13 thg 3, 2020

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Chuyện dây cà ra dây muống


    
Bên rổ rau muống – Tranh: Thanh Châu  
 
   Mới sáng bảnh mắt ra đã có tiếng chuông “kính coong…kính coong…” dồn dập ba hồi hai nhịp, chạy trời không khỏi nắng, cụ Nhài biết ngay không ai ngòai cụ Đại “thầy cúng”. Sáng thứ bảy, chủ nhật nào cũng vậy, cứ bảy, tám giờ sáng cụ ấy đã có mặt, tay ly cà phê, tay điếu thuốc lá. Khiếp, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng, đúng là người nào tên nấy, giọng oang oang như lệnh vỡ. Nói cho ngay, cụ Nhài nhiều bận cũng bực với cụ này lắm, nhưng cụ là con mòng đóng tiền nước, tiền điện cho cụ bấy lâu nay. Lại nữa, không có cụ ấy gọi người này, kêu người kia, canh mạt chược lại thiếu chân. Nhiều khi dư tay, nhà bé bằng mắt muỗi nên ồn ào như cái chợ. Nhưng cụ cũng khuây khỏa được hai ngày cuối tuần, không có bà Chi, cụ Cường thì lại nhớ mấy cụ bạn già.
Gừng càng già càng cay, không biết đúng không, nhưng cụ phải công nhận các cụ cũng bát nháo lắm, vừa ngang vừa chướng. Chẳng bù với các cụ ta xưa qua những ngày còn con gái ở quê nhà, gặp mấy ông chú, ông bác như cụ non. Ông chú bốn mươi  đã làm lễ tứ tuần đại khánh. Ông bác năm mươi ậm ừ như trối trăn với ngũ thập tri thiên mệnh. Giỗ tết mấy cụ trịnh trọng khăn đóng áo dài, miệng bẩm cụ với kính cụ, cụ nào cụ nấy mặt mũi khó đăm đăm như hom hem lắm, câu trước câu sau nói như thở hắt ra: “Cũng gần đất xa trời rồi, sắp chống gậy về với ông bà”. Gặp con cháu từng ấy điệu bộ, phải tằng hắng trước cái đã, nheo nheo đôi mắt, từ từ như ông Từ vào đền và cũng từng ấy chuyện bao giờ cũng: “Ngày xưa…”.
Nay thì chính cụ và các bạn già cũng đang khập khiễng bước vào tuổi già. Cụ nào cụ nấy so đo tuổi từng canh, từng giáp, mặc dù đã bẩy mươi, tám mươi chứ ít ỏi gì. Khổ nỗi các cụ ông còn đốc chứng, nói hớ ra một câu là bắt bẻ, mấy cụ bà vạch lá tìm sâu, sợi tóc chẻ làm tư thì đã đành. Mấy cụ ông chỉ khư khư cho mình là đúng, cứ như thánh sống, chắc như cua gạch, còn ai khác chỉ ăn quàng nói xiên, ngữ ấy “i-tờ-rít”. Chán mớ đời là mấy cụ đây cùng câu bỡn cợt ấy, tuần trước không sao, tuần này mặt sụ xuống một đống, như bánh đa gặp nước, chả biết đâu mà lần. Ngồi xoa mạt chược, các cụ cãi nhau như mổ bò, vặc nhau như vặt thịt, nói cho cùng, các cụ có già thật nhưng vẫn tính nào nết ấy. Có cụ già không nết, chẳng cần biết có mấy cụ bà ngồi đấy, cứ nói văng mạng “già thì già tóc già tai, già răng già lợi, đồ chơi không già”. Trái khóay nhất là bữa cơm, mỗi cụ đòi một bát nước mắm có chết người không cơ chứ, cụ này không có ớt thì nói lẫy, cụ kia không có chanh lại dỗi. Dông dài vậy chứ cũng lắm chuyện bật cười, như hai vợ chồng cụ Phú chẳng hạn. Cụ Phú bà thảnh thơi ngồi xoa, cụ Phú ông ngồi chầu rìa. Hỏi sao cụ không đánh,  cụ nói xưa đi săn bắn, nay thấy nhà cụ treo mấy bức tranh con cọp, con nai nên cụ…”kiêng”. Có kiêng có lành đâu không thấy, một hôm cụ Phú bà có chuyện gì đó, cụ Phú ông ngồi vào thế chân, lại làm cái, cụ sút hoa, nhà con địa ù, từ đó cụ Phú bà cấm tiệt không cho mó vào quân bài mạt chược nữa.
Bất chợt cụ thở dài, mà không tin không được, như các cụ ta vẫn dậy: “49 chưa qua, 53 đã tới”. Cách đây mươi năm, ông chồng cụ mới bước qua tuổi 53, sau một trận thập tử nhất sinh, hết bệnh lại như bị chứng dở người. Suốt ngày nằm trong phòng nhìn mông lung, quá lắm là ra vườn, hái rau, nhặt cỏ dại, như người mất hồn. Đi xem bói thầy dậy mộ cụ tứ đại đầu bị gốc rễ quấn, nghe vậy chẳng biết sao. Nói cho ngay, tại số cả, vì thầy cụ, vì môn đăng hộ đối mà lúc này cụ bị cái nợ đồng lần. Rước ông chồng nhà giầu về rồi, ông cứ lười chẩy thây ra, suốt ngày cụ cơm bưng nước rót, chẳng bù với cụ Phú bà, được cụ Phú ông nâng như nâng trứng, hưng như hứng hoa.
Vườn nhà cụ cũng có dăm luống rau thơm, khóm ớt, khóm dong…chỉ thua ông bà hàng xóm dàn bầu, dàn bí. Nhưng riềng, lá mơ thì không thể thiếu với ông chồng khó tính khó chiều của cụ. Ông khó như giữ đóm đêm mưa, như hồi ông chưa bị dở người, khoản ăn uống như gỏi cá sống, phải đầy đủ một đĩa đầy ắp lá sung, lá bứa, lá ổi, lá muỗm…ông cứ tấm tắc khen ngon và bao giờ cũng gật gù, chêm một câu như nhắc khéo bà: “Gỏi cá sống phải có lá sung mới là…người Hà Nội”.
Mới đây cô Tầm Xuân nào đó viết trên báo: “Một thanh gỏi cuốn thiếu lá hẹ, lẫu chua không rau om, thì mất đi bao nhiêu hương vị đắng chát của món ăn”. Cô vun chuyện đàn ông như ông Võ Phiến cũng góp chuyện: “Thiếu mộc cái lá húng, một lát riềng là đĩa thịt cầy không còn ra đĩa thịt cầy nữa, thiếu chút lá chanh là hỏng con gà xé phay”. Mà ở cái xứ này thịt cá ê hề, cứ cơm nóng canh sốt là mát da mát ruột, cô Tầm Xuân lại cảm thấy trống vắng hơn khi một lần ngồi bên cái lẫu mắm kho của miền Nam mưa nắng hai mùa, để mưa thuơng nắng nhớ: “Đâu rồi bông điên điển, kèo nèo, rau dừa nước? Đâu rồi rau ngổ, hẹ nước, rau láy, hoa lục bình? Mùa này ở đây, hoa chuối, rau lang, tần ô không nói làm gì, rau má, càng cua xem chừng khó kiếm”. Mồng tơi lại càng chẳng dễ dàng gì, cô Tầm Xuân này còn ví von, bó mồng tơi lá rộng như tai dơi, lại còn thơ thẩn nếu đừng có giậu mồng tơi, hế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Cụ thì bầu dục chấm mắm cáy, nhưng nghe cũng nao nao, lại càng nhớ chốn bỏ đi, lại càng thương những giậu mồng tơi quang năm xanh lá, cùng rặng tre cuối vườn.
Nhà cụ ở quê hình chữ môn, cụ chẳng biết chữ môn méo tròn ra sao, chỉ biết nhà cụ là nhà gạch mái ngói. Chỉ riêng hai dãy nhà ngang trải dài và rộng rãi, một bên làm bếp thổi nấu, cối xay cối giã, xay lúa giã gạo, bồ thóc. Một bên là buồng kho, chật ních với bừa, cuốc, cào, cạnh là chuồng trâu, chuồng lợn. Gần hàng rào là ao cá, vườn sau um tùm với bưởi, bòng, sung, ổi. Gặp ngày mưa dầm thối đất thui trời, cụ nhặt nhạnh ít cây cỏ sau vườn để co bát canh bí buồn như canh bí chiều đâng ấy mà, vẫn theo ai đi đến cuối cuộc đời và bất giác cụ lại thở dài không đâu…Nhưng ấy là chuyện sau.
Chả là không phải lúc nào cụ cũng tẩn mẩn với cái ăn thức uống, cây nhà lá vườn. Ngay cả các cụ ta xưa cũng đã nặng lòng với ngọn rau ngọn cỏ…
Rau thơm, rau húng, rau mùi
        Thìa là, cải cúc, đủ mùi hành hoa
       Mồng tơi, mướp đắng, ớt, cà
       Bí đao, đậu ván, vườn nhà trồng nên
Bông không cụ lây dây tới câu ca dao “mình nhớ ta như cà nhớ muối”…Để cụ lần mò ra đến bờ ao “tương tư chẳng ốm cũng sầu, con ruồi đậu mép chẳng đau cũng buồn”, để rồi thẫn thờ đến các cụ ta xưa lại nhè anh chị rau muống ra làm tình làm tội:
Muống than thân muống
       Bứt đọt nấu canh
       Anh than thân anh
       Vợ con chưa có
Bảo cụ nhiều chuyện cũng tội cho cho cụ, nhưng cứ nghĩ mà tức anh ách… Chuyện là mấy bạn già dậy khôn cụ thời buổi bây giờ, muốn cho cây cao lớn phải “sì sầm” với nó. Chuyện xưa như trái đất vì thời thầy đẻ cụ ở quê nhà đã có tục “Khảo cây”, cho chóng ra hoa ra quả vào ngày tết Đoan Ngọ, mùng năm tháng năm. Cánh đàn bà vén váy leo lên cành giả vờ làm cây, cánh đàn ông đứng dưới gốc cầm cái gậy, vừa gõ vào cây vừa đối đáp, gọi dạ bảo vâng, cứ như phường chèo vậy, trẻ con như cụ được phen vỗ tay thỏa thích. Ấy thế mà hay, yêu cho roi cho vọt, chẳng phải “sì sầm” gì sất cả.
Trở về chuyện vườn tược, có lẽ gắn bó với cụ là ao rau muống cạnh hàng giậu thưa, có những buổi chiều, hồi còn con gái, cụ vẫn lẩn thẩn ra ngắm những bè rau muống lững lờ cùng những bông hoa tím nhạt. Mà có điều lạ là rau muống còn gọi là rau tần, dựa vào hai câu thơ của ông thi sĩ nào đó đi hát cô đầu ở Khâm Thiên nhìn ra cánh đồng thấy đầy những ao rau muống nên nẩy ra thơ…
Mưa bay trắng lá rau tần
       Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa
Cụ cứ chân quê theo các cụ ta xưa thì không gì ngọt ngào hơn câu “còn ai còn đó còn đây, còn ao rau muống thì còn chum tương”. Mưa nắng gì thì cũng chỉ có hai lọai rau muống, cấy trên nước cạn quanh bờ ao, lá xanh mỏng và cọng mềm trắng, nên gọi là rau muống trắng. Còn rau nổi trên mặt nước thành từng bè, cọng dài lá to, là rau muống đỏ. Khác nhau là cách nấu nướng, như thầy cụ chỉ thích gỏi rau muống, còn gọi là nham rau muống, mà cũng chỉ riêng đẻ cụ mới làm vừa ý thầy cụ thôi.
Đẻ cụ cắt ngắn từng hai đốt ngón tay, luộc rau cho tái, trộn với khế thái mỏng, bỏ vào mấy con tép, xong rắc mè rang, phủ dăm ba lá húng chũi, kinh giới. Khoản ăn uống thì thầy cụ khó tính như cụ gì ấy làm thơ, cụ này tới nhà bạn ăn tiết canh vịt, thấy thiếu rau thơm, cụ lò mò ra sân gạch nhà bạn, bóc lên mấy viên gạch để trồng rau thơm cho kỳ tới…Mà đẻ cụ cũng khó khăn chẳng kém, lá tía tô phải đi với bún riêu, và không thể thiếu rau muống chẻ. Đẻ cụ chẻ từng sợi một, bỏ vào nước, sợi rau sẽ cuốn tròn lại từng khúc và đặt nằm lót dưới bát chiết yêu. Cụ thì sao cũng được, đói thì ăn rau muống rau má, đừng ăn quấy ăn quá mà chết, nên cái bụng hơi cồn cào một chút là cụ làm rau muống sống, món này vừa nhanh vừa gọn, chỉ vặt bớt lá đi, để một nắm rau trên thớt, lấy chày đập một hai cái, cắt ngắn, cho vào chậu ngâm một lát rồi bỏ lên đĩa, cho ít dấm chua pha với nước lã, đường, muối, ớt, tiêu, lóang một cái là xong.
Ngòai ra rau muống xanh còn dùng để xào tỏi, xào thịt bò, canh khoai sọ, nhưng theo cụ, ngon nhất vẫn là canh rau muống luộc đánh dấm tỏi. Riêng rau muống đỏ cũng dùng để xào và luộc, nhưng thường thì để muối dưa chua. Năm nào giời dở chứng, gặp trận mưa sập sùi, mấy ngày mấy đêm, tuần sau lại nắng nong, nắng hanh nữa thì ôi thôi, cái giống này ngập đất, ngập vườn, chỉ béo cho đàn lợn sề, lợn ỉn.
                                  ***
Ấy, chuyện ao chuôm, vườn tược kể lể không bao giờ hết chuyện, thừ người ra một lát, cụ lại lan man đến cô Tầm Xuân, cô này văn vẻ có duyên đáo để, cô dẫn giải câu trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân, thế nên cô lấy Tầm Xuân là tên hiệu, ngỡ cô viết nụ tầm xuân này nọ, cô lại viết…muối cà:
“…Đã là người Việt thì ai mà không xiêu lòng với miếng cà muối chua chua, nhai cứ giòn xồn xột, thêm lá ớt đỏ tươi cay xé lưỡi. Hôm nào có bát canh rau đay, canh mồng tơi, thế nào cũng phải có được dăm quả cà muối quen thuộc như như ca dao, như hạt muối mỗi đời ta”. Tiếp, cô viết về tương Cự Đà, xong cô sắm nắm: “Buổi chiều đi làm về, ngồi bần thần nhìn mâm cơm, nhớ nhung những ngày tháng mầu tím hoa cà, miên man hòai niệm dai dẳng về người tình vừa bỏ ta đi…như những dòng sông nhỏ”.
Ôi chao, làng nước ạ, khốn khổ cái nhà cô này, hết thơ đến nhạc, cứ vấn vương lấp lửng làm cụ cũng “vương vấn” theo và đến đó là ngưng, có chết người ta không cơ chứ. Nhưng được như cô ấy cũng qúy hóa lắm rồi, ai như lũ con cụ, trứng đòi khôn hơn rận, không biết học lóm ở đâu, cứ như ngỗng đực ra: Cà  bát là cà Nghệ. Rõ thật chán. Mà nào có gì đâu, cà phải gọt sạch nuốm, ngâm vào vại, mà vại cà nào chẳng có nước, có dấm, nêm chút muối, chút đường. Chỉ khác một nhẽ cà muối sổi thường là cà pháo, nếu là cà bát thì cắt ra từng miếng, cho thêm mấy nhánh tỏi dã dập để cho cà trắng, cụ vẫn nói cà phải trắng phau, ròn tan mới ngon mắt, sướng mồm. Rồi đậy bằng cái vỉ tre, hai ba tuần mới lấy ra ăn. Còn cà nén thường là cà bát, đừng quên cho thêm vài củ riềng giã nhỏ để có mùi thơm, rồi dùng cối đá nén khỏang hơn một tháng để trái cà dẹp lép, vì vậy các cụ xưa ta vẫn thường ví von là: “cà riềng, cà tỏi” là vậy.
Nhắm khi cụ ngao ngán chả biết lúc suôi tay nhắm mắt, mấy món của ông bà mai này cũng sẽ mai một. Các cụ nhớ nhà, nhớ quê, nên mang cả vườn tược qua đây, ngò thơm, húng quế cũng theo chân các cụ, chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai. Đất lạ quê người, các cụ có thể đổi cách ăn mặc, đổi tính đổi nết, nhưng món nào thức nấy, không thể bỏ và cũng chẳng đổi thay, như đã đeo đẳng các cụ từ đời này qua đời kia, như ăn trầu phải quét tí vôi cho đậm đà, cay lưỡi đỏ môi. Nên lúc nào rảnh rỗi cụ ba điều bốn chuyện với các con cụ: Cũng là cà nén, nhưng được ướp với tương, không cần nén nữa, mà dùng cái vỉ đè lên cho cà chìm xuống, chừng dăm bữa, nửa tháng mang ra, mà đừng có nhanh nhẩu đỏang, phải rửa sạch, nặn hết hột, vắt ráo nước, thái từng miếng, ngâm với tỏi, ớt, đường…Đến lúc này, tụi nó mới xúyt xoa, còn nhái lại cụ nữa anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương….
Bỗng không cụ chợt nghĩ đến cụ Đại, tết này từ quê nhà về, nếu cụ có có mang qua  được ít cà trái thị hay cà Nghệ thì thế nào cụ cũng làm cà muối sổi cho cụ ấy sơi, chỉ ba bốn bữa là xong tất. Hai giống cà này cùi dầy, ít hột, chấm với mắm tôm chanh, ớt tươi, thêm vài lá kinh giới, nếu có được nồi cơm ré hoa đỏ,  chắc mẩm cụ ấy sẽ phục cụ sát đất. Gái làng Trạo Hà, huyện Đông Triều chứ đâu có thua ai, dẫu sao cụ chẳng có một thời, ngát thơm hoa sói hoa nhài, chẳng thanh lịch cũng con người Tràng An. Ấy đấy, cụ với cụ Đại, thỉnh thỏang vẫn châm chọc nhau vậy, nhiều khi còn quan anh, quan bác, cứ như quan họ Bắc Ninh không bằng. Cụ tủm tỉm cười vì cụ Đại có lúc ma mãnh như trẻ con, cụ chúa ghét khuôn mặt ủ dột của ông chồng cụ, bảy ngày chỉ thấy trời mưa…
                                       ***
Ấy mà cụ chả hiểu cụ Đại mấy lúc gần đây, cứ nhong nhóng cưỡi hạc về quê, đi như đi chợ. Mới năm ngóai thăm người tình cũ, từ Hà Nội về mặt mày méo sẹo, than thà đừng về thì hay hơn, vì còn giữ những hình ảnh đẹp. Bây giờ lại thậm thụt ở Sài Gòn, nghe các cụ kháo nhau, chuyến này tậu bò lại được cả bê. Thế là cụ cơm niêu nước lọ: “Ối giào, trò đời đàn ông như cái nơm, chòm chọp úp xuống cầu may ấy mà”. Các cụ ông cãi văng chẳng ăn chẳng chơi, nửa đời cũng ra ma, chết hai tay cắp đít. Nên cụ câm như thóc ngâm, nhưng bụng rủa thầm ăn cỗ nhờn môi rồi, mèo mả gà đồng, ông nào chẳng có. Cá mè một lứa cả, cái ngữ ấy trước sau gì cũng được chim bẻ ná, được cá quăng nôm ấy thôi. Cụ lại ấm ức, nào ai biết ma ăn cỗ, có mà giời lần…
Chả phải soi mói gì, có lần cụ được cụ Đại cho xem cái hình đen trắng đã ố mầu vàng khè. “Cô nàng” răng đen hạt na, người vừa gầy vừa khô, cái điệu này, các cụ xưa ta vẫn dậy khô chân, gân mặt, đắt tiền cũng mua. Cụ chặc lưỡi, các cụ ta gả vợ lấy chồng cứ như là mua trâu mua lợn ấy. Xem đến cái hình thứ hai, cụ bấm bụng không dám cười, ai lại người đứng thẳng đuỗn như con trạch phơi nắng, đầu quấn khăn vành giây, mặc áo tứ thân, bụng đeo lủng lẳng cái xà tích bằng bạc của các cụ ăn trầu. Mà giời đất ạ, tay thay vì cầm cái nón quai thao, thì “cô ả” cầm cái…quạt mo, thế có chết người không chứ. Có một cái Tết, cụ Đại dẫn vợ lại mừng tuổi. Nói chuyện một hồi lâu cụ thấy cũng không đến nỗi nào, cũng biết đầu biết đũa. Không phải tạng chém to kho mặn hay rán sành ra mỡ, còn hơn chán vạn mấy bà em chồng của bà, lúc nào cũng cho đơn đòi kép, bóc ngắn cắn dài. Cụ hỏi dò vợ chồng cụ Đại chả có chuyện đá thúng búng nia, mà cụ Đại cũng chả khó khăn cho mấy, bẻ hành bẻ tỏi gì cho lắm như ông chồng cụ, nên cứ sồn sồn năm một. Nghĩ cho ngay vợ chồng cụ Đại cũng hay, chẳng khác gì: “Vợ chồng như đôi chim cu, chồng đi trước vợ gật gù theo sau”. Để rồi cụ lại lan man đến thân phận cọc cạch như đôi đũa lệch của mình “Tiếc thay hột gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà”. Bỗng dưng cụ tiếc nuối đến ngẩn ngơ. Hay là cái tên nó vận vào người vì nhài trong Nam gọi là lài, hoa lài lại giây mơ rễ má đến thài lài cứt chó.
Khi không cụ thậm thượt sao bây giờ cụ Đại lại dở chứng ếch vồ hoa mướp thế này, thế kia. Hay là cụ ấy có duyên ngầm, cái này thì cụ không biết. Nhưng cụ phải công nhận một điều, mặc dù ăn to nói lớn nhưng cụ nói chuyện đâu ra đó, có vần có điệu, nhất là khi cụ kể chuyện Tàu, điển tích điển cố vanh vách, lâu lâu còn chêm vào hai ba câu thơ Đường. Và cụ chịu chết, mặt ngây ra không hiểu ất giáp gì cả, cứ như chúa Tàu nghe kèn, nhưng nghe mãi rồi cụ cũng thấy hay hay.
Qua giêng, thêm một năm mới, dạo này cụ chán chả thiết đến ngày tháng, ăn chả thấy ngon, nhiều sáng dậy, cả người cứ ê ẩm, lừ đừ như người ố giả vờ ấy. Ấy nhưng hôm nay, tự dưng cụ cảm thấy nhẹ mình nhẹ mẩy, cũng có thể vì nắng ấm, chim chóc lại về nhiều, ríu ra ríu rít với nhau cả một góc vườn và cụ cũng vui lây.
Vào xuân cả non tháng rồi, mà trời vẫn còn gây gây lạnh, thẻo vườn của người chủ trước, cái thác nước lù lù một đống như mả Đạm Tiên, cụ dẹp quách nó đi cho đỡ chướng mắt, còn cái hồ, cụ đổi béng ra cái “ao” rau muống cho gọn nhà gọn cửa. Mới sau cơn mưa đầu mùa kéo dài cả tuần lễ, lại gặp nắng hanh, những cọng rau to bằng ngón tay út, lá bằng ngón chân cái, dài như lá tre ngoi dài ra khỏi bờ và bò lổm ngổm trên mặt cỏ, cứ như rau muống đỏ vậy, chả là nắng tốt dưa, mưa tốt lúa ấy mà. Hay là muối cho cụ Đại một hũ dưa chua, cũng chẳng mất công gì nhiều, thêm chút rau cần là xong ngay ấy mà. Nhưng cụ biết cụ Đại thích làm theo kiểu người Nam, cũng dễ thôi, thêm ít giá sống với rau răm và hẹ. Thường thì ở quê cụ, vẫn muối rau muống với rau ngổ trâu vì hai cái giống này, lạ một cái là hay mọc chung với rau ở ao nhà.
Còn luống cà góc vườn, mới cuối đông, tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà. Cụ lấy hột cà phơi khô từ năm ngóai, ủ vội ủ vàng bằng cỏ khô để ươm, có lẽ tưới bằng nước vo gạo nên nay đã có hoa tím lơ thơ, đúng là mầu tím hoa cà, trông đến mát mắt. Vừa tẩn mẩn làm vừa nhớ lại ở quê nhà, đẻ cụ lấy mấy trái cà to, già và vàng, buộc giây vào cuống, treo lên cột cạnh nơi xó bếp. Tới cuối đông, đẻ cụ lấy xuống và bổ ra, lượm hột, giầm đất, rắc hạt cà xuống, ủ trên một lớp rác thật mỏng. Khỏang một, hai tuần cà bắt đầu mọc, khi mọc được mấy lá thì đào lên và cấy cách nhau khỏang ba, bốn gang tay và tháng sau là cà ra hoa. Khốn khổ nhất là cụ, hồi nhỏ, cứ phải canh mấy ả gà mái ghẹ béo nung núc dẫn con đi kiếm giun, kiếm dế, đào xới cứ vung vãi cả lên. Thêm mợ ngan mỏ đỏ nằm ổ, bì bạch kéo lê đào sới nữa, thì lạy chúa tôi, nhiều khi tan hoang cả một khóm cà. Nhưng được cái là cà vươn lên vùn vụt, xum xuê, sai trái hơn cà bát, cà trái thị, cà trái găng sọc xanh, mấy giống này chỉ được cái to xác, mỗi cây ba, bốn trái là nhiều.
                                          ***
Cụ vừa nhặt rau vừa vẩn vơ về khóm cau, khóm chuối quê nhà…Bất chợt, đằng “ao” rau muống, có tiếng kêu ồm ộp của con cóc ở một hóc hẻm nào đó cất lên rời rạc, được một lát có tiếng kêu của một con khác đáp lại ở góc vườn. Cụ lắng tai nghe hình như một con đực, một con cái, ngừng một lát như thăm dò, rồi chúng lại thúc giục gọi nhau, rồi lại đứt quãng. Tiếng con đằng góc vườn thanh và ngắn hơn, theo cụ nghĩ thì e dè hơn, cụ đóan chừng là con cái. Còn con đực thì ve gái như giã chầy giã cối, lúc khoan thai, lúc dồn dập như thôi thúc, mời gọi. Hay là trời sắp có cơn giông, “ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước” ấy mà…Mà cũng lạ, không hiểu sao chúng cứ nhè gọi nhau vào lúc trời sắp mây mù mưa gió, giống vật cứ như người vậy, nào ai biết, nhất là bây giờ lại lác đác có mưa xuân để mây mưa.
Phải gió phải giây thế nào chả biết nữa, bỗng không cụ nhớ lại vợ chông cụ Đại lù khù như vợ chồng như đôi chim cu, chồng đi trước vợ gật gù theo sau. Từ đôi chim cu đất, cụ chợt nhớ đến truyện đôi chim bồ câu của bà giáo Bồng.
Chuyện là đi chợ cụ vẫn thường nhặt nhạnh báo chợ, báo chùa để đọc cho qua những ngày vắng gió đìu hiu với ông chồng  như con gà rù. Một ngày cụ đọc được “Chim bồ câu ngọai tình” này, suốt  đêm cụ thao thức, cứ lửng lơ lặng lờ….
“…Chung thủy như chim bồ câu, từ tấm bé, chúng tôi được ông bà, cha mẹ bảo thế, lớn lên đọc sách cũng nghe nói như vậy, rồi sau này là nhà giáo, dạy học trò (bà giáo Bồng), dạy con cái cũng không ra ngoài cái khuôn thước ấy. Cho đến một buổi trưa năm 1978, vào thời gian sống trong chung cư, tôi mới ngớ người ra. Điều được nhìn thấy rõ rành rành, vì nó trái ngược quá, nên tôi phải mời một bạn hàng xóm là giáo sư Nguyễn Xuân Hiền, ra sân sau cùng quan sát. Đầu đuôi thế này:
Gia đình chúng tôi có một chuồng nuôi chim bồ câu hai ngăn. Sau khi nuôi được một đôi xám, chúng tôi nuôi thêm một đôi nữa mầu trắng, không may con chim mái mầu trắng chết. Ông nhà tôi nhiều lần phải nhắc mua ngay một con mái khác để ghép đôi, cho con góa khỏi bay mất. Nhưng vì bận quá, tôi cứ chần chừ mãi, cũng may con góa vẫn lủi thủi sống một mình.
Buổi trưa hôm đó, tình cờ tôi ra sân sau, nhìn vào chuồng con góa thì thấy không phải một mà là hai con, đang quấn quýt, huơ mỏ tỏ tình với nhau: “Chắc là con mái nhà ai lạc vào”, tôi nghĩ như thế và định lại gần để xua nó đi. Tôi chưa kịp nhấc chân thì từ ngăn chuồng ấy, một con chim mầu xám đi ra: Đúng là chị chim cái lông mầu xám nhà mình, lúc này anh chồng nó đang vắng mặt. Tôi sững sờ và nghĩ mình trông lầm, để kiểm chứng, tôi quay vào nhà lấy một nắm đậu tương mà chúng rất thích, và cho vào cái máng ăn chung đặt trước hai cửa chuồng. Anh góa nhòai ra cùng ăn với chị chim mái, vui vẻ lắm, chẳng có chuyện ai giành ai, bỗng anh chồng quay về, cũng sục vào ăn.
Lạ chưa, chị vợ bỗng nhiên nhẩy bổ vào anh góa, mổ lia lịa vào đầu vào cổ “Có thế chứ,  đúng là mình nhìn lầm” và hình tượng chung thủy của họ nhà chim bồ câu, lại trở về ngự trị trong đầu óc, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Ăn xong, anh chồng lại bay đi, anh góa toan quay vào thì chị xám tới gần chàng và lần này thì việc tỏ tình, diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, chẳng cần giấu giếm. Tôi bèn kêu ông bạn giáo sư hàng xóm qua cùng chứng kiến. Chúng tôi vừa quay ra sân thì thấy đôi chim đã đưa nhau vào “tổ ấm” của anh góa. Bạn tôi lè lưỡi: “Ôi, chim chóc cũng hiện đại quá nhỉ”. Tôi không hé răng, mân mê một nắm đậu tương nữa, chờ anh chồng quay về và anh chồng vỗ cánh phành phạch bay về thật, nhưng trước đó mấy giây, chị vợ đã có mặt ở trước cửa để đón.
Và cảnh chị vợ mổ anh góa tới tấp lại diễn ra, chuyến này có phần hăng hơn. Đến khi anh chồng bay đi thì việc tình tứ lại tiếp tục như không có gì sẩy ra.
Sáng hôm sau, tôi lên chợ Bắc Qua mua một con chim mái để ghép đôi cho anh chim góa, nhưng lý do vì hấp tấp và lơ đãng, tôi mua phải chị già mầu nâu và tệ hại hơn nữa là mỗi bàn chân chỉ còn có hai ngón, bước đi cứ khập khiễng. Tôi bỏ chung vào chuồng anh chim góa rồi lấy các thanh nứa ken cửa lại, chắc mẩm chỉ vài hôm sau, chuyện sẽ ổn, không ngờ anh góa mổ con nâu rất dữ, buộc tôi phải mở cửa ra từng lúc để giữ nó trên tay, chờ cho anh góa nguôi nguôi mới lại thả vào.
Ngỡ chuyện ghép đôi của chim là đơn giản, chỉ cần ghép trống với mái là xong, ai dè! Anh góa không chịu sự có mặt của con mài nâu trong “lều tranh” của nó, ban đêm, con mái nâu phải ngủ trên thanh gỗ đầu hồi, một đêm rét quá, nó chết rơi xuống đất
Một thời gian sau, cô xám sang hẳn bên “tổ ấm” của anh góa, ngày cũng như đêm, còn anh xám, ngày ngày đi kiếm ăn xa, tối về nằm chèo queo một mình”.
        Cụ nhớ rõ như in đọc xong chuyện này, cụ thấy cái tựa đề với hai chữ “ngọai tình” có vẻ quá quắt lắm. Cụ cũng “sững sờ” như bà giáo vì chim chóc gi mà quái quỷ thế. Đến chuối sau cau trước này cụ cho là chỉ có con người ta thôi…Tiếp đến, chả biết nghiệp ngão thế nào cụ cứ như người đi trên mây, mặc dù đang ở vườn nhà, nhưng cụ thoáng nghe đâu đây có kẽo kẹt của cái võng, tiếng ru à ơi sau rặng chuối bên hè….
Chồng chị là ai
       Chị nào có biết
       Đợi đến ngày mai
       Dòm sang kẻ liếp

Cụ lặng lờ với…dòm sang kẻ liếp rồi vội xua đuổi ngay ý nghĩ…chim bồ câu ấy đi. Qua hình ảnh dậy học của ông giáo Hiền và  “bà giáo”, qua bà giáo Bồng, bỗng dưng cụ Nhàn cảm thấy gần  gũi và gần như quen thuộc qua những tiếc nuối vu vơ.
Hái mớ rau muống, rửa sạch, cắt thái và ngâm xong hũ dưa chua cho cụ Đại, cụ ngồi thừ người không biết đong đẩy chuyện gì nữa đây. Mà cụ Đại này như muốn trêu ngươi cụ sao ấy, giờ vẫn chưa vác mặt tới, tuần trước chốn chui trốn nhủi ở xó xỉnh nào rồi, người gì cứ ẩn hiện như ma. Cụ vừa định gọi điện thọai réo thì có tiếng chuông ba hồi hai nhịp, cứ như ma xó ấy, chưa thấy người đã thấy tiếng.
Chả biết chuyến này cụ Đại thửa đâu được cái điếu cày, cụ Nhài chả lấy làm lạ! Ối dào, trước sau cũng chỉ là ống tre bánh tẻ, một đầu có mấu để đựng nước, đáy có khóet lỗ để gắn cái nõ điếu. Vậy mà cụ Đại cũng hí hóay tháo cái nõ điếu hình cái phễu, chỉ chỏ cuối ống phễu tỏe ngang như chiếc guốc, miệng hít hà, hút kêu giòn hay không ở cái guốc điếu. Làm như cụ không biết gì về cái điếu cầy, cụ vê vê một chét thuốc nhỏ bằng hột ngô để vào miệng nõ điếu, lấy ngón tay ấn nhẹ cho chặt, rồi châm lửa hít mạnh, cái điếu kêu nghin nghít như người hen tắc cổ, như lợn enh éc kêu. Xong, ngẩng đầu lên trần nhà, phun khói mù mịt như rồng phun mây.
Nhìn thấy cái điếu cày và ngửi mùi thuốc, cụ Nhài ngộp thở chóang váng…
Cụ nghĩ trong đầu, lát nữa cụ sẽ kéo cụ Đại ra vườn, không phải để nói chuyện hút thuốc trong nhà hôi inh cả lên. Mà cụ muốn kể cho cụ nghe một chuyện khác…
Chuyện dây cà ra dây muống…
“…Thằng còi cun cút chạy qua nhà cái gái để xin lửa hun bếp, rồi lại ba chân bốn cẳng chạy về, vừa chạy vừa thổi phù phù con cúi rơm, tia lửa tóe ra, khói bay từng sợi. Lắm khi vừa bước vào đến bếp, sắp sửa bén qua bó bùi nhùi thì mồi lửa tắt ngúm, mặt thằng còi thuỗn ra. Nếu vì nhúm lửa mà phải lội qua ba cánh đồng, nó cũng không ngại, mà ngại nhất là chạm mặt thầy của cái gái.
Làng trên xóm dưới gọi thầy cái gái là ông Quản Tây, nghe nói xưa kia ông là lính thợ, đi tầu thủy qua tận bên Tây. Về làng, mỗi lần có lễ mà tiếng Tây tiếng u gọ là “cắt tóc phi dê” gì gì ấy, trên đồn Tây treo cờ tam tài mới hơn ngày thường, kèn đồng thổi tò te tí te vọng xuống làng mạc. Thì y như rằng là ở dưới này, ông Quản Tây diện óach một bộ đồ dạ mầu đất sét từ chân tới đầu, quần dạ, áo dạ, đính cúc đồng, mũ chào mào, đội lệch qua một bên. Trời nóng cũng như lạnh, bao giờ cũng khóac ngòai cái áo “ba-đờ-xuy” mầu cứt ngựa, tay chống “ba-tong”, chân đi giầy “săng-đá” gõ cồm cộp.
Nhờ có tiền Tây, ông mua ruộng ruộng sâu bát ngát giữa đồng, nhà gạch mái ngói bề thế, trong nhà sập gụ chân quỳ, trải chiếu hoa cạp điều, dưới hai chái nhà rậm rịch lợn đàn trâu nái. Hàng xóm láng giềng được thể lời ong tiếng ve mọc mũi sủi tăm ấy mà, Tây với Ta, đũa chống trời, để rối cứ chống mắt lên mà xem. Lại nữa, nghe nói ông có vợ đầm xòe ở “Mạc-Sây” ở bên Tàu bên Tây gì đó, xóm giềng láng tỏi lại được một phen nói kháy, cái thứ mặt mày thô vụng ấy ai mà dám lấy. Già kén kẹn hom mãi ít lâu sau, ông Quản mới lấy bu cái gái. Ông ở nhà suốt và chỉ chơi thân với ông bá hộ.
Ngược lại bố con thằng còi nhão nhào như: “cơm tẻ, mẹ ruột, bán vợ, đợ con, cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới… “. Ngày lui tháng tới của bố con nó tùy theo mùa, bố nó làm thuê cho làng, mùa thì bè ao, lợp nhà…rồi mùa cầy mùa cấy. Bố nó ai cũng biết là khéo tay khéo chân, đen chui chủi, lúc nào cũng khăn quấn đầu rìu, quần sắn móng lợn. Còn nó thì còi cọc, gầy đét như con mắm, lại vụng về, cái nôm sộc sà sộc sệch, nó loay hoay thế nào cũng lợn lành hóa lợn què.
Đến vụ mùa cấy mạ, gặt lúa, nó khoái tỉ nhất theo bố nó qua nhà cái gái đập lúa, hai đứa cứ tung tăng lấy rổ, rá chụp muôm muỗm, cào cào, châu chấu. Với nó thì cào cào rang, bùi và béo ngậy như ngô nướng vùi trong trấu đỏ hồng. Sướng tê nhất là những ngày giáp Tết, sang nhà cái gái xem bố nó dựng cây nêu, treo cặp bánh chưng xanh, chuỗi pháo đại đỏ hồng, câu đối và cái phướn lồng lộng bay trong gió như rồng bay rắn lượn. Lại nữa, cái gái mặc áo mới, quần trắng ngắn cũn cỡn, tóc bím, cổ đeo kiềng vàng chóe, nó nhìn không chán mắt. Tết nhất, bố nó vừa đặt cái cánh cửa ở bờ ao để mổ trâu thì nó đã chực ở đó rồi, để vớ cái đuôi trâu, ít nữa phơi khô, đập ruồi thì phải biết, cứ lăn quay như rạ. Thọc tiết lợn, lợn nái, lợn sề, lợn độc, nó thuộc làu làu, nhớ vanh vách vì ba cái bong bóng lợn. Bố nó tất bật quanh năm, cũng ngày hai bữa, bếp đỏ hai lần. Muốn bếp đỏ thì cứ phải chạy qua nhà cái gái xin lửa, mà cái con ranh con này, quỷ tha ma bắt, cứ bắt nạt nó như nhện bắt ruồi vậy. Mà nó lại thích mới lạ và sau này bỏ làng, bỏ nước mà đi…Nó mới thấm.
Đâu đó được dăm mùa gặt, nó không nhớ. Cá chắm đắm vì con, bố nó nhắn bá nó từ Hải Phòng về đón nó để đi học. Bá nó bán hàng xén, đi học về phải bế em, gớm cái con này béo nung núc nó bế vẹo cả xương sườn. Thằng còi lại nhớ đến cái gái, thể nào cũng nó cũng vòi bá nó cho bằng được cái gương tròn, sau lưng bọc thiếc, có hình cô đầm môi son đỏ chót ở trong gánh hàng xén của bá nó.
Với chuyện đi hoc, nó quen với thằng con ông bá hộ người cùng làng, giàu nứt đất đổ vách. Sau này lớn lên nó mới biết “bá hộ” là chức phẩm hàm, như cửu phẩm văn giai, ai có tiền mua để lấy danh, để họp làng ngồi chiếu trên. Cuối cùng trầy da tróc vẩy mãi, nó và thằng con ông bá hộ giầu nhất làng cũng cuỗm được cái bằng tiểu học. Vì nhớ nhà, thằng còi muốn trở lại với đồng ruộng vì ở đấy có bố nó, có cái gái, vả lại bây giờ nhớn rồi, nó cũng có những khỏanh khắc ngong ngóng, nhơ nhớ. Về đến quê, sau mấy năm cũng nhiều đổi thay, chính nó cũng đã thay đổi. Ngày về qua chào thầy bu cái gái, nó diện kẻng, túi khăn mùi soa, lược sừng có cán giắt quần, nó không còn lọ như ngày nào nữa. Mà cái gái cũng khác lạ, hàm răng hoa cau, dáng cá trắm, nở nang chắc đậm. Thêm một điều lạ nữa là bu cái gái, áo nhung quần lĩnh để ra đón nó, cứ như đi chẩy hội đầu năm, cũng cơi trầu, khay nước, cứ y như là nó đi coi mắt cái gái vậy, chuyện trò như pháo rang, lại ân cần gọi nó là: Anh Giáo, làm nó sướng tê.
Chuyện thằng còi với cái gái chỉ có vậy, chẳng có gì hay ho, nó cũng chẳng biết mầy mò gì hơn. Còn cái gái cũng không hơn gì nó, chỉ được cái dấm dúi cho nó khi bát canh bí chiều đông, lúc hũ cà nén to đùng. Thằng còi chỉ nhớ, gần gũi nhau thì ít, hai đứa hờn dỗi nhau thì nhiều. Mà cái gái thì mau nước mắt, mỗi lần như vậy và lần nào cũng thế, nó lại dơ tay thề thốt, chỉ độc một câu thuộc nằm lòng “Trèo lên cây ớt, rớt xuống bụi hành. Ai chẳng lòng thành, hành đâm lủng ruột” hoặc ấm ớ: “Đứa nào nói dối, ông Táo đội nồi cơm”. Được cái bụng để ngòai da, nói sau quên trước nên cái gái lại quên ngay, không hờn với nó nữa. Nhưng có một chuyện, nó nhớ mãi, một lần nó đứng sau hè, nghe lóm được hai mẹ con nhỏ to trong bếp: “Chịu khó tập bếp núc đi là vừa, sắp làm…cô giáo rồi đấy…”. Và người nó nhẹ như bông như bấc, đến cả mấy ngày.
Nhưng niềm vui chẳng trọn vẹn và chẳng kéo dài bao lâu thì một tối, bố nó ngủ và chẳng bao giờ dậy nữa. Gia tài bố nó để lại, không ngòai vật bất ly thân, sáng cũng như chiều, nắng cũng như mưa, lúc nào bố nó cũng dắt ở cặp quần. Đó là: Cái điếu cày.
Sau khi bố nó mất cả năm, mỗi buổi chiều nắng tắt, thằng còi thường lơ đãng nhìn qua bên kia hàng giậu duối, là ao rau muống nhà cái gái. Nó vân vê một viên thuốc, từ từ nhấn nhè nhẹ vào cái điếu cày. Rút cái nan của bức phên liếp bên cạnh, nó chậm rãi châm lửa, thuốc bén, và hít một hơi thật dài. Có tiếng kêu tròn vo, như có tiếng nói lao xao không phải của bố nó mà là của cái gái. Và như quen thuộc, nó ngửa cổ phà nhẹ lên khỏang không, như có…khói vàng bay lên cây, như khói bếp thở trầm ngâm trên mái rạ, cũng bên kia hàng giậu.
Chuyện gì đến phải đến. Vào một đêm có trăng, có gió…
Chiều đi dậy trường làng về, ghé thăm thằng con ông bá hộ nhưng không gặp. Về đến nhà trời chưa tối đèn đã có tiếng bác thợ đập lúa ơi ới gọi vọng sang:
– Anh giáo…Anh giáo…Cụ Quản nhắn tối nay, anh qua hầu chuyện cụ.
Gớm ghiếc, ông bố vợ phải đấm tương lai của “anh giáo” cũng quan cách khiếp, hầu chuyện mới chẳng hầu chuyện, và nó lờ đi vì nó dội mấy gáo nước, tắm táp qua loa rồi lững thững qua nhà cái gái. Qua gặp ông Quản, chợt nó thấy cái điếu cầy bằng gốc tre gộc dựng ở chân cột. Nó đang ngờ ngợ cả làng chỉ con ông bá hộ có đước điều cầy cổ quái này, đang đoán già đóan non thì ông Quản đi ra, miệng phì phèo cái tẩu thuốc Tây. Sau khi nhả khói mù mịt xong đâu vào đấy rồi, ngửa mặt lên trời âm ử…Thằng còi chóang người như muốn ngã người ra, giống in hịt như ngày nào còn bé tí, nó đuổi nhau với cái gái ngòai sân gạch, trời mưa, trượt chân, nó ngã bổ chửng ra đau điêng.
Ông Quản hết ngửa mặt lên trời, đên nhìn ra cái ao và ậm ừ từng tiếng một…
Con cóc nằm góc bờ ao
Lăm le lại muốn đớp sao trên trời
Và nó chóang người thật…Từ đầu đến chân, người nó khô ran như cục đất nung.
Ngòai kia, gió thổi vu vơ trên những lùm tre như vàng xác, càng khiến cái sân trống vắng đến ngẩn ngơ và mặt trăng từ từ ẩn nấp sau đám mây. Trời như tối sầm lại.
Đêm về khuya, thao thức và trằn trọc, thằng còi cứ chập chờn và bên kia hàng giậu, cái chầy cứ nhởn nha nện từng nhát một ”thịch…thịch”. Nghe buồn bã rã rời, như cái cối đang ngủ gà ngủ gật. Và bất chợt, nó thở ra như bò thở:
Một mình giã gạo giữa trời
       Cám bay phảng phất, thương người đằng xa
                                           ***
Gân đây, trong một canh mạt chược, cụ Đại kể chuyện trước 54 có ông bạn sang tận bên Tân thế Giới. Ông bạn có hồi làm hiệu trưởng một trường tiểu học ở bên ấy.
Một công đôi chuyện, cụ Nhàn muốn nói cho cụ Đại hay biết:
– “Anh giáo” của cụ cũng đang ở bên Tân thế Giới.
Tối hôm đó, thóang thiếp đi một lát, cụ như người đi trong mơ, thấy mình lửng lơ ra vườn sau, cụ không trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…Lững lờ ra cái ao trước nhà, cụ chẳng đi tìm bè rau muống cọng mềm trắng, lá xanh mỏng. Cụ chỉ thấy đôi chim bồ câu, một con xám, một con trắng, đang ẩn hiện sau hàng giậu duối. Niềm mơ ước của cụ bây giờ là nhặt được lá…lá diêu bông có thật.
Thạch trúc gia trang
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét