13 thg 6, 2019

Chính sách năng lượng đầy sai lầm nguy hiểm của Đức (Nghiên Cứu Quốc Tế )

Nguồn: Han-Werner Sinn, “Germany’s Dangerously Flawed Energy Policies”, Project Syndicate, 24/05/2019.
Biên dịch: Thái Khánh Phong


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng đã đến lúc phải cải tổ toàn diện mô hình kinh tế Đức. Có lẽ ông ấy đã đúng, ít nhất là khi nói đến lĩnh vực năng lượng.
Trong khi Pháp sản xuất hơn 70% lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân và đang cố gắng chuyển sang dùng ô tô điện (electric vehicle – EV) để sử dụng điện sản xuất từ năng lượng hạt nhân thì Đức lại phụ thuộc vào các trang trại điện gió và các dạng năng lượng xanh khác. Đức đã có kế hoạch loại bỏ năng lượng hạt nhân vào năm 2022 và năng lượng than vào năm 2038. Tuy nhiên, nỗ lực vận hành nền công nghiệp Đức bằng năng lượng gió đang đối mặt với sức cản chính trị ngày càng tăng vì các tuabin gió đã xuất hiện ở khắp nơi – một số cao đến 250 mét (820 feet) – làm cho ngay cả những khung cảnh thiên nhiên đẹp nhất cũng đang giống với cảnh quan công nghiệp.
Tất nhiên, các nông dân và chủ rừng đều hoan nghênh cơ hội chuyển đổi đất của họ cho mục đích sản xuất điện gió. Trước đây chỉ những khu đất ở vùng ngoại ô của các thành phố lớn mới được phép chuyển đổi như vậy, nhưng khi có luật mới tạo điều kiện cho việc lắp đặt tuabin gió ở các vùng nông thôn thì nông dân và chủ rừng ở Đức đã trúng mánh lớn.
Tuy nhiên, việc xây thêm các tuabin gió đang bị đình trệ do tiếng nói ngày càng mạnh mẽ của quần chúng phản đối việc hủy hoại môi trường tự nhiên. Các phong trào phản đối việc xây tuabin gió, bị coi là phá hoại môi trường, đang mọc lên như nấm. Ngay cả Liên minh bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học Đức (NABU) cũng đang bắt đầu xem xét lại quan điểm chính thức của mình về các tuabin gió, do các tuabin này đã làm chết hàng loạt côn trùng, chim và dơi trên diện rộng. Tuy rằng các nhà máy năng lượng mặt trời và khí sinh học vẫn có thể là các phương án thay thế cho gió nhưng thực tế chúng cũng có nhiều hạn chế vì Đức không phải là một quốc gia có nhiều ánh nắng mặt trời và vấn đề bàn ăn-hay-bồn nhiên liệu- tức sử dụng đất để trồng lương thực hay sản xuất nhiên liệu – là một vấn đề đạo đức khó có câu trả lời rõ ràng.
Vấn đề chủ yếu của chính sách năng lượng Đức là sự biến động của năng lượng gió và mặt trời. Lúc thì chúng sản xuất được quá ít điện, lúc thì lại có quá nhiều. Nếu gió ngừng thổi và mặt trời không chiếu sáng thì các nhà máy điện thông thường lại phải chịu trách nhiệm cung cấp điện. Do đó, cho dù Đức xây dựng bao nhiêu nhà máy năng lượng mặt trời và gió đi nữa thì Chính phủ Đức vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn các nhà máy điện thông thường được.
Hơn nữa, khi gió và mặt trời tạo ra quá nhiều điện, chúng thường đẩy giá điện xuống dưới không (đồng). Những sự bóp méo giá cả này sẽ tăng mạnh khi thị phần của năng lượng gió và mặt trời, hiện ở mức 25%, vượt quá 30%, vì sản lượng điện dư thừa khi các nhà máy điện gió và mặt trời đạt công suất cực đại sẽ bắt đầu vượt quá tổng nhu cầu điện.
Tình hình sẽ tồi tệ hơn nữa khi thị phần của năng lượng mặt trời và gió khả dụng đạt tới 100% vì khi đó thì tỷ lệ năng lượng dư thừa cũng có thể đạt tới 100%. Ngay cả khi Đức và các nước láng giềng đã tạo ra một mạng lưới điện hoàn hảo trải dài từ dãy Alps đến Na Uy, nhưng với số lượng các nhà máy thủy điện tích năng (pumped-storage plants)[1] tối đa theo cấu tạo địa chất cho phép được xây dựng trong khu vực này, thì thị phần của năng lượng gió và mặt trời sẽ không thể vượt quá 50% nếu như các nước này không chấp nhận đổ bỏ phần điện năng dư thừa khi đạt công suất cực đại hoặc chuyển sang dạng năng lượng khác (như nhiệt hoặc khí đốt).
Đối mặt với vấn đề này, xe điện có thể là một giải pháp. Tương lai chắc chắn sẽ thuộc về xe điện khi mà Liên minh Châu Âu đã có những can thiệp chính sách lớn vào thị trường ô tô (do Pháp thúc giục) để biến nó thành hiện thực. Nhưng, thay vì làm giảm bớt các vấn đề về năng lượng của Đức, xe điện sẽ khiến chúng trở nên tồi tệ hơn.
Các hộ gia đình Đức đang phải trả giá điện cao nhất ở châu Âu vì có tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng xanh cao nhất từ trước tới nay. Giá điện ở Đức cao hơn cả ở Đan Mạch, nơi cũng phụ thuộc nhiều vào năng lượng gió. Nếu ngành giao thông Đức buộc phải dùng điện hoàn toàn thì nhu cầu điện tăng lên sẽ dẫn đến tăng giá hơn nữa, gây thiệt hại kéo dài cho nền công nghiệp của đất nước.
Nếu nước Đức muốn giữ giá năng lượng ổn định thì họ phải kiềm chế tham vọng xanh của mình. Nhưng nếu không tiếp tục giảm lượng khí thải carbon dioxide, Đức sẽ không đạt các mục tiêu ràng buộc của EU về giảm phát thải khí nhà kính và phải trả tiền phạt cho EU.
Chỉ có hai cách để thoát khỏi tình trạng khó khăn này. Cách thứ nhất là chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than hiện có thành các nhà máy điện dùng khí đốt vì chúng chỉ sinh ra một nửa lượng CO2. Ít nhất điều đó sẽ cho phép Đức giảm lượng khí thải CO2 hàng năm từ 900 triệu xuống còn 770 triệu tấn. Lựa chọn này sẽ dẫn đến yêu cầu phải có các đường ống dẫn khí mới tương tự như Nord Stream 2, một dự án chung giữa Đức và Nga đã bị phản đối mạnh mẽ bởi Ủy ban châu Âu và đặc biệt là Pháp. Thật vậy, chỉ một tuần sau khi ký hiệp ước hữu nghị Pháp-Đức mới vào tháng 1, Tổng thống Macron đột nhiên ngừng ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong việc ngăn EU giành quyền kiểm soát  đối với đường ống, mặc dù đường ống này không đi qua lãnh thổ của quốc gia EU nào khác và thường sẽ không phải tuân theo quy định của EU.
Lựa chọn năng lượng thứ hai của Đức là mua năng lượng hạt nhân nước ngoài hoặc bắt đầu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới trên lãnh thổ của mình. Đức sẽ ngầm chấp nhận khả năng mua điện hạt nhân từ nước ngoài, nhưng để khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới trên đất Đức xảy ra thì quốc gia này sẽ phải trải qua một quá trình khó khăn về mặt chính trị để quay lại với thực tế và đợi thế hệ các chính trị gia muốn loại bỏ điện hạt nhân về hưu. Năm 2009, Thụy Điển, quốc gia châu Âu đầu tiên từ bỏ năng lượng hạt nhân sau vụ tai nạn ở nhà máy Three Mile Island (Mỹ) năm 1979, đã đảo ngược quyết định của mình. Đức có thể phải làm điều tương tự trong thời gian tới. Tuy nước Đức đã mất hầu hết chuyên môn hạt nhân của mình, quốc gia này sẽ chẳng phải tìm kiếm đâu xa để mua các nhà máy điện hạt nhân mới: Pháp sẵn sàng bán chúng.
Hans-Werner Sinn, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Munich, là Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Ifo và là thành viên Hội đồng Tư vấn của Bộ Kinh tế Đức. Ông là tác giả của cuốn The Euro Trap: On Bursting Bubbles, Budgets, and Beliefs.
————–
[1] Pumped-storage plants là các nhà máy thủy điện mà nước sau khi chảy qua ống dẫn làm quay tuabin thì được bơm ngược lên hồ chứa phía trên để tái sử dụng – NBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét