) về nhiệm sở. Đi đầu đám rước, một viên cai cầm loa hô lớn:
- Hỡi mọi người khách đi đường phải tránh về một
bên, để cho đám rước quan lớn rộng đường đi.
Nghe tiếng loa, Cụ Trứ tỏ vẻ sợ hãi, hai tay nắm lấy
sợi dây thừng, kéo con bò từ bên này đường sang bên kia đường cái quan.
Viên cai lại hét loa lần nữa, Cụ Trứ luýnh quýnh, lại
nắm lấy dây kéo con bò từ bên kia đường qua bên này đường. Cứ thế, theo tiếng
loa, con bò bị kéo đi, kéo lại mấy lần qua mặt đường cái quan.
Viên Cai chạy tới trừng mắt hỏi Cụ Trứ:
- Tại sao ông già cứ dắt bò chạy qua chạy lại mãi
trên đường như thế? Có phải ông cố ý cản trở đường đi của quan lớn hay không?
Ông già dắt bò lập cập thưa:
- Dạ bẩm, tôi già lại điếc, nên không nghe được rõ
ràng. Tôi đã dắt bò về một bên đường rồi, lại còn nghe kêu gọi nữa, nên tôi tưởng
phải dắt bò qua bên khác mới khỏi mang tội ạ.
Viên cai nổi cáu nắm chặt tay ông già kéo sang bên
đường, tức thì cụ Trứ ngã lăn ra đất, chỏng bốn vó lên trời, miệng kêu la rên rỉ,
tay vẫn nắm chặt sợi dây con bò đứng chặn ngang đường cái. Vừa lúc đó võng quan
Án sát tới nơi, viên Cai bèn trình lại sự việc và xin cách giải quyết với cụ
già. Nghe xong, quan Án sát lên giọng quát lớn:
- Tên già này thật to gan, cần phải trừng trị gắt
gao để làm gương cho những kẻ vô lễ khác. - Và quan truyền: - Nay ta truyền cho
ngươi cứ thi hành nghiêm chỉnh phận sự dẹp đường. Và truyền cho hai tên lính
theo hầu ta phải dẫn giải tên già ngạo mạn kia sang dinh Án sát Nghệ An, ta sẽ
chiếu luật xét xử đích đáng để răn những kẻ điền phu dã tốt khác ỷ nhiều tuổi
mà làm càn, làm bậy, khinh khi phẩm tước triều đình…
Lập tức, hai người lính tới khiêng ông già đặt sang
vệ đường cho đám rước tiếp tục đi, rồi họ khuyên ông ngồi dậy cùng đi với họ
sang dinh Án sát Nghệ An. “Nếu ông ngoan ngoãn, sẽ được tha mau”. Cụ Trứ ngồi dậy
nói:
- Tôi thân già, sức yếu, nhà lại nghèo, chỉ trông cậy
vào con bò này mới sống qua ngày. Tôi có đi đâu ra khỏi nhà cũng là nhờ nó chở
đi, chứ hai chân tôi bước không nổi nữa. Nay hai ông đã phải áp giải tôi, thì
tôi yêu cầu hai ông cũng áp giải luôn con bò nữa, vì mất nó thì tôi chết, rời
nó thì tôi bước không được, bởi hai đầu gối tôi đã long từ lâu ngày rồi.
Thế là hai người lính - một người đi trước và một
người đi sau - cùng ông già cưỡi con bò vàng về tỉnh Nghệ An.
Đến nơi thì trời đã tối, hai người lính không biết
làm thế nào để canh giữ Cụ Trứ và con bò, bèn tạm gửi Cụ vào nhà lao tỉnh Nghệ
An. Sáng hôm sau, khi hai người lính vào nhà lao dẫn ông già và con bò ra thì vừa
thấy quan Án sát đang đi về phía dinh Tổng đốc (38) để yết kiến quan Thủ hiến.
Nhìn thấy quan Án, ông già quay sang nói với hai người lính: - Nhờ hai ông coi
dùm con bò cho tôi, để tôi chạy theo quan Án, hoạ may quan xét xử gấp cho tôi.
Thế là trên đường, quan Án đi trước, không hề biết
có ông già đang lẽo đẽo chạy theo sau. Lúc đó quan Tổng đốc Võ Trọng Bình đang
đứng trên tam cấp dinh nhìn ra, quan Án vừa vào tới sân đã cúi đầu chào mấy
cái, nhưng không thấy quan trên đáp lễ, vì đang chăm chú nhìn ông già bước thấp
bước cao đi sau lưng quan Án. Khi quan Án bước lên tam cấp khom người vái chào,
thì thấy quan Tổng đốc dường như không để ý đến mình mà chạy vội xuống sân.
Quay nhìn lại, quan Án đã thấy quan Tổng đốc hai tay dìu ông già lên thềm và
đưa vào phòng khách, rồi lễ độ và ân cần thưa chuyện:
- Mấy lâu nay tiểu đệ hằng trông mong Cụ lớn qua
chơi để hàn huyên tâm sự. Nhưng càng trông lại càng bặt tin. Tiểu đệ có gửi
thư, cũng không được Cụ lớn phúc đáp. Vì vậy mà tiểu đệ rất lo ngại về sức khoẻ
của Cụ lớn. Hôm nay Cụ lớn qua đây, sao lại đi vào giờ nầy, mà không cho tiểu đệ
biết trước, để sai người đi đón rước?
Quan Án cũng vừa theo vào phòng khách, nghe thấy thế
mặt tái xạm, đang đứng khép nép một bên không dám lên tiếng.
Ông già đáp:
- Thưa tôn huynh, thực ra cũng đã mấy lần lão đệ định
qua thăm tôn huynh để hòng ôn lại bao nhiêu câu chuyện cũ, nhưng gia bần thân
lão, lại thêm nay đau mai ốm, cứ lẩn quẩn mãi không đi được, rất mong tôn huynh
lượng tình miễn chấp. Hôm qua lão đệ cưỡi bò về thăm quê và từ đường, đến khúc
đường gần rẽ vào làng Uy Viễn, thấy bò đói quá, lão đệ dừng lại dắt bò ăn cỏ dọc
theo thiên lí lộ. Gặp đám rước quan ngài đây đi qua, lão đệ già cả không biết
đường tránh nên phạm lỗi, được quan truyền áp giải lão đệ qua đây. Cũng may, nếu
không có việc này có lẽ lão đệ chưa có dịp qua thăm tôn huynh được, biết ngày
nào mới tái ngộ nhau?
- Cụ lớn bị áp giải qua đây! Như vậy, suốt cả đêm
qua, Cụ lớn nghỉ ngơi ở đâu? Ăn uống thế nào? Và được đối đãi ra sao?
- Đêm qua lão đệ tạm trú tại lao xá quý tỉnh, chưa
ăn gì từ chiều qua đến giờ.
Võ Trọng Bình đỏ mặt, quay sang quan Án sát trừng mắt
nói:
- Quan Án có hay biết cụ già đây là ai không? Đây là
Binh bộ Thượng thư trí sĩ Nguyễn Công Trứ, một vị danh sĩ và trọng thần của triều
đình. Chẳng những hàng Đốc phủ như chúng tôi phải tôn trọng, kính nhường Cụ, mà
đến đức Hoàng thượng cũng quý mến và ưu đãi Cụ nữa. Nay quan Án được lệnh trên
hoán bổ tới đây, chưa đạp chân lên đất Nghệ An mà đã ngang nhiên hành hạ một vị
lương lão thần vào tuổi thúc phụ, xâm phạm đến danh vọng và thể xác của người.
Hành động của quan Án như vậy quả thật không xứng đáng là một vị Đường quan cầm
cán cân công lí giữa tỉnh hạt Nghệ An nầy xưa nay vốn là một trọng trấn trong
nước. Nay tôi không dám nhận một vị quan cao cấp trông coi hình ngục và án tiết
tỉnh Nghệ An lại là người hách dịch như thế. Tôi xin giao hoàn quan Án “Lai
kinh hậu cứu” về tội vô cớ hành hung một vị công thần của nhà nước.
Quan Án sát tái mặt, vái lạy quan Tổng đốc và “kẻ điền
phu dã tốt" như tế sao, không thốt được lời nào. Tổng đốc Võ Trọng Bình
khoát tay:
- Quan Án đừng vái nữa mà hèn người. Việc quan làm,
quan phải chịu. Quan hãy trở về dinh Án sửa soạn hành lí để trở về kinh đô!
Cụ Trứ thấy cảnh ấy lại bắt đầu thấy áy náy:
- Thưa quan lớn Tổng đốc An Tĩnh, tôi xin có lời
này. Quan Án đây quả đã có những sở hành quá đáng đối với tôi, một người có tuổi
vô tội, lại là một trọng thần, nên quan lớn tức giận mà xử như thế là hợp lẽ. Nhưng
xét cho kĩ, quan Án không biết tôi là ai, nên có thể châm chước vài phần. Theo
tôi, quan lớn nên vì tuổi già của tôi mà tha cho quan Án, chỉ mong trong thời
gian trấn nhậm ở đây, quan Án hãy vì con dân Nghệ An mà xử sự đúng mực là phước
lắm rồi.
Nghe Cụ Trứ nói vậy, quan Án sát mừng như chết đuối
vớ được cọc, vội vái tạ, nói theo:
- Cụ lớn dạy chí phải. Tôi còn gia đình, còn bầy
con, xin quan lớn xét lại. Về đây chưa ấm hơi mà đã lai kinh hậu cứu, coi như
đường công danh của tôi tới đây đã hết. Xin quan lớn rộng lòng dung thứ. Ơn ấy
tôi xin ghi tâm khắc cốt.
Quan Án cũng được một bài học chắc là nhớ đời.
(37) Án sát: chức quan coi việc hình trong một tỉnh.
Viên Án sát nói đến ở đây nguyên làm Án sát Quảng Nam, vì mang tiếng hách dịch
và tham nhũng nên phải đổi ra Nghệ An.
(38) Tổng đốc: chức quan đứng đầu trong một tỉnh (Thủ
hiến). Viên Tổng đốc Nghệ An nói đến ở đây là Võ Trọng Bình (1807-1898), quê ở
Quảng Bình, đỗ Tiến sĩ, ít tuổi hơn Cụ Trứ và về hưu sau, cũng là vị quan thanh
liêm nên hai người kính trọng nhau đã lâu.
36. LÀM CÂY THÔNG ĐỨNG GIỮA TRỜI
Cụ Thượng Uy Viễn Nguyễn Công Trứ ngang tàng, coi đời
như một cuộc chơi thú vị theo ý ngông của mình cho đến tận lúc chết, và cả chết
Cụ cũng ngông như vừa nói ở trên. Thế nhưng, cái ngông, cái ngạo của Cụ không dừng
lại ở kiếp này, mà còn sang cả kiếp sau nữa.
Tương truyền, vào phút lâm chung, cụ Trứ dặn con
cháu trước mộ mình chỉ trồng một cây thông xanh mà thôi. Và bài thơ Cụ để lại
sau đây cũng có thể coi là lời di chúc của Cụ với đời: kiếp người, dù có tài,
có sang, có chơi đến như Cụ vẫn có những lúc buồn tênh, vẫn đầy những nhộn nhạo,
khóc cười; và Cụ hẹn một cuộc chơi khác:
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!
Nhưng dù thế, Cụ vẫn không muốn mình đơn độc, vẫn muốn
tìm bạn, để có người tri kỉ, cùng chơi. Cụ gửi lại lời mời đầy thách thức:
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông!
Nhân vật chết, hết giai thoại!
Nhưng vẫn còn một điều cuối cùng chúng tôi muốn chép
lại, là lời băn khoăn buồn của những hậu duệ trông coi và hương khói nhà thờ Cụ
Trứ: họ đã nhiều lần trồng thông xanh bên mộ Cụ đúng theo di chúc, nhưng thông
không sống được - quê Cụ toàn đất cát. Đất nghèo(39).
Đất này cây khó sống, nhưng người vẫn phải sống. Mà
lại sống kiêu sa, ngang tàng.
Nghịch lí chăng?
37. ''Minh Mạng thập tứ: Nguyễn Công Trứ (1778-1858) phá đền”
Năm Minh Mạng (1791-1840) năm thứ 14, Nguyễn Công Trứ được vua điều đi khẩn hoang ở vùng Hải Dương, Nguyễn Công Trứ thấy địa thế cần phải đào con sông, đào sông thì phải phá đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông ra lệnh cho dân phu phá đền để khai phá công trường. Khi sai người đào mang bát hương ra, Nguyễn Công Trứ chợt thấy dưới bát hương có một tấm bia đá nhỏ phủ vải điều. Nguyễn Công Trứ lau sạch đọc được các câu đã ghi :
Minh Mạng thập tứ
Thằng Trứ phá đền
Phá đền phải làm đền
Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay
Nguyễn Công Trứ lập tức thảo sớ về kinh, xin bãi bỏ lệnh phá đền. Ông cho người sửa sang lại đền Trạng khang trang hơn. Từ đó, ông không còn nghĩ đến việc phá đền để đào sông nữa.
***
Con cò lặn lội bờ sông
Phạm Văn Vĩnh
Ca dao ta có câu :
Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nĩ non,
Nàng về nuôi cái cùng con,
Ðể anh đi trãy nước non Cao-Bằng.
Cò là một giống chim có nhiều loại, lớn , nhỏ nhiều cỡ gồm các loại cò ruồi, cò
cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quăm.
Cò ruồi nhỏ nhất nặng khoảng 200 grammes. Cò quăm to nhất, nặng khoảng ký hai,
ký ba. Ngang ngửa với con cò quăm còn có con cò ngà nữa. Cò có ở khắp nước Việt
Nam. Cò ruồi to khoảng nửa kí lô. Con này lông trắng , mỏ vàng, chân đen. Cò cá
lông trắng, mắt đen, mỏ đen, chân đen. Cò ma có đặc điểm khi bay nhìn chỉ thấy
màu trắng toát nhưng khi đậu lại xem gần thì chỉ có hai cánh maù trắng còn thân
màu đen. Cò chuyên đi ăn trên ruộng bắt cá, tôm, tép, sâu bọ. Cò thường làm tổ
vào tháng tám ta. Đẻ mỗi năm bốn lần. Mỗi lần đẻ khoảng 4 trứng, ấp khoảng 17
ngày. Tổng cộng mỗi lần sinh sản khoảng 3 tuần lễ. 5 tuần sau khi sinh biết bay
và 6 tháng sau cò trưởng thành tự lập. Ngoài ra còn có những con tương cận như
con diệc, to khoảng 3 kí lô, vạc, bồ nông, cuốc, cồng cộc, bìm bịp, điên điển
...
Cò có đặc tính là chịu khó và thương con, ta hay nói thân cò lặn lội. Trong thi
ca Việt Nam, cò được dùng để ám chỉ cả đàn ông và đàn bà. Thí dụ,
Hình ảnh người vợ tiễn chồng đi lính :
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
có khi còn viết :
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Chê ông chồng vũ phu :
Cái cò là cái cò quăn
Mày hay đánh vợ mày nằm với aỉ
Có đánh thì đánh sớm mai
Chớ đánh chập tối chẳng ai cho nằm!
Tả tình cảm nam nữ :
Con cò bay lả bay la,
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng...
Bây giờ trở lại với bốn câu ca dao viết ban đầu :
Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nĩ non,
Nàng về nuôi cái cùng con,
Ðể anh đi trãy nước non Cao-Bằng.
Ông Nguyễn Công Trứ cũng làm bài thơ tên là "Gánh Gạo Đưa Chồng". Đọc
bài thơ này sẽ hiểu rõ hơn ẩn ý bốn câu ca dao trên. Sau đây là bài thơ của ông
Nguyễn Công Trứ :
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Lộ diệc vũ trùng trung chi nhất
Thương cái cò lặn lội bờ sông
Tiếng nỉ non gánh gạo đưa chồng
Ngoài nghìn dặm, một trời, một nước.
Trông bóng nhạn, bâng khuâng từng bước,
Nghe tiếng quyên, khắc khoải năm canh.
Nghĩa tép tôm ai nỡ dứt tình,
Ơn thủy thổ phải đền cho vẹn sóng,
Trường tên đạn, xin chàng bảo trọng.
Thiếp lui về nuôi cái cùng con.
Cao Bằng cách trở nước non,
Mình trong trắng có quỉ thần a hộ .
Sức bay nhảy một phen năng nổ
Đá Yên Nhiên còn đó chẳng mòn,
Đông Hưu rạng chép thẻ son,
Chàng nên danh giá, thiếp còn trẻ trung.
Yêu nhau khăng khít giải hồng.
Ngày xưa khi người con trai đến tuổi đi quân dịch như là đi đầy vậy vì đường xá
thời ấy cách trở, phương tiện không có, biết đến chừng nào mới trở về :
Một tay thì cắp hoả mai
Một tay xách giáo quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa
Đi quân dịch ba năm, phải tự túc tự cường, thời xưa đi quân dịch như đi đầy vậy
:
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan
Chém tre đẳn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Nhũng giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nuớc giếng trong con cá nó vẫy vùng
Cho nên mới có cái cảnh người vợ gánh gạo cho chồng một đoạn đường mà tiếng
khóc nỉ non vì chia ly. Nhưng ông chồng dặn bà vợ về nhà "nuôi cái cùng
con". Trong tiếng Việt cổ xưa, dân ta dùng chữ "bố" để chỉ người
cha, chữ "cái" để chỉ người mẹ. Ta có ông vua được người đời gọi là
"Bố Cái Đại Vương", tức là đại vương phụ mẫu chi dân. Ta còn có cả
câu "con dại cái mang ", "con với cái " . "Nàng về
nuôi cái cùng con" tức là về nhà phụng dưỡng mẹ chồng và nuôi con.
Câu ca dao cuối cùng "Ðể anh đi trãy nước non Cao-Bằng" có khi còn có
người viết "Ðể anh trấn thủ nước non Cao Bằng".
Cao Bằng ngày xưa là mạn ngược, mang tiếng rừng thiêng nước độc. Tỉnh Cao Bằng
giáp ranh với Trung Quốc và là vùng địa đầu của nước ta. Nhưng Cao Bằng cũng là
vùng đất của nhà Mạc chiếm đóng trong thời kỳ chiến tranh Nam Bắc Triều giữa
nhà Mạc và chúa Trịnh . Có giả thuyết nói câu ca dao này tả cảnh một người lính
trong hàng ngũ quân Trịnh phải lên đường ra trận đánh nhau với quân nhà Mạc
trên miệt Cao Bằng.
***
Giai thoại Nợ ca trù
Nguyễn Công Trứ vốn yêu thích ca trù và bản thân là một người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ca trù. Khi làm quan, trong một dịp vui Nguyễn Công Trứ mời một cô đào cũng là người có danh tiếng đến hát ca trù, như đôi khi ông vẫn thường làm khi cao hứng. Tiệc vui rồi mọi người nghe hát, ai nấy chăm chú thưởng thức giọng ca cô đào nổi tiếng nọ. Trong khi đang hát, cô đào bỗng xen vào một câu, mà thoạt nghe có vẻ không đâu vào đâu:
Giang sơn một gánh giữa đồng/
Thuyền quyên/ (ứ hự)[1]/ anh hùng nhớ chăng?/
Mọi người tuy không ai hiểu rõ nghĩa thế nào, nhưng cũng không ai hỏi, vả chăng lời ca nói chung thường không rõ nghĩa. Chỉ có Nguyễn Công Trứ là động lòng, sau dịp hát mời cô đào ở lại hỏi chuyện mới nhận được người quen, cảm động mà hậu đãi cố nhân. Chuyện đầu đuôi như sau:
Nguyễn Công Trứ ngày trẻ thích ca trù, thậm chí còn hay theo đàn cho một cô đầu hát. Một lần cô đầu đi hát ở làng bên cạnh, Trứ theo đàn và cùng theo còn có một anh người hầu giúp việc nữa. Đường đi xuyên qua cánh đồng, đến giữa đường thì bỗng Trứ thò tay vào bọc rồi hoảng hốt kêu lên khiến hai người kia đều quay lại. Cô đào hỏi thì Trứ ấp úng rồi thú là mình quên dây đàn ở nhà. Cô nàng hoảng hốt vội sai anh chàng đầy tớ chạy về lấy, còn hai người thì ở lại bên đường đợi. Anh người hầu đi xa rồi Trứ mới nhân dịp vắng vẻ mà buông lời tán tỉnh cô đào. Cô nàng lúc đó mới biết ra là anh này thực chỉ vờ vịt thế, chẳng qua để kiếm cơ hội "tâm sự", có lý nào nhạc công lại quên được dây đàn? nhưng cũng chỉ biết đỏ mặt... "ứ hự" mà thôi (dù chẳng phải lấy nhịp để ca gì cả). Nhiều năm qua, Nguyễn Công Trứ cũng đã thành danh, nhưng câu hát ca trù nhắc lại chuyện xưa đó thì sao vị "anh hùng" tránh khỏi bồi hồi?
Ghi chú
"Ứ hự" là từ lấy nhịp thường gặp trong ca trù.
NgộKhông Phi Ngọc Hùng chuyển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét