Gút (hay Gout) là một dạng bệnh viêm khớp xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu cao bất thường. Axit uric hình thành những tinh thể trong khớp, thường ở bàn chân và ngón chân cái, gây sưng và đau nghiêm trọng.
Một số người cần dùng thuốc để điều trị bệnh gút, nhưng thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể giúp ích. Giảm axit uric có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút và thậm chí có thể ngăn ngừa các đợt bùng phát tiếp theo ở những người mắc bệnh này.
Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh gút phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ là lối sống, vì vậy cần nói chuyện với bác sĩ về các chiến lược phòng ngừa bệnh gút tốt nhất.
Giảm lượng bia, rượu có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút.
Dưới đây là 8 cách tự nhiên để giảm mức axit uric:
1. Hạn chế thực phẩm giàu purin
Purin là hợp chất tự nhiên có trong một số thực phẩm. Khi cơ thể giáng hóa purin, nó tạo ra axit uric. Quá trình chuyển hóa thực phẩm giàu purin có thể dẫn đến bệnh gút bởi nó khiến cơ thể sản sinh quá nhiều axit uric.Một số thực phẩm chứa nhiều purin nhưng lại tốt cho sức khỏe, vì vậy mục tiêu nên là giảm lượng purin chứ không phải là tránh hoàn toàn.
Những thực phẩm có hàm lượng purin cao bao gồm:
- Thịt thú rừng, như hươu (nai)
- Cá hồi, cá ngừ, cá tuyết chấm, cá mòi, cá cơm, trai và cá trích
- Rượu, bao gồm bia và rượu
- Thực phẩm giàu chất béo, như thịt xông khói, các sản phẩm từ sữa và thịt đỏ (bao gồm cả thịt bê)
- Thịt nội tạng, ví dụ, gan và lách
- Thực phẩm và đồ uống có đường
- Thịt nguội
- Hầu hết các loại thịt khác, bao gồm giăm bông và thịt bò
- Gia cầm
- Hàu, tôm, cua và tôm hùm
2. Ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng purin thấp
Bằng cách chuyển từ thực phẩm nhiều purin sang thực phẩm ít purin, một số người có thể giảm dần nồng độ axit uric hoặc ít nhất là tránh tăng thêm. Một số thực phẩm có hàm lượng purin thấp bao gồm:- Các sản phẩm sữa ít béo và không béo
- Bơ lạc (đậu phộng) và hầu hết các loại hạt có vỏ cứng
- Hầu hết các loại trái cây và rau
- Cà phê
- Gạo nguyên hạt, bánh mì và khoai tây
Các yếu tố khác, chẳng hạn như cơ địa di truyền, cũng đóng một vai trò. Người Mỹ gốc Phi dễ bị bệnh hơn người da trắng. Phụ nữ mãn kinh và những người mắc bệnh béo phì cũng có nguy cơ cao hơn.
3. Tránh các thuốc làm tăng axit uric
Một số thuốc có thể làm tăng axit uric, bao gồm:- Thuốc lợi tiểu, như furosemide (Lasix) và hydrochlorothiazide
- Thuốc ức chế miễn dịch, đặc biệt là trước hoặc sau khi ghép tạng
- Aspirin liều thấp
4. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Cân nặng bình thường có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Béo phì làm tăng nguy cơ bệnh gút, đặc biệt là ở những người độ tuổi trẻ hơn.Thừa cân cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa. Nó có thể làm tăng huyết áp và cholesterol đồng thời tăng nguy cơ bệnh tim. Trong khi bản thân những tác động này đã có hại, thì thừa cân cũng liên quan đến nguy cơ cao bị tăng axit uric trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
Giảm cân nhanh chóng, đặc biệt là do nhịn ăn, có thể làm tăng axit uric. Do đó, nên tập trung vào việc thực hiện các thay đổi bền vững lâu dài để kiểm soát cân nặng, chẳng hạn như tích cực vận động hơn, chế độ ăn uống cân bằng và lựa chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.
5. Tránh uống rượu và đồ uống có đường
Tiêu thụ nhiều rượu và đồ uống có đường – như nước ngọt có ga và nước ngọt – có liên quan với tăng nguy cơ mắc bệnh gút.Rượu và nước ngọt cũng bổ sung lượng calo không cần thiết vào chế độ ăn, có thể gây tăng cân và các vấn đề về chuyển hóa.
6. Uống cà phê
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người uống cà phê ít bị bệnh gút. Ví dụ, một phân tích dữ liệu năm 2010 từ những phụ nữ trong Nghiên cứu Sức khỏe Y tá cho thấy nguy cơ mắc bệnh gút giảm khi mức tiêu thụ cà phê tăng.Phụ nữ uống 1 đến 3 tách cà phê mỗi ngày giảm 22% nguy cơ mắc bệnh gút so với những người không uống cà phê. Phụ nữ uống hơn 4 tách cà phê mỗi ngày giảm 57% nguy cơ mắc phải tình trạng này.
Một số nghiên cứu cũng đã liên hệ tiêu thụ cà phê với nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn. Một tổng kết năm 2014 và phân tích tổng hợp về tiêu thụ cà phê dài ngày cho thấy những người uống 3-5 cốc cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp nhất.
Vì những người bị bệnh gút có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, uống cà phê có thể giúp cải thiện sức khỏe chung.
Tuy nhiên, cà phê làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính và khả năng gãy xương ở phụ nữ, vì vậy cần thảo luận với bác sĩ về những nguy cơ và lợi ích.
7. Thử bổ sung vitamin C
Uống bổ sung vitamin C có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Một phân tích tổng hợp năm 2011 của 13 thử nghiệm đối chứng ngẫu hóa cho thấy vitamin C làm giảm đáng kể nồng độ axit uric trong máu.Nồng độ axit uric giảm có thể làm giảm nguy cơ của cơn gút cấp. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa chứng minh được rằng vitamin C điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh gút – mà nó chỉ làm giảm nồng độ axit uric.
8. Ăn quả cherry (anh đào)
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy anh đào có thể làm giảm nguy cơ cơn gút, đặc biệt ở những người có tiền sử bệnh.Một nghiên cứu năm 2012 trên 633 người bị bệnh gút cho thấy ăn quả anh đào trong 2 ngày làm giảm 35% nguy cơ bị cơn gút cấp so với không ăn.
Tác dụng này vẫn còn ngay cả khi kiểm soát các yếu tố nguy cơ, như tuổi, giới tính, uống rượu và sử dụng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc chống gút.
Trong số những người cũng đã sử dụng allopurinol, một thuốc chống gút, sự kết hợp giữa thuốc và anh đào làm giảm 75% nguy cơ bị cơn gút.
Kết luận
Gút là một bệnh gây đau thường xảy ra cùng với các tình trạng nghiêm trọng khác. Mặc dù lối sống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ cơn gút cấp, nhưng nó có thể không đủ để điều trị bệnh.Một số người có chế độ ăn uống cân đối vẫn bị bệnh gút, và không phải tất cả những người ăn chế độ ăn có hàm lượng purin cao đều phát triển các triệu chứng bệnh gút.
Thuốc có thể giúp giảm đau và có thể ngăn ngừa nguy cơ cơn gút cấp trong tương lai. Mọi người có thể nói chuyện với bác sĩ về các triệu chứng của họ và xin lời khuyên về những thay đổi lối sống có lợi nhất.
Theo Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét