Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 02/03/2020
Trong lúc chính quyền Miến tiếp tục tìm kiếm một giải pháp hòa bình, thì quân đội của họ, Tatmadaw, đang phải đối mặt với một chiến thuật đánh trận mới mà xem ra dường như, với một lực lượng quân đội kém khả năng, Tatmadaw không đủ khả năng đương đầu trong tương lai. Chiến thuật mới mà quân ly khai đang áp dụng rất năng động và hiệu quả, không giống như phương cách đánh giặc của các nhóm sắc tộc thế hệ trước, thường lập nên căn cứ đóng quân cố định, thay vì vậy, nhóm quân này dùng lối tấn công “đánh và rút”, đã vô hiệu hóa những cuộc hành quân ồ ạt của quân đội chinh quyền Tatmadaw.
Ở cuộc diện này, kẻ thù vô hình sẽ tấn công từ trong bóng tối, làm cho các cuộc chống trả của quân chính quyền chỉ gây ra thiệt hại cho thường dân hơn là địch quân. Nhóm quân “quốc gia thống nhất Karen (KNU) từ lâu chiếm cứ một lãnh địa trải dài gần biên giới Thái, lập nhiều căn cứ dọc theo con sông Moel, có tổng hành dinh, cao ốc nhà cửa dùng cho công việc hành chánh và chỉ huy quân đội, những vị trí này thường trở thành mục tiêu dễ dàng cho quân Tatmadaw tấn kích cho nên, một số lớn, cái này tới cái kia lọt vào tay họ trong cuối những năm 1980 và đầu 1990. Quân độị Kachin độc lập (KIA), chiếm đóng vùng phía bắc Miến, đã có lần kiểm soát phần lớn bắc tiểu quốc Kachin, ngoại trừ các thị trấn chính, cũng có cơ quan hành chánh, trường học, bệnh xá và căn cứ quân sự nhưng khi quân KIA, ký thỏa thỏa hiệp ngưng bắn với chính quyền Miến tháng hai năm 1994, chỉ còn giữ một vài căn cứ sau khi mất gần hết nhiều chỗ ngay cả tổng hành dinh mới xây lên, sau này nơi này đã trở thành một thị trấn, lập nên tại Laiza.
Đảng cộng sản Miến, một thời hùng mạnh trước đây, kiểm soát gần 20 ngàn cây số vuông lãnh địa ở tiểu quốc sắc tộc Shan, hầu hết giờ này đã nằm trong tay của lực lượng quân đội đoàn kết WA (UWSA), nhóm quân ly khai sắc tộc lớn và trang bị hùng hậu nhất. Nhóm quân sắc tộc ly khai mới, tên gọi quân đội Arakan (AA) ở vùng tây tỉnh Rakhine và quân quốc gia giải phóng Ta’ang (TNLA), một nhóm quân sắc tộc Palaung ở vùng bắc tiểu quốc Shan, trước đây được quân KIA huấn luyện nhưng sau này tách ra hoạt động theo một phương cách chiến đấu khác biệt. Quân của hai nhóm AA và TNLA di chuyển nhanh lẹ, ẩn hiện, ít nhất là trong lúc này, không ra mặt mưu định kiểm soát lãnh địa nhưng áp dụng chiến thuật tấn công kiểu du kích chiến, đánh rồi rút mau lẹ sau khi hoàn tất mục tiêu. Cả hai, không nhóm nào có căn cứ cố định, thay vào đó, họ hoạt động tại các nơi trú ẩn tạm thời, thay đổi chuyển quân, việc này cho phép họ tấn công những mục tiêu họ nhắm tới, nơi quân Tatmadaw của chính quyền Miến thường lơ là, thiếu cảnh giác.
Quân AA hiện nay là nhóm quân ly khai sắc tộc hết sức năng động và mạnh nhất trên đất Miến, đã tung ra nhiều cuộc tấn công, không chỉ từ vùng cứ địa an toàn phía bắc tỉnh Rakhine mà còn xa xuống tới tận thị trấn An, phía nam, nằm trên trục lộ chính nối liền Rakhine và phần còn lại của Miến. Tháng tám năm ngoái, quân TNLA và AA hợp nhau mở một trận tấn công bất ngờ vào học viện Dịch vụ kỹ thuật quốc phòng trong doanh trại ở thành phố Pyin Oo Lwin, phía đông thành phố Mandalay không hơn 67 cây số.
Quân ly khai sắc tộc TNLA thành lập năm 2009, có độ chừng 5 ngàn lính võ trang trong khi đó quân AA, cho là cũng thành lập cùng năm đó, hiện có ít nhất 3 ngàn quân chiến đấu và có lẽ hơn nữa. Không giống như những người thuộc hàng ngủ lãnh đạo, chỉ huy thế hệ “cũ” của các nhóm quân sắc tộc khác, vốn đã chiến đấu chống quân chính quyền Miến trong hơn vài thập niên qua, cấp chỉ huy của TNLA và AA, còn trẻ, không có lối điều hành “vương gia” của những người này, nhiều người trong số này đã nhắm vào các ích lợi thương mại, lơ là đi mục đích ban đầu. Quân TNLA và AA thật sự được xem có hoạt động đáng nói là vụ họ tấn công quân Tatmadaw và nhóm quân liên minh dân chủ Myanmar (MNDAA) tại Kokang, một cái quận nằm phía đông bắc tiếu quốc Shan, người dân nơi này đa số là người Trung Hoa.
Quân AA đã dùng hệ thống truyền thông báo chí, phổ biến thông điệp về tinh thần chủ nghĩa quốc gia của họ cho thế giới bên ngoài, trong khi lãnh tụ của họ, Tun Myat Naing xuất hiện trên nhiều trang mạng điện tử, cổ động đường lối và mục tiêu của AA, nói chuyện bằng tiếng Anh trôi chảy, lưu loát và miêu tả mình là một ngưới lính chuyên nghiệp có đủ quân phong quân kỹ. Quân AA gần đây đã mang những hoạt động chống chính quyền Miến đến tỉnh Rakhine, nơi hiện họ có được sự ủng hộ đáng kể từ khối đa số người Phật giáo.
Quân AA lớn dần được xem là những người quốc gia Rakhine, môt lực lượng khá mạnh trong vùng này, hiện cũng được cho là có liên hệ tới vụ khủng hoảng tỵ nạn người hồi giáo Rohingya. Để đối phó với cuộc chiến mới này, quân đội Tatmadaw cho cắt mạng điện tử tại năm thị trấn, bao gồm cả vùng phía nam tiểu quốc Chin nơi quân AA cũng có mặt. Quân Tatmadaw đồng thời sử dụng không quân, đại pháo tấn công quân AA như không được kết quả mong muốn trước một địch quân trong bóng tối. Cùng một lúc, số quân của Tatmadaw thêm lên, từ con số 200 ngàn lên ước lượng chừng trên dưới 500 ngàn lính ngày nay. Gần đây nhất, quân chính quyền Tatmadaw mua vào nhiều phi cơ chiến đấu mới và đại pháo của Trung cộng, nhiều loại phi cơ khác, trực thăng võ trang từ Nga Sô và xe chở súng phóng hỏa tiển của Bắc hàn.
Quân lính trang bị vũ khí và quân cụ mới nhưng lại không có khả năng hay thiếu kinh nghiệm chiến đấu cho tới thỏa hiệp ngưng bắn bất thành và cuộc chiến mới bùng nổ năm 2011, khi quân chính quyền chấm dứt thi hành ngưng bắn với nhóm quân KIA và tung ra nhiều trận tấn công ở vùng phía bắc. Sau khi bị thất trận nặng nề tại Kachin, Shan và tỉnh Rakhine, quân chính quyền Tatmadaw buộc phải rút lực lượng bộ binh yếu kém về và chỉ còn dựa vào hỏa lực không quân và pháo binh. Với việc này, quân KIA thiệt hại khá nặng vì họ trấn giữ các căn cứ cố định, dễ dàng trở thành mục tiêu cho phi pháo nhưng ngược lại, phương thức này không đạt kết quả gì đối với quân AA ở Rakhine, chỉ giết toàn là thường dân vô tội.
Giữa tháng hai, một ngôi trường ở Rakhine bị trúng đạn pháo kích, làm bị thương gần 19 em học sinh, ước tính cũng gây ra cho 100 ngàn người dân bị mất nhà cửa, vì bom của quân chính quyền và vì kẹt giữa hai lằn đạn khi quân AA tiếp tục tấn công. Ngày 18 tháng hai, một chiếc trực thăng chở bộ trưởng an sinh xã hội Miến, Win Myat Aye, và tỉnh trưởng Rakhine Nyl Pu, bị quân AA từ dưới đất tấn công làm chiếc trực thăng phải hạ cánh khẩn cấp, không thiệt hại nhân mạng nhưng vụ này đã cho thấy, quân AA có khả năng tấn công dù các nhân viên cao cấp được bảo vệ chặt chẽ. Ở vùng phía bắc tiểu quốc Shan, quân Tatmadwa ký thỏa hiệp ngưng bắn NCA (thỏa hiệp nưng bắn toàn quốc) với nhóm quân sắc tộc người Shan, RCSS năm 2015, và nhóm này được xem là nhóm quân ủy quyền của chính phủ chống quân TNLA.
Trong vòng vài ngày, sau khi ký kết, để chứng tỏ tôn trọng thỏa hiệp NCA, nhóm RCSS đã tung ra vài ngàn quân lính từ cứ địa của họ dọc theo biên giới Thái xuống phía nam tới phía bắc tiểu quốc Shan để thị oai. Thỏa hiệp ngưng bắn toàn quốc NCA, có khoảng 20 nhóm ký kết từ cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, nhưng điều đáng nói là, hiện tại, chính quyền Miến vẫn còn phải đối đầu với nhiều trận chiến ác liệt được thấy trong mấy thập niên, nhất là sự lớn mạnh của quân AA và TNLA với chiến thuật mới “đánh và rút” rất hiệu quả. Chính quyền Miến chưa có ý định sẽ họp một lần nữa vào tháng tư với những nhóm quân sắc tộc có ký thỏa hiệp NCA nhưng người ta ước tính, các nhóm này chỉ đại diện khoảng 20% của tổng số các nhóm quân sắc tộc của cả nước.
Cuộc bầu cử toàn quốc Miến sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay, chính quyền chưa đồng ý thương thuyết với các nhóm quân chưa có chữ ký trong bản thỏa hiệp NCA, cho tới khi nào quân Tatmadaw vẫn còn phải đối mặt với một thứ địch quân mới, với chiến thuật chiến đấu không giống như xưa mà quân AA và TNLA, hiện đang trên đà thắng thế, hòa bình của xứ Miến xem ra chưa có dịp may chấm dứt cuộc chiến dai dẳng này mau chóng.
Thuyên Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét