Những Người Bạn Sư Phạm Saigon
3 thg 3, 2020
Cơn sốt Quốc học ở Trung Quốc (Nghien Cuu Quoc Te )
Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Nỗi long đong lận đận của Quốc học Trung Quốc
“Quốc học” là từ ngữ riêng của người Trung Quốc (TQ), hiện chưa có định nghĩa thống nhất, thường được hiểu là văn hóa và học thuật truyền thống Trung Hoa. Người TQ dùng từ “Quốc học” để phân biệt với “Tây học” tức văn hóa và học thuật của phương Tây.
Quốc học bao gồm các học thuật của TQ cổ đại như triết học, sử học, tôn giáo học, văn học, lễ tục học, khảo cứ học, luân lý học, y học, nghệ thuật sân khấu, thư họa, thuật chiêm tinh, thuật tướng số, v.v… Nhìn chung nói Quốc học là nói văn hóa truyền thống, văn hóa dân tộc Trung Hoa.
Văn hóa dân tộc có nhiều loại hình, trong đó văn hóa tư tưởng chiếm vai trò quan trọng nhất, có tác dụng chi phối các loại hình văn hóa khác. Tư tưởng truyền thống của TQ có 3 phái chính là Nho gia (hoặc Nho học; ta quen gọi Nho giáo), Đạo gia và Pháp gia.
Nho giáo do Khổng Tử sáng lập 2500 năm trước, có ảnh hưởng lớn nhất tới xã hội TQ, cũng ảnh hưởng lớn tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Sách kinh điển số Một của Nho giáo là Luận Ngữ, gồm những lời dạy của Khổng Tử do các học trò chép lại, được coi là Kinh Thánh của TQ. Học thuyết Khổng Tử có 5 nội dung chính, gồm các quan niệm Lễ, Nhân, Trung Dung, Thiên Mệnh và tư tưởng giáo dục; được nhiều người kế thừa, phát triển, trong đó Mạnh Tử có công lớn nhất; vì thế Nho giáo còn gọi là Đạo Khổng Mạnh.
Hầu hết người TQ cho rằng học thuyết Nho giáo là nội dung chủ yếu nhất của Quốc học, cho nên nói Quốc học tức là nói Nho giáo. Quốc học dựa trên nền tảng là các kinh điển thời Tiên Tần. Tại TQ, Phật giáo là tôn giáo lớn có vai trò quan trọng, văn hóa Phật giáo được coi là một thành phần của văn hóa truyền thống TQ, nhưng học thuyết của đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ không được coi là thành phần của Quốc học Trung Hoa.
Khi văn minh phương Tây du nhập vào TQ, hai đặc điểm chính của nó – dân chủ và khoa học – đã làm giới trí thức TQ tỉnh ngộ, hiểu ra văn hóa truyền thống TQ quá khác, quá lạc hậu so với thế giới. Mặt khác, sức mạnh quân sự của các đế quốc phương Tây đã làm chính quyền nhà Thanh phải khuất phục một cách nhục nhã, lãnh thổ TQ bị nước ngoài xâu xé. Tầng lớp tinh anh TQ thấy rõ bất cứ loại hình văn hóa truyền thống nào của mình (Nho, Đạo, Pháp, Phật…) đều không thể cứu được TQ, thậm chí còn là gánh nặng hoặc vật cản cần vứt bỏ; họ cho rằng muốn thoát khỏi nỗi nhục mất nước, TQ chỉ có một con đường duy nhất là bắt chước Nhật Bản học văn minh phương Tây, hiện đại hóa nước mình về mọi mặt, trong đó có học thuật.
Từ đó Nho giáo bị chính người TQ phê phán, hạ bệ, coi là cặn bã của chế độ phong kiến. Văn hóa truyền thống TQ, Quốc học cũng bị soi mói, chê trách thậm tệ, bắt đầu chuỗi ngày long đong lận đận. Thời Ngũ Tứ (1919), Lỗ Tấn nói thanh niên chớ nên đọc sách TQ, đọc sách nước ngoài xong thì bạn trở nên tự cường, đấu tranh; đọc sách TQ xong thì bạn không cầu tiến, chỉ nhẫn nại chịu đựng. Năm 1936, ông trăng trối: Không diệt chữ Hán thì TQ ắt mất nước. Học giả Ngô Trĩ Huy hô hào: “Vứt hết sách cổ vào nhà vệ sinh”. Lớp người trẻ đặc biệt ghét chữ Hán – vật mang văn hóa TQ, cho rằng vì chữ Hán khó học, chỉ một thiểu số tầng lớp trên học được nên thiểu số này mặc sức áp bức đa số quần chúng, do đó sinh ra chuyên chế. Nhà ngôn ngữ Lã Thúc Tương nói TQ có thực hành văn tự phiên âm thì mới thực hiện được dân chủ. Học giả Tiền Huyền Đồng còn yêu cầu người TQ học tiếng Anh, bỏ tiếng TQ. Chủ tịch Mao Trạch Đông nói: Lối thoát của chữ Hán là La tinh hóa. Sau Ngũ Tứ, Nho giáo tiếp tục bị phê phán; các giá trị của văn hóa truyền thống bị phủ nhận. Tai hại nhất là việc CT Mao phát động phong trào toàn dân phê phán Khổng Tử hồi cuối thời kỳ “Cách mạng văn hóa” (1966-1976). Hồng vệ binh đập phá nhiều chùa chiền đền miếu, di tích lịch sử, kể cả Khổng miếu tại quê Khổng Tử.
Cơn sốt Quốc học
Sau ngày TQ thi hành chính sách cải cách mở cửa, văn hóa truyền thống được khôi phục dần. Khoảng từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, dư luận TQ bắt đầu nói tới vai trò của Nho giáo, của Khổng Tử. Tiếng nói này ngày càng mạnh lên; ngày nay người TQ ra sức ca ngợi Nho giáo, xem ra dường như họ đã tìm ra được nhiều quan điểm của đạo Khổng Mạnh có thể giúp ích cho việc hiện đại hóa và thống nhất đất nước, nâng uy tín quốc tế của TQ. Đặc biệt gần đây tình trạng thế giới bất ổn: xung đột và chiến tranh tăng dần, trái đất bị ô nhiễm nặng, đời sống nhân loại ngày một căng thẳng do lối sống công nghiệp, đạo đức xã hội suy đồi…, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu tạo ra khoảng trống về tư tưởng chính trị…Trong tình hình đó, người TQ tìm thấy ở Nho giáo các quan điểm có thể giúp giải quyết các khó khăn của họ. Như quan điểm Thiên nhân hợp nhất (con người và thiên nhiên là một) chủ trương nhân loại phải tôn trọng thiên nhiên, không được khai thác tới mức tàn phá thiên nhiên. Hoặc quan điểm Nhân chính học của Mạnh Tử chủ trương người làm chính trị phải biết thương dân…
Khát vọng phục hưng văn hóa Trung Hoa dẫn đến một cơn sốt Quốc học, tức cao trào đề cao Quốc học và Nho giáo. Người TQ khắp nơi đề xướng đọc sách của Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử. Nhiều trường tiểu học cho học sinh đọc các kinh điển Nho giáo như Tam Tự Kinh, Đệ tử quy. Các trường ĐH đều mở lớp hoặc Viện Quốc học. Lần đầu tiên, trường Đảng Trung ương TQ tổ chức báo cáo về “Một số vấn đề trong Cơn sốt Quốc học hiện nay”. Cuối năm 2006, ĐH Bắc Kinh mở “Lớp Quốc học Càn Nguyên”, nhận học viên là cán bộ cấp vụ trở lên hoặc giám đốc doanh nghiệp, học 3 năm một khóa; học phí mỗi năm 3000 USD mà cung vẫn không đủ cầu. Hàng trăm giám đốc công ty đáp máy bay từ khắp nơi đến Bắc Kinh để học. Từ cuối năm 2004, Chính phủ TQ quyết định mở 100 Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới, tới nay (2007) đã lập được hơn 40. Báo chí đua nhau mở trang Quốc học; đài truyền hình mở diễn đàn Quốc học, như “Diễn đàn trăm nhà” của đài truyền hình trung ương. Một số người TQ chuyển sang mặc “Hán phục” (trang phục cổ TQ)…
“Hiện tượng Vu Đan”
Trong tuần nghỉ Quốc khánh 1/10/2006, bà Vu Đan (Yu Dan, sinh 1965, giáo sư khoa Triết trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh) thuyết trình 7 buổi đề tài “Thu hoạch đọc sách Luận Ngữ” trong chương trình “Diễn đàn trăm nhà” của Đài Truyền hình trung ương CCTV, thu hút hàng triệu người xem. Sau đó các bài nói này in thành sách “Thu hoạch đọc Luận Ngữ” của Vu Đan, chỉ trong vài tháng đã bán được 3 triệu cuốn, lập một kỷ lục xuất bản. Tuần nghỉ Tết Đinh Hợi, Vu Đan lại thuyết trình “Thu hoạch đọc Trang Tử”, cũng rất đông người xem. Cuốn sách cùng tên lần in đầu tiên bán được 1 triệu bản. Vu Đan trở thành triệu phú, xếp thứ hai trong Bảng Xếp hạng Nhà văn giàu nhất TQ năm 2007, thậm chí được bình chọn vào vị trí thứ 3 trong số 50 người đẹp nhất TQ năm 2007! Hiện tượng ồn ào dư luận này được họi là “Hiện tượng Vu Đan”.
Thành công của Vu Đan dấy lên một cuộc tranh luận. Nhiều người ca ngợi việc Vu Đan giảng Luận Ngữ đã mở ra cục diện mới cho việc truyền bá văn hóa truyền thống, tiếp sức sống mới của nền văn hóa đó cho sự phát triển xã hội đương đại. Phe phản đối nói sách của Vu Đan chỉ là “món fastfood văn hóa”, có nhiều chỗ sai. Tháng 3/2007, 10 vị tiến sĩ của hai trường ĐH Bắc Kinh và Thanh Hoa liên danh tuyên bố “sẽ chống bọn Vu Đan tới cùng”, vì tội dám “báng bổ” nền văn hóa truyền thống TQ…
Nhìn chung đa số ủng hộ Vu Đan, vì họ cho rằng việc bà làm đã phục vụ sự nghiệp phục hưng văn hóa truyền thống mà người TQ đang gắng sức thực hiện; sự phục hưng ấy thường có ngòi nổ là việc tái giải thích các sách kinh điển; người ta hy vọng Vu Đan sẽ châm ngòi cho sự phục hưng này. “Hiện tượng Vu Đan” xảy ra đúng lúc cơn sốt Quốc học nóng nhất nên được hoan nghênh nhiệt liệt, được coi là sự kiện đánh dấu thời đại Phục hưng văn hóa TQ. “Chúng ta chờ đã 50 năm, giờ đây thời đại phục hưng văn hóa TQ rốt cuộc đã đến.” – giáo sư Dư Đôn Khang bình phẩm như vậy về “Hiện tượng Vu Đan”.
Khát vọng phục hưng nền văn hóa truyền thống Trung Hoa
Sau ngót 6 thập kỷ xây dựng, giờ đây TQ đã là cường quốc kinh tế, chính trị và quân sự hàng đầu; dự kiến cuối năm nay (2007) nền kinh tế TQ sẽ đứng thứ ba trên thế giới. Nhưng về văn hóa họ vẫn chưa giành được vị trí tương xứng: chưa có giải Nobel khoa học (4 người Hoa giải Nobel đều có quốc tịch nước ngoài), giải Nobel văn chương … Phương Tây chưa chuộng văn học và điện ảnh cũng như y học TQ cổ truyền … Có những tác phẩm văn học TQ thích thì phương Tây lại chê. Một nhà Hán học người Đức còn nói văn học đương đại TQ “là một đống rác” (xem tạp chí Tia Sáng số 9/2007).
Người TQ không thể không đau đầu về những chuyện đó. Giới học thuật TQ đang bận tâm với việc phải làm gì để văn hóa TQ đạt được những giá trị toàn cầu, để có thể đua tranh ngang ngửa với văn hóa phương Tây thống trị thế giới mấy thế kỷ gần đây? Khát vọng đó ngày càng cháy bỏng trong tâm can người dân nước này, khi giấc mơ nước lớn của họ đang trở thành hiện thực nhãn tiền.
Thập niên 80 thế kỷ XX, “Quốc học Đại sư” Quý Tiễn Lâm (Ji Xian-lin, sinh 1911) nêu ra thuyết đến thế kỷ XXI thì văn hóa phương Đông sẽ thay thế vị trí của văn hóa phương Tây. Thuyết “30 năm sông chảy bên Đông, 30 năm sông chảy bên Tây” này hồi ấy đã gây ra một cuộc tranh luận lớn ở TQ. Người ủng hộ không đưa ra được luận điểm gì mới; người phản đối cho rằng văn minh phương Tây vẫn là dòng chảy chính. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, một số người cho rằng dòng văn hóa chính trong thế kỷ XXI là đa cực, chẳng Đông mà cũng chẳng Tây. Giáo sư Quý nay đã 96 tuổi, tuy chẳng ai còn nói như ông nữa, nhưng nhiều người vẫn mong quan điểm của ông sẽ thắng thế. Sau khi vào WTO, kinh tế TQ càng phát triển nhanh theo hướng toàn cầu hóa, người TQ lại càng hy vọng qua việc tái khai thác các kinh điển Nho giáo, họ có thể tìm ra được những chứng lý giải thích sự nhảy vọt thần kỳ của nước này.
Phải chăng đó chỉ là một ước mơ ?
Quốc học tức văn hóa truyền thống Trung Hoa đã trải qua một chặng đường long đong lận đận. Đó là do Nho giáo có không ít quan điểm không hợp thời đại. Báo chí TQ đã viết nhiều về giá trị của Nho giáo trong xã hội đương thời, song chưa đưa ra được luận điểm gì hấp dẫn. Sau cơn sốt tung hô Kinh Dịch, Binh pháp Tôn Tử…, nay chả mấy ai nhắc tới các sách cổ ấy nữa. Thập kỷ 80, kinh tế Đông Nam Á cất cánh, Nho giáo được coi là bí quyết thành công của vùng này. Nhưng khi Đông Nam Á xảy ra khủng hoảng tài chính (1997), phương Tây lại đổ lỗi cho Nho giáo. Một số học giả bịp bợm ở TQ như Kha Vân Lộ thổi phồng lệch lạc tác dụng của khí công, y học TQ cổ truyền (Trung y), gây cơn sốt nghiên cứu “công năng đặc dị” của cơ thể người, làm mất uy tín của các di sản văn hóa ấy. Một số học giả TQ định “phản kích” sự phê phán Nho giáo thời Ngũ Tứ, song tiếng nói của họ quá nhỏ so với các đại sư Lỗ Tấn, Hồ Thích, Trần Độc Tú…
Cũng cần thấy là các kinh điển Nho giáo viết bằng thứ văn cực khó hiểu, từ ngữ hàm súc, mập mờ; chính người TQ cũng phải “phiên dịch” lại thành văn bình dân (gọi là Bạch thoại); thế mà cũng rất ít người đọc, và thực sự đọc hiểu lại càng ít. Học giả Phùng Hữu Lan từng nói: Trong Luận Ngữ, “Ngôn ngữ của các triết gia TQ không sáng tỏ, các ám thị hàm chứa trong đó lại hầu như là vô hạn”. Nhà ngôn ngữ học Tào Tiên Trạc cho rằng điều đó cho thấy người nghiên cứu Luận Ngữ hoàn toàn có khoảng trống để phát huy nhận thức của mình. Bởi thế hiểu sai kinh điển là chuyện bình thường, kể cả các đại học giả. Cho tới nay họ vẫn chưa thể thống nhất giải thích các kinh điển trên. Đó cũng là lý do Vu Đan bị phê phán là hiểu sai Luận Ngữ. Như chữ “úy” (Hậu sinh khả úy) Vu Đan bảo là “sợ”, có học giả lại bảo trong “úy” có ý “kính trọng”; hoặc chữ “tiểu nhân”, Vu Đan giải thích là trẻ con; người khác nói tiểu nhân là kẻ nhân cách đê tiện…
Không ít học giả TQ hiện vẫn giữ thái độ phê phán tư tưởng Nho giáo và cơn sốt Quốc học. Lý Trạch Hậu (Li Zhe-hou, sinh 1930) “nhà triết học, nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất TQ hiện nay”[1] nói: Chúng ta không được lấy Khổng Tử, Luận Ngữ ra để che giấu những thứ cơ bản nhất ta cần; khi thời cách mạng đã qua, mọi người đang cần tìm kiếm một thứ tín ngưỡng để xử thế, an thân; TQ không có Kinh Thánh nên người ta phải tìm đến Luận Ngữ; tôi cho rằng ngày nay TQ vẫn cần dân chủ và khoa học; Luận Ngữ chủ yếu nói về tu thân, sao có thể trị quốc được? Tôi không tán thành một Khổng Tử phục cổ, dân tộc chủ nghĩa.
Thang Nhất Giới (Tang Yi-jie, sinh 1927, GS triết ĐH Bắc Kinh) nói: Tôi chưa bao giờ cho Nho học là đúng, là thích ứng xã hội ngày nay; nếu chúng ta chỉ nói Quốc học thôi thì sẽ tự cô lập; trong thế kỷ XXI, Quốc học vẫn chưa thể thành điểm nóng được toàn xã hội quan tâm.
Dư Anh Thời (Yu Ying-shi, sinh 1930, Đài Loan), “sử gia TQ vĩ đại nhất thời nay”[2] nói: Hiện trạng Nho học (ở TQ) đang có xu hướng chống lại các giá trị của phương Tây, như vậy là không nên. Thời buổi đa nguyên ngày nay, tư tưởng TQ đâu chỉ có Nho gia, chả lẽ Lão Tử, Trang Tử không quan trọng ? Chỉ nên coi Khổng Tử là người đầu tiên nêu ra giá trị tinh thần, một người rất bình thường, chớ nên trang điểm Ngài thành một người cao sâu không thể đo được…
Tóm lại, có thể thấy ước mơ toàn cầu hóa nền văn hóa truyền thống TQ không dễ thực hiện. Các Học viện Khổng Tử đã lập ở nước ngoài hiện vẫn chỉ chú trọng dạy Trung văn mà thôi, chưa thể truyền bá được tư tưởng Khổng Tử cho người nước ngoài. Nhiều người cho rằng văn hóa TQ khó mà đối phó được với sự thách thức từ tiến trình hiện đại hóa của phương Tây; TQ nên du nhập các giá trị mới từ nền văn minh phương Tây tiên tiến. Thời Ngũ Tứ, họ đã du nhập giá trị khoa học và dân chủ. Ngày nay, họ đang nhập khẩu cái gọi là “tính hiện đại”, tức kinh tế thị trường, chính trị dân chủ và chủ nghĩa cá nhân; là các giá trị có thể toàn cầu hóa.
Tư tưởng Nho giáo là một di sản văn hóa lớn của dân tộc Trung Hoa; nó có những phần tích cực nên khẳng định, đồng thời cũng có những phần tiêu cực, thậm chí phản động, cần kiên quyết phủ định. Dĩ nhiên, dù thế nào người TQ vẫn mãi mãi tiếp tục nghiên cứu Nho giáo, và dường như họ muốn đưa nó ra toàn cầu, chưa rõ với mục đích gì. Cơn sốt Quốc học có tác dụng truyền bá, phổ cập tri thức của các kinh điển văn hóa cổ, giúp đông đảo quần chúng TQ tiếp cận với kho tàng văn hóa truyền thống, qua đó góp phần phục hưng nền văn hóa này, tuy rằng đó sẽ là một quá trình gian nan.
Một phiên bản của bài viết được đăng lần đầu trên dongtac.net.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét