6 thg 2, 2019

NĂM HỢI -TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ LỢN (P.1 ) - Bình Nguyên

Trong văn hóa nghệ thuật, người ta ít nhắc đến lợn. So với chó, ngựa, thì lợn kia có vẻ sút kém cả về nhan sắc lẫn trí tuệ. Loài ngựa dáng cao, hình thể đẹp, chân dài, chạy nhanh như gió, nên có lúc được gọi là tuấn mã. Loài chó thì dũng mãnh, có trí thông minh tuyệt vời. Cả hai con vật đều trung thành và gắn bó với chủ, nên dân gian có câu: “Khuyển mã chí tình”. Còn lợn thì hết ăn no lại ngủ khò, thật là vô tâm.
Tuy nhiên, lợn ta cũng có nét đáng yêu của mình. Giả sử như lợn hiểu được lời chê bai thì có lẽ chúng cũng chẳng quan tâm lắm. Như vậy ta có thể yên tâm để nhận xét công bằng về lợn, cả ưu lẫn nhược, mà không sợ chúng giận.

Truyện thơ Nôm “Lục súc tranh công” kể về sáu con vật là trâu, chó, ngựa, dê, gà, và lợn cùng tranh nhau công trạng.
Trong ấy, con gà ghen tị chê lợn ta hết lời:
“Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì,
Giả ngây dại, biết gì việc chủ.
Ngắm diện mạo, dị hình, dị thú,
Xem dung nhan khác thế lạ đời.
Như nuôi chơi, chẳng phải giống chơi
Chạy rau cám, như tiền nội án.
No đú mỡ, nhảy quanh, nhảy quất,
Đói xép hông, cắn máng, cắn chuồng.
Mỗi một ngày ba bữa ròng ròng,
Đã chẳng thấy bữa nào sai chạy,
Bán bối gì mà người yêu vậy?
Mù quáng chi mà phải báo cô?”
Lợn tức khí nói rằng ta cũng quan trọng lắm chớ, từ việc vua việc quan, việc làng việc nước, cho đến ma chay hiếu hỷ của bình dân, có chỗ nào là lợn không có mặt?
“Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi
Thảy thảy cũng lấy heo làm trước”.
Nhưng hơi tiếc là vai trò của lợn lại chỉ gói gọn trong cân thịt, khúc xương, khối mỡ… Ấy vậy cho nên, thơ về lợn toàn mùi thịt, mùi mỡ, toàn hình ảnh ngon mắt và mùi tai. Nhưng đổi lại, những thời khắc vui vẻ mà lợn góp công đầu rất nhiều. Ví như trong ngày Tết, làm sao có thể thiếu:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Nhưng nói đi thì nói lại, lợn ta đã góp mặt trong bao nhiêu cuộc vui, làm sướng khoái cái miệng nhai, cái mũi ngửi của người Việt mà chỉ được nhắc nhở khiêm tốn giản dị đến thế thì kể cũng đáng hờn thay cho lợn. Không sao, đã có một bậc văn tài nức tiếng đặt đôi câu đối khiến lợn được thơm lây:
“Tứ thời bát tiết canh chung thủy
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang”
Câu đối ấy là của cụ Nguyễn Khuyến, theo Hán tự tạm dịch là: “Bốn mùa tám tiết đi rồi lại. Rặng liễu, đám bồ muốn khoe sắc lúc xuân sang”. Ấy là cái vòng tuần hoàn của thiên nhiên. Xuân về làm vạn vật bừng sôi sức sống, con người cũng hân hoan chào đón vận hội mới.
Nhưng đây là câu đối Nguyễn Khuyến đề tặng cho người hàng xóm bán thịt lợn – chắc là không rành Hán tự. Không sao, còn có lớp nghĩa thuần Việt (Nôm). Chẳng phải đọc lên là thấy ngay có “bát tiết canh”, “đôi bồ dục” hay sao? Người hàng xóm tốt bụng vẫn thi thoảng mang những món “của nhà làm được” sang biếu cụ nghè nên được cụ trân trọng tặng lại món quà đầy ý vị. Một món quà vừa bác học vừa dân dã khiến cả người cho và người nhận đều vui. Mà các chú lợn chắc cũng hí ha hí hởn nếu biết mình đã có mặt trong đôi câu đối bất hủ như vậy.

“Người lên ngựa, kẻ chia bào”. (Tranh của họa sỹ Ngọc Mai)
Nhưng cũng không thể tả cho lợn thêm mĩ miều được nữa. Trong khi hình ảnh ngựa thật hào hùng lãng mạn…
“Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”
(Nguyễn Du)
…thì lợn lại dân dã xuềnh xoàng, được nhớ đến chủ yếu qua bộ lòng, bát tiết, cái thủ. Trong khi ngựa có vinh dự quen biết những văn thần, danh tướng, tài tử giai nhân, thì lợn chả quen ai ngoài người nông dân chân chất. Khó có thể tìm thấy hình ảnh hào hùng, bi tráng hay cảm động trong chú lợn. Làm sao có thể tả cảnh chú lợn ủn ỉn cả ngày sục mõm tìm củ khoai củ ráy, ăn xong lại lăn kềnh ra vũng bùn hay bãi thải của chính mình mà lim dim mơ màng… một cách nên thơ cho được?
Nhưng rủi mà lại may, lợn không có điểm bất tường như ngựa. Bởi cái chất hào hùng của ngựa cũng là nảy ra trong chiến cuộc máu đổ thịt rơi. Còn lợn thì đắm mình trong cảnh làng quê thanh bình: Con lợn ủn ỉn, đàn gà cục tác, người nông dân vác cuốc ra đồng, xóm làng vừa sung túc vừa yên ả. Đẹp biết bao.
Trong tranh Đông Hồ cũng có bức vẽ tuyệt đẹp về lợn:

Hình tượng lợn trong tranh dân gian Đông Hồ.

Hình dáng lợn chắc khoẻ mà mềm mại, trên lưng lại có xoáy âm dương. Xoáy âm dương là cách điệu từ xoáy lông trên mình lợn, thể hiện quan niệm âm dương tương hòa, vạn vật tương sinh của người xưa. Lợn là loài sinh sản tốt, lại có dáng vẻ béo khỏe, to lớn, ấy là tượng trưng cho cuộc sống sung túc, thịnh vượng. Ai treo bức tranh này cũng có một nguyện vọng như vậy.

Xem Thêm :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét