26 thg 6, 2019

Chuyện làng Tào IThằng Thụ ,Lão Tư Lạm,Mụ Tuyền Bếp )

Truyện  củaThái Sinh - Văn Việt
 Thằng Thụ

Dòng họ Trần Đình ở làng Tào có bốn chi, tôi ở chi thứ hai. Bố tôi là con trưởng nên gọi là trưởng chi. Chi của chúng tôi ban đầu chỉ có bốn anh em, đến đời chúng tôi thì có tám anh em, hiện giờ thì có ngót hai chục gia đình. Năm nào cũng vậy, từ ngày 15 đến 23 tháng Chạp, các chú ở nhà chọn một ngày họp mặt toàn thể các gia đình trong chi, tổ chức rẫy nội ngoài đồng rồi làm cơm cúng tổ tiên, sau đó thì ăn uống. Tôi đi làm ăn xa, khi kể lại những chuyện của làng, bạn bè tôi thường bảo: Đúng là chuyện của làng Tào… lao.
Tôi là con bà tư, lại là con út, mặc dù vậy về vai vế thì tôi chỉ thua anh tôi nhưng trên tất cả những người còn lại. Năm nay chi tôi họp mặt vào ngày 20 tháng Chạp, đúng vào ngày chủ nhật nên tôi sắp xếp công việc về họp họ. Trên đường từ đồng trở về, chú Nam nhắc:
- Bác uống rượu với thằng Thụ thì đừng chấp lời nó nói, cứ chuyện nọ xọ chuyện kia lằng nhằng lắm…
Gần hai chục năm nay tôi biết nó là đứa nát rượu, nhiều khi đang uống bỗng bật khóc hu hu, hoặc khi về tới nhà thì chửi vợ con… như muốn trút nỗi tức giận trong lòng đã chất chứa từ bao nhiêu năm mà không trút nổi.
Thụ là trưởng nam của chú Tỵ, nó chỉ học hết lớp bảy, do mắt hiếng nên tất cả các cuộc tuyển quân đều không trúng tuyển bèn ở nhà cày ruộng. Thụ chăm chỉ làm đồng, bởi bên dưới nó còn sáu em lít nhít và người mẹ răng đen cứ nay ốm mai đau nên công việc đồng áng đều do Thụ cáng đáng. Chú Tỵ tiếng là phó giám đốc công ty ngoại thương nhưng chả có quyền hành gì, kiếm chác cũng chả được bao nhiêu, nhưng cũng lo được công ăn việc làm cho sáu đứa con, chỉ trừ Thụ.
Một lần về quê vào thăm nhà chú Tỵ, tôi chỉ thấy một mình thím Bưởi ở nhà, mới hỏi:
- Thằng Thụ đâu rồi thím?
Thím Bưởi buồn rầu đáp:
- Bố nó đưa lên công ty làm bảo vệ rồi.
- Thế vợ con gì chưa, sao để thím ở nhà một mình thế này?
- Rồi! Bố nó cưới cho nó con bé cùng làm ở công ty….
Thím Bưởi bỏ lửng câu chuyện ở đó, gương mặt thoáng buồn như có chuyện gì không muốn nói ra, khiến tôi không dám hỏi tiếp. Bẵng đi mấy năm tôi lại nghe nói thằng Thụ bỏ cô vợ ở công ty, về làng lấy vợ khác. Kể từ khi về làm anh thợ cày, Thụ chỉ láng cháng vài buổi cày bừa còn lại la cà trong các đám xóc đĩa, các quán karaoke… để rồi cuối cùng phải bán mấy sào ruộng. Tôi có lần hỏi:
- Sao mày chả tu chí làm ăn, cứ cờ bạc rượu chè thế này thì có ngày cả bán nhà không chừng.
Nó nhìn tôi, đôi mắt ngầu đục, giọng cục cằn:
- Buồn lắm bác ạ! Đánh bạc uống rượu chỉ để giải sầu thôi…
Nghe nó nói thế tôi cũng chẳng buồn hỏi thêm. Cách nay cũng đã lâu rồi, năm ấy tôi về giỗ họ, cô con gái đầu của chú Tỵ kéo tôi ra một góc thì thầm: Cậu Thụ lấy con bé trên công ty bố cháu là “đổ vỏ” cho ông ấy thôi. Lúc ấy bố cháu là phó giám đốc công ty, đang ứng cử vào chức bí thư đảng bộ, nếu để chuyện vỡ lở thì mất tất. Ông muốn bảo vệ mình nên lừa con trai bắt nó thế mạng. Kể từ khi cậu Thụ bỏ con bé đó, ông ấy chẳng mấy khi về nhà mà lại còn ở cùng con bé đó, bác thấy có kỳ lạ không chứ?
Tôi hỏi thím Bưởi thực hư thế nào, thím thở dài:
- Thằng Thụ hận bố nó lắm, nhưng không thể nói ra nên sa chân vào rượu chè, cờ bạc…
Đó là câu chuyện buồn của họ Trần Đình làng Tào mà tôi quả thật không muốn kể.

Lão Tư Lâm 
Lão Tư Lâm năm ấy chừng bốn mươi tuổi, răng bàn cuốc lại vẩu và đen sì khói thuốc lào trông rất gớm ghiếc. Được cái lão rất khỏe, một mình bê chiếc cối đá đi vòng quanh sân đình cả chục vòng không toát mồ hôi.
Làng tôi nằm trên doi đất hình chữ nhân, mặt hướng ra cánh đồng, lưng quay lại phía bờ sông, ngoài đấy là một bãi bồi rộng mênh mông trồng toàn mía. Phía cuối làng là hồ nước, một nhánh hồ tựa như chiếc lá xoài ăn sâu vào làng hình thành nên hai xóm, đó là xóm Tõm và xóm Dom. Tôi không hiểu vì sao các cụ ngày xưa lại đặt tên ấy cho hai xóm đó.
Đến thời tôi, người ta gọi xóm Tõm là Thanh Hòa, xóm Dom là Thành Vương.
Bãi bồi ven sông thời hợp tác xã trồng toàn mía, những năm đầu trồng mía bán cho nhà máy mía đường Tam Hiệp, sau hợp tác xã thành lập tổ kéo mật bán cho nhà máy đường hay chia theo công điểm. Lão Tư Lâm được giao làm tổ trưởng, vì lão rất khỏe có thể vác từng bó mía mà ba bốn người không khiêng nổi.
Năm ấy tôi học lớp 4, thầy giáo dạy tôi tên là Loan, người Bắc Ninh, vợ thầy là Diệp, cao to phốp pháp, chả bù cho thầy dáng nhỏ nhắn thư sinh. Bọn trẻ chúng tôi rất quí thầy, bởi thầy chưa bao giờ to tiếng với chúng tôi, dù chúng tôi có nghịch đến mấy thầy cũng vẫn ôn tồn nhắc nhở.
Thầy Loan được cử về làng tôi dạy học, do thầy làm hiệu trưởng nên người làng tôi dựng cho gia đình thầy ngôi nhà ba gian bằng tre ở bãi đất trống cạnh hồ nước nơi tiếp giáp giữa hai xóm Thanh Hòa và Thành Vương để tiện sinh hoạt. Thầy có hai người con, cô con gái lớn hơn tôi ba tuổi đang trọ học cấp hai trên thị trấn, cậu thứ hai kém tôi một tuổi học lớp ba. Buổi tối tôi hay đến nhà thầy hỏi bài và chơi với thằng bé, có đêm ngủ lại với nó. Cô Diệp theo chồng về đây, chả có việc làm nên mang theo chiếc máy khâu đạp cọc cạch kiếm tiền. Chiều chiều cô mang vó ra hồ cất tôm, tôi đi theo cô để bắt những con cá cờ cho vào chai xem chúng chọi nhau.
Mùa kéo mật vào hai tháng cuối năm, mùi mật mía thơm lừng cả làng. Cô Diệp thường ra lò mật xin bã mía mang về phơi khô để đun, tôi cũng theo cô ra lò mật. Một lần cô đang lúi húi bó bã mía, lão Tư Lâm đi qua vỗ cái bốp vào mông cô, cười nhăn nhở:
- Nom ngứa cả mắt, chắn hết cả lối đi của người ta.
Cô Diệp mặt đỏ bừng, lườm lão Tư Lâm một cái rõ dài:
- Đừng cậy chủ lò mía mà ăn hiếp người ta nhé. Có giỏi thì ăn đi, đây không ngán nhé…
Lão Tư Lâm cười hềnh hệch, quăng bó mía xuống đất, đuổi con trâu đang kéo mật kẽo kẹt huầy huầy:
- Thách hả, cứ chờ đấy nhé…
Giờ giải lao, mọi người đứng ngồi trên đống mía to tướng, lão Tư Lâm lựa những cây mía ngon nhất đưa cho cô Diệp, giọng pha trò:
- Nhà mợ giáo dựng ở giữa cái lồn làng đấy. Nhà nào hễ dựng ở đó mà có con gái thì trăm thằng con trai của làng đều chết mê chết mệt. Nhiều thằng đột tử biến thành ma cô, ma tình lởn vởn quanh đó. Vì thế không ai dám ở nên mới đến lượt nhà mợ giáo. Còn xóm Tõm, đơn giản là dân trong xóm không nhà nào làm cầu tiêu cứ bắc cầu ỉa xuống hồ. Nay được gọi là Thành Vương. Vương cái con khỉ, ỉa tõm mà thành vương thì cái làng này làm vua hết. Còn xóm Dom, ấy là tại tất cả lũ đàn ông đàn bà xóm ấy bị bệnh lòi dom đó mà…
Cô Diệp cười rũ rượi:
- Người ta gọi lão là Tư Lâm không sai, toàn chuyện nhảm…
Buổi tối thầy Loan thường phải ra đình dạy bổ túc cho đám thanh niên mù chữ, vì làng tôi ngày ấy số người mù chữ nhiều lắm. Lão Tư Lâm học lớp hai bổ túc do thầy Loan dạy, khi làm tổ trưởng tổ kéo mật do lão phải trông lò mật nên lão không đi học nữa. Tối ấy cô Diệp rủ tôi ra lò mật, cô bảo:
- Cô muốn mua cân mật mía để tháng ba làm chè lam, phải dặn lão Tư Lâm trước kẻo lão ấy quên…
Khi chúng tôi đến, lão Tư Lâm đang khuân củi cho vào lò. Ngọn lửa cháy hừng hực, lão cởi trần, ánh lửa bắt lên thân hình lão đỏ au, các bắp thịt nổi lên cuồn cuộn. Cô Diệp cứ nhìn lão Tư Lâm như bị thôi miên. Bất chợt, lão quay lại bảo cô:
- Hai người cứ vào lán đi, tôi cho nốt mấy khúc củi này vào lò, lát nữa tôi vào…
Chúng tôi bước vào chiếc lán nấu mật lụp xụp. Nơi lão Tư Lâm nằm là cái ổ rơm đặt trên cái sạp tre ọp ẹp. Trên đầu giường lăn lóc mấy cuốn sách cũ nát. Cây đèn dầu ba dây chụp bằng vỏ chai treo lủng lẳng trên đầu giường ánh sáng đủ để tôi nhìn rõ tên từng cuốn sách. Tôi ngạc nhiên với trình độ lớp hai bổ túc chưa biết hết mặt các con chữ mà lão Tư Lâm đọc Nhị độ mai, Tam quốc diễn nghĩa, Chiêu Quân cống Hồ…, toàn những cuốn sách dày cộp. Sau này tôi mới biết, cô Diệp lấy sách của thầy Loan cho lão Tư Lâm mượn. Lão mượn sách của thầy Loan là để tỏ ra lão cũng là người có học. Còn cô Diệp thì biết thừa lão mượn sách chỉ là cái cớ thôi.
Tôi cầm cuốn Chiêu Quân cống Hồ đọc ngấu nghiến, bởi tôi được nghe mẹ tôi kể chuyện nàng Chiêu Quân đẹp nghiêng nước nghiêng thành phải làm vật cống nạp cho vua Hung Nô để giúp mang lại hòa bình cho triều Hán Nguyên Đế.
Cô Diệp ra giúp lão Tư Lâm vác củi cho vào lò. Đọc được một lúc thì tôi buồn ngủ díp cả mắt bèn chui vào chiếc ổ rơm của lão Tư Lâm nằm đợi cô Diệp. Tôi không biết mình đã ngủ từ khi nào. Nghe tiếng cành củi ở đâu đó văng vào lều khiến tôi tỉnh giấc, nhìn ra ngoài lò nấu mật.
Trong ánh lửa nhập nhòa tôi nhìn thấy cái mông của cô Diệp trắng nõn nà nhấp nhô trên thân hình đỏ như lửa của lão Tư Lâm. Tiếng cô rên như người phải gió nghe kinh hãi lắm. Tôi nhỏm dậy định bước ra ngoài thì bàn tay ai đó ấn tôi trở lại ổ rơm, ngọn đèn ba dây tắt phụp. Tôi nhìn trân trối ra ngoài cửa, trăng cuối tháng mờ nhoà trong sương, có một người mặc áo trắng bước vội qua ánh lửa lò nấu mật mất hút vào bóng đêm nhạt nhòa sương khói.
Có lẽ khuya lắm tôi và cô Diệp mới trở về làng. Thầy Loan vẫn đang ngồi đọc sách, quay lưng ra phía cửa. Tôi bảo cô:
- Em về ngay đây kẻo mẹ em mong…
Cô Diệp nói to như để thầy Loan nghe thấy:
- Em về nhé, tối mai sang xem cô làm kẹo kéo nhé…
Sáng hôm sau lên lớp, giọng thầy Loan vẫn hùng hồn nghe cuốn hút lắm. Giờ ra chơi, thầy gọi tôi lại, thầy hỏi:
- Đêm qua hai cô trò ra lò kéo mật về muộn vậy? Em có nhìn thấy gì không?
Tôi chột dạ, vội lắc đầu:
- Dạ, em không nhìn thấy gì ạ…
Thầy Loan nhìn tôi, thở dài:
- Thế là tốt rồi…
Nói xong thầy đứng dậy, đi ra ngoài nhìn lũ học sinh gái đang nhảy dây, lẩm bẩm câu gì đó tôi không nghe rõ.
Sau này lớn lên tôi mới biết, cô Diệp không chỉ nhăng nhít với lão Tư Lâm mà còn lang chạ với nhiều đàn ông khác trong làng. Thầy Loan biết cả, nhưng thầy không muốn làm ầm ĩ lên. Bởi thầy muốn gìn giữ danh dự của thầy trước đám học sinh chúng tôi.
Hết năm học ấy, thầy được chuyển về quê dạy học. Tôi đến giúp thầy khuân đồ đạc lên chiếc xe ngựa. Trước khi lên xe, thầy đứng nhìn hồ nước rồi quay lại nói với tôi, giọng bí ẩn:
- Hồ nước này giống như cái chày thúc vào làng Tào sinh ra trai giang hồ, gái đàng điếm. Nhưng cũng là đất thành vương đấy…
Tôi lang bạt khắp nơi mà chả nên công cán gì. Nhớ lại câu nói của lão Tư Lâm: “Vương cái con khỉ, ỉa tõm mà thành vương thì cái làng này làm vua chúa hết”…
Đúng thế!
Lão Tư Lâm mà còn sống, năm nay chắc đã hơn trăm tuổi…
Mụ Tuyền Bếp
Mọi người ở làng Tào ai cũng phải công nhận mụ Tuyền Bếp là người đàn bà đẹp nhất làng. Dáng mụ cao, gương mặt thanh tú, da trắng như ngó rau cần, mắt lá răm đen thăm thẳm, khi mụ cười, hai hàm răng đều và bóng như tỏa nắng.
Người làng tôi vì ghét nên mới gọi là mụ. Mụ Tuyền Bếp mới ba hai tuổi mà đã trải qua ba đời chồng. Người thứ nhất là anh Bếp con cụ Nhèm ở xóm Thanh Hòa với dáng cao lớn, đẹp trai lại có tài bắt rắn bán cho các hiệu thuốc trên thành phố.
Ngày ấy làng tôi chỉ mấy ông cán bộ xã là có xe đạp do được mua hàng phân phối. Vậy mà anh Bếp bán rắn mua được hẳn chiếc Favorit, buổi sáng anh đeo chiếc giỏ đan bằng cật tre hình quả nhót đi dọc bờ mương và các bụi tre, hay bãi tha ma hoặc các ngôi đền, điếm bỏ hoang trên khắp cánh đồng tìm bắt rắn. Ngày nào anh cũng bắt được một giỏ đầy. Buổi chiều anh diện quần xanh sĩ lâm, áo trắng đèo giỏ rắn lên tỉnh bán. Anh đạp xe bấm chuông kính koong inh ỏi, đám trẻ con đi học tràn hết ra đường, nhiều đứa bám vào sau xe của anh chạy theo một đoạn. Anh quát nhặng xị:
- Chúng mày buông khỏi xe tao nhá, rắn trong giỏ xổ ra đớp cho một nhát thì chết luôn…
Một lần anh cáu quá, dựng xe đứng lại, lôi một con rắn hổ mang bành dứ vào lũ trẻ, khiến chúng kinh hãi xô nhau ngã dúi dụi. Từ bấy chẳng đứa nào dám bám vào xe của anh nữa.
Khi mụ Tuyền lấy anh Bếp, người làng tôi gọi là Tuyền Bếp. Mụ lấy anh Bếp khi mụ mới mười bảy tuổi, họ lấy nhau hơn sáu năm nhưng không có con. Anh Bếp cao to đẹp trai là thế, nhưng từ ngày lấy mụ người trở nên héo hon gầy còm, đi đứng liêu xiêu, mắt bệch bạc sâu trũng xuống như người thiếu ngủ kinh niên. Còn mụ thì cứ hơ hớ, nhất là chuyện với cánh đàn ông thì cười nói như pháo ran. Những bà sồn sồn nhìn thấy thế thì lườm nguýt, chửi đổng:
- Đàn bà con gái cười nói vô duyên chả ra cái bộ dạng gì…
Mụ chẳng thèm để ý những lời ấy, có lần mụ bảo:
- Gớm, các bà tưởng như tôi sắp cướp chồng của các bà ấy chắc? Báu lắm đấy…
Anh Bếp trong một lần đi bắt rắn ở bãi tha ma giẫm phải đinh ván thiên bị nhiễm trùng máu, ốm nửa năm thì mất.
Người chồng thứ hai của mụ là lão phó cối làng Hiệp. Lão hai vợ nhưng chỉ đẻ toàn con gái, lũ con gái nhầng nhầng bảy đứa khiến lão vô cùng ngán ngẩm. Lão lấy mụ Tuyền Bếp làm vợ ba mong đẻ cho lão đứa con trai để giữ gìn của cải và bát hương tổ tiên. Nhưng chẳng hiểu vì sao, lấy lão phó cối hơn năm năm mà mụ vẫn chẳng có con. Lão bảo với mọi ngươi: Tớ chỉ cần đi qua cửa buồng hai bà vợ đều chửa, vậy mà sống với mụ này mấy năm trời chả chửa đẻ gì, có phí cơm rượu không chứ…
Lão phó cối sắm lễ đi khắp các đền chùa cầu tự tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Thầy bảo lão phải sang tuổi bốn tư may ra mới có con trai. Nhưng cuối năm ấy lão phó cối trúng gió chết ngay trên giường nhà mình. Tối ấy, sau khi đóng xong chiếc cối, chủ nhà làm một mâm cơm đãi thợ, rượu say túy lúy, lão bước đi không vững, chủ nhà giữ lão ngủ lại sáng mai về sớm, nhưng lão không nghe, dứt khoát đòi về. Lão bảo:
- Một đêm xa con mụ Tuyền tớ đếch chịu được. Rượu uống đến độ này mà nằm đây thì phí rượu quá…
Thế là lão đung đưa gánh đôi bồ đồ nghề đi về.
Người ta bảo lão chết trên bụng mụ Tuyền, đấy là do trúng phong.
Đám đàn ông làng Tào nghe tin lão phó cối chết, bàn luận với nhau:
- Lão phó cối thế mà sướng! Thượng mã phong. Chết trong khi đang lên tiên thì ai chẳng muốn…
Người chồng thứ ba của mụ Tuyền Bếp là gã buôn bè. Gã sống với mụ hơn ba năm gì đấy, dựng cho mụ ngôi nhà ba gian đứng bằng gỗ lim, cột đen nhánh như sừng. Sau ngày khánh thành nhà mới được hơn một tháng thì bè gỗ của gã ta đâm vào ghềnh đá ở thác Thủ trên sông Hồng, chết mất xác.
Dân buôn bè có câu “Qua thác thủ, mới ngủ ngon”. Không hiểu sao một con người buôn bè có kinh nghiệm sông nước như gã mà không tránh được thác Thủ là điều kỳ lạ. Họ bảo, gã ta chết vì lấy phải con vợ sát chồng.
Kể từ đó không ai dám ngó ngàng tới mụ Tuyền Bếp, họ xa lánh mụ như xa lánh thần chết.
Lão Tư Lâm cười hềnh hệch phô hai hàm răng cáu bẩn:
- Tao mà bỏ được con vợ mắt toét nhèm thì rước ngay con mụ đó về làm vợ. Nghe mụ ấy rên thấy sướng tê cả rốn…
Một tối nọ cô Diệp bảo tôi ra ngoài lò nấu mật lấy hộ mấy cuốn sách mà lão Tư Lâm mượn mang về cho cô. Có lẽ thầy Loan nhắc cô chuyện người làng Tào dị nghị việc cô hay ra lò nấu mật nên cô mới tránh mặt lão, phải nhờ tôi.
Lão Tư Lâm bảo tôi trông lều hộ, lão về làng một lúc.
- Lò nấu mật đã cạn rồi, giờ đun nhỏ lửa cô đặc, mày không phải trông. Cứ nằm trong lều mà đọc sách, tao đi một lát rồi về ngay. Nếu buồn ngủ quá thì ngủ cũng được, về tao sẽ gọi…
Tôi đọc chừng hai chục trang sách thì buồn ngủ ríu mắt, khi tỉnh giấc nghe tiếng mụ Tuyền Bếp nói với lão Tư Lâm:
- Hôm rồi lão với mụ Diệp ở đây chứ gì? Tôi biết thừa rồi. Bây giờ chán tôi rồi phải không?
Lão Tư Lâm ậm ừ:
- Thú thật là hôm nay tôi quá mệt, mà thằng nhóc đang nằm ngủ trong lều kia, nó nhìn thấy thì rách việc lắm. Tôi thương em thật mà…
- Thương em mà bỏ em bao nhiêu ngày nay chả đoái hoài gì. Mụ Diệp phốp pháp hấp dẫn hơn em chứ gì? Biết ngay mà, tôi biết lão phụ tôi chứ mệt nỗi gì…
Tôi nhìn qua khe cửa căn lều. Trong ánh lửa nhập nhòa, lão Tư Lâm ghì riết mụ Tuyền Bếp vào lòng khiến mụ rên lên ư ử. Lão hỏi:
- Mấy hôm rồi có bắt được nhiều cua không?
Mụ Tuyền Bếp đáp nhát gừng:
- Rét, cua chui hết vào hang bắt được mấy đâu…
- Anh vét máng cua em nhé…
Mụ Tuyền Bếp cười rinh rích, rồi rũ từ hai ống quần ra hai con cá quả còn sống, ngoe nguẩy đuôi trên nền đất.
- Em cho lão hai con cá quả này. Tối mai lão đền em nhá…
Lão Tư Lâm véo vào mông mụ Tuyền Bếp, cười ngoác miệng:
- Ừ, mai đền, mai đền…
Mụ Tuyền Bếp xóc xóc cái giỏ cua khuất dần vào bóng tối.
Người làng tôi gọi mụ là yêu tinh. Mụ đàn bà khát tình đến điên dại, nhưng hễ mụ động vào gã đàn ông nào thì gã đó không tàn đời thì cũng xiêu điêu.
Lão Tư Lâm dường như đã nhận ra điều đó, nên muốn ngãng ra.
Tôi giả vờ mơ ngủ hét toáng lên. Lão chạy vào lay tôi dậy.
- Vừa mới chăp tối mà đã mê man khiếp thế. Dậy đi, tao nướng đãi mày hẳn một con cá quả ăn cho đã…
Lão Tư Lâm xiên thanh tre vào miệng con cá rồi cời than trong lò nấu mật ra, gác hai con cá qua hai thanh củi bắc ngang.
Nước từ miệng con cá chảy ra nhỏ xuống đám than củi cháy xèo xèo. Thân hình con cá cong oằn lên. Lão trở hai con cá rồi lẩm bẩm:
- Bọn cá này oằn lưng chả khác gì mụ Tuyền Bếp lúc sướng cũng quằn quại oằn cả mông lên như thế…
26/3/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét