Cái đầu gối – Tranh: Andrea Radai (Nguồn: art/Painting)
-Ê! nghe nói ông thay đầu gối mới rồi phải không? Tin giả hay tin thiệt vậy?
-Thiệt trăm phần trăm.
-Đau không?
-Muốn biết thì làm thử đi.
-Đến giờ tôi vẫn an toàn trên xa lộ, mắc gì mà thử. Tại mấy ông cứ ham trèo đèo Ba Dội (*)thì gối phải mòn thôi. Đùa cho vui, chứ thật ra đâu phải tại leo trèo mà theo định luật tự nhiên, vật gì xài nhiều quá cũng hao mòn phải không ông? Anh chị tôi bị đau, đã điều trị đủ cách, từ tập vật lý trị liệu đến bấm huyệt, tiêm chất nhờn vào đầu gối, uống thuốc đủ loại, bớt được một thời gian rồi đau trở lại. Bác sĩ khuyên nên mổ thay khớp nhưng hai ông bà sợ, vì không biết chân có phục hồi được không hay phải ngồi xe lăn suốt đời, nên tôi gọi thăm và nhờ ông chia sẻ kinh nghiệm để tôi biết đường mà góp ý cho anh chị tôi.
Từ bốn năm trước, đangngồi xổm mà đứng lên, tôi cảm thấy có chút khó khăn, dần dà đến lúc phải tựa vào vật gì cao mới đứng dậy được. Cách đây hơn hai năm, chạy thấy đau mà đi cũng đau, gặp bác sĩ chuyên khoa cho chụp X-ray, mới biết là “gối đã mòn”.
Khi bác sĩ khuyến cáo, nên mổ để thay khớp gối mòn bằng một khớp giả và đưa cho tôi xem hình. Bác sĩ giải thích, đây là một chất tổng hợp như nhựa với titanium ở giữa. Vì titanium nhẹ, không gỉ và bền hơn thép gấp mười lần, cũng không phản ứng với hệ thống miễn dịch của con người. Nghe có lý nhưng vẫn thấy sợ, nên tôi xin tiêm thuốc vào đầu gối. Sáu tháng trôi qua, thuốc tiêm được dùng từ loại nhẹ đến loại mạnh nhưng cơn đau hình như ngày càng nhiều khi đi đứng, nên phải uống thêm thuốc giảm đau. Cuối cùng đành phải nghe lời khuyên của bác sĩ: Giải phẫu.
Vài người bạn can ngăn:
-Đừng mổ, cứ chích thuốc thế nầy cũng tạm ổn. Còn mổ, có chắc chắn sẽ đi lại bình thường như trước không? Lỡ… ngồi xe lăn luôn thì sao?
Nhà tôi hỏi:
-Anh có sợ không?
Vì “sĩ diện hão” nên tôi trả lời một cách hùng hồn:
-Xưa nay, em thấy anh có sợ cái gì không?
Em không biết tôi đang “miệng hùm gan… thỏ” nên vẫn trao cho tôi ánh mắt đầy khâm phục như thuở nào. Nói thật lòng là tôi sợ. Ngoài sợ đau, tôi còn sợ phải nằm trên giường, không thể làm được việc gì kể cả vệ sinh cá nhân. Nhà tôi thì yếu ngoe, làm sao có thể đỡ tôi dậy và dìu tôi đi. Vì vậy, tôi lo chuẩn bị đủ loại thiết bị cho người khuyết tật như xe lăn, xe đẩy, gậy… để có thể tự mình chăm sóc. Có cái mua, có cái bạn bè đem tặng với “lòng từ bi bất ngờ”:
-Nè! coi như đây là quà sinh nhật tặng trước cho ông đó nha.
Hừ! xưa nay, có bao giờ nó quà cáp để mừng ngày mình đến cõi đời này đâu mà bây giờ lại ra vẻ quan tâm…chắc là để cười trên nỗi đau khổ của mình… Đúng là thằng bạn trời đánh.
Hai tuần lễ trước khi giải phẫu, tôi cố gắng hoàn tất -khá nhiều- việc nhà, vì nghĩ rằng sớm nhất cũng phải vài tháng mới có thể làm việc trở lại. Thế là một danh sách -không ngắn- gồm những chuyện phải làm trong mười hai ngày. Nào là sửa chữa bồn rửa mặt và một vài chỗ hư hao trong nhà, che chắn, lắp ráp hệ thống tưới nước tự động và thức ăn cho bầy chim cút đang đẻ trứng mỗi ngày -một công việc mà xưa nay nhà tôi chưa bao giờ đụng tay đến-, dời cây kiểng vào nhà để phòng ngừa cơn lạnh có thể bất chợt ập đến … và bài vở để nộp cho BBT Trẻ… Chưa hết, còn phải dành thời gian tham dự ba tang lễ của người thân quen. Hai đám ở Dallas, một đám ở Houston vào ngày thứ hai mà sáng thứ Tư thì tôi sẽ phẫu thuật.
Trước đó một ngày, tôi phải đến phòng mạch bác sĩ để lấy máu, đo đạc tim mạch và chụp X-ray đầu gối với đủ thế nghiêng ngửa. Sáu giờ sáng hôm sau, con gái cùng nhà tôi “lên xe tiễn anh đi ”. Ngoài mặt tỏ ra ung dung nhưng thật sự trong lòng tôi hồi hộp và lo lắng đủ thứ. Cái lo đầu tiên là vấn đề tiểu tiện. Anh bạn có kinh nghiệm cho biết “Mổ xong là phải vô nước biển. Nước biển vô rồi thì mắc đi tiểu nhưng lại không đi được, nên họ đặt ống để lấy nước tiểu… khó chịu lắm”.
Sau khi tháo gỡ các vật dụng cá nhân trao cho người nhà và vẫy tay giã từ, tôi được đưa vào phòng mổ. Ở đó, bác sĩ vui vẻ trò chuyện và sau cùng ông nói sẽ chích một mũi thuốc vào đùi để tôi không cảm thấy đau nhức.
Một lúc sau, y tá đẩy tôi đến căn phòng có vợ con đang vui vẻ ngồi chờ. Với chút ngạc nhiên, tôi thắc mắc:
-Ủa, có mổ gì đâu. Họ đẩy anh đi vòng vòng rồi đưa vào đây.
Nhà tôi cười:
-Anh mổ xong rồi, nhìn chân nè.
Lúc ấy, tôi mới thấy cái đầu gối quấn băng và dây chuyền thuốc vào tay. Thật sự, tôi chỉ nhớ những diễn biến từ lúc được bác sĩ xoa vùng đầu gối, nói sẽ chích thuốc và tiếp đó là được đưa vào phòng gặp vợ con.
Nhà tôi cho biết, họ đưa tôi vào phòng mổ lúc 7giờ 30 sáng và đưa lên phòng lúc 10 giờ sáng. Tôi ngạc nhiên khi thấy mình hoàn toàn tỉnh táo và không cảm thấy đau đớn chút nào. Buổi trưa, sau khi ăn xong, bác sĩ đến khám và y tá báo cho biết tôi sẽ ở lại một đêm để được chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Khoảng 4 giờ chiều, y tá đến tháo dây chuyền thuốc, bảo tôi ngồi dậy, bước xuống giường, tựa vào cây nạng bốn chân, bước đi theo cô. Cảm giác hơi đau nơi đầu gối nhưng tôi vẫn bước chầm chậm được khoảng năm phút.
Điều tôi lo sợ lúc trước là đường tiểu, tuy hơi khó nhưng vẫn “thông thương”, không có gì trở ngại. Đêm ngủ lại bệnh viện, tôi đã tự mình vào “restroom” vài lần mà không cần ai trợ giúp.
Hôm sau, khoảng 4 giờ chiều, tôi được xuất viện. Nhân viên bệnh viện làm thủ tục và giới thiệu “Home Health care”để tôi được tập luyện tại nhà.
Xuống xe, tôi bước vào nhà với chiếc xe đẩy có bánh xe, nằm trên sofa xem tivi, ngồi dậy ăn uống, làm vệ sinh cá nhân một mình và lên giường ngủ bình thường với cơn đau nhè nhẹ, không có gì đáng để ầm ỉ. Tôi bắt đầu tập một số động tác đã được hướng dẫn lúc ở bệnh viện. Hôm sau, có y tá từ Home Health care đến khám và làm thủ tục để gửi chuyên viên vật lý trị liệu đến nhà, hướng dẫn tôi tập luyện hai lần một tuần. Bác sĩ có cho thuốc giảm đau nhưng khi nào bị đau nhiều tôi mới dùng. Sau một tuần, tôi đã đi trong nhà không cần gậy và thường xuyên thực hành các bài tập.
Đôi khi nhìn lại đủ thứ dụng cụ đã sắm sửa cho người “tập đi” nhưng không dùng hết, tôi tự cười thầm về nỗi lo xa “trật đường rầy” của mình. Lại phải tốn chỗ cất đi. Đúng là lẩm cẩm!
Tuần thứ hai tôi đã đi chợ và lái xe vào tuần lễ thứ ba. Hôm nay, ngày thứ hai mươi sáu tôi đã ra vườn làm việc nhẹ, nhưng mọi hoạt động không lâu quá một tiếng. Đứng hay ngồi lâu, đầu gối bị tê nên phải đổi động tác. Trong ngày vẫn tiếp tục tập những bài tập co duỗi chân thường xuyên.
Tôi muốn nhắn gửi những ai đang có nỗi khổ vì cái đầu gối nên quyết định giải phẫu thay khớp mới nếu bác sĩ khuyến cáo. Càng sớm thì thời gian phục hồi càng nhanh, để không phải chịu đựng đau đớn trong những bước đi khó khăn suốt hơn hai năm qua như tôi, mà còn bị bạn bè “chế nhạo”:
Xưa đeo súng nặng vượt trùng sơn (1)
Trận mạc vào ra biết mấy lần
Giờ leo núi thấp cây côn nhẹ
Mấp mé bên đèo đã rủn chân (2)
Với nền y khoa tiên tiến bây giờ, tôi tin rằng việc giải phẫu thay khớp gối không có gì đáng sợ và thời gian phục hồi rất nhanh nếu mình có đủ sức khỏe như anh bạn đã cổ võ tinh thần tôi:
Những tưởng phen này đã hết gân
Ngờ đâu thay gối vững như thần
Có ai đầu gió khơi hương pháo
Ta ngẩng đầu rồng nhảy múa lân… (3)
————–
(*) “Hiền nhân quân tử ai mà chẳng, mỏi gối chôn chân cũng muốn trèo” (Đèo Ba Dội-Thơ Hồ Xuân Hương)
(1) Trùng sơn: biệt danh truyền tin
(1-2-3) Thơ Yên Đông
ĐẶNG HIẾU SINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét