María Luisa Bombal
♦ Chuyển ngữ: Trần C. Trí
♦ Chuyển ngữ: Trần C. Trí
María Luisa Bombal (1910-1980) là một trong những nhà văn nữ tiêu biểu của văn học Chile. Bà trải qua thời niên thiếu ở Paris cho đến lúc tốt nghiệp Đại Học Sorbonne. Sau đó bà trở về sống ở Chile, rồi Argentina trong nhiều năm. Bà cũng đã sống ở Hoa Kỳ trong ba thập niên (1940-1970). Tác phẩm của bà thường có chủ đề về dục tính, siêu thực và nữ quyền. Bà đã được giải thưởng văn chương lâu đời nhất của Chile là Premio Municipal de Literatura de Santiago vào năm 1942. Truyện ngắn Cây hạnh phúc (nguyên tác: El Árbol) dưới đây—xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Sur vào năm 1939—được trích từ tuyển tập La Última niebla (tạm dịch: Đám sương mù cuối cùng).
“Gởi tặng Nina Anguita—một nghệ sĩ lớn, người bạn tuyệt diệu đã mang lại được sự sống và hiện thực cho cái cây tưởng tượng của tôi—truyện ngắn tôi không ngờ đã viết riêng cho bà thật lâu trước khi được biết bà.”
María Luisa Bombal
Người nghệ sĩ dương cầm ngồi xuống, ho vài tiếng lấy lệ rồi tập trung trong giây lát. Chùm ánh sáng toả khắp thính phòng, từ từ hắt nhẹ xuống rồi ngừng lại thành một vùng than hồng rực rỡ chết người, cùng lúc với một khúc nhạc bắt đầu dâng lên trong bầu không khí thinh lặng, rồi lan dần ra, trong trẻo, chắc nịch và biến hoá một cách khéo léo.
“Chắc là Mozart đây”, Brígida thầm nghĩ. Như mọi lần, cô lại quên xin tờ chương trình. “Chắc là Mozart hay Scarlatti…” Cô hiểu biết âm nhạc ít ỏi quá! Nhưng chẳng phải vì cô không có tai âm nhạc hay không thích nhạc. Từ nhỏ chính cô đã xin học nhạc; chẳng ai cần phải ép buộc cô như đối với các chị cô.Vậy mà giờ đây các chị của cô chơi nhạc thật chính xác và nhìn nhạc là xướng âm được ngay, chả bù với cô… Cô đã bỏ học nhạc ngay từ năm đầu tiên. Nguyên nhân cô thôi học vừa đơn giản, vừa đáng xấu hổ: cô không tài nào học nổi khoá Sol. “Tôi thật không hiểu nổi, tôi không thể nào nhớ được khoá Sol.” Cha cô giận lắm! “Tôi sẵn sàng giao lại cho bất cứ ai trách nhiệm dạy dỗ của một kẻ goá vợ bất hạnh đối với đám con gái này. Tội nghiệp cho Carmen! Hẳn là bà ấy đã đau khổ vì Brígida lắm. Con bé này quả là đần độn.”
Brígida là con út trong sáu cô con gái với tính tình khác hẳn nhau. Cuối cùng, khi đến đứa con gái thứ sáu, người cha đã loay hoay tới kiệt sức với năm đứa lớn đến nỗi ông chọn cách đơn giản hoá vấn đề bằng cách tuyên bố rằng con bé này là một đứa đần độn. “Tôi không rán sức nữa, vô ích thôi. Mặc kệ nó đi. Nếu nó không muốn học thì cứ để cho nó khỏi học. Nếu nó thích rúc vào bếp nghe kể chuyện ma thì cứ mặc nó ở đó. Mười sáu tuổi đầu rồi mà nó vẫn thích chơi búp-bê thì cứ để cho nó chơi.” Vậy là Brígida giữ luôn mấy con búp-bê và tiếp tục hoàn toàn đần độn.
Được đần độn cũng thích lắm! Không cần biết Mozart là ai, quê quán ở đâu, có ảnh hưởng thế nào hay những đặc điểm về kỹ thuật của ông ta ra sao! Cứ để cho ông ta nắm tay dắt đi, như ngay bây giờ.
Quả vậy, Mozart đang nắm tay cô dắt đi. Ông ta đưa cô qua một cái cầu lơ lửng trên mặt nước trong veo, chảy qua đáy cát màu hồng. Cô mặc một cái áo đầm trắng, tay cầm dù viền ren, phức tạp và mịn màng như một cái màng nhện, xoè rộng ra trên đôi bờ vai.
– Cô càng ngày trông càng trẻ ra đó nhé, Brígida. Hôm qua tôi gặp chồng cô, chồng cũ của cô thì đúng hơn. Tóc anh ta bạc phơ cả rồi.
Cô không trả lời câu bình phẩm, cũng không dừng lại, cứ tiếp tục đi qua cây cầu mà Mozart đưa cô qua để về lại khu vườn của năm tháng ấu thời.
Những vòi nước phun cao trên làn nước đang ca hát. Mười tám năm con gái của cô, bím tóc màu hạt dẻ của cô khi xoã ra dài đến tận hai mắt cá, làn da rám nắng của cô, đôi mắt huyền mở lớn của cô, lúc nào cũng như đang thắc mắc điều gì. Cái miệng nhỏ nhắn với đôi môi đầy đặn, nụ cười dịu dàng và tấm thân thon thả và xinh đẹp có một không hai. Cô đang nghĩ gì khi ngồi bên vòi phun nước? Cô chẳng nghĩ gì cả. “Nó vừa đần vừa đẹp”, người ta thường bảo vậy. Nhưng cô chẳng lấy làm điều rằng mình vừa đần độn, vừa lúc nào cũng cứng đơ trong những buổi khiêu vũ. Hết người này đến người kia lần lượt đến xin hỏi cưới các chị của cô. Chẳng có ai từng hỏi cưới cô cả.
Mozart! Bây giờ ông ta mang ra cho cô một cái bậc thang cẩm thạch xanh biếc, và cô bước xuống từng bậc giữa hai hàng hoa huệ làm bằng nước đá. Đoạn ông mở ra trước mặt cô một cánh cổng có hàng song điểm những chấm vàng nhũ, để cô lao tới bá cổ Luis, người bạn thân của cha cô. Từ lúc tấm bé, khi ai cũng bỏ rơi cô, cô vẫn thường chạy đến với Luis. Ông nhấc bổng cô lên, và cô vòng tay ôm lấy cổ ông, trong tiếng cười nghe như tiếng chim kêu chiêm chiếp nho nhỏ, và những cái hôn mà cô ngỡ ngàng đặt lên đôi mắt, vầng trán và mái tóc đã bạc của ông (không lẽ chưa bao giờ ông đã từng trẻ trung hay sao?) như một trận mưa rối loạn. “Cháu là một cái vòng đeo cổ—Luis thường thủ thỉ với cô—Cháu là một cái vòng đeo cổ kết bằng những con chim.”
Rồi vì vậy mà cô đã kết hôn với ông. Bởi chưng bên cạnh người đàn ông lúc nào cũng trịnh trọng, lầm lì ít nói đó, cô không bao giờ cảm thấy có lỗi về con người của mình: đần độn, ham chơi và lười biếng. Đúng vậy, giờ đây đã qua bao nhiêu năm tháng, cô hiểu rằng mình lấy Luis không phải vì tình yêu. Tuy vậy, cô cũng không hiểu được vì sao, vì sao một ngày nọ mình đã ra đi, thật chóng vánh…
Nhưng lúc này Mozart đang bồn chồn dắt tay cô, lôi cô đi càng lúc càng hối hả, buộc cô phải băng qua khu vườn để quay ngược trở lại, bước lên cầu như thể đang trốn chạy. Sau khi bắt cô vứt cái dù và cái váy trong suốt, ông ta khép lại cánh cửa quá khứ của cô bằng một hợp âm vừa êm ái vừa dứt khoát, rồi bỏ cô lại trong gian thính phòng, mặc đồ đen, vỗ tay một cách máy móc trong lúc ánh lửa của chùm ánh sáng nhân tạo càng lúc càng toả sáng.
Bóng tối lại bao trùm và sự thinh lặng lúc trước lại trở về.
Bây giờ Beethoven bắt đầu làm lay động những đợt sóng ấm áp của những nốt nhạc dưới ánh trăng mùa xuân. Biển cả ngày xưa đã xa vời biết bao! Giờ đây Brígida thấy mình như một bãi cát trước mặt đại dương ngút ngàn, lung linh và êm ái, và rồi biển cả nhẹ nhàng trào dâng, tìm đến với cô, bao trùm lấy cô, rồi bằng những đợt sóng nhẹ, biển đẩy cô đi, đẩy cô đi cho đến khi cô thấy mình áp má vào thân thể của một người đàn ông. Rồi biển cả rời cô, để quên cô lại trên vùng ngực của Luis.
– Anh không có trái tim, anh không có trái tim —cô thường bảo Luis như thế. Trái tim của chồng cô đập trong lồng ngực to đến nỗi hiếm khi cô nghe được ông nói hay chỉ nghe một cách tình cờ—. Không bao giờ anh thật sự bên em khi anh nằm cạnh em —cô thường lên tiếng trong phòng ngủ, đêm nào trước khi ngủ ông cũng mở báo ban chiều ra xem theo thói quen—. Anh lấy em là vì lý do gì vậy?
– Vì em có đôi mắt hoảng hốt của một con nai nhỏ —ông trả lời và hôn cô. Cô bỗng thấy vui hẳn lên và hãnh diện đón nhận sức nặng của cái đầu tóc bạc ông ngả trên bờ vai mình. Ôi, mái tóc bạc óng ánh của Luis!
– Luis này, chẳng bao giờ anh kể cho em nghe tóc của anh thật sự là màu gì khi anh còn nhỏ, mà anh cũng không bao giờ nói cho em biết mẹ anh đã nói thế nào khi mới mười lăm tuổi anh đã bắt đầu bạc tóc. Bà đã nói gì về chuyện đó? Bà có cười không? Bà có khóc không? Còn anh thì hãnh diện hay xấu hổ? Còn ở trường, bạn bè anh, họ nói sao? Kể cho em nghe đi, Luis, kể cho em nghe…
– Ngày mai anh sẽ kể. Anh buồn ngủ lắm rồi, Brígida à, anh mệt nữa. Em tắt đèn đi.
Từ trong vô thức, ông rời cô ra để nhắm mắt ngủ, và cô, cũng từ trong vô thức, ôm lấy bờ vai của ông suốt đêm, tìm kiếm hơi thở của ông, cố gắng tồn tại trong hơi thở của ông, như một cái cây bị câu thúc, khát khao vươn những cành nhánh ra tìm một khí hậu thuận lợi hơn.
Vào buổi sáng, mỗi khi cô hầu mở những chiếc rèm cửa lên thì Luis đã không còn nằm bên cạnh cô nữa. Ông thường rón rén trở dậy mà không chào hỏi cô gì cả, vì sợ cái vòng cổ kết bằng những những con chim đó sẽ khư khư níu chặt lấy hai vai ông. “Năm phút thôi. Năm phút nữa thôi mà anh. Công việc của anh đâu có biến mất chỉ vì anh nấn ná với em thêm năm phút nữa, Luis.”
Những buổi bình minh của cô. Ôi, những buổi bình minh của cô sao mà buồn bã! Nhưng—kể cũng lạ—vừa bước qua phòng để quần áo là nỗi buồn của cô cũng tan biến như có một phép mầu.
Một đợt sóng chuyển động, chuyển động từ rất xa, rầm rì như một biển lá. Beethoven, phải không?
Đó là một cái cây mọc gần cửa sổ của căn phòng để quần áo. Chỉ cần bước vào đó là cô đã thấy một cảm giác thật dễ chịu vây quanh mình. Buổi sáng trong phòng ngủ lúc nào cũng thật oi bức. Và ánh sáng trong đó mới khó chịu làm sao! Còn ở đây, ngược lại, trong phòng để quần áo này, chỉ nhìn thấy mọi vật trong đó thôi là cô thấy thật thoải mái, tươi mát trở lại. Những miếng vải bọc ghế đã phai màu, và cái cây như đã đuổi xua đi những mảng tối giống như mặt nước lạnh lẽo và xao động trên bốn bức tường, những tấm gương làm gẫy gập các tán lá và trở nên trống rỗng trong một khu rừng mênh mông xanh ngát. Căn phòng này mới dễ chịu làm sao! Nó giống như một thế giới chìm sâu trong một cái hồ nuôi cá. Cái cây cao-su to lớn này nói líu lo hay đáo để! Tất cả những con chim quanh vùng đều trở về trú ẩn trên cây. Đây là cái cây duy nhất trên con đường nhỏ hẹp từ một góc của thành phố đổ dốc thẳng xuống dòng sông.
– Anh bận lắm. Anh không đi với em được. Anh có biết bao nhiêu việc cần làm, đến về nhà ăn trưa cũng không được… Phải, anh đang ở trong câu lạc bộ đây. Nhiều việc lắm. Em ăn tối rồi đi ngủ đi. Không, anh không biết. Em đừng chờ anh thì hơn, Brígida.
– Giá như mình có vài người bạn—cô thở dài. Nhưng ai cũng chán cô cả rồi. Giá như mình cố gắng bớt đần độn đi một chút! Nhưng làm sao để thay đổi sự việc một sớm một chiều đây? Muốn học làm khôn ngoan thì phải bắt đầu ngay từ lúc còn nhỏ, có phải vậy không?
Không như cô, các chị cô đều được các ông chồng của họ đưa đi đây đi đó, còn Luis—Vì sao cô đã không thú nhận điều đó với chính mình?—rằng ông lấy làm xấu hổ vì cô, vì tính đần độn của cô, vì tính nhút nhát của cô, và cả vì cái tuổi mười tám của cô. Chẳng phải là trước kia ông đã yêu cầu cô nói với mọi người là ít nhất cô đã hai mươi mốt tuổi, như thể là cái tuổi quá trẻ của cô là một khuyết điểm bí mật đó hay sao?
Vào ban đêm, thật là chán chường khi lúc nào cũng phải đi ngủ! Ông không bao giờ chịu lắng nghe cô nói. Ông thường mỉm cười với cô, điều đó thì có, nhưng bằng một nụ cười mà cô biết là rất máy móc. Còn vuốt ve cho cô thoả mãn thì ông hoàn toàn thiếu sót. Vậy thì ông cưới cô để làm gì chứ? Hay chắc là để tiếp nối một thói quen, để thu hẹp lại mối quan hệ bạn bè cũ với cha cô?
Có lẽ cuộc sống đối với đàn ông chỉ bao gồm một loạt thói quen tiếp nối và được dung túng. Nếu có một thói quen nào bị phá vỡ thì chắc sẽ đưa đến sự rối loạn hay thất bại. Và các ông sẽ bắt đầu lêu lổng trên đường phố, hay ngồi vẩn vơ trên băng ghế ở những công trường, càng ngày ăn mặc càng nhếch nhác hơn và râu tóc để mọc xồm xoàm. Cuộc sống của Luis, vì thế, bao gồm việc lấp đầy nó bằng sự bận rộn trong từng giây phút của mỗi ngày. Làm sao mà cô đã không hiểu rõ điều đó từ trước nhỉ? Cha cô quả đã có lý khi tuyên bố rằng cô chậm phát triển.
– Luis, em muốn được thấy tuyết một lần.
– Mùa hè này anh sẽ đưa em đi Âu châu và ở đó sẽ là mùa đông nên em sẽ được nhìn thấy tuyết rơi.
– Em biết mùa đông ở châu Âu là mùa hè ở đây chứ. Em đâu có đến nỗi ngốc như vậy!
Có lúc, như để đánh thức ông dậy với cơn yêu dấu nồng nàn, cô lao vào chồng và phủ kín ông bằng những nụ hôn, khóc lóc và gọi tên ông:
– Luis, Luis, Luis ơi…
– Gì vậy em? Em có sao không? Em muốn gì?
– Không có gì hết.
– Thế thì tại sao em lại gọi anh như vậy?
– Chẳng vì sao cả, vì em chỉ muốn gọi anh vậy thôi. Em thích gọi tên anh.
Và ông mỉm cười, rộng lượng chấp nhận trò chơi mới đó.
Rồi mùa hè đến, mùa hè đầu tiên của cô trong cuộc sống vợ chồng. Những bận bịu mới làm Luis không giữ được lời hứa đưa cô đi chơi.
– Brígida này, mùa hè sắp tới ở Buenos Aires trời sẽ nóng kinh khủng. Sao em lại không cùng ba em về trang trại chơi nhỉ?
– Một mình em thôi sao?
– Anh sẽ về gặp em mỗi tuần, từ thứ Bảy đến thứ Hai.
Cô buông mình xuống giường, sẵn sàng gây sự với ông. Nhưng cô không tìm ra được lời lẽ hằn học nào để la lối lên với ông cả. Cô chẳng biết gì hết. Đến gây cãi cô cũng không biết làm cách nào.
– Em sao vậy? Em đang nghĩ gì đó?
Lần đầu tiên ông quay gót lại và cúi xuống bên cô, lo lắng, mặc cho lúc đó đã đến giờ đi làm.
– Em buồn ngủ…—Brígida trả lời như trẻ con, giấu mặt vào gối.
Lần đầu tiên ông từ câu lạc bộ gọi về cho cô vào giờ ăn trưa. Nhưng cô không muốn bước ra trả lời điện thoại, giận dữ vin vào món vũ khí mà cô vừa tìm được mà không cần tính toán: sự im lặng.
Cũng đêm đó, cô ngồi ăn trước mặt chồng mà không hề ngước mắt lên, tất cả những sợi thần kinh của cô căng ra.
– Em còn giận anh à?
Cô không nói không rằng.
– Em biết rõ rằng anh yêu em mà, cái vòng cổ kết bằng những con chim ạ. Nhưng anh không thể lúc nào cũng ở bên em. Anh bận vô cùng. Anh đã tới cái tuổi trở thành nô lệ cho cả ngàn sự ràng buộc.
…
– Em có muốn tối nay mình đi chơi không?
…
– Em không muốn à? Anh biết rồi, anh phải kiên nhẫn một chút. À, Roberto có gọi từ Montevideo về không?
…
– Bộ đồ em mặc đẹp quá! Mới mua à, em?
Nhưng cô vẫn nhất định làm thinh.
Thế rồi đã xảy đến điều bất ngờ, điều kinh khủng, điều phi lý. Luis đứng lên, ném mạnh cái khăn ăn xuống bàn rồi lao ra cửa, đóng đến sầm một cái.
Đến lượt cô cũng đứng dậy, kinh ngạc, run rẩy lên vì giận dữ về sự bất công ấy. “Mình, mình…—cô thầm thì một cách ngơ ngác, trong gần cả năm trời nay… mình mới tự cho phép trách móc có một lần này thôi… A! Mình phải đi, mình phải đi ngay trong đêm nay! Mình sẽ không bao giờ bước chân về căn nhà này nữa…” Rồi cô tức tối mở tung tất cả tủ trong phòng quần áo, ném tung toé hết xuống nền nhà.
Ngay lúc đó, có ai hay có cái gì gõ vào khung cửa kính.
Cô chạy ào đến cái cửa sổ, không hiểu bằng cách nào hay bằng một sự can đảm chưa từng thấy nào đó. Hoá ra là cái cây, cái cây cao-su mà một cơn gió mạnh đã làm chao đảo, những cái cành của nó gõ vào kính cửa sổ; từ bên ngoài, nó như kêu gọi cô hãy nhìn nó bị vặn vẹo đến nỗi trở thành một cơn thịnh nộ đen đúa và dữ dội dưới bầu trời rực cháy của đêm hè năm ấy.
Rồi liền sau đó là một cơn mưa như trút nước vào những chiếc lá lạnh ngắt của cây cao-su. Thật tuyệt diệu! Suốt đêm, cô có thể nghe cơn mưa tuôn xuống mạnh bạo, gõ tí tách vào những chiếc lá của cây cao-su tựa như nhiều dòng nước chảy qua những khe lạch tưởng tượng. Suốt đêm cô nghe cái thân già cỗi của cây cao-su kêu ken két và rền rĩ, kể lể cho cô nghe về đất trời bao la bên ngoài, còn cô thì nằm co ro chịu lạnh dưới tấm khăn trải trên chiếcgiường rộng lớn, thật gần Luis.
Hàng loạt những viên ngọc tuôn như mưa xuống mái nhà bằng bạc. Chopin. Études của Frédéric Chopin.
Đã bao nhiêu tuần lễ cô đã giật mình thức giấc, thật sớm, gần như không biết rằng—bây giờ thì ông cũng bướng bỉnh im lặng như cô—chồng cô đã biến ra khỏi giường tự bao giờ?
Căn phòng để quần áo: cửa sổ mở toang, mùi thơm của dòng sông và cây cỏ phảng phất trong gian phòng mời gọi ấy, và những tấm gương phủ nhẹ một lớp sương mù.
Chopin và cơn mưa tuôn trợt trên những chiếc lá của cây cao-su với tiếng ì ầm của một thác nước kỳ bí, dường như làm ướt sũng luôn cả những đoá hồng trên những miếng vải bọc ghế, nhạc và mưa hoà vào nhau trong nỗi tiếc nhớ xao xuyến của cô.
Mùa hè khi trời mưa nhiều quá biết làm gì đây? Suốt ngày ở trong phòng vờ như đang dưỡng bệnh hay đang trong cơn buồn phiền nào đó? Một chiều nọ, Luis rụt rè bước vào phòng. Ông ngồi xuống ngay ngắn. Một thoáng im lặng.
– Brígida, vậy là đúng rồi phải không? Em không còn yêu anh nữa sao?
Đột nhiên cô vui hẳn lên một cách ngớ ngẩn. Cô đã có thể kêu lên: “Không, không, em yêu anh, Luis, em yêu anh chứ”, nếu ông đợi thêm một chút nữa, nếu ông đã không thêm vào, gần như là ngay sau đó, với vẻ bình thản cố hữu của mình:
– Dù sao đi nữa, anh nghĩ chúng ta không nên xa nhau, Brígida à. Phải suy nghĩ cho kỹ.
Mạch tim trong cô lặng xuống cũng nhanh chóng như nó vừa tăng lên trước đó. Hoá ra cô mừng hụt rồi! Luis yêu cô dịu dàng và chừng mực; nếu có lúc ông thấy ghét cô, ông cũng ghét cô một cách công bằng và thận trọng. Đời là thế sao. Cô tiến gần đến cửa sổ, tựa trán vào khung kính lạnh ngắt. Ngoài kia, cây cao-su lặng lẽ đón nhận cơn mưa đang đổ ào xuống, im lìm và thản nhiên. Gian phòng bất động trong vùng tranh tối tranh sáng, ngăn nắp và im ắng. Mọi vật hồ như dừng hẳn lại, vĩnh viễn và cao ngạo. Đời là vậy. Có một nỗi niềm gì cao thượng trong cô đã đón nhận cuộc đời như thế: tầm thường, như một điều gì dứt khoát, không thể nào biến cải. Trong lúc đó, tận sâu thẳm của sự vật dường như đang dâng lên một âm điệu của những chữ nặng nề và chậm rãi mà cô cứ nghe đi nghe lại: “Mãi mãi”, “Không bao giờ”…
Cứ thế, hết giờ, đến ngày, đến tháng năm tuần tự trôi qua. Mãi mãi! Không bao giờ! Cuộc sống! Cuộc sống!
Khi hoàn hồn, cô mới biết rằng chồng mình đã lẻn ra khỏi phòng tự lúc nào.
Mãi mãi! Không bao giờ!… Còn cơn mưa, bí hiểm và dửng dưng, vẫn tiếp tục thì thầm qua tiếng nhạc của Chopin.
Mùa hè làm rơi rụng những tờ lịch nóng bức của nó. Những tờ lịch lấp loáng, chói loà như những thanh gươm vàng óng rơi xuống, những tờ lịch mang hơi ẩm ướt bệnh hoạn như mùi đầm lầy, những tờ lịch của một cơn bão thịnh nộ và ngắn ngủi, những tờ lịch của cơn gió rát bỏng, mang theo những bông hoa dại đến giăng mắc vào cây cao-su to lớn.
Bọn trẻ con thường chơi trốn tìm giữa những đám rễ ngoằn ngoèo làm lật tung lên những hòn đá trên vệ đường, và cái cây tràn ngập tiếng cười khúc khích hay tiếng thầm thì của chúng. Cô thường ló ra cửa sổ, vẫy tay với bọn trẻ; chúng hoảng hốt chạy tán loạn, không để ý đến nụ cười trẻ con của cô, kẻ cũng muốn tham dự trò chơi với bọn chúng.
Một mình một bóng, cô thường tựa vào cửa sổ hằng giờ nhìn những tán lá vật vờ trong gió—lúc nào cũng có một làn gió hiu hiu thổi qua con đường chạy thoai thoải thẳng xuống dòng sông—và cô như chìm đắm vào một dòng nước xao động hay một ngọn lửa chập chờn trong lò sưởi. Ai cũng có thể trải qua những giờ phút tĩnh lặng như thế, đầu óc rỗng không, ngất ngây trong tâm trạng êm ái đó.
Lúc căn phòng vừa khởi sự tràn ngập làn khói của buổi hoàng hôn, cô đã thắp lên ngọn đèn đầu tiên, và ngọn đèn đó lung linh trong những tấm gương, nhân lên thành nhiều lần như một con đom đóm muốn hối thúc màn đêm đến.
Và đêm này qua đêm nọ, cô chập chờn ngủ cạnh chồng trong từng cơn đau khổ. Nhưng khi cơn đau cô đặc lại đến nỗi làm cô nhức nhối như bị ai đánh, khi cô bị bủa vây bởi ước muốn không gì cưỡng nỗi là đánh thức Luis dậy để đánh ông thùm thụp hay để vuốt ve ông, cô lại rón rén ra khỏi giường để đi qua phòng quần áo và mở toang cửa sổ ra. Ngay lập tức, gian phòng đầy ắp những tiếng động và bóng hình kỳ ảo, tiếng chân ai bước khẽ khàng, tiếng chim vỗ cánh, tiếng thầm thì huyễn hoặc của cỏ cây, tiếng kêu rêu dịu dàng của một con dế nấp dưới lớp vỏ của cây cao-su đang chìm đắm trong bầu trời đầy sao của một đêm hè nóng bức.
Cơn sốt của cô giảm dần theo từng bước chân trần của mình trên thảm. Cô không hiểu sao mình lại cảm thấy đau khổ một cách dễ dàng như thế trong căn phòng đó.
Nỗi sầu muộn của Chopin nối nhau từ tấu khúc này sang tấu khúc khác, nối nỗi sầu này sang nỗi sầu khác, không gì phá tan nổi.
Rồi mùa thu đến. Những chiếc lá khô chao lượn vài vòng trước khi đáp xuống bãi cỏ trong khu vườn chật hẹp hay trên lề của con đường thoai thoải. Những chiếc lá lìa cành và rơi rụng… Trên đỉnh, lá của cây cao-su luôn xanh ngắt, nhưng phần dưới của cây đã chuyển sang màu đỏ, sẫm lại như đường viền cũ kỹ của một cái áo dạ hội đắt tiền. Và gian phòng lúc này dường như chìm vào một cái cốc mạ vàng buồn bã.
Nằm duỗi người trên phản, cô kiên nhẫn đợi giờ ăn tối, và đợi Luis về hầu như trong vô vọng. Cô đã nói chuyện lại với ông, cô lại trở thành vợ ông như trước, không hăm hở, cũng không buồn giận. Cô không còn yêu ông nữa, và cũng chẳng còn đau khổ nữa. Ngược lại, lòng cô tràn ngập một cảm xúc mãn nguyện và bình yên bất ngờ. Bây giờ chẳng còn ai hay điều gì có thể làm cô đau khổ cả. Cô đã thấy được rằng hạnh phúc đích thực chính là sự tin chắc rằng mình đã mất đi hạnh phúc không gì cứu vãn nổi. Như vậy thì ta mới bắt đầu sống trở lại, không hy vọng, cũng không sợ hãi, cuối cùng rồi cũng sẵn sàng vui với những niềm vui nho nhỏ mà chính thật ra mới là những gì kéo dài nhất.
Một tiếng động thật mạnh, tiếp theo là một luồng ánh sáng trắng, run rẩy, chiếu tận vào tận cuối gian phòng hoà nhạc.
Nghỉ giải lao rồi sao? Không. Chính là cái cây cao-su, cô biết rõ điều đó.
Người ta đã đốn ngã nó chỉ bằng mấy nhát rìu. Họ bắt đầu công việc từ tinh mơ nên cô không nghe thấy. “Rễ cây đã làm bung đá lát trên lề đường và cố nhiên là khu xóm phải can thiệp vào…”
Cô đưa tay lên che mắt cho khỏi chói. Khi đã nhìn lại được, cô ngồi dậy nhìn quanh. Cô đã thấy gì?
Gian phòng hoà nhạc thình lình vụt sáng, mọi người đang lục tục ra về hay sao?
Không. Cô vẫn bị giam hãm trong màng lưới của quá khứ, không thể nào đi ra khỏi căn phòng để quần áo, nơi đang tràn ngập một luồng ánh sáng trắng chói đáng sợ. Như thể ai đó đã lật tung mái nhà lên; một luồng ánh sáng thô bạo tràn qua khắp ngõ ngách, thấm vào từng lỗ chân lông trên người cô, làm cô bỏng lên vì cơn lạnh. Cô nhìn thấy hết mọi vật đẫm trong vùng ánh sáng lạnh lẽo ấy. Luis, với gương mặt nhăn nheo, đôi tay sần sùi những đường gân lớn nhợt nhạt, và những tấm vải bọc ghế màu loè loẹt.
Cô hoảng hốt chạy lại gần cửa sổ. Nhìn thẳng qua đó bây giờ là một con đường hẹp, hẹp đến nổi căn phòng của cô gần như muốn va vào mặt tiền của một khối nhà cao tầng chói loà. Ở tầng thứ nhất là những khung cửa kính của các cửa tiệm. Nơi góc đường, xe cộ xếp hàng thành dãy dài trước một trạm sửa xe có mặt tiền sơn màu đỏ. Vài thanh niên mặc sơ-mi đang chơi đá banh ngay giữa đường.
Tất cả những hình ảnh xấu xí đó đã in vào trong những tấm gương của cô. Trong gương giờ đây là những ban-công sắt phơi đầy quần áo hay treo lủng lẳng những lồng chim.
Người ta đã lấy đi của cô sự riêng tư kín đáo; cô thấy mình trần truồng đứng giữa đường, trần truồng bên cạnh một ông chồng già nua đang quay lưng lại để ngủ, ông chồng không cho cô được lấy một đứa con. Cô không hiểu sao, cho tới tận lúc đó, cô cũng chưa bao giờ mong có con, vì sao cô lại chấp nhận sống một đời không con không cái. Cô không thể hiểu làm sao mình có thể chịu đựng nụ cười đó của Luis suốt một năm trời, nụ cười bỡn cợt, nụ cười giả dối của người đàn ông đã tập tành cho mình nụ cười đó vì có những lúc cần phải cười như vậy.
Toàn là giả dối! Chính thái độ bỏ cuộc và cảm giác bình yên của cô cũng là giả dối; cô đã từng mơ ước tình yêu, đúng vậy, tình yêu, những cuộc viễn du và những điều rồ dại, và tình yêu, tình yêu…
– Nhưng… Brígida, vì sao đến giờ em mới muốn chia tay? Vì sao em đã nấn ná trong bao lâu nay?—Luis đã từng hỏi cô như thế.
Bây giờ thì chắc cô đã có thể trả lời câu hỏi đó:
– Cái cây cao-su, Luis à, chính là vì cái cây cao-su đó! Người ta đã đốn bỏ nó mất rồi!
_______________________________________________________________
Trần C. Trí chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha
Mến tặng nhà văn Đặng Thơ Thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét