MỜI XEM :Tự Truyện Của GS.Đỗ Đình Chiểu Chương III NHỮNG CUỘC CHUYỂN MÌNH (1 )
“Buổi học cuối
cùng” của nhà văn Alphone Daudet
Buổi học đầu tiên của tôi ở trường Chasseloup Laubat, người bắt chuyện với tôi đầu tiên, cũng là người bảo tôi cái câu: “Đang học về ông An-phông-xơ Đô-đê đấy. Mày biết nhà văn này không?”.
Nhờ học ở trường Nguyễn Huệ Kháng Chiến, tôi rất giỏi môn Toán. Bọn bạn mới gọi tôi là thằng nhóc Bắc kỳ. Sau chứng kiến tôi giải Toán nhanh thần tốc, chúng đều rất nể, không hề trêu chọc tôi nữa.
Còn lúc đó, buổi đầu tiên nghe bạn ngồi cạnh hỏi, tôi ngắc ngứ im lặng. Nhà văn An-phông-xơ Đô-đê ư? Tôi mới nghe lần đầu.
Mới vào lớp Fin d’etudes A lẫn lộn các trình độ, tôi biết mình cần đuổi theo trình độ của nhiều người đã học cao hơn tôi. Tôi quyết tâm chinh phục tất cả các bộ môn, không riêng môn tiếng Pháp.
Tôi vừa đọc tác phẩm của ông, vừa chú trọng trả lời cho tốt nhất về nội dung tác phẩm sau khi nghe thầy giảng.
Bây giờ thì tôi biết rõ về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Pháp vĩ đại này:
Alphonse Daudet (1840- 1897) là nhà văn hiện thực và nhân đạo chủ nghĩa lớn của nước Pháp ở nửa cuối thế kỉ XIX. Ông sinh tại Nimes, tỉnh Langiedoc thuộc miền nam nước Pháp, trong một gia đình kinh doanh tơ lụa. Khi người cha bị phá sản, gia đình ông phải dời đến thành phố Lyon. Cậu bé Daudet là một học sinh thông minh, rất ham mê đọc sách. Mười lăm tuổi, bắt đầu làm thơ và viết tiểu thuyết.
Tác phẩm của Alphonse Daudet thấm đẫm tinh thần nhân đạo và tinh tế, giàu chất thơ, nhiệt thành gửi gắm niềm tin vào phẩm chất tốt đẹp của con người, tình yêu quê hương đất nước.
Một số tác phẩm: Một thời niên thiếu, Buổi học cuối cùng, Chú nhóc, Những lá thư viết từ cối xay gió…
Như tôi đã có nói đến, tiếng Pháp được thế giới đánh giá là thứ ngôn ngữ đẹp, phát âm nhẹ nhàng, âm thanh hay. Được học tác phẩm văn chương của một nhà văn nổi tiếng của Pháp là một vinh hạnh. Nếu ai biết tiếng Pháp, được đọc trực tiếp tác phẩm của ông mới thấy hết vẻ đẹp và cách dùng từ, kết cấu truyện tài ba.
Và đây, là xuất xứ của truyện: Buổi học cuối cùng lấy bối cảnh từ một biến cố lịch sử:
Sau cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870 - 1871, nước Pháp thua trận, hai vùng An-dát (Alsace) và Lorraine giáp biên giới Phổ bị nhập vào nước Phổ. Cho nên các trường học ở hai vùng này bị buộc học bằng tiếng Đức. Truyện viết về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở một trường làng thuộc vùng Alsace của nước Pháp.
Vì sao giờ đây, tôi kể lại những dòng này và dành những tình cảm đặc biệt cho một nhà văn Pháp? Chính bởi tác phẩm của ông là một trong những điều giúp tôi phân biệt được đâu là chính nghĩa đâu là tội ác.
Những năm tháng đó, tôi còn nhỏ, nhưng cũng đã suy nghĩ rất nghiêm túc về điều này: Vì sao nước Pháp cũng bị xâm chiếm, mà lại đi xâm chiếm Việt Nam? Vì sao những người dân Pháp và nhân sĩ Pháp trong sáng, nhân đạo, ghét cường quyền, yêu tự do và yêu quê hương đất nước như vậy; mà nhà cầm quyền Pháp lại hung hăng xua quân đi sang xứ này, dùng súng và dùi cui bắt dân nước Nam làm nô lệ, mảnh đất Việt Nam bị gọi là thuộc địa của họ? Tại sao?
Tôi biết ơn nhà văn vì những dòng văn thấm đẫm này
* Xem Truyện Buổi học cuối cùng
Tôi đã lưu giữ những điều tốt đẹp này trong lòng, là một trong những hành trang đi cùng tôi qua bao nẻo đường; để thấu hiểu, và để vững tin vào con người, vào những điều lương thiện; để hiểu rằng chủ nghĩa thực dân độc đoán, tàn nhẫn và già cỗi đã càng ngày càng bị đẩy lùi.
Trên thực tế ngày nay chủ nghĩa thực dân đã bị nhân loại tiến bộ đánh đổ.
Con về mà mẹ còn sống thì vui quá
Tâm trạng tôi rất thản nhiên khi Trung tâm Văn hóa Pháp gọi tới báo là tôi được họ cấp cho học bổng đi Pháp học. Dường như khi đó tôi cũng tự hào về bản thân mình lắm, chỉ là không bộc lộ ra ngoài. Tôi đón nhận cái tin này, giống như lần đầu tiên chuẩn bị bước lên máy bay, giống như lần đầu tiên được nhìn thấy và biết thế nào là biển. Nghĩa là trong lòng tôi cũng rất vui. Nhưng tôi vốn thế, chẳng bộc lộ điều gì ra ngoài.
Chỉ khi trên đường về nhà, tôi mới thấy háo hức và sốt ruột, sao đường về hôm nay đi lâu thế. Tôi muốn bộc lộ niềm vui ra, muốn chạy về báo tin cho mẹ ngay.
Về đến ngõ, chưa bước hẳn vào nhà, tôi nói như reo:
“Mẹ ơi, con đậu rồi. Con có học bổng, được đi Pháp học”.
Mẹ tôi nhìn sững cậu con trai. Mẹ cứ đứng im nhìn tôi một lúc, rồi mẹ nở nụ cười. Mẹ là người đầu tiên biết niềm vui vô bờ này của tôi.
Ngoài bức ảnh quần nâu áo vá lúc ra đi từ xóm Giếng, đến nay tôi còn giữ tấm ảnh chụp cùng các bạn ở lớp ngày 06/05/1954 tại trường Chasseloup Laubat, vào trước một ngày chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi.
Trong ảnh có bạn chụp ảnh cùng tôi là con của một tướng Pháp đang sa lầy ở Điện Biên Phủ. Thật trớ trêu. Cả nhà tôi đều biết trong số những người lính của bộ đội Cụ Hồ xông pha trận chiến Điện Biên Phủ có anh Đỗ Trọng Đài của chúng tôi.
Khi đó tôi cũng đã đủ trưởng thành để hiểu bản thân tôi không giúp được gì cho đất nước như chú tôi, như anh Đài tôi, nên tự nhủ sẽ phải cố gắng học tập thật giỏi ở Pháp, mong một ngày nào đó góp phần kiến thiết đất nước.
Sau này tôi biết rằng, nhờ thành tích học tập của tôi rất đáng chú ý: Năm thứ Nhất từ chỗ bị con zero, đến cuối năm thì nhảy lên đứng đầu lớp; Tiếp tục xin thầy Hiệu trưởng cho thi nhảy lớp, và tôi đã thi lên được năm thứ Ba, học xong năm thứ Ba, tức là chỉ hai năm tôi đã lấy được bằng trung học; Rồi lại được Hiệu trưởng cho phép, tôi thi nhảy lên năm thứ Năm. Liên tục thi nhảy lớp ở trường chính quy Chasseloup Laubat của Pháp trước sự ngỡ ngàng của Hội đồng giáo dục. Khi thi tú tài tôi chưa tới mười bảy tuổi. Mười bảy tuổi tôi đã đậu tú tài toàn phần.
Nên tôi đã được chọn đi Pháp. Tôi được đi du học đợt này có học bổng toàn phần, cũng là đợt chót được gửi du học thời ông Ngô Đình Diệm. Thời nào thì cũng rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, cũng rất trọng người giỏi. Tôi được gọi trực tiếp lên Văn phòng Học bổng thuộc Bộ Giáo dục để lấy Quyết định, do ông Phạm Văn Thủy trao. Mỗi người đi được cấp hai trăm năm mươi đồng Phật Lăng (đồng Franc cũ).
Đợt này đi chỉ có hai học sinh, một người là tôi, người thứ hai là bạn tôi, anh Trần Văn Khải. Anh Khải học giỏi lại là con nhà có điều kiện, bố Khải làm ở Nha học chính cho Pháp. Nhờ có Khải đi cùng nên tôi cũng được hưởng lây sự tiếp đón mà ở phương trời xa lạ, người ta dành cho gia đình Khải.
Cầm giấy quyết định được đi Pháp, mân mê danh sách đồ dùng tư trang bắt buộc mang theo sang Pháp để học tập và sinh hoạt, tôi không biết lấy tiền đâu cho đủ để mua nhiều đồ dùng như vậy.
Giải pháp duy nhất là mua đồ cũ, quần áo, đồ dùng… rẻ tiền ở chợ Câu Định, là chợ bán đồ cũ. Tôi nhớ ở đó có rạp chiếu phim Modern nhưng tôi chưa bao giờ đi xem vì cần dành tiền mua sách bút.
Lại một lần nữa tôi chuẩn bị các loại giấy tờ, giấy khen (giấy khen trường làng và trường tây), cuốn nhật ký,… để mang theo.
Tôi đi ra mấy tiệm sách cũ, lục tìm những cuốn mà trong đầu tôi hình dung sẽ cần đến khi sang Pháp. Bởi tôi từng có thói quen và kinh nghiệm tìm mua các loại sách và họa báo Pháp để học tiếng. Trong một tiệm sách cũ nằm khuất sau những đại lộ lớn, tôi tìm thấy cuốn Commet Favoir Vivre - Làm thế nào để sống (dạng sách kỹ năng sống). Thật mừng như bắt được vàng. Tôi mang theo cùng những giấy tờ tài liệu.
Tôi lận ít gạo vào bít tất, phòng sang Pháp bị đói những ngày đầu chưa biết gì. Khi sang Pháp, về trường được phân, tôi đưa hết cho người đón tôi là một chị người Việt lấy chồng Pháp. Có quy định những sinh viên Việt Nam sang học, ban đầu sẽ có người Việt bên đó giúp đỡ.
Lúc này tôi bần thần lắm. Giây phút sắp xa mẹ xa gia đình xa bạn bè… là giây phút khó tả nổi cảm giác buồn vui lẫn lộn, cả lo lắng nữa.
Anh Pha động viên tôi:
“Em cứ mạnh dạn sang đó học đi. Đừng sợ gì. Vạn bất đắc dĩ, nếu không thấy phù hợp, không học được thì về. Đã có anh lo”.
Mẹ tôi chả hiểu sao lại lo xa quá.
Mẹ dặn:
“Con hãy nhớ, tự thân hãy lo cho cuộc sống của chính mình, đừng coi lòng người là chỗ dựa. Tất cả, ai rồi cũng phải trải qua nhiều gian nan và chỉ có thể tự mình vượt qua. Nếu con không vượt qua chính mình, sẽ không ai có thể giúp con được đâu. Vì dựa vào cây thì cây đổ, dựa vào nước thì nước cuốn đi. Mẹ và anh em con thì xa…”.
“Con học xong về ngay nhé. Con tự khắc biết bảo vệ mình. Mẹ sẽ không lo lắng làm con không yên tâm học hành thành tài. Sau này con về mà mẹ còn sống thì vui quá. Nước mình chiến tranh thế này, chả ai nói trước được điều gì. Nếu chẳng may mẹ chết rồi, thì con nhớ chăm sóc em Hổ con cậu Đĩ Sâu nhé”.
Do cậu tôi ở quê hay được gọi tên con thay, cậu có con gái đầu tên Sâu, nên dân làng gọi cậu là ông Đĩ Sâu. Em Hổ là con trưởng cậu Đĩ Sâu, là cháu đích tôn của ông bà ngoại tôi. Ở Việt Nam, ai ai cũng vẫn trọng tổ tiên ông bà, cũng cần có cháu đích tôn để cúng lễ ông bà tổ tiên.
Tôi muốn òa lên khóc.
Nhưng tôi cần phải mạnh mẽ, cần nuốt nước mắt vào trong.
Đúng ra thì tôi chỉ được cấp số tiền để đi tàu thủy. Nhưng gia đình tôi đã gom góp cho đủ tiền mua vé máy bay, để bay cùng Khải.
Ngày 20 tháng 10 năm 1956, tôi tạm biệt mẹ, tạm biệt gia đình người thân thầy cô bạn bè, bước lên máy bay để bay sang Pháp.
Tôi gầy gò nhỏ bé.
Đứng trong sảnh nhìn qua hàng biên hải quan, nhìn mẹ, nhìn hai anh và em Lựu vẫy tay bên ngoài, trong lòng thêm quyết tâm vô cùng lớn.
GS Đỗ Đình Chiểu (bìa phải) thời kỳ học tại trường Chasseloup Laubat, Sài Gòn ngày 6/5/1954.(còn tiếp )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét