25 thg 6, 2019

Tại sao phải chặn đồng Libra của Facebook? (Từ Nghiên Cứu Quốc Tế )

Nguồn: Katharina Pistor, “Facebook’s Libra Must Be Stopped”, Project Syndicate, 20/06/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên

Facebook vừa tiết lộ nỗ lực mới nhất của mình nhằm thống trị thế giới: Libra, một loại tiền điện tử được thiết kế để hoạt động như một đồng tiền tư nhân ở bất cứ đâu trên hành tinh. Trong quá trình chuẩn bị cho dự án này, CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã đàm phán với các ngân hàng trung ương, các cơ quan quản lý và 27 công ty đối tác, mỗi công ty sẽ đóng góp ít nhất 10 triệu đô la. Vì sợ làm tăng sự lo ngại về tính an toàn, Facebook đã tránh làm việc trực tiếp với các ngân hàng thương mại.
Zuckerberg dường như hiểu rằng chỉ sự sáng tạo công nghệ thôi sẽ không đủ đảm bảo cho thành công của đồng Libra. Ông còn cần một sự cam kết từ các các chính phủ để thực thi mạng lưới các quan hệ hợp đồng làm nền tảng cho đồng tiền, và chấp nhận việc sử dụng đồng tiền của các chính phủ làm tài sản đảm bảo cho đồng Libra. Nếu đồng Libra phải đối mặt với một sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt, các ngân hàng trung ương sẽ có nghĩa vụ cung cấp thanh khoản.
Câu hỏi đặt ra là liệu các chính phủ có hiểu những rủi ro đối với sự ổn định tài chính mà một hệ thống như vậy đòi hỏi hay không. Ý tưởng về một hệ thống thanh toán tư nhân không rào cản với 2,6 tỷ người dùng thường xuyên có thể hấp dẫn. Nhưng như mọi nhà điều hành ngân hàng và nhà hoạch định chính sách tiền tệ đều biết, các hệ thống thanh toán đều đòi hỏi một mức độ thanh khoản dự phòng mà không một thực thể tư nhân nào có thể có.
Không giống như các quốc gia, các công ty tư nhân phải hoạt động trong khả năng của mình và không thể đơn phương áp đặt nghĩa vụ tài chính lên người khác khi cần. Điều đó có nghĩa là họ không thể tự giải cứu mình; họ phải được giải cứu bởi các nhà nước, hoặc nếu không họ phải được phép sụp đổ. Hơn nữa, ngay cả trong trường hợp các nhà nước, các mỏ neo tiền tệ (duy trì ổn định tỉ giá) cũng chỉ cung cấp cho người dùng một “ảo giác” an toàn mà thôi. Rất nhiều quốc gia đã phải phá bỏ các mỏ neo như vậy, lần nào cũng khăng khăng trấn an rằng “lần này sẽ khác”.
Điều khiến Facebook khác biệt so với các công ty phát hành “tiền tư nhân” khác chính là quy mô, phạm vi toàn cầu và sự sẵn sàng “đi nhanh và phá vỡ mọi thứ” của nó. Thật dễ dàng tưởng tượng ra một kịch bản mà trong đó việc giải cứu đồng Libra có thể yêu cầu một mức độ thanh khoản lớn hơn những gì mà một nhà nước bất kỳ nào có thể cung cấp. Hãy nhớ lại trường hợp Ireland sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Khi chính phủ tuyên bố sẽ nhận trả nợ thay cho các ngân hàng tư nhân, nước này đã rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ quốc gia. Bên cạnh một người khổng lồ như Facebook, nhiều quốc gia có thể sẽ rơi vào tình trạng giống như Ireland.
Facebook đang thúc đẩy đồng Libra như thể đó chỉ là một dự án kinh doanh của tư nhân như bao dự án khác. Nhưng giống như nhiều doanh nghiệp trung gian tài chính khác trước đó, công ty đang hứa hẹn một thứ mà nó không thể tự mình cung cấp: sự bảo vệ giá trị đồng tiền. Facebook nói rằng đồng Libra sẽ được neo vào một giỏ tiền tệ (các đồng tiền định danh do các chính phủ phát hành), và có thể chuyển đổi theo yêu cầu của người dùng tại bất kỳ tỉ giá hiện hành nào. Nhưng sự đảm bảo này chỉ dựa trên một ảo ảnh, bởi vì cả Facebook lẫn bất kỳ công ty tư nhân nào khác có liên quan đều không có quyền tiếp cận số lượng không giới hạn các loại tiền tệ dùng để neo tỉ giá của đồng Libra.
Để hiểu điều gì sẽ xảy ra khi các nhà quản lý không có hành động nào trong quá trình các nhà đổi mới tài chính tạo ra các quyền chọn bán (put options),[1] hãy xem xét sự thất bại với các quỹ đầu tư thị trường tiền tệ (money market fund – MMF) vào tháng 9 năm 2008. Các nhà đầu tư vào các MMF đã được hứa hẹn rằng họ có thể coi khoản đầu tư của mình như một tài khoản ngân hàng, nghĩa là họ có thể rút toàn bộ số tiền mà họ đầu tư bất cứ khi nào họ muốn. Nhưng khi Lehman Brothers sụp đổ, tất cả các nhà đầu tư MMF đều cố gắng rút tiền cùng một lúc, lúc đó người ta mới vỡ lẽ ra rằng nhiều quỹ đầu tư không thể đáp ứng nhu cầu đó. Để ngăn chặn tình trạng đồng loạt rút vốn khỏi các MMF cũng như các ngân hàng đối tác của các quỹ này, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã phải nhảy vào để cung cấp thanh khoản hỗ trợ. Một cuộc rút tiền đồng loạt với đồng Libra sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ ở quy mô lớn hơn nhiều, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các ngân hàng trung ương bị ảnh hưởng.
Trước những rủi ro lớn này, các chính phủ phải bước vào và ngăn chặn đồng Libra trước khi nó ra mắt vào năm tới. Mặt khác, như Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ, đã cảnh báo, các chính phủ cũng có thể bắt đầu soạn thảo các “di chúc sống” (living will) của chính mình. Theo cách nói của giới tài chính – ngân hàng, một “di chúc sống” là một kế hoạch bằng văn bản mà các ngân hàng cung cấp cho các cơ quan quản lý, trong đó các ngân hàng này mô tả cách họ sẽ bị xử lý như thế nào trong trường hợp mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp của các chính phủ, một “di chúc sống” tương tự sẽ phải giải thích cách các cơ quan hữu quan sẽ phản ứng như thế nào nếu đồng Libra bị mất giá mạnh và kích hoạt tình trạng rút tiền toàn cầu.
Rõ ràng, điều này đặt ra một số câu hỏi phù hợp. Liệu các chính phủ có cam kết, như trường hợp cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke vào tháng 9 năm 2008, sau đó là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi vào tháng 7 năm 2012, rằng họ sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để đảm bảo sự tồn tại của đồng tiền hay không? Họ thậm chí có khả năng làm điều đó hay không – chứ chưa nói đến khả năng phối hợp hành động của họ – và có chấp nhận chia sẻ tổn thất hay không – với tất cả các quốc gia khác có liên quan? Liệu các chính phủ có thể giành được quyền kiểm soát hệ thống nếu nó chứng tỏ là không có khả năng tự duy trì hay không?
Sự im lặng trước thông báo của Facebook trong tuần qua tương đương với việc chúng ta ủng hộ một kế hoạch kinh doanh mới đầy nguy hiểm. Các chính phủ không được cho các công ty tư nhân theo đuổi lợi nhuận được phép đưa toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu vào rủi ro. Dù các ngân hàng “quá lớn không thể sụp đổ”, nhưng các nhà nước chắc chắn vẫn có thể sụp đổ. Nếu các chính phủ không bảo vệ chúng ta trước hành động ngạo mạn mới nhất của Facebook, tất cả chúng ta sẽ phải trả giá cho việc đó.

Katharina Pistor là giáo sư luật so sánh tại Trường Luật Columbia. Bà là tác giả của cuốn The Code of Capital: How the Law Creates Wealth and Inequality.
————-
[1] Quyền chọn bán là một hợp đồng tài chính giữa hai bên, theo đó người mua có quyền bán lại cho người bán một tài sản nào đó mà họ đã mua tại một mức giá xác định vào hoặc trước ngày đáo hạn hợp đồng – NBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét