Cô H. làm NCS Tiến sĩ ở Mỹ mấy năm, sau ở lại làm giảng viên (GV) môn
Tâm lý học tại một trường Đại học. H về Việt Nam, hôm qua đến chơi, rồi
rủ đi ăn Bánh Tôm Hồ Tây. Thầy trò tán gẫu bao nhiêu chuyện thú vị,
nhưng đáng quan tâm là chuyện dạy Đại học ở Mỹ.
Trước hết việc xin làm GV rất đơn giản. Tìm xem nơi nào có nhu cầu
thì trao đổi qua email và nộp hồ sơ: Văn bằng, “Lý lịch”quá trình làm
việc, học tập, nghiên cứu, bài báo đã đăng… Họ hẹn đến phỏng vấn. PV
xong, Ok! Giới thiệu cho 1 lớp, hẹn giảng thử 1 tiết. Đồng ý nhận, ký
hợp đồng 3 năm. (Chả thấy ai hỏi, cô là con đồng chí nào?; chả phải thưa
gửi, bẩm báo, phong bì phong bao cho ai cả. Tự nhiên thấy mình “thẳng
lưng mà bước, ngẩng đầu mà đi” đàng hoàng…)!
Nhưng làm GV ở Mỹ thì thật khốn khổ! Nội dung giáo trình phải mới,
mỗi năm giáo trình phải cập nhật những nghiên cứu 2 năm lại đây; dạy
phải hấp dẫn, tổ chức hoạt động của sinh viên (SV) sao cho sinh động. SV
thì luôn thắc mắc, đại loại: Lý thuyết của ông này cách đây hơn trăm
năm, học làm gì? Lý thuyết này có ích gì cho bây giờ? Lý thuyết này giải
quyết được vấn đề a,b,c gì của cuộc sống? Thuyết của ông này “dở hơi”
quá, chả đúng thực tế cuộc sống… Có khi SV mải làm việc riêng, hỏi nó
sao không chú ý, nó bảo cô giảng chán lắm! Thế mà không được tức, chỉ
nhẹ nhàng, được rồi, sẽ trao đổi với bạn sau… GV không được công khai
“khen – chê” SV, ngầm ý so sánh “em này hơn em kia”!…(Chả “sướng” như GV
xứ mình, khen, chê, mắng nhiếc SV thả cửa; Tức lên thì bắt SV làm kiểm
điểm…).
GV không được “xui” SV phê phán thuyết này, ca ngợi thuyết kia, theo
thuyết này là đúng, thuyết kia là sai… Các thuyết phải được trình bày
khách quan để SV tự phê phán, lựa chọn, vận dụng… (GV mình thì“tự do”,
tha hồ ca ngợi thuyết ông này vĩ đại, “bách chiến, bách thắng”; thuyết
lão kia là “phản động”; GV tha hồ ca ngợi: Thuyết này Đảng và Nhân dân
ta đã lựa chọn, là thuyết cách mạng, duy nhất đúng… SV nào có ý kiến
trái triều hả? Thế lực nào xúi giục? Kiểm điểm ngay! Ôi GV xứ XHCN sướng
thật)!
Khổ nhất là bài nào cũng phải ra bài tập cho SV. Lớp có 40 SV đăng ký
theo học môn của GV là tốt rồi. Nhưng bài tập thì mỗi em làm một khác,
chẳng ai giống ai. Chấm và đánh giá, cho điểm từng bài phải thật cẩn
thận, kẻo SV đòi giải thích, tranh luận là rất mệt… (GV xứ ta sướng ghê,
40 bài của SV đều chép theo giáo trình, giống nhau cả; cứ cho 8 điểm là
an toàn, đứa nào bài sạch, chữ đẹp cho 9; đứa nào bài bẩn, chữ xấu cho
7. Nhoáng cái chấm xong mấy chục bài. Bố bảo SV chả dám thắc mắc).
Vấn đề quan hệ, tương tác, đánh giá lẫn nhau giữa GV và SV mới phức
tạp. Mạng toàn trường có hệ thống kết nối để đảm bảo bí mật riêng tư của
từng SV, GV. Nhưng trao đổi, đánh giá, cho điểm của GV với mỗi SV thì
chỉ SV đó biết. Cho điểm 10, 20 hay 100 là tùy mỗi GV, nhưng cuối cùng
thì xếp hạng A,B,C,D…và phải kết luận, SV nào không đạt, phải học lại
học phần. Có SV đổ tại cô dạy không hiểu. GV phải “cứng cựa” cãi lại, ai
bảo mày đăng ký học tao? Vậy mày đi đăng ký GV khác đi!
Việc SV đánh giá GV mới phức tạp. Ngoài việc trao đổi giữa GV và SV
về mọi vấn đề mang tính riêng tư, thì SV còn đánh giá GV theo định kỳ và
“phản ánh” thường xuyên với Khoa về những điều không hài lòng. GV xem
được việc đánh giá và các ý kiến phản ánh, nhưng không biết của SV nào…
Đúng là “làm dâu trăm họ”!
Nếu ý kiến của SV có vấn đề cần giải quyết thì Chủ nhiệm Khoa/hoặc
đại diện sẽ làm việc với GV. Đôi khi mời cả SV có ý kiến, lên Khoa trao
đổi trực tiếp với GV…
Ý kiến đánh giá của SV rất quan trọng, nó sẽ quyết định việc, Khoa có
ký tiếp hợp đồng với GV này 3 năm tiếp theo hay không? (Chứ đâu sướng
như GV xứ ta, cứ Sếp ok là ổn. Chỉ sợ Sếp “giúp đỡ không trong sáng”,
hoặc GV “Ninh Sếp không trong sáng” mà lộ ra, để “toàn hệ thống chính
trị” vào cuộc, mới rắc rối)…
Đấy là trường của H đang làm việc. Các trường khác có thể có những
phương thức quản lý khác hơn. Nhưng về nguyên tắc, sự đánh giá của SV là
có tính quyết định, vì kết quả SV đánh giá GV được quy thành điểm từ 1
đến 5, công khai trong toàn Liên bang. Vậy là cả nước biết GV nào ra
sao… (Xứ ta mà vậy thì lộ tẩy, toanh hoanh, tô hô ra hết à! XHCN phải
khác tư bản chứ. Ta chơi kiểu “Thi GV dạy giỏi” lồng ghép trong phong
trào “Thi đua 2 Tốt” và cuối năm “Bình bầu tiên tiến”. Tất cả rất là
mông lung, huyền bí, bố thằng Tây nào biết đâu mà lần. Thần tình chửa)!
H bảo, Thầy ạ, giờ em mới thấm thía “Học liên tục”, “Học suốt đời” là
thế nào. Đi dạy cũng là học, phấn đấu từng ngày; cập nhật những nghiên
cứu mới từng ngày, rút kinh nghiệm, đổi mới từng ngày. Có vậy mình mới
đáp ứng được đòi hỏi của SV. Mà không chỉ GV trẻ đâu, GS già cũng phải
như thế. (Rõ dại chưa? Xứ ta “Học một lần, Dạy suốt đời”, sướng thế, ai
bảo mày sang Mỹ để đeo cái khổ vào thân)!
Chuyện tào lao, lan man, dạt dào như sóng nước Tây Hồ. Nhưng H bảo
thầy đừng cho em lên “phây”. Vậy thì đưa tấm hình đêm bên Hồ Tây lung
linh huyền ảo làm kỷ niệm nhé.
21/6/2019
Mạc Văn Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét