Vào lúc An Nam Tạp Chí có cơ bị
đình bản, Tản Đà tính nước đem báo từ Hà Nội vào Vinh, ông phải tới Vinh
thường xuyên lo việc này, vì thế những ngày ấy công việc tòa soạn có
khi phải làm trên xe lửa nối hai thành phố...
1. “Toa” soạn chứ không phải “toà”
Vào lúc An Nam Tạp Chí có
cơ bị đình bản, Tản Đà tính nước đem báo từ Hà Nội vào Vinh, ông phải
tới Vinh thường xuyên lo việc này, vì thế những ngày ấy công việc tòa
soạn có khi phải làm trên xe lửa nối hai thành phố. Có hôm, sáng từ Hà
Nội xe lửa vào Vinh, đêm lại từ Vinh xe lửa ra Hà Nội. Tản Đà làm riết
công việc tòa soạn lưu động kiểu ấy khiến ông soát vé chẳng những quen
mặt kí giả mà quen luôn cả đồ nghề làm báo của Tản Đà: một cái giỏ tre
đan, bầy công khai vài thứ mà chỉ cần nhìn là...khỏi phải soát vé. Xin
trích nguyên văn bài tường thuật một buổi làm việc trên tầu của ông chủ
bút hay thơ này: “Chuyến ấy tôi cùng đi với ông ở Vinh về. Hành lý của
ông là một cái chai, một cái cốc, dăm quả nem và một cái khăn mặt ướt
đựng trong cái giỏ tròn bằng tre đan có quai xách. Thường lúc buồn ông
vẫn uống rượu trên tàu. Xe chạy được vài ga, ông trùm vạt áo lên mặt để
ngủ cho đỡ gió. Tôi hết chỗ nằm phải ngồi cạnh ông để ngủ gật. Đến một
ga, một ông soát vé lên đánh thức hành khách rầm rĩ để làm bổn phận. Ông
gắt người nọ cự người kia. Đương đêm ai phải dậy mà không khó chịu và
nhanh nhảu lấy được vé ra cho ông ta khám ngay. Nhưng lạ một nỗi là ông
ta không đánh thức ông Tản Đà mà chỉ ngó nhìn vào cái giỏ có lòi cái cổ
chai ra mà thôi rồi yên trí hỏi vé tôi là người bên cạnh.” (Nguyễn Công
Hoan, Tao Đàn số 9-10 năm 1939)
2. Là nhà báo mà không biết chụp hình.
Đây là tự thú của phóng viên chiến trường Tô Hòai, tác giả Dế mèn phiêu lưu kí. Chính
ông kể lại: “Hương “đen” dường như cũng chẳng để ý vẻ ngần ngại thế nào
của tôi, lại móc trong lưng ra một khẩu súng Brô-ning nhỏ, đen bóng như
con quay sừng. Bao giờ thấy súng tôi cũng có một cảm tưởng nghiêm trọng
khác thường. Cách mạng phải có những cái này chứ, tôi vẫn cho là thế.
Ít lâu sau ngày cách mạng thành công, Xuân Thủy chủ nhiệm báo Cứu Quốc
cho tôi một khẩu súng lục. Chắc là súng giả, vì trông nó gồ ghề màu bồ
hóng không loang loáng như súng của Hương “đen”. Tôi giắt sau lưng áo,
cũng không mở xem bao giờ. Thế mà tôi đã đeo khẩu súng ấy với cái máy
ảnh Leica – mà tôi không biết chụp – làm phóng viên báo đi Nam tiến, vào
tận mặt trận Nha Trang và Củng Sơn ở Nam Trung bộ” (Những gương mặt NXB Hội Nhà Văn 1997 trang 277).
3. Mỗi nhà báo một tòa soạn riêng
Chế
độ cao này đươc áp dụng từ thời kháng chiến chống Pháp: “Ở Chiến khu 8,
vùng Đồng Tháp Mười, ông Trần Văn Trà dành cho văn nghệ sĩ một chế độ
sinh hoạt thoải mái, mỗi người ở riêng một căn chòi, tha hồ đi đứng,
ngồi nằm, miễn là có cố gắng sáng tác. Nguyễn Bính đi lên trên ấy hồi
nào, tôi không hay, vì bận rộn công tác cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc.
Thế rồi từ Chiến khu 8, trên báo Tổ Quốc,
hoặc do các bạn đi công tác trên ấy chép lại, tôi vui mừng khi đọc được
những vần thơ tươi mát, đôn hậu chứng tỏ nhà thơ đã hội nhập được với
cuộc sống mới. Hãy nghe:
Thấy dừa lại nhớ Bến Tre,
Thấy sen lại nhớ đồng quê Tháp Mười
Trong Trường ca Đồng Tháp:
Hình thôn dáng xóm thương thương,
Hoa ô môi nở bốn phương anh đào…
Hoa sen nở chẳng đợi chi mùa hạ,
Chim hít-cô hót cả những chiều mưa.”
Nhà
văn Sơn Nam kể như trên rồi nói rõ mục đích việc hồi tưởng của mình:
“Dẫn chứng dông dài như trên vì hiện giờ gần như các tuyển tập của
Nguyễn Bính ít thấy những đoạn thơ ấy”. Và Sơn Nam kể thêm, để thơ trên
báo của mình đến được với người đọc, Nguyễn Bính mở hẳn một cửa hàng,
một cơ sở phát hành. “Anh làm chủ hiệu sách tư doanh (có lẽ là đầu tiên ở
chiến khu), nhà sách Nhân Dân,
bảng hiệu ghi rõ ràng. Tấm ảnh Hồ Chủ tịch khá to chưng bày sát vách,
bên dưới, ghi mấy chữ: Thả Thơ”. Sơn Nam có đến cửa hàng sách này, ông
kể: “Trong khi anh đang xào nấu món gì đó ở sau bếp, tôi nằm võng, hút
thuốc mặc dầu bên cạnh sẵn chai rượu đế, nhưng tôi không màng vì dường
như tạng phủ của tôi dị ứng với rượu. Anh trao cho tôi những bài thơ cắt
trong báo, lúc ở Chiến khu 8. Bài thơ dài, đề tài “địch vận”. Cô gái
đẹp tên Hương đã lân la với bọn trong đồn bót. Ta mở trận đánh, đạt kết
quả như ý muốn nhưng Hương bị thương:
Trên giường bệnh, trong một căn nhà vắng,
Hương bâng khuâng nhìn ánh nắng bên ngoài.
Trận xung phong làm chết mất anh Hoài,
Và lạc đạn, một tay Hương bị gãy.
Còn anh Bạch, tung hoành trong trận ấy,
Giờ đem quân đi tác chiến phương nào?
Hoa ô môi mường tượng xác anh đào,
Theo gió rụng như mưa dầm lã chã.
Thi
sĩ Nguyễn Bính còn tìm cách xuất bản miệng các bài thơ in báo của mình.
Nhà văn Sơn Nam kể: “Buổi ấy, người ở ven sông Cái Lớn ít được dịp
tiếp xúc với cách phát âm nghe như gắt gỏng, khó hiểu của người Việt từ
đồng bằng sông Hồng. Mặc chiếc áo bà ba đen, không cài nút cổ, Nguyễn
Bính đã nghiêm túc lên sân khấu, giữa tiếng hoan hô vang dậy:
Chim kia có cánh thì bay,
Con ơi, có nước thì mày phải thương.
Thà rằng chết giữa chiến trường,
Còn hơn chết ở trên giường thê nhi.
Tổng phản công sắp sửa đến kỳ!
(Theo Ở chiến khu 9 NXB Trẻ 2002)
4. Máy in công nghệ bẹt- nốp và …
Đó
là hai phương tiện đặc biệt các nhà báo nước ta từng sử dụng. Theo nhà
văn Sơn Nam thì trong chiến khu Đồng Tháp Mười hồi chống Pháp, tuy có
khi phải viết đại tự bằng bút xơ dừa, nhưng cánh văn nghệ và báo chí có
hẳn một nhà máy in có tên chữ Tây là Bẹt – Nốp dịch ra là bột nếp.
Nhà máy này theo công nghệ in: bột nếp, trộn với nước cho nhão, nện cho
bằng phẳng, trở thành như miếng xu xoa (thạch), áp lên đó bản gốc của
văn bản, viết với mực đậm, rồi đặt giấy trắng lên, mực sẽ hút vào. Cái
máy ấy khi in xong, phơi khô, bẻ ra từng cục, bỏ vào túi, xách đi nhẹ
nhàng.
Đó
là chuyện in ấn xuất bản ngoài vùng giải phóng. Ngay trong vùng địch
kiểm soát, ngay trong nhà tù Mỹ Ngụy việc ấy vẫn được tiếp tục. Ông Lê
Quang Vịnh kể lại: “Lúc tôi 25 tuổi, bọn Mỹ – Diệm xử án tử hình tôi rồi
chuyển thành chung thân khổ sai, đày ra nhà tù Côn Đảo. Trong chuồng
cọp tôi bị bắt buộc phải nằm suốt ngày. Trên vách chuồng cọp tôi thấy
chi chít những chữ được ghi bằng nhiều cách khác nhau. Có những dòng
được khắc trên vôi bằng một cái xương mắm, có những chữ ghi bằng máu, có
những chữ ghi bằng than… Dần dần tôi đọc ra một bài thơ dài không biết
của ai… Hôm
nay mười chín tháng năm/ Hồn con sáng tợ đêm rằm trung thu/ Con đang
chúc thọ trong tù/ Con đang dựng một rừng cờ trong tim/ Đêm nay mộng hóa
thành chim/ Tung qua lưới sát con tìm về cha…”. Thưa rằng đó là
bài thơ “Chúc thọ dưới mồ” mà nhà thơ Viễn Phương viết trong nhà ngục
Phú Lợi tỉnh Bình Dương mừng sinh nhật Bác Hồ. Bài thơ đã “tung qua lưới
sắt” theo chân những người cộng sản ra Côn đảo để được viết, được khắc
lên báo...tường như thế!
TG: Lê Tràm Thành ST )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét