Vào
ngày 21 tháng 2 vừa qua, Diêm Liên Khoa, nhà văn nổi tiếng, giáo sư hàn
lâm Khoa Văn hóa Trung Hoa thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng
Kông đã có bài thuyết giảng trực tuyến trước lớp cao học của mình. Ông
nói về vấn đề sự lây nhiễm của virus corona (COVID-19), ký ức tập thể và
các nhà truyền thông một ngày nào đó sẽ nói về cuộc bùng phát dịch bệnh
này như thế nào. Dưới đây là bản dịch của bài giảng ấy, được đăng đầu
tiên trên tạp chí ThinkChina và được dịch sang tiếng Anh bởi Grace Chong.
Nhà văn Diêm Liên Khoa (Ảnh: knews.cc)
Các sinh viên thân mến,
Hôm nay là buổi học trực tuyến đầu tiên của chúng ta. Trước khi bắt đầu bài giảng, cho phép tôi được lạc đề một chút.
Hồi còn nhỏ, bất cứ khi nào tôi tái phạm
những lỗi tương tự nhau hai đến ba lần liên tiếp, bố mẹ sẽ gọi tôi ra
trước mặt họ, chỉ vào trán tôi và hỏi:
“Tại sao con lại hay quên đến thế?!”
Hay trong lớp học, bất cứ khi nào tôi
không thể thuộc lòng một đoạn văn dù đã đọc đi đọc lại không biết bao
nhiêu lần, giáo viên của tôi sẽ yêu cầu tôi đứng dậy trước cả lớp và
hỏi:
“Tại sao em lại hay quên đến thế?!”
Khả năng ghi nhớ tốt là mảnh đất lành
nơi ký ức có thể sinh sôi, và ký ức cũng chính là cây xanh trái ngọt
trên mảnh đất này. Khả năng ghi nhớ và lưu giữ ký ức chính là điểm khác
nhau cơ bản phân biệt giữa loài người chúng ta và các giống loài khác.
Nó là điều kiện tiên quyết cho sự thành thục và phát triển của nhân
loại.
Rất nhiều khi, tôi cảm thấy việc đó còn
quan trọng hơn cả những việc ăn mặc và hít thở. Một khi nhân loại mất đi
trí nhớ thì đến cày ruộng ra làm sao, ăn uống như thế nào chúng ta cũng
chẳng còn nhớ nữa. Bỗng một sáng mai thức dậy, quần áo để ở đâu chúng
ta cũng quên, có khi ta lại cho rằng vị hoàng đế để trần truồng sẽ đẹp
hơn là mặc quần áo. Một khi ký ức không còn, trật tự tư duy của nhân
loại sẽ bị đảo lộn.
Tại sao tôi lại đề cập đến tất cả những
điều này hôm nay? Là bởi vì COVID-19, một thảm họa từ cấp độ quốc gia
cho đến toàn cầu gần đây lại không hề được đối đãi đúng mức. Khi bao
nhiêu gia đình đang còn tan nát, những tiếng kêu khóc nhói lòng vẫn thổn
thức khắp Hồ Bắc, Vũ Hán và nhiều địa phương khác, thì các bài hát
chiến thắng hân hoan đã vội vang lên khắp nơi. Tất cả chỉ vì những con
số thống kê thật “lạc quan”.
Thi thể người vừa mất còn chưa kịp nguội
lạnh, thân nhân vẫn còn đang thương tiếc. Ấy vậy mà, những ca khúc khải
hoàn đã sẵn sàng được cất lên, mọi người chỉ chờ tuyên bố: “Các biện pháp phòng chống dịch thật hiệu quả, thật tuyệt vời!”
Từ ngày COVID-19 bước chân vào cuộc sống
chúng ta đến nay, chúng ta cũng không biết chính xác có bao nhiêu người
đã mất mạng vì nó, bao nhiêu người đã chết trong bệnh viện và bao nhiêu
người qua đời ở bên ngoài. Chúng ta thậm chí còn không có cơ hội điều
tra chủ đề này. Tệ hơn nữa, những thắc mắc như vậy rồi cũng sẽ theo thời
gian, chìm vào quên lãng và mãi mãi trở thành bí ẩn. Tài sản thừa kế mà
chúng ta để lại cho thế hệ mai sau là một mớ thông tin hỗn độn về sự
sống và cái chết mà không một ai còn có ký ức rõ ràng.
Nếu như trận bùng phát dịch bệnh cuối
cùng cũng dịu bớt, chúng ta không được khờ dại như thím Tường Lâm (một
nhân vật hư cấu trong tác phẩm “Lễ cầu phúc” của Lỗ Tấn, một phụ nữ nông
dân thấp hèn và cam chịu bị mắc kẹt trong chế độ phong kiến), chỉ biết
giãi bày không dứt: “Tôi chỉ biết rằng những con thú dữ sẽ rình mò
ngôi làng vào mùa đông khi chúng không còn gì để ăn trên núi; nhưng tôi
làm sao biết được chúng cũng vẫn làm y như vậy vào mùa xuân.” Tuy
nhiên, chúng ta cũng không được hoang đường như AQ (một nhân vật khác
trong tác phẩm “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn, một người luôn lừa dối bản
thân anh ta, tin rằng anh ta cao cả và vượt trội hơn những người khác),
hết lần này đến lần khác tự huyễn hoặc rằng mình là kẻ chiến thắng ngay
cả sau khi bị đánh tả tơi, bị xúc phạm, thậm chí bị đẩy đến bờ vực của
cái chết.
Kinh
nghiệm quá khứ có lẽ chưa thể cho chúng ta sức mạnh để thay đổi thực
tại, nhưng ít nhất nó cũng đặt ra nghi vấn trong lòng chúng ta khi những
lời dối trá xuất hiện.
Từ trước đến nay, tại sao những bi kịch
và thảm họa trong cuộc sống hết lần này đến lần khác luôn nhắm vào từng
cá nhân cho đến gia đình và xã hội xuyên suốt qua các thời đại và các
quốc gia? Và tại sao những thảm họa của lịch sử luôn phải trả giá bằng
mạng sống của hàng chục ngàn người dân thường? Giữa vô số nhân tố mà
chúng ta không biết, không hỏi đến hoặc không được phép hỏi (mà chỉ cần
ngoan ngoãn lắng nghe), có một nhân tố này – loài người, tất cả chúng ta
như một tập thể, vô danh như lũ kiến – là những sinh vật hay quên.
Ký ức của chúng ta đã được lập trình,
sau đó bị thay thế, rồi xóa bỏ. Chúng ta nhớ những gì người khác bảo
mình nhớ, và quên những gì người khác bảo mình quên. Chúng ta giữ im
lặng khi được yêu cầu và lên tiếng theo mệnh lệnh. Ký ức đã trở thành
một công cụ đắc lực của thời đại, tạo thành ký ức tập thể và quốc gia,
được dệt nên bởi những gì chúng ta được cho bảo phải nhớ hoặc quên đi.
Thử nghĩ về điều này: chúng ta sẽ thôi
không bàn về mớ sách cũ kỹ cùng những tấm bìa bám dày bụi bặm quá khứ;
hãy chỉ hồi tưởng lại những sự kiện gần đây nhất trong 20 năm qua. Các
sự kiện mà những người như các bạn, những đứa trẻ sinh ra trong thập
niên 80 và 90, đều đã trải qua và vẫn còn nhớ – những thảm họa quốc gia
như đại dịch AIDS, SARS và cả COVID-19. Chúng là những sự cố do con
người gây ra hay là những tai nạn của tự nhiên mà con người chỉ biết bất
lực chống đỡ, như các trận động đất tại Đường Sơn và Tứ Xuyên? Rồi thì
tại sao các yếu tố đến từ con người trong các thảm họa quốc gia trước
đây hầu như đều giống nhau? Đặc biệt kể từ đại dịch SARS 17 năm trước
cho đến sự leo thang của dịch COVID-19 hiện tại, chúng dường như là hai
kịch bản đến từ cùng một đạo diễn. Một bi kịch tương tự đang được tái
hiện trước mắt chúng ta. Nhưng nhân loại với ký ức phủ đầy bụi bặm này
đã không còn khả năng tìm lại được đạo diễn đó là ai, chúng ta cũng
không đủ chuyên môn để phục chế và dựng lại mạch suy nghĩ cũng như ý
tưởng sáng tạo của nhà biên kịch. Nhưng, khi đứng trước màn tái hiện của
trò chơi tử thần này một lần nữa, phải chăng chúng ta ít nhất cũng nên
lục lọi lại trong ký ức mình xem, trong bức tranh của quá khứ, lúc ấy
chúng ta đã từng ở đâu?
Ai đã bôi xóa ký ức của chúng ta và tẩy sạch chúng?!
Những người hay quên, thực chất đối với
một số kẻ mà nói, chẳng khác chi bụi trên những cánh đồng hoặc bên vệ
đường. Bất cứ đế giày nào cũng có thể giẫm đạp lên họ.
Những người hay quên, chẳng khác chi
những tấm ván, thanh gỗ trơ trọi đã cắt đứt quan hệ với cây mẹ vốn mang
lại cho họ sự sống. Họ phó mặc cho lưỡi cưa và búa rìu toàn quyền kiểm
soát hình hài của mình trong tương lai.
Đặc biệt với chúng ta, những người mang
đến hương vị cho đời bằng tình yêu dành cho công việc viết lách, những
người đã dành cả đời mình để theo gót các nhân vật văn học Trung Hoa,
đối với những sinh viên cao học của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng
Kông đang online đây, và dĩ nhiên cả các tác giả đã tốt nghiệp và vẫn
còn nghiên cứu tại lớp văn học sáng tạo, Đại học Nhân dân Trung Quốc –
nếu chúng ta cũng phản bội ký ức của chính mình về những bi kịch đổ máu
và những mảnh đời kia, thì viết lách còn ý nghĩa gì nữa? Giá trị của văn
học nằm ở đâu? Xã hội còn cần đến nhà văn chăng? Sự cống hiến không
ngừng nghỉ của các bạn, sự cần cù và những tác phẩm các bạn viết sẽ khác
gì con rối cho người khác giật dây? Nếu các phóng viên không còn báo
cáo những gì họ chứng kiến, nếu nhà văn không còn viết về những gì họ
ghi nhớ và cảm thụ; nếu con người trong xã hội vốn có thể nói và biết
nói lại chỉ răm rắp đọc theo, thuật lại và tuyên bố đúng như cái thứ
phải đạo chính trị mị người kia, thì ai sẽ cho biết làm con người bằng
xương bằng thịt sống trên trái đất này còn ý vị gì nữa?
Hãy nghĩ về điều này: nếu nhà văn Phương
Phương không sống ngay trong cái hiện thực tàn khốc tại tâm dịch Vũ Hán
hôm nay, nếu cô ấy đã không lưu lại và viết ra ký ức cùng cảm thụ cá
nhân của mình; nếu như không có hàng chục ngàn người giống như Phương
Phương lên tiếng kêu cứu bằng điện thoại của họ thì hãy xem chúng ta sẽ
được nghe gì? Chúng ta sẽ thấy điều gì?
Giữa những dòng chảy lớn của thời đại,
ký ức nhỏ bé một con người rồi sẽ bị coi như bọt biển phù du, như tiếng
sóng vỗ ồn ào mà thời đại sẽ mau chóng xóa sạch hay ném sang một bên và
không hề thương tiếc; giọng nói và câu từ sẽ chìm vào thinh lặng, như
thể chúng chưa bao giờ tồn tại. Than ôi, cứ mỗi một thời đại qua đi, mọi
thứ cũng chìm vào quên lãng. Da thịt và máu, thể xác cùng linh hồn của
thời đại đã tan biến không còn dấu vết. Tốt thôi, và điểm tựa nhỏ bé của
sự thật mà có thể nâng được cả thế giới đã mất. Và cứ thế, lịch sử trở
thành một tập hợp lộn xộn của những huyền thoại, những câu chuyện khuyết
danh trong tưởng tượng, được thêu dệt vô căn cứ.
Từ quan điểm này, còn gì quan trọng hơn
việc chúng ta phải ghi nhớ và bảo vệ ký ức của chính mình, đừng để chúng
bị chỉnh sửa hay xóa nhòa. Ký ức cá nhân là điều đảm bảo căn bản và là
bằng chứng tối thiểu mà chúng ta có thể cung cấp khi nói lên một sự thật
nhỏ bé. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với các em sinh viên
trong lớp văn học sáng tạo này. Phần lớn trong chúng ta được sinh ra để
cống hiến đời mình cho sự nghiệp viết lách, tìm kiếm chân lý, sống như
một con người chân chính qua ký ức của mình. Nếu có một ngày ngay cả
những người như chúng ta cũng đánh mất ký ức và sự chân thật nhỏ bé của
mình, liệu nơi nào trên thế giới này còn có thể lưu lại sự thật, lưu lại
chứng tích của cá nhân và lịch sử?
Thực tế là, thậm chí khi khả năng ghi
nhớ và ký ức của chúng ta chẳng thể thay đổi nổi thế giới cùng cái hiện
thực này, chí ít nó cũng giúp chúng ta nhận ra rằng có cái gì đó không
ổn khi đối mặt với những “sự thật” bị thao túng và định hướng kia. Một
âm thanh nhỏ nhoi trong tâm khảm chúng ta sẽ lên tiếng: “Điều này đâu có
đúng!” Ít nhất, trước khi dịch bệnh thật sự dịu xuống, chúng ta vẫn còn
nghe thấy và nhớ đến tiếng than khóc của những con người, những gia
đình và những kẻ bị gạt ra ngoài lề, giữa giai điệu tưng bừng chói tai
và những bài hát chiến thắng.
Ký ức không thể thay đổi thế giới, nhưng nó cho chúng ta một trái tim chân thật.
Thầy
hy vọng rằng từng người trong các em, và tất cả chúng ta, những ai đã
trải qua thảm họa COVID-19 này sẽ trở thành những người có thể ghi nhớ;
những người có thể hồi tưởng lại những ký ức từ trong trí nhớ.
Dù ký ức có lẽ chưa thể cho chúng ta sức
mạnh để thay đổi thực tại, ít nhất nó cũng giúp đặt ra nghi vấn trong
lòng chúng ta khi những lời dối trá xuất hiện. Nếu ngày nào đó lại tái
diễn một cuộc Đại Nhảy Vọt
nữa và người ta lại phải chui vào làm việc trong các lò nung sau nhà,
thì ít nhất ký ức vẫn có thể nhắc nhở chúng ta rằng cát sẽ không thể
biến thành sắt, và 1 mẫu ruộng [xấp xỉ 667 m2] sẽ không thể
thu hoạch 100.000 cân thóc. Ít nhất chúng ta sẽ biết đây là tri thức phổ
thông cơ bản của nhân loại, và không phải một phép lạ của chủ nghĩa nào
đó có thể sản xuất ra vật chất, hay không khí có thể biến thành cơm.
Rồi nếu lại có thêm một cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa nữa, chúng ta ít nhất có thể bảo đảm rằng chúng ta sẽ không đấu tố cha mẹ của mình, tống họ vào tù hoặc đưa lên máy chém.
Các em sinh viên thân mến, tất cả chúng
ta đều là những người làm nghệ thuật, những người có lẽ sẽ dành cả đời
dùng ngôn ngữ để ghi lưu ký ức và sự thật. Các em đừng bàn về những hồi
ức tập thể, những hồi ức chung của quốc gia hay dân tộc, mà hãy viết lại
hồi ức của chính các em; vì xuyên suốt lịch sử, hồi ức của bất kỳ quốc
gia hay tập thể nào đều luôn che đậy và cải biến ký ức chân thực của
chúng ta. Hôm nay, ngay tại thời điểm này, khi COVID-19 hãy còn lâu mới
lui vào hồi ức, thì những bài hát chiến thắng và những khúc ca khải hoàn
kia đã vội văng vẳng bên tai rồi. Vì điều này,
Thầy hy vọng rằng từng người trong các
em, và tất cả chúng ta, những ai đã trải qua thảm họa COVID-19 này sẽ
trở thành những người có thể ghi nhớ; những người có thể hồi tưởng lại
những ký ức từ trong trí nhớ.
Trong tương lai gần trước mắt, khi đất
nước dùng âm nhạc và lời ca ăn mừng chiến thắng trước trận chiến quốc
gia mang tên COVID-19 này, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không trở thành
những cây bút trống không và sáo rỗng, mà hãy đơn giản là sống với ký ức
đích thực của mình. Khi tấm màn sân khấu vén lên, tôi mong sao các em
sẽ không trở thành những diễn viên hay người dẫn truyện của vở kịch đó,
hay nằm trong số những kẻ tán thưởng vì muốn được tham gia vào vở diễn.
Tôi hy vọng các em sẽ là những người dè dặt, cô độc đứng nép ở một góc
xa nhất của sân khấu, lặng lẽ nhìn thế nhân qua làn nước mắt.
Nếu tài năng, lòng can đảm và sức mạnh
tinh thần của các em không đủ để hành xử chính trực như nhà văn Phương
Phương, thì có lẽ các em cũng đừng nằm trong số những người lên tiếng
nghi ngờ và chế giễu cô ấy. Rồi khi mọi thứ cuối cùng cũng lắng xuống và
phồn vinh quay trở lại, khi chúng ta bị bao vây bởi những thanh âm
chiến thắng, nếu chúng ta không thể lớn tiếng đặt lại câu hỏi về nguồn
gốc và sự lan truyền của COVID-19, có lẽ chúng ta cũng có thể thì thầm
và nói khẽ, đó mới là thể hiện lương tri và lòng can đảm của chúng ta.
Quả thực dã man khi người ta có thể viết ra được những bài thơ êm tai
sau thời kỳ Trại tập trung Auschwitz,
nhưng thậm chí còn kinh khủng hơn nếu chúng ta chọn làm ngơ trong câu
chữ, trong những cuộc nói chuyện và trong ký ức – điều đó thực sự khủng
khiếp và man rợ hơn nhiều.
Nếu chúng ta không thể làm “người thổi còi” như bác sĩ Lý Văn Lượng, thì chí ít hãy là người lắng nghe tiếng còi ấy.
Nếu chúng ta không thể cất cao tiếng
nói, thì chúng ta hãy thầm thì. Nếu đến thầm thì cũng không thể, hãy trở
thành những người im lặng cất giữ ký ức. Trải qua từ thời kỳ đầu cho
đến giai đoạn hoành hành và bùng phát của COVID-19, chúng ta hãy là
những người âm thầm bước sang một bên khi đám đông tụ lại ca vang khúc
nhạc chiến thắng, hãy là những người khắc sâu trong tim mình ký ức và
những nấm mồ của trận đại dịch; để một ngày nào đó, ta có thể truyền lại
ký ức của mình cho thế hệ mai sau.
Theo Lithub.com,Ngọc Thu biên dịch
Tiêu đề do Trí Thức VN đặt lại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét