31 thg 3, 2020

Đại dịch COVID-19, đọc lại La Peste của Albert Camus

Nằm nhà rảnh rỗi suốt những ngày đại dịch Coronavirus Disease-2019 (COVID-19) hoành hành khắp nơi trên thế giới, tôi lại kệ sách lấy xuống cuốn tiểu thuyết La Peste của Albert Camus đọc lại, và sau khi đọc tôi bỗng giật mình vì những gì đang xảy ra quanh tôi ngày nay đã được Camus miêu tả thật chính xác cách đây trên 70 năm.

Trong cuốn tiểu thuyết này, xuất bản năm 1947, với bối cảnh là thị trấn Oran, xứ Algerie – lúc đó còn là thuộc địa Pháp – Camus thuật câu chuyện xoay quanh một trận dịch hạch khủng khiếp, tàn phá tan hoang cả thị trấn, và khi trận dịch chấm dứt thì không một ai trong thị trấn không bị ảnh hưởng, nặng là cái chết, nhẹ tuy may mắn sống sót nhưng cả thể xác lẫn tâm hồn chẳng còn như cũ nữa. Cuốn sách hiển nhiên hàm chứa nhiều tư tưởng Hiện sinh, nhiều ẩn dụ, thậm chí có những câu văn đa nghĩa, và tất cả hình như quy chiếu vào tính cách, định mệnh và thân phận con người trong một thế giới phi lý, biểu hiện bởi thần thoại Sisyphus – kiên trì lăn tảng đá lên đỉnh núi, để tảng đá lăn xuống chân núi, rồi lại bắt đầu ra sức lăn lên.
Bạn hãy cùng tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết quan trọng này của Camus để biết đâu chúng ta tìm ra được những điểm song song giữa cuốn tiểu thuyết hư cấu và những sự kiện thực tại đã và đang xảy ra trong cuộc sống vào những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba này.
Camus thuật, tại thị trấn Oran, thoạt đầu có hàng nghìn con chuột chết ngoài đường phố, nhưng mọi người chẳng ai lưu tâm và chỉ hốt hoảng sau khi báo chí loan tin. Chính quyền địa phương, do áp lực của công luận, phản ứng bằng cách cho nhân viên hốt xác chuột đem đi đốt, mà không biết là làm như thế chỉ khiến dịch bệnh nhiễm truyền nhanh hơn và tác hại khủng khiếp hơn.
Tự phủ nhận hình như là một thuộc tính của con người, nhất là những con người nắm trong tay quyền lực. Không một chính quyền nào, xưa cũng như nay, dân chủ hay độc tài, muốn một xã hội hoảng loạn. Bằng mọi cách, nhiều khi bằng mọi giá, họ phải bưng bít sự thật, phủ nhận sự thật, cùng lúc che giấu càng nhiều càng tốt những khiếm khuyết, sai lầm với hy vọng mọi chuyện sẽ êm thắm trôi qua trong bóng tối và lãng quên. Đó là cái gì xảy ra tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tháng 11, 12 năm 2019, khi COVID-19 mới được phát hiện. Có bao nhiêu mạng người chết oan vì quyết định vô luân này của nhà nước Cộng sản Trung Quốc? Và nếu thế giới biết sớm hơn thì có lẽ tình trạng ngày nay, như bên Italy, bên Iran, không đến nỗi nguy khổn trăm bề. Chỉ là một giả định, nhưng là giả định đầy thuyết phục.
Trong cuốn La Peste, khi bác sĩ Bernard Rieux, nhân vật chính diện trong cuốn sách, đi gặp nhà cầm quyền để trình bày về tình trạng khẩn cấp của cơn dịch thì chẳng ai tin, chẳng ai thèm quan tâm. Bác sĩ Rieux chính là bác sĩ Lý Văn Lượng bằng xương bằng thịt có thật ngoài đời. Sự khác biệt là bác sĩ Rieux sống sót sau trận dịch, còn bác sĩ Lượng thì chết trong oan khiên và đau đớn. Kẻ cầm quyền, mặc dù là thủ phạm gây nên những cái chết như vậy, nhưng để phủ nhận và che lấp tội ác, họ đề cao cái chết như một hành vi hy sinh cho nước nhà, cho chế độ, cần được tuyên dương, và với một mảnh giấy xanh xanh đỏ đỏ ghi tên người chết là anh hùng, liệt sĩ gì đó, lương tâm họ hoàn toàn yên ổn. Họ phủi tay quay lại với công việc dang dở, tiếp tục che mắt người dân.
Họ chỉ kéo màn để hở một nửa sau khi không thể bưng bít sự thật được nữa.
Chính quyền Trump của Hoa Kỳ thoạt tiên cũng không muốn xé to chuyện. Chính Tổng thống Trump, trong một bản tweet, còn bảo người dân là mỗi năm nước Mỹ có cả chục nghìn người chết vì cảm cúm thương hàn thì ba con vi khuẩn Corona này có gì phải đáng lo. Rất may, bên cạnh Tổng thống có những cố vấn hiểu biết và kinh nghiệm đầy mình (như bác sĩ Anthony Fauci với âm giọng New Yorker đặc sệt) khuyến nghị, nên chính quyền Trump đã kịp thời (dù khá muộn) có những biện pháp gắt gao nhằm chế ngự cơn đại dịch.
Hãy nhìn vào xứ Nam Hàn. Tuy bị khá nặng, nhưng chính quyền ở đó đã thẳng thắn nhận lãnh trách nhiệm với toàn dân, sớm dốc toàn lực ra đề kháng, và có thể còn quá sớm để biết kết quả tối hậu sẽ ra sao, nhưng chí ít ở giai đoạn đầu của trận chiến, chỉ sau một thời gian ngắn, người dân Hàn đã thành công chế ngự phần nào con vi khuẩn đáng sợ.
Nhà cầm quyền phải minh bạch, thẳng thắn nhận trách nhiệm, tạo niềm tin nơi dân chúng, đưa ra những biện pháp tuy gắt gao nhưng hợp lý, thì chẳng có lý do nào cơn đại dịch sẽ không trôi qua, trả lại nếp sống bình ổn cho người dân.
Camus nói rõ như thế trong tác phẩm của ông, nhưng hơn 70 năm qua hình như chẳng ai thèm lưu tâm.
Camus thuật tiếp, nhà chức trách của thị trấn Oran đã chần chừ, không nhìn thấy sự khẩn trương của trận dịch đang lan tràn một cách khiếp hãi, lại còn cãi vã nhau ỏm tỏi về những biện pháp thích nghi để đối phó. Một biệt khu được thiết lập trong bệnh viện nhưng chỉ có 80 giường, và trong vòng ba hôm người bệnh chở vào đông nghẹt, không có giường nằm. Số người chết gia tăng khủng khiếp, thế là có lệnh cách ly, ai ở nhà nấy, tuyệt đối không ai được ra khỏi chỗ ở, thậm chí chôn người chết phải có nhân viên hữu trách giám sát.
Khi số người chết lên quá cao thì có lệnh phong tỏa cả thị trấn. Y như Vũ Hán trong trận dịch COVID-19 này. Mọi cửa ngõ ra vào thị trấn đều bị đóng chặt, tàu hỏa không hoạt động, không thư tín, không điện thoại ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp, điện tín là phương tiện liên lạc duy nhất với thế giới bên ngoài.
Trong tình huống ấy, con người cảm thấy như bị tù hãm, trở nên trầm cảm, thậm chí hoảng loạn, và bắt đầu có những ý nghĩ, hành động bất bình thường. Ông Raymond Rambert xin đi Paris gặp vợ không được, bèn mưu toan tính kế với một băng đầu gấu nhờ bọn này tìm đường trốn thoát ra ngoài. Linh mục Paneloux nhân dịp này thuyết giảng cho con chiên nghe rằng vì ta phạm tội lỗi quá nhiều nên bây giờ bị Chúa phạt. Gã Cottard thì gian xảo hơn, bỏ túi khối tiền nhờ buôn lậu.
Tôi không ngạc nhiên với những điều Camus viết trong cuốn tiểu thuyết. Toàn những con người điển hình trong bất cứ thời-không-gian nào giữa hoàn cảnh như thế. Hiện tại, trong cơn đại dịch này, chính bản thân tôi cũng gặp phải những con người bất bình thường, những tình huống mà trước đây tôi không bao giờ ngờ có thể xảy ra.
Hôm qua, tôi lái xe ra chợ mua ít thực phẩm dùng trong những ngày bị nằm nhà do luật tiểu bang, nơi tôi hiện cư ngụ, mới ban hành tuần này: tuyệt đối không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi chợ, ra tiệm thuốc, gặp bác sĩ, vào bệnh viện cấp cứu, và dĩ nhiên nằm bất động trong quan tài cho người khiêng vào nghĩa trang.
Đường sá trống trơn, khác hẳn ngày thường, các khu nhà hàng, mua sắm không bóng người, không xe đậu, quang cảnh lạ lùng đến độ surreal, như trong một cuốn phim khoa học giả tưởng nói về ngày tận thế. Đến một ngã tư, tôi dừng xe chờ đèn xanh. Bỗng có chiếc xe khác trờ tới đậu sát bên cạnh. Có hai gã đàn ông ngồi trên xe, gã ngồi bên ghế hành khách thò hẳn đầu ra ngoài nói gì đó với tôi. Nghe không rõ, tôi bấm nút quay kính xuống. Ngay lúc đó gã nói như quát vào mặt tôi, “Fuck you, Chinaman! Get back to China!” Đoạn chiếc xe gầm rú, vọt lên mặc dù đèn vẫn đỏ.
Sự việc xảy ra, tuy bất ngờ, nhưng nằm trong dự liệu của tôi, và tôi chẳng thấy thương tổn chút nào. Cái xấu nhất, tồi tệ nhất, cũng như cái đẹp nhất, cao quý nhất, nơi con người, hiện ra rõ rệt nhất trong những tình huống không bình thường. Và chúng ta đang lâm vào một tình huống không bình thường.
Camus có lẽ cũng nghĩ như thế nên bên cạnh những con người ích kỷ chỉ biết bo bo thủ lợi, lo nghĩ cho bản thân, còn có những người như bác sĩ Rieux, bác sĩ Castel, ông Jean Tarrou, ông Joseph Grand, những con người tốt lành không quản ngại xả thân cứu giúp những bệnh nhân khốn khổ đang cố nắm lấy tia hy vọng mong manh vào sự sống. Họ là hiện thân những chiến sĩ áo trắng ngày nay trong cơn đại dịch khiếp hãi này, và có không ít người hy sinh mạng sống mình để cứu tha nhân.
Vào hè, tình hình dịch bệnh tại thị trấn Oran càng lúc càng bi đát. Bạo loạn xảy ra, cướp bóc tràn lan khắp nẻo, có vài kẻ bỏ trốn bị lính canh bắn chết ngoài bờ rào, thiết quân luật ban hành, người chết chôn không kịp, dân chúng ai nấy nép mình cắn răng chịu đựng dưới cơn thịnh nộ tai quái của trận dịch. Càng lúc càng tuyệt vọng, con người trở nên điên cuồng, phí phạm sức mạnh cả tinh thần lẫn thể xác cho những chuyện không đâu. Tuy vậy người sống vẫn thu gom sức mạnh chăm sóc người bệnh, chôn cất người chết.
Tình hình chỉ bắt đầu có vẻ khả quan, hy vọng le lói nhúm lên vào cuối tháng Mười khi thuốc chữa của bác sĩ Castel có hiệu nghiệm. Ông Rambert quyết định ở lại thị trấn mặc dù đã thương lượng được với bọn lính canh. Mức độ sát hại của trận dịch giảm dần và cuối tháng Giêng thì gần như dứt hẳn. Kẻ mất người còn gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bác sĩ Rieux, ông Grand đều sống sót. Gã Cottard thì lên cơn điên, từ trong nhà xách súng bắn loạn xạ và bị bắt bỏ tù. Cha Paneloux suốt thời gian chống dịch đã hăng hái xông xáo giúp người, lại bất ngờ từ trần vào phút chót. Số phận cũng không may mắn đến với ông Tarrou.
Phần kết cuốn tiểu thuyết, những người sống sót nắm tay nhau ăn mừng. Riêng bác sĩ Rieux thì vẫn ưu tư bởi ông biết rõ những con vi trùng dịch bệnh đó chẳng tiêu tan đi đâu mà vẫn nằm ẩn nấp đâu đó trong nhà ngoài ngõ, chỉ chờ cơ hội lại bùng lên hoành hành dữ dội có thể còn hơn trước. Chẳng cần tìm hiểu đâu xa, hình ảnh bác sĩ Rieux lúc này chính là thần thoại Sisyphus – kiên trì lăn tảng đá lên đỉnh núi, để tảng đá lăn xuống chân núi, rồi lại bắt đầu ra sức lăn lên. Cứ thế con người sống mãi trong phi lý vô vọng trong lúc hoàng hôn đỏ như máu của lịch sử từ từ phủ xuống.
Trận dịch COVID-19 không phải là trận dịch đầu tiên của nhân loại, và có lẽ cũng không đến nỗi kinh hoàng như trận dịch năm 1918 với 100 triệu người thiệt mạng, khoa học và y học ngày nay tiến bộ nhiều lắm sau 100 năm, nhưng nó là trận dịch đầu tiên mà gần như toàn thể nhân loại khắp năm châu bốn biển bị ảnh hưởng, bởi thế giới ngày nay thu hẹp lại thành một cái “làng,” một cái làng có lẽ còn “bé” hơn cái thị trấn Oran của Camus. Những gì xảy ra bên trong thị trấn rất có thể sẽ tương tự xảy ra cho cả thế giới hiện tại. Cái khác biệt là, ông Rambert và những kẻ tuyệt vọng khác còn tí hy vọng bỏ trốn ra ngoài đi lánh nạn sau khi bị cách ly, còn tôi với bạn thì làm sao chúng ta bỏ trốn cái hành tinh này đi đâu đây? Và tôi dám đánh cá một ăn mười thua với bạn là, trong tương lai, không gần thì xa, chắc chắn nhân loại sẽ lại bị một trận dịch khác, tương tự hoặc thảm thiết hơn trận này.
Gọi La Peste là một kiệt tác văn chương, có lẽ chưa đủ. Không thèm để ý đến nó, “là hành vi báng bổ cái human spirit,” như tay viết phê bình nào đó phát biểu trên tờ New York Times. Với tôi, human spirit không hẳn chỉ đơn thuần là tinh thần, khí thế hay sự can trường của con người, nó còn là biểu hiệu cho “lòng khao khát muốn sống và được sống như con người.”
Tôi không rõ trận dịch COVID-19 này sẽ đi tới đâu, nhưng tôi tin tưởng vào cái tốt lành và sức mạnh sống còn của con người, vào cái human spirit nói bên trên, và tôi vững tâm.

Trịnh Y Thư
(3/2020, giữa cơn đại dịch COVID-19)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét