13 thg 6, 2019

Bờ thứ ba của dòng sông ( Văn Việt )

João Guimarães Rosa[*]
Phạm Anh Tuấn dịch
Cha tôi là một người coi trọng bổn phận, tính tình ngăn nắp, thẳng thắn. Theo một vài người đáng tin cậy mà tôi tìm hiểu thì ông đã thể hiện những phẩm chất này từ khi ở tuổi mới lớn, thậm chí từ khi còn bé. Theo hồi ức của tôi, ông cũng như bao người chúng tôi quen biết, chẳng vui vẻ hay âu sầu hơn. Có thể một chút kín đáo hơn thì có. Mẹ chứ không phải Cha mới chính là người cai quản gia đình. Ngày nào bà cũng rầy la gắt gỏng anh chị em chúng tôi. Nhưng một ngày đã xảy ra một chuyện, Cha đặt đóng một chiếc thuyền.

Ông có suy nghĩ rất nghiêm chỉnh về chuyện này. Chiếc thuyền phải được làm chỉ dành riêng cho ông, bằng gỗ cây mimosa. Nó phải đủ chắc chắn để tồn tại trong hai mươi hoặc ba mươi năm và rộng chỉ đủ cho một người. Mẹ rất bình tĩnh trong chuyện này. Có phải chồng mình bỗng dưng thích đi đánh cá? Hoặc làm thợ săn? Cha im lặng không trả lời. Ngôi nhà chúng tôi ở cách con sông không đến một dặm, mặt nước con sông rất rộng, sâu, tịnh mịch, đến mức không thể nhìn thấy bờ bên kia.
Tôi không bao giờ quên cái ngày người ta bàn giao chiếc thuyền. Cha tỏ ra dửng dưng. Ông chỉ đội mũ vào, như mọi bận, rồi chào cả nhà. Ông không đem theo đồ ăn hay khăn gói. Chúng tôi chờ đợi Mẹ nổi xung lên, nhưng bà không làm vậy. Mặt bà tái đi, môi mím chặt, nhưng bà chỉ nói “Nếu ông đi khỏi nhà, hãy tránh xa khỏi đây. Đừng bao giờ quay về!”.
Cha không đáp lại. Ông từ tốn nhìn tôi rồi ra hiệu cho tôi đi theo ông. Tôi sợ Mẹ nổi giận, song vẫn hăng hái tuân lời. Hai cha con đi về phía dòng sông, tôi dần cảm thấy mạnh bạo và phấn khích hơn, đến mức còn hỏi: “Cha ơi, cho con đi cùng cha nhé?”
Ông chỉ nhìn tôi, chúc phúc cho tôi rồi ra ý bảo tôi quay về nhà. Tôi giả vờ làm theo nhưng khi ông vừa quay lưng lại, tôi bèn nấp sau bụi rậm để quan sát ông. Cha bước lên thuyền rồi chèo ra xa. Bóng chiếc thuyền hắt xuống mặt nước nom như con cá sấu dài đang lặng lẽ lướt.
Cha đã không quay về. Thực sự ông cũng chẳng tới nơi nào cụ thể. Ông chỉ khua gạt mái chèo và để mặc thuyền trôi quanh quẩn ở một nơi nào đó ngoài kia trên dòng sông, giữa hai bờ của con sông. Mọi người đều thất kinh. Điều gì chưa từng xảy ra, có lẽ không thể xảy ra, lại đang xảy ra. Họ hàng, bằng hữu, xóm giềng đã ghé qua nhà chúng tôi để bàn về hiện tượng kì lạ này.
Mẹ lấy làm xấu hổ. Bà kiệm lời và cư xử điềm tĩnh. Vì thế hầu như ai cũng nghĩ thầm (dù không nói ra) rằng Cha đã hóa điên. Nhưng có một vài người đã cho là Cha có thể đang thực hiện một lời hứa hẹn với Chúa hoặc có thể ông đã mắc phải một căn bệnh khủng khiếp nào đó, có thể là bệnh cùi, và ông bỏ nhà ra đi là vì gia đình và đồng thời muốn vẫn ở rất gần mọi người.
Những người qua lại trên dòng sông và dân sống ở hai bờ con sông kể lại rằng Cha chưa bao giờ đặt chân lên bờ, ban ngay hay ban đêm. Ông chỉ di chuyển đây đó trên sông, cô độc và vu vơ như thể một chiếc thuyền vô chủ. Mẹ và những người thân đều cho rằng thức ăn ông chắc chắn giấu trên thuyền cũng sắp hết và ông sẽ lên bờ và đi đến một nơi nào đó (nơi ít nhất cũng khá hơn một chút) hoặc ông sẽ ân hận rồi quay về nhà.
Họ mới xa sự thật làm sao! Cha đã có một nguồn cung cấp bí mật, đó là tôi. Hằng ngày tôi lén lấy đồ ăn rồi mang đến cho ông. Đêm đầu tiên sau hôm ông rời nhà, gia đình tôi đặt thức ăn trên bờ rồi cầu nguyện và gọi cha. Tôi rất lo lắng và cảm thấy cần phải làm điều gì đó thêm. Ngày hôm sau, tôi đi ra bờ sông, đem theo một ổ bánh ngô, một nải chuối và mấy viên đường nâu. Tôi đợi ông cả giờ đồng hồ trôi dằng dặc. Rồi tôi nhìn thấy chiếc thuyền, ở phía xa, cô độc, hầu như không thể nhận ra nó đang lướt trên mặt nước yên lặng của dòng sông. Cha đang ngồi ở tư thế lọt thỏm trong chiếc thuyền, Ông nhìn thấy tôi nhưng không chèo thuyền về phía tôi hay ra hiệu. Tôi giơ thức ăn cho ông thấy rồi đặt trong một hốc đá trên bờ; đó là chỗ an toàn, tránh các con vật, nước mưa và sương. Tôi làm công việc này mỗi ngày, ngày qua ngày, không bỏ một ngày nào. Sau này tôi ngạc nhiên khi biết Mẹ đã biết những gì tôi làm khi ấy và bà để thức ăn ở quanh quẩn chỗ nào để tôi có thể dễ dàng lấy trộm. Bà có rất nhiều cảm nghĩ nhưng bà giữ kín trong lòng.
Mẹ cho gọi em trai bà tới giúp một tay công việc ở nông trại và kinh doanh. Bà mời thầy giáo ở trường tới nhà dạy phụ đạo cho anh em chúng tôi để bù lại quãng thời gian chúng tôi bỏ học. Một ngày, theo yêu cầu của Mẹ, vị linh mục vận lễ phục chỉnh tề, đi xuống triền sông và thử yểm trừ quỉ dữ đã nhập vào cha tôi. Ông nói to lên rằng Cha có bổn phận phải chấm dứt đức tính bướng bỉnh phàm thông. Một ngày khác, mẹ thu xếp cho hai quân nhân tới để thử dọa cha tôi. Tất cả đều vô ích. Cha tôi đưa thuyền trôi ra xa, đôi khi xa đến nỗi hầu như không nhìn thấy ông. Ông chưa một lần trả lời một ai và chưa một ai tới được gần ông. Khi vài ba nhà báo bắt đầu định chụp ảnh, Cha bèn quay mũi thuyền đi thẳng về phía bờ bên kia rồi lẫn vào vùng đầm lầy nơi ông thuộc rõ như lòng bàn tay nhưng người khác thì lạc ngay. Ông an toàn ở đó, trong cái mê cung riêng tư của mình, rộng nhiều dặm, dưới những tán lá xum xuê và những bụi cói.
Cả nhà đã buộc phải quen với ý nghĩ Cha đang ở nơi nào đó ngoài dòng sông kia. Chúng tôi không còn cách nào khác, nhưng vẫn không thể quen, chưa bao giờ có thể quen được. Tôi nghĩ mình là người duy nhất phần nào hiểu cha chúng tôi muốn gì và không muốn gì. Có điều tôi không thể hiểu chút nào đó là làm sao ông chịu đựng được sự khắc nghiệt. Ngày và đêm, dưới nắng mưa, trong thời tiết nóng nực và vào những đợt rét khủng khiếp giữa năm, với cái mũ cũ kĩ trên đầu và rất ít đồ mặc khác trên người, tuần này sang tuần khác, hết tháng này sang tháng khác, hết năm này sang năm khác, bất chấp sự uổng phí và trống rỗng ông để đời mình trôi qua. Ông chưa bao giờ đặt chân lên chỗ đất nông hay bãi cỏ lau, cù lao hay đất liền. Chắc chắn thỉnh thoảng ông có buộc thuyền vào một chỗ kín đáo, có thể là tại một mũi cù lao nào đó, để ngả lưng một chút. Ông chưa bao giờ nhóm lửa hay thậm chí quẹt một que diêm và ông không mang theo đèn pin. Ông chỉ lấy một phần nhỏ thức ăn tôi để trong hốc đá kia – tôi coi bộ không đủ cho sự sinh tồn. Tình trạng sức khỏe của ông bây giờ thế nào? Sức lực của ông ra sao khi phải liên tục tiêu hao vào việc khua gạt mái chèo để điều khiển chiếc thuyền? Và ông bằng cách nào để sống qua những trận lũ thường niên, khi nước sông dâng cao cuốn theo nó đủ những vật nguy hiểm – cành cây, xác động vật chết – những thứ đó có thể bất ngờ va vào chiếc thuyền nhỏ của ông?
Ông chưa bao giờ bắt chuyện với một ai. Và mọi người trong nhà chưa bao giờ nói chuyện về ông. Chúng tôi chỉ suy nghĩ, chẳng đâu vào đâu. Không. Chúng tôi chưa bao giờ gạt cha chúng tôi ra khỏi suy nghĩ. Nếu có lúc đột nhiên chúng tôi dường như không nghĩ đến ông thì đó chỉ là một quãng tạm lắng rồi sau đó chúng tôi nhanh chóng chợt tỉnh lại khi hiểu ra tình trạng đáng sợ của ông.
Chị gái tôi lấy chồng, nhưng Mẹ không muốn bày vẽ tiệc cưới. Chúng tôi chẳng còn bụng dạ nào cho chuyện này bởi mỗi khi ăn món gì đặc biệt ngon chúng tôi đều nghĩ đến ông. Nằm trên chiếc giường ấm áp thoải mái vào mỗi đêm gió bão lạnh lẽo chúng tôi cũng đều nghĩ tới ông – đang ở ngoài kia, cô quạnh, đang cố dùng tay hoặc một chiếc gáo để tát nước trong thuyền. Thỉnh thoảng có người vẫn nói tôi nom ngày càng giống cha tôi. Nhưng tôi hình dung lúc này râu tóc ông chắc đã mọc tua tủa và móng tay chắc phải dài lắm. Tôi mường tượng ông người gày đi, ốm yếu, tóc và da đen cháy, người gần như trần truồng mặc dù thỉnh thoảng tôi có để lại trên bờ cho ông những món đồ cần thiết để ông thay.
Ông dường như không quan tâm chút nào tới gia đình. Nhưng tôi cảm nhận thấy tôi yêu mến và kính trọng ông, và hễ khi nào mọi người khen tôi đã làm điều gì đó tốt, tôi vẫn nói: “Cha tôi đã dạy tôi dỗ tôi đấy.”
Tôi nói vậy là không hoàn toàn chính xác, nhưng đó là kiểu nói dối có phần nào sự thật. Như tôi vừa nói, Cha dường như không quan tâm tới gia đình. Thế nhưng tại sao ông lại sống quanh quẩn ở ngoài đó. Tại sao ông không đi ngược lên phía thượng du hay xuôi xuống hạ du, tới nơi không còn có thể nhìn thấy chúng tôi hoặc chúng tôi không thể nhìn thấy ông? Chỉ có ông mới biết câu trả lời.
Chị gái tôi sinh hạ một bé trai. Chị nài nỉ làm sao để cho Cha nhìn thấy đứa cháu nội. Một ngày đẹp trời, cả nhà đi xuống triền sông, chị tôi mặc bộ đồ cưới trắng tinh, nhấc bổng đứa bé lên cao. Chồng chị cầm một cái ô che cho hai mẹ con. Chúng tôi gọi to Cha và chờ đợi. Ông không xuất hiện. Chị tôi bật khóc, cả nhà ôm nhau khóc.
Chị gái tôi cùng chồng dọn đến một nơi rất xa. Anh trai tôi chuyển đến sống ở một thành phố. Thời cuộc đổi thay, với sự nhanh chóng quen thuộc hầu như khó nhận ra. Mẹ cuối cùng cũng dọn đi; bà già đi và đến sống cùng con gái. Chỉ còn tôi ở lại, một vật bị bỏ lại. Không khi nào tôi nghĩ mình sẽ lấy vợ. Tôi chỉ đơn giản ở lại, với hành trang của số phận tôi. Cha, đang lang thang cô độc và tuyệt vọng trên dòng sông, cần đến tôi. Tôi biết ông cần đến tôi, mặc dù ông chưa bao giờ thậm chí nói với tôi vì sao ông làm điều này. Có bận tôi đã thẳng thắn vặn hỏi mấy người, tất cả đều nói họ đã nghe được là Cha đã giải thích chuyện này với người đã đóng chiếc thuyền. Nhưng bây giờ người đàn ông đó đã mất rồi và không có ai biết hay còn nhớ mảy may điều gì. Chỉ có vài ba lời bàn tán ngây ngô, những khi trời mưa tầm tã, dai dẳng, rằng cha tôi khôn ngoan như ông Noah và ông thuê đóng chiếc thuyền là vì dự đoán sẽ có một trận Đại Hồng thủy thứ hai: tôi mang máng nhớ lại có người đã nói như vậy. Dù thế nào tôi cũng không trách cha tôi vì những gì ông làm. Tóc tôi đang bắt đầu ngả màu muối tiêu.
Tôi chỉ có những điều buồn bã để nói mà thôi. Tôi đã làm điều gì xấu, tôi đã phạm tội lớn gì? Cha tôi luôn ở cách xa tôi và tôi luôn sống cùng với sự vắng mặt ông. Còn dòng sông kia, bao giờ cũng là nó, vĩnh viễn tự hồi phục chính nó. Dòng sông thiên thu. Tôi bắt đầu phải chịu đựng tuổi già, cuộc sống lúc này chỉ còn lay lắt. Tôi bị bệnh tật và lo âu tấn công. Bị căn bệnh thấp khớp thường xuyên hành hạ. Còn cha tôi? Tại sao ông làm chuyện này, tại sao cơ chứ? Chắc hẳn ông đang phải chịu đựng khủng khiếp lắm. Ông đã già lắm rồi. Rồi đến một ngày không còn đủ sức, có thể ông sẽ phó mặc cho chiếc thuyền lật nhào hoặc để mặc cho nó trôi miết theo dòng nước, cho tới khi đâm chúi vào thác nước đổ sầm sập xuống dòng sông sủi ngầu bọt. Ý nghĩ này khiến tôi quặn lòng. Cha đang ở ngoài kia và tôi bị tước đoạt vĩnh viễn sự thanh thản. Lỗi tại tôi vì điều gì, tôi không biết, và nỗi đau khổ trong tôi như một vết thương không lành. Có lẽ tôi sẽ biết tội tôi nếu mọi thứ khác đi. Tôi bắt đầu phỏng đoán có việc gì không ổn.
Hãy nói ra đi! Có phải tôi đã thành kẻ khác người? Đâu có, trong nhà chưa bao giờ nghe ai nói đến chữ này, chưa bao giờ suốt hàng bao năm trời. Không ai từng bảo ai là khác người cả, bởi lẽ chẳng có ai khác người cả. Hoặc có thể ai cũng khác người. Tôi chỉ còn cách đi ra ngoài đó rồi vẫy chiếc khăn tay để cha tôi may ra sẽ nhìn thấy. Tôi hoàn toàn làm chủ bản thân. Tôi đợi. Cuối cùng ông cũng xuất hiện ở tít đằng xa, rồi lại gần hơn, một dáng người mờ mờ ngồi ở đuôi thuyền. Tôi gọi với ông mấy lần. Rồi tôi nói những gì tôi từng háo hức muốn nói ra, muốn tuyên bố, tuyên thệ trịnh trọng. Tôi nói thật to hết cỡ:
“Cha hời, cha ở ngoài đó đã lâu rồi. Cha đã già… Cha hãy quay về đi, cha không cần phải làm thế nữa… Con sẽ ra ngoài đó thay cha. Ngay bây giờ, bất kì lúc nào cha muốn. Con sẽ lên thuyền, Con sẽ thế chỗ cha.”
Và trong lúc nói điều này ra tôi thấy tim mình đập càng mạnh hơn.
Cha đã nghe thấy tôi nói. Ông đứng dậy. Ông khua mái chèo cho chiếc thuyền tiến về phía tôi. Thế là ông đã chấp nhận lời đề nghị của tôi. Rồi đột nhiên tôi run rẩy, sâu tận đáy lòng. Cha giơ cánh tay lên vẫy – lần đầu tiên trong bao nhiêu năm dài đằng đẵng. Và tôi không thể chịu nổi được nữa… trong nỗi kinh hoàng, tóc tai tôi dựng đứng cả lên. Tôi bỏ chạy, tôi tháo chạy điên cuồng. Bởi ông dường như đến từ một thế giới khác. Và tôi cầu xin tha thứ, cầu xin, cầu xin tha thứ.
Sau khi nghiệm trải cảm giác lạnh lẽo rùng rợn đến từ nỗi sợ cái chết, tôi đổ bệnh. Không ai còn trông thấy hay nghe nói về ông nữa. Tôi có phải là một trang nam tử hay không, sau một thất bại như thế? Tôi là cái gì lẽ ra không bao giờ nên là. Tôi là cái gì buộc phải câm nín. Tôi hiểu ra điều này thì đã quá muộn. Tôi sẽ buộc phải ở lại trong hoang mạc hay trên đồng bằng vô danh của đời tôi, và tôi sợ sẽ phải rút ngắn cuộc đời mình. Nhưng khi cái chết đến, tôi muốn người ta đem tôi đi và đặt vào một chiếc thuyền con trên dòng nước bất diệt này, giữa hai bờ dài dằng dặc; và để tôi xuôi dòng, mất hút vào lòng con sông… con sông ấy.

PHẠM ANH TUẤN dịch
theo bản tiếng Anh của William L. Grossman

[*] Nhà văn người Brazil theo chủ nghĩa hiện đại, sinh 1908, mất 1967.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét