Sau khi mỏ thiếc gia đình ngừng hoạt động và chồng qua đời, bà Glennis Setabandhu quyết tâm duy trì để cộng đồng sống được cùng nhau.
"Đường xá hôm nay là tạm được chứ vào mùa mưa thì khó khăn lắm," bà Glennis Setabandhu nói trong khi chúng tôi đợi một chiếc xe tải cũ nát đi xuống chầm chậm theo con đường đá hộc. "Đôi khi xe tải không thể đi hết đoạn đường nên khách phải xuống đi bộ. Khi họ đến đây, tôi phục vụ cà phê và bánh ngọt và họ lại vui ngày."
Chỉ cao hơn 1,5 m, hơi gù do tuổi, mặc váy dài xanh và áo gi lê hoa, 81 tuổi, sinh ở Úc, bà Setabandhu (còn được dân ở đây gọi là Pa Glen, Pa tiếng Thái Lan là bác), trông không có dáng một người quản lý một nhà khách sâu trong rừng núi hoang dã vùng Pilok phía Tây Thái Lan. Nhưng bà đã làm việc ở đây gần 30 năm.
Lối vào nhà khách của Setabandhu có trưng bày các nhãn dán, biểu ngữ và áo phông của các câu lạc bộ lái xe địa hình đã từng ghé qua đây trong nhiều năm. Bên trong, một chiếc đèn chùm thủy tinh nhỏ treo trên các bàn ăn có để khăn lót bằng ren. Các tường có treo các bức ảnh cũ của gia đình Setabandhu, mặc quần áo chỉnh tề, cũng như các ảnh của Narin con trai bà, các cháu bà và nhiều du khách mà bà đã tiếp đón trong những năm qua.
Setabandhu lần đầu tiên đến nơi xa xôi này trong mùa đông năm 1967; chuyến đi của bà từ Bangkok là một cuộc phiêu lưu 4 ngày, đi bằng xe lửa, thuyền và cả cưỡi la. Chính tại đây, người chồng quá cố Somsak của bà đã điều hành một mỏ thiếc. Đó là những 'ngày xa xưa đẹp đẽ', Setandandhu nhớ lại, khi mà hơn 600 con người làm việc cùng nhau để khai thác kim loại này từ lòng đất.
"Lần đầu tiên tôi đến thăm mỏ, tôi rất sợ rừng và động vật, nhưng rồi tôi thấy yêu nơi này," bà kể lại. "Đây là một ngôi làng nhộn nhịp với nhiều gia đình và nhà cửa dọc theo con đường mòn. Mọi người đều vui vẻ hài lòng."
Setabandhu đã gặp Somsak khi ông đang học ngành kỹ thuật mỏ tại Trường Mỏ Tây Úc ở Kalgoorlie, nơi bà sống. Somsak là nhà vô địch cầu lông, người đã giúp huấn luyện đội cầu lông nhà thờ của bà. Họ kết hôn, và một vài năm sau đó đến sống ở Thái Lan, nơi ông giám sát khai thác mỏ của gia đình, trong khi bà dạy tiếng Anh tại Đại Học Bangkok, đi du lịch đến mỏ cùng con, Narin, vào những ngày nghỉ học.
Sự sụp đổ của thị trường thiếc quốc tế năm 1985 đã chấm dứt sự tồn tại hạnh phúc đó. Giá thiếc trên toàn thế giới sụt giảm, và mặc dù nỗ lực hết sức, Somsak vẫn không thể duy trì hoạt động của mỏ. Như Setabandhu kể, chồng bà rất đau lòng khi thấy hoạt động mà ông làm thành công việc của đời mình bị sụp đổ, điều mà bà chắc chắn đã góp phần vào cái chết sớm của ông vì ung thư vào năm 1994.
Bà Setabandhu đã hứa với người chồng khi sắp chết rằng mình sẽ tìm cách lo liệu cho các nhân viên cũ của ông cùng gia đình họ. Hầu hết các công nhân đều từ Miến Điện (nay là Myanmar) và không có giấy tờ," bà giải thích. "Nhiều người trong số họ cuối cùng đã đến Bangkok và làm nghề xây dựng, nhưng một số không muốn rời khu mỏ và cuộc sống ở rừng. Đó là lúc tôi ngừng giảng dạy và đến đây để vực lại. Lúc đầu, tôi không biết chắc phải làm gì ở đây."
Một nguồn lợi không thể mất đi là địa điểm của mỏ, nằm trong một thung lũng hẻo lánh dọc theo một dòng suối sinh động được bao quanh bởi rừng rậm và những ngọn núi rừng nguyên sinh ngay sát biên giới Thái Lan và Myanmar. Một chuyến đi bộ thể dục dọc theo con đường mòn mập mờ xuyên qua khu rừng bụi rậm quanh nhà khách dẫn tôi đến thác Chet Mit, nơi mà nước trong núi chảy xối xả, sạch đến mức tôi không ngần ngại uống trực tiếp từ dòng suối.
Setabandhu biết từ những năm sống ở Bangkok liên tục mở rộng rằng có nhiều người khao khát một nơi như vậy, dành những ngày thư giãn cuối tuần để tránh xa cuộc sống chen chúc hiện đại.
Nhờ việc bán thiết bị khai thác mỏ của chồng, bà đã kiếm được đủ tiền để đổi công dụng các tòa nhà cũ của mỏ thành nhà khách, thêm các tiện ích như nhà vệ sinh xả nước và vòi hoa sen đốt nóng bằng gas. Bà đã thay thế các máy phát điện diesel cũ mà chồng bà đã mua hàng thập kỷ trước bằng một nhà máy thủy điện nhỏ xây dựng trong dòng nước để cung cấp điện sạch và yên tĩnh, và khánh thành Nhà Khách Mỏ Somsak, thuê những công nhân mỏ cũ chưa rời đi Bangkok. Nhà khách này sớm nổi tiếng là nơi trú ngụ cho những người đam mê lái xe 2 cầu và phượt thủ xe đạp đang tìm sự thoải mái nơi hoang dã.
Lưu trú ở Mỏ Somsak là một trải nghiệm đưa bạn trở lại thời xa xưa và trở về những nhu cầu cơ bản. Ba thập kỷ chịu mưa gió mùa kéo dài và phơi trong nắng nóng đã làm phong hóa lớp sơn nên nhà cửa trông hòa quyện vào cây lá bao quanh. Tòa nhà chính, từng là cửa hàng và nhà kho của công ty, có một căn phòng trông hang hốc với trần nhà cao vút được làm bằng gỗ đẽo thô, tre và mây đan, với các đồ đạc gợi nhớ đến phòng khách thời Victoria.
Đi theo những con đường cũ khai thác mỏ xung quanh khu đất nhượng rộng 200 mẫu, ta vẫn có thể thấy những vết đào cắt ở nơi những ngọn đồi được khai thác qua nơi rừng rậm và nay rừng lại phục hồi sau khoảng 30 năm. Những du khách không có phương tiện riêng để di chuyển được một cảnh sát địa phương, lớn lên tại mỏ, đưa đi 5 Km từ thị trấn Pilok, sàn xe tải của ông được trang bị ghế dài. Đó là một chuyến đi rất xóc và có thể mất tới 1,5 tiếng tùy thuộc vào thời gian mưa lần cuối.
Mặc dù nhà khách ở nơi hẻo lánh, không có dịch vụ di động hoặc internet, Setabandhu vẫn đảm bảo khách được thoải mái và ăn uống đầy đủ. Mỗi buổi tối, bà và nhân viên của mình cùng sửa soạn một bữa ăn gồm nhiều món Thái Lan, cũng như món bà gọi là thịt nướng 'kiểu Úc': thịt lợn xiên nướng, ớt và hành tây được nướng bên ngoài trên vỉ nướng. Và bánh ngọt do Setabandhu làm là huyền thoại trong cộng đồng phượt Thái Lan. Bánh chocolat, bánh chuối và bánh cà rốt rất ngon mà tôi chưa từng thấy ở đâu, được nướng cho từng ngày và bày ra như một phần của bữa tiệc và để khách tự phục vụ.
Cũng tự hào như Setabandhu là đã tiếp đón rất nhiều du khách trong những năm qua, con trai Narin của bà tin rằng thành tựu thực sự của mẹ mình là giữ cho mỏ Somsak nguyên vẹn và giúp đỡ được các gia đình đã chọn việc ở lại đây.
"Trước đây tôi không biết mẹ tôi rồi sẽ làm gì khi bà chuyển đến mỏ," ông đã nói với tôi qua điện thoại từ văn phòng của ông ở Bangkok. "Nhưng nhà khách đã cho phép những người muốn ở lại kiếm sống được và tạo cơ hội cho những gia đình đó, nếu không có những cơ hội này thì họ không thể là gì được."
Gần đây, Setabandhu nói với tôi là các quan chức ở Bộ Khai Thác Mỏ đã đến thăm để thực hiện một số mũi khoan thử nghiệm. Họ nói, "Bác ơi, đừng đi đâu hết. Thị trường thiếc đang quay trở lại," bà kể lại. "Tôi nói rằng chồng tôi là kỹ sư khai thác mỏ, nhưng họ nói Mỏ Somsak không thể tồn tại nếu không có tôi."
"Có lẽ thời tốt đẹp ngày xưa đang quay trở lại," bà nói thêm, vẻ mặt đăm chiêu.
Cho dù tương lai có thế nào, hiện tại cánh cửa của Nhà Khách Mỏ Somsak vẫn mở và những người lái xe địa hình, phượt thủ xe đạp, người chạy thể dục đường mòn và người yêu thiên nhiên có thể yên tâm rằng những chiếc bánh ngọt của Setabandhu đang đợi họ ở cuối con đường đá gồ ghề.
Bài tiếng Anh trên BBC Travel
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét