19 thg 3, 2020

Nhà văn Mạc Ngôn: 6 câu nói đúc kết cốt lõi của giáo dục gia đình


Đối với con trẻ, ‘cha là đất, mẹ là trời’, mỗi lời nói hay hành vi của cha mẹ đều có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ. Do đó, giáo dục trong gia đình luôn được coi là quan trọng nhất, vượt qua cả giáo dục tại nhà trường.
Mạc Ngôn là một nhà văn người Trung Quốc rất nổi tiếng, vốn xuất thân từ nông dân. Ông được thế giới biết đến qua tác phẩm Cao lương đỏ đã được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim. Sau đó, bộ phim đạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994. Năm 2012, ông nhận giải Nobel Văn học danh giá. 
Ở Việt Nam, Mạc Ngôn đã từng làm nên cơn sốt sách. Cách đây chừng 10 năm, độc giả Việt “săn lùng” Mạc Ngôn, sưu tầm Mạc Ngôn với những cuốn sách gây ám ảnh như Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, Báu vật của đời, Cao lương đỏ… Ở Mạc Ngôn, người đọc nhìn thấy dũng khí của một cây viết vừa mãnh liệt vừa tưng tửng, vừa cay đắng vừa hài hước, vừa đả kích vừa xót xa.
Bằng hiểu biết và trải nghiệm sâu sắc của mình, Mạc Ngôn gói gọn cốt lõi của giáo dục gia đình trong 6 câu nói sau:

“Cha mẹ tốt là từ học mà ra”

Trên đời này không có ai sinh ra thiên bẩm đã biết làm cha mẹ, cũng không có ai là không cần học hỏi mà vẫn có thể làm một người cha, người mẹ tốt được. Những bậc cha mẹ thành công trong việc nuôi dạy con cái đều là những người không ngừng nỗ lực học tập.
Tôi từng tiếp xúc với không ít phụ huynh của những người con kiệt xuất, trong số họ không có ai nói rằng nuôi dạy con cái là việc nhẹ nhàng cả. Thậm chí có người còn nói: “Rất nhiều người không biết cứ tưởng rằng tôi được thảnh thơi, con cái giỏi giang nên không phải quản nhiều. Nhưng đâu ai biết rằng, thậm chí đi ngủ tôi còn phải căng mắt ra mà coi chừng”.

Ảnh minh họa: Pixabay.

Một người cha, người mẹ biết dạy con sẽ luôn phòng tránh trước khi vấn đề phát sinh với con cái. Ngược lại, những người cứ để “nước đến chân mới nhảy”, đợi thầy cô phải tìm đến nói chuyện thì chính là không biết dạy con. Người như vậy, đôi khi vấn đề phát sinh rồi họ vẫn chưa định thần được vấn đề ấy là gì.
Bước vào thế kỷ 21, xã hội thông tin đòi hỏi con người phải có tố chất nhiều hơn. Bất kỳ một lĩnh vực nào cũng cần phải học tập, đào tạo, trong khi nuôi dạy con cái lại không có một trường lớp nào, dường như đó là việc mà mỗi một ông bố bà mẹ khi sinh ra đều hiển nhiên tự biết vậy. Kỳ thực, trước khi làm cha mẹ mỗi người đều cần phải trang bị cho mình những kiến thức liên quan. Hơn nữa, trang bị càng sớm càng tốt, càng đầy đủ càng tốt.

“Con cái ngoan là do dạy mà ra”

Có người nói:Chẳng phải có nhiều người một chữ bẻ đôi không biết nhưng vẫn nuôi dạy con cái thành người tài giỏi đó sao?”. Kỳ thực, không biết chữ không đồng nghĩa với không biết dạy con, họ vẫn có thể trở thành những bậc cha mẹ xuất sắc.
Một chương trình truyền hình từng kể về câu chuyện dạy con của bà mẹ tiến sĩ toán học Harvard An Kim Bằng. Mẹ của An Kim Bằng là tấm gương nghị lực về người mẹ thất học, nghèo đói, trải qua muôn vàn cay đắng để nuôi con thành tài, trở thành câu chuyện cổ tích Trung Hoa thời hiện đại.
Vì gia cảnh nghèo khó, bà phải bán con lừa là tài sản quý giá nhất của gia đình cho con ăn học. Việc làm ấy khiến chồng bà phản đối kịch liệt, ông muốn con mình đi làm kiếm tiền chứ học xong rồi biết có xin được việc hay không? Nhưng bằng nghị lực và ý chí của mình bà vẫn quyết định cho con đi học.

Người mẹ tần tảo (ảnh minh họa chụp màn hình Ẩm thực mẹ làm).

Nhà An Kim Bằng cả rau cũng không có tiền để mua, hàng ngày cậu chỉ dám ăn bánh bao và mỳ khô chấm tương cay do mẹ làm. Ngay cả đi thi, cậu cũng phải dùng giấy phế liệu một mặt để làm bài. Nhưng vượt trên tất cả, mẹ đã tiếp sức để cậu có thêm niềm tin và quyết tâm bước tiếp.
Có lần vì để có tiền mua cho con một cuốn từ điển, bà đã phải đẩy xe rau lên huyện cách nhà 40km để bán cho được giá, vừa đi vừa về 80km, cơm cũng không dám ăn vì sợ tốn tiền.
Vì thương mẹ nên An Kim Bằng muốn nghỉ học đi làm, nhưng bà nói: “Mẹ ít văn hóa, nhưng mẹ nhớ hồi nhỏ được thầy giáo dạy, Camillo Golgi từng nói một câu: ‘Nghèo đói là trường đại học tốt nhất.’ Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ”.
Mẹ của An Kim Bằng là người thất học nhưng lại nuôi dạy ra một người con xuất sắc mà không phải ai cũng làm được, bởi vì bà có ý chí có nghị lực và có phương pháp của chính mình.

“Thói quen tốt là do bồi dưỡng mà ra”

Có rất nhiều bậc cha mẹ coi những thói hư tật xấu của con em mình là lỗi của thầy cô và nhà trường, hoặc do bản thân con, nhưng quên mất rằng đó cũng là trách nhiệm của bản thân. Kỳ thực con cái có bao nhiêu thói quen, dù tốt dù xấu thì đều do chính cha mẹ từ trực tiếp hay gián tiếp tạo thành. Cũng giống như người vùng nào thì thích ăn cơm khẩu vị vùng đó, đây chính là do môi trường sống tạo thành, do thói quen cha mẹ tạo nên, chứ không phải bản thân đứa trẻ sinh ra đã như vậy.
Một đứa trẻ ưu tú là thành quả của sự giáo dục ưu việt, các vấn đề của con cái đa phần là kết quả cộng hưởng của gia đình. Cha mẹ là yếu tố tạo nên các thói quen cho con cái, đồng thời cũng là nhân tố quyết định giúp con cải chính lại khuyết điểm của mình.
Thực ra, dạy con cần phải bắt đầu từ cha mẹ, nếu cha mẹ không thay đổi thì con cái cũng chẳng thể nào thay đổi được.
Không có đứa trẻ nào không muốn học, chỉ có những đứa trẻ không được giáo dục tốt; không có đứa trẻ nào là không thể dạy, chỉ có những bậc cha mẹ không biết cách dạy con. Vì vậy, trước khi mắng trẻ thì hãy tự nhìn lại bản thân mình, trước khi đánh trẻ hãy tự kiểm điểm lại chính mình, chỉ có như vậy mới có thể cải biến được tận gốc vấn đề.

“Thành tích tốt là do nuôi dạy mà ra”

Chúng ta cần phải có cái nhìn chính xác về hai kiểu giáo dục ngày nay: Một là giáo dục tố chất, hai là giáo dục ứng thi.
Giáo dục ứng thi là điều không tránh khỏi, nó yêu cầu cả nhà trường và phụ huynh cùng hợp lực cố gắng. Thực ra giáo dục ứng thi và giáo dục tố chất cũng không mâu thuẫn với nhau. Nếu như không có năng lực để ứng thi thì vẫn chưa đạt được giáo dục tố chất chân chính.
Theo thống kê gần đây, cả Trung Quốc có khoảng 10 triệu “học sinh nhàn rỗi”. Điều gọi là “học sinh nhàn rỗi” chính là chỉ những thành phần học sinh đang độ tuổi tới trường nhưng lại không chịu học. 94% trong số đó chấp nhận thất bại trên con đường học vấn, các em bỏ học, trốn nhà đi chơi, sau cùng thành những tội phạm tuổi vị thành niên.
Vậy phương thức tốt nhất giúp con cái ở đây là gì? Chính là giảm bớt áp lực cho con, tăng trách nhiệm của cha mẹ, các bậc cha mẹ cũng phải trở thành những người thầy dẫn dắt con cái.
Đương nhiên để có được thành tích học tập tốt là trách nhiệm của nhà trường. Nhưng trong môi trường học tập, trong xã hội cạnh tranh như hiện nay thì một đứa trẻ cũng phụ thuộc vào sự giáo dục của cha mẹ phần nhiều.

“Sự thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái là dựa vào lắng nghe”

Có rất nhiều bậc phụ huynh trở nên bối rối khi con cái bắt đầu vào cấp hai, họ cho rằng đó là giai đoạn nổi loạn của con cái, giữa cha mẹ và con cái càng ngày càng có một khoảng cách xa hơn, khó thấu hiểu – đây chính là sự xung đột thế hệ.
Một phần nguyên nhân chính là do áp lực bên ngoài tạo thành, con cái thì áp lực học tập, cha mẹ thì áp lực công việc, kiếm tiền đây chính là lúc đòi hỏi giữa cha mẹ và con cái phải thấu hiểu nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Pixabay.

Những bậc cha mẹ xuất sắc thường xử lý tốt phương diện này, để hai thế hệ có thể thấu hiểu nhau nhiều hơn. Vậy, điều gì làm nên sự thấu hiểu đó? Chính là tôn trọng. Về vấn đề này thì có 3 bước như sau:
Bước 1: Lắng nghe. Hãy để con nói ra những tâm sự của mình, đồng thời cố gắng hiểu được ý nghĩ và những băn khoăn của con.
Bước 2: Lý giải. Hãy đứng từ góc độ của con cái mà suy xét vấn đề, hãy thử nghĩ xem vấn đề con cái đưa ra theo góc độ của chúng thì có hợp lý hay không?
Bước 3: Kiến nghị. Đương nhiên, dù con cái đưa ra vấn đề có đạo lý nhưng chưa chắc chúng sẽ có hành động chính xác. Là cha mẹ thì đây chính là lúc cần đưa ra những kiến nghị hợp lý.
Trong 3 bước này thì bước đầu tiên, “lắng nghe”, là việc quan trọng nhất, nhưng cũng là bước mà nhiều bậc cha mẹ làm kém nhất. Mỗi một đứa trẻ đều có những vấn đề lớn dần theo năm tháng. Mấu chốt là cha mẹ cần biết cách lắng nghe để giải quyết vấn đề.

“Thành tựu tốt là do đức mà ra”

Trí tuệ không quan trọng bằng ý chí, nhưng ý chí lại không quan trọng bằng phẩm chất đạo đức.
Nhưng tiếc thay, xã hội ngày nay người coi trọng đạo đức ngày càng ít đi, nguyên nhân chính là vì đạo đức đã không còn liên quan đến điểm số nữa.
Nhưng thực tế, đạo đức và phẩm hạnh là yếu tố quan trọng nhất của một người, quyết định sự thành bại của cả một đời người. Chúng ta có thể thấy, trong lịch sử xưa nay những người thành công lưu danh sử sách đều có phẩm hạnh đạo đức cao đẹp. Để một người có được thành công trong đời thì việc đầu tiên, việc tất yếu, việc tối quan trọng chính là bồi dưỡng đạo đức. Dù tài giỏi đến đâu nhưng thiếu đi đức hạnh thì người đó có phấn đấu cả đời cũng chỉ là con số không, nếu như không muốn nói là con số âm.
Để một đứa trẻ có ý chí, nghị lực, phẩm chất đạo đức, những yếu tố quan trọng này không phải thông qua lời nói mà cần thông qua hành động của cha mẹ để cảm hoá con cái. Ngoài ra cũng còn một phương thức hỗ trợ tương đối đắc lực, đó là khuyến khích con cái đọc những tác phẩm văn học đạo đức nổi tiếng, những tác phẩm về nhân vật anh hùng, những bậc đại nghĩa ôm chí lớn xưa nay. “Văn dĩ tải Đạo”, văn học cũng chính là một phương thức để giáo hóa, trau dồi phẩm hạnh, bồi dưỡng nhân cách và đạo đức làm người.
Minh Vũ 
Theo Sound of hope


Mạc Ngôn - nhà văn Trung Quốc đạt giải Nobel văn học năm 2012 (ảnh chụp màn hình video https://youtu.be/l1PUF4CvmGg).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét