21 thg 2, 2019

MÀU NƯỚC TRỜI HÈ

R
♦ Chuyển ngữ:
♦ Tạp Chí Da Màu



Regīna Ezera sinh năm 1930 tại Riga, thủ đô nước cộng hoà Latvia. Bà là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20 ở quốc gia thuộc vùng Balkan này. Bà có bằng cử nhân báo chí và bắt đầu xuất bản từ năm 1955. Bà là tác giả của hơn hai mươi tác phẩm, vừa tiểu thuyết, vừa truyện ngắn. Những tác phẩm đầu tay của bà như Zem Pavasara Debesīm (‘Dưới Bầu Trời Mùa Xuân’), Viņas Bija Trīs (‘Chuyện Ba Người’) và Dzilnas Sila Balāde (‘Bài Ca Khu Rừng Chim Gõ Kiến’) có khuynh hướng tâm lý xã hội. Nhiều tác phẩm của bà đã được chuyển thể thành phim điện ảnh. Tiểu thuyết Aka (‘Cái Giếng’) của bà được quay thành phim Ezera Sonate (‘Hồ Sonata’) vào năm 1976. Regīna Ezera đã được nhiều giải thưởng cao quý trong nước. Bà mất năm 2002 tại Kegums, nơi sau đó căn nhà kỷ niệm của bà đã được mở cửa cho công chúng vào thăm viếng.
Truyện ngắn “Màu Nước Trời Hè” được Trần C. Trí chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh “Summer Water Color”.


Mây trôi bồng bềnh xuôi xuống dòng sông Gauja. Cứ mỗi lần một đám mây sà xuống doi đất sáng loáng của bãi cát ở cửa sông, Katja lại nghĩ rằng đám mây ấy sẽ sủi bọt lên và sôi tràn ra như sữa. Nhưng từng đám mây một cứ lần lượt lẩn mất vào bãi cát trắng nóng bỏng không một bóng người qua lại, trong sự im lặng hầu như không thể nào phá vỡ. Chỉ có một con chim làm tổ tít trên một lỗ hổng của cây liễu lá xám bạc cất tiếng hót ríu rít. Khi mùa xuân đến, cây liễu bỗng trẻ lại một cách kỳ diệu, vàng ruộm và thơm ngát. Chim chóc nhớ đến cây liễu khi mùa làm tổ tới, còn người ta nhớ đến nó lúc họ cần một cái gì đó để cột chiếc thuyền đang trôi nhanh của họ vào. Những lúc ấy, họ dùng xích hay dây chão để quấn quanh cái thân xù xì của nó. Vào những ngày oi ả, người ta cũng lại nhớ đến nó, vì không có loại cây nào toả ra bóng mát dịu dàng và êm ái bằng một cây liễu già như thế. Trong vùng này cũng có nhiều cây sồi và nông trang nơi Katja đang sống được đặt tên là Rừng Sồi. Thật là một cái tên thích hợp.
Một làn gió mát từ dưới sông đưa lên làm Katja tỉnh cả người. Cô bước xuống mé nước trên mặt cát lung linh. Katja chăm chú nhìn những con cá nhỏ xíu như những hạt mầm óng ánh bạc từ từ tụ lại quanh chân cô, mới đầu còn dè chừng, rồi bạo dạn hơn. Đôi bàn chân cô trông trắng toát, như thể gắn vào hai cẳng chân rám nắng của người nào khác, trông thật lạ. Cô ngoe nguẩy hai ngón chân cái nhìn to một cách lạ thường của mình rồi phá lên cười giữa cái thinh lặng oi nồng mà ngay cả tiếng chim hót lẫn tiếng nước róc rách nhẹ nhàng quanh gốc cây cũng không xua tan đi được. Katja vui cười lăn mình xuống làn nước, làm tung lên những chùm tia nước lấp loáng ánh cầu vồng.
Dòng nước mạnh mẽ ôm nhẹ lấy người Katja, cô bơi xuôi dòng theo nó. Lúc hơi thấm mệt, Katja trở mình nằm ngửa, và giờ đây trước mặt cô là bầu trời xanh thẳm với những cánh buồm mây căng phồng và một chiếc máy bay nhỏ tí tì ti loé sáng lên trong nắng như một mảnh thuỷ tinh. Katja tự hỏi: “Mình phải mất bao nhiêu ngày để bơi ra tới biển nhỉ?” Cô không biết được. Cô chỉ đoán chắc là sẽ lâu lắm. Cô chưa bao giờ đến chỗ dòng sông Gauja gặp biển, nên giống như tất cả những nơi chốn chưa được biết tới, nơi đó thật là kỳ diệu. Kỳ diệu bởi nó là ước mơ, là nơi không thể nào đến được. Khi chiếc máy bay lấp lánh như một ngôi sao biến khỏi tầm mắt cô, Katja cũng rời khỏi làn nước. Cô ngồi bên mép bờ, lấy lại nhịp thở đều đặn, trong lúc dòng nước sông Gauja trôi đi, mang theo cả ước mơ của cô.
Ban nẫy, Katja đã cởi chiếc khăn quàng để buộc cao món tóc của mình lên, nhưng đã buộc lại thế mà tóc cô vẫn ướt đẫm như loài rong tảo. Mẹ cô nghiêm lắm. Bà muốn con gái phải kết tóc thành bím, ít nhất là cho đến khi rời ghế nhà trường. Cô không dám công khai phản đối mà cắt tóc, song mỗi tuần cô lại hớt đi một chút, bằng cỡ hai ngón tay chập lại. Cứ thế, bím tóc của cô ngắn dần đi, để rồi cuối cùng nó biến mất luôn. Sớm muộn gì rồi nhất định mẹ cô cũng sẽ để ý thấy, hẳn thế rồi, nhưng Katja không muốn nghĩ đến chuyện ấy chút nào.
Katja nhổm dậy rời bờ cát, đi ngược lại dọc theo con đường mòn mà những ngư phủ vẫn thường đi qua. Còn đường chạy uốn khúc dọc theo suốt chiều dài bờ sông này. Còn rất xa nhưng Katja vẫn thấy được một người nào đó đang nằm dưới rặng liễu nơi cô để quần áo. Cô tinh nghịch cười thầm, đúng là có “một người nào đó” thật! Đấy là Arvids. Nhưng không hiểu sao cô lại chậm bước, và các ngón tay cô bối rối nghịch cái chéo khăn của mình.
Day at the Lake– sơn dầu của Heidi Malott

Arvids nằm duỗi người trong bóng râm, dùng cái khăn tắm của cô làm gối—láo thật! Anh mặc sơ-mi màu xanh da trời và quần xám nhạt. Cạnh anh là một cái ba-lô màu lục. Katja khẽ khàng bước tới, nhìn anh. Mắt anh nhắm nghiền, má anh áp vào lòng bàn tay, trông anh như một đứa trẻ. Chỉ có hai hàng mi rung rung của anh mới tố cáo anh mà thôi.

“Em biết là anh có ngủ đâu!” Katja kêu lên.
Arvids mở choàng mắt, đôi mắt anh cũng xanh thẳm như màu áo vậy, trông như mắt của một cô gái hơn là của một chàng trai.
“Chào Katja”, anh vừa nói vừa ngồi lên ngay ngắn. “Em vừa bơi xong đấy à?”
Bộ quần áo tắm thêu hoa ướt sũng dán sát vào người cô, bộ ngực cô nhỏ nhắn, tròn trĩnh, phập phồng dưới làn vải mỏng. Arvids nhìn đi chỗ khác, nhưng chỉ được một giây thôi.
“Anh đến để… anh muốn mượn thuyền của em…, Arvids ngập ngừng nói, sững sờ. Đầu óc anh choáng váng vì những bông hoa trên bộ đồ tắm của Katja.
“Đợi em một chút”, Katja đáp. “Em mặc quần áo vào ngay đây!”
Cô vội vàng quấn bộ đồ lót khô vào tấm khăn màu hồng. Cô vắt chiếc áo đầm lên tay rồi chạy ra phía sau rặng liễu. Chốc chốc Arvids lại nghe tiếng những nhánh cây con gãy lách tách. Anh dán mắt xuống mặt nước. Một mẩu vỏ thông quay tròn chầm chậm theo một luồng nước xoáy.
“Xong rồi”, Katja vừa quay lại vừa nói. Cô ngồi xuống bên Arvids rồi bắt đầu chải tóc. “Anh định xuống tiệm tạp hoá à?”
Câu hỏi vu vơ chỉ cốt cho có chuyện nói. Thì đã hẳn là Arvids đi xuống tiệm tạp hoá rồi.
“Họ có bột ngũ cốc mới về giá rẻ lắm, và… em mới cắt tóc kìa!”
“Sao anh lại nói vậy?” Katja ấp úng, ngó chỗ khác, hai tai đỏ bừng.
“Nhưng trông tóc em xinh hơn kiểu bím trước kia của em thật đấy.”
“Anh nói thật chứ?”, cô hỏi, bây giờ tai cô lại nóng lên vì tự hào.
Katja có một mái tóc gợn sóng. Khi nắng chiếu vào, nó ánh lên như sắc bạc. Và có lẽ vì thế mà trông nó thật mềm mại, mềm mại đến nỗi Arvids muốn với tay vuốt lên nó. Nhìn vào phía sau mái tóc xinh xắn của Katja, anh nói:
“Mùa thu này anh sẽ vào lính, em biết đấy. Anh muốn để lại cho em một cái này để em nhớ đến anh.”
“Anh có quà cho em à?” Katja lặp lại mà không ngoảnh nhìn Arvids. Giọng cô xen lẫn chút bối rối và sung sướng. “Sao anh lại…”
“Mẹ anh bảo anh nên tặng em một cặp ngỗng con thì hơn là cái món vô tích sự này, nhưng…”
“Ngỗng con ư?” Katja hỏi. Lần này thì cô quay đầu lại. Vẻ tò mò trẻ con vụt sáng trên khuôn mặt rám nắng của cô.
“Ừ, nhưng anh nghĩ em sẽ khó lòng mà nuôi ngỗng được đến ba năm. Em sẽ vỗ béo chúng rồi làm thịt ăn vào ngày lễ thánh Martin mất thôi. Anh muốn tặng em món gì mà em sẽ giữ lâu lâu được ấy…”
“Thế thì phải là một cái gì bé tí để lâu được đấy nhé”, Katja bình phẩm, giọng cô có cái tinh ranh bẩm sinh của con cháu bà Eva.
Arvids cho tay vào ba-lô lôi ra một nùi bông màu đen và đặt nó xuống giữa Katja và anh. Cái “món bé tí để lâu được” ấy vụt đứng dậy và ngập ngừng bước vài bước. Chốc chốc nó lại vấp và trượt ngã trên mặt cát.
“Lạy Chúa tôi, chú mèo mới xinh làm sao!” Katja vui cười bảo. “Anh cho em thật đấy à?”
“Em thích nó chứ”, Arvids mỉm cười hỏi, tuy đã rõ là cô thích lắm. “Em xem này, trên người nó không có lấy một sợi lông trắng nào cả.”
“Thế à?” cô hỏi, ngạc nhiên thật sự. “Anh kiếm nó ở đâu ra vậy, Arvids?”
“Có lần em nói ở nông trang của em chẳng có con mèo nào là gì? Vì vậy anh dặn người quen để dành cho anh một chú mèo con đấy.”
Con mèo đen nhỏ xíu đi vẩn vơ giữa hai người. Đầu tiên nó ngửi ngửi người này, rồi lại xoay sang ngửi ngửi người kia. Katja vuốt ve nó với bàn tay thon thon, xinh xắn của cô, và Arvids, với những ngón tay nâu sạm quanh năm dính đầy dầu mỡ. Khi hai bàn tay họ tình cờ chạm nhau, Katja giật phắt tay về như thể bị bỏng. Mặt và cổ cô nóng bừng lên.
“Katja-a-a-a!” tiếng mẹ cô gọi vang từ phía sau những cây sồi.
Katja nhảy nhổm dậy. Cô bối rối vơ lấy cái khăn và bộ đồ tắm còn ướt đang nằm vùi trong cát. Đoạn cô bế con mèo lên, đặt gọn vào lòng bàn tay.
“Mình đi thôi! Em sẽ đưa cho anh cái sào chống thuyền”, cô nói với giọng tháo vát và nghiêm trang. Arvids cảm thấy tiêng tiếc giây phút vừa qua, nhưng trên đời này có cái gì kéo dài mãi đâu.
Katja đi lên triền dốc, Arvids theo sau. Nổi bật lên giữa màu xanh của bụi cây phỉ, anh thấy cái lưng mảnh dẻ của cô đong đưa trong chiếc áo đầm nâu điểm chấm vàng. Tóc cô cũng đong đưa, cả chiếc khăn sọc cô đang vắt trên vai nữa.
Arvids muốn cô quay người lại. Anh muốn kêu lên “Katja!”
Nhưng nếu anh gọi và cô quay lại, rồi thì thế nào nữa?
Mùi khen khét của cá xông khói bốc lên từ lò bay đến tận ven con đường mòn. Lên cao hơn nữa, mùi khen khét ấy quyện lấy mùi thơm của mật ong, nồng nàn đến độ người ta có cảm tưởng như đang nếm nó trong miệng vậy.
“Những cây chanh đang trổ hoa đấy”, Arvids nói bâng quơ.
“Năm nay thế là sớm nhỉ”, Katja biểu đồng tình. “Mùa hè năm nay oi bức thật.”
“Anh bế con mèo cho em một chút”, Katjia bảo Arvids lúc cả hai đến cái lán.
Cô vứt cái khăn và bộ đồ tắm xuống đất, đoạn thận trọng đặt con mèo nhỏ vào lòng bàn tay to lớn của Arvids. Xong cô biến mất vào trong lán.Trong một thoáng, cô đã quay trở ra với một cái sào dài đã bóc đi lớp vỏ cây. Chẳng ai dại gì mà nghĩ đến chuyện chèo thuyền trên sông Gauja trong thời tiết nóng kinh người này nếu có thể chống thuyền đi bằng sào được.
“Còn cái neo nữa?”
“Thuyền không cần neo vào bờ sông đâu”, Katja đáp.
Không còn gì để nói nữa, ít nhất là ở trong sân này, ngay giữa tầm nhìn từ cửa sổ nhà bếp. Arvids quảy chiếc sào lên vai và đi xuống phía sông. Đến bờ mương anh mới ngoái lại nhìn qua bên kia vườn trái cây. Nhưng Katja không còn bên cái lán nữa.
Mẹ cô mới làm xong việc bên nông trang về, bà đang gọt vỏ khoai tây. Lưỡi dao sáng loáng gọt ra những mảnh vỏ dài ngoằng, mỏng và trong suốt như vỏ táo. Những củ khoai già đã được gọt xong, chỉ còn lại những củ non.
“Lúc về mẹ có hái một ít rau cần tây đấy, mẹ Katja nói. “Con rửa rau rồi xắt ra giùm mẹ.”
“Con làm ngay ạ”, Katja lơ đãng nói. “Con giặt bộ đồ tắm một chút thôi.”
Bà mẹ ngước mắt lên, đôi mắt nghiêm nghị màu xám thép. Đôi mắt ấy nhìn cô con gái hàm ý quở trách.
“Đầu óc con để ở đâu vậy? Mới ở dưới sông lên thì giặt làm gì cái bộ đồ tắm đó chứ? Và còn cái quái gì nữa kia kìa?”
“Cái này à, mẹ? Con mèo đấy”, Katja vụng về đáp và đưa cho mẹ xem cái nùi bông đen. “Nó không có lấy một cái lông trắng trên người, mẹ ạ.” cô hớn hở thêm vào.
“Hoá ra con mừng húm chỉ vì bấy nhiêu đó thôi à?” bà mẹ lầu bầy, Những mảnh vỏ khoai lại trở nên mỏng dính và khéo léo rời khỏi củ.
“Mẹ không thích nó sao?” Katja muốn biết rõ.
Mẹ cô chẳng nói chẳng rằng.
Trong cái nồi gang lớn đặt trên bếp, nồi nước gạo cho bê ăn đang sôi sùng sục. Củi cháy xèo xèo một cách cáu kỉnh. Katja rửa rau rồi bắt đầu xắt, trong khi chú mèo con lẩn quẩn quanh chân cô, khe kêu meo meo.
“Con kiếm nó ở đâu ra vậy?” cuối cùng mẹ cô phá tan sự im lặng.
“Arvids cho con”, Katja đáp, không dám ngẩng đầu lên.
“Mới mười sáu tuổi đầu thì hãy còn sớm để bày chuyện trai gái đấy”, mẹ cô bình phẩm, thốt ra từng chữ nặng nề. Con dao Katja đang cầm trong tay, như để nhái tâm trạng của bà mẹ, nó va vào miệng cái xô kêu lên một tiếng uể oải, đầy ác ý.
“Mười bảy tuổi chứ ạ”, Katja rụt rè cãi, mặt cô đỏ như gấc, tuy hãy còn lâu lắm mới đến sinh nhật mười bảy của cô. “Nhưng con có gì… có gì đâu kia chứ?”
“Con tưởng mẹ không có mắt đấy hẳn? Tại sao cứ cách một hôm là nó lại hăng hái chạy xuống cửa hàng? Làm như không biết đi đâu khác cả. Tiền nó không biết để làm gì sao? Biết đâu nó lại chẳng đến quán rượu mà làm một ly vodka không chừng! Còn ở đây con cứ mắt la mày liếc để ý đến nó.”
“Anh ấy không biết uống rượu đâu, mẹ à”, Katja nhẹ nhàng nói.
Con dao của cô không còn gõ vào thớt như chim gõ kiến nữa mà buông mình xuống chậm chạp và nặng nề như một lưỡi rìu mệt mỏi.
“Ừ, thì con hẵng nói thế,” bà mẹ nói với giọng hoà hoãn. Ngừng một lát, bà thêm: “Gia đình nhà Klavini có nuôi nhiều ngỗng xám béo tốt. Mẹ tưởng đâu Arvids sẽ mang cho nhà ta một cặp ngỗng con chứ. Nó xài thuyền của nhà mình hoài đấy thôi. Rồi ta sẽ nuôi cho chúng mập lên nhé. Sông Gauja ở dưới kia xa có mấy tí. Vậy mà không, nó lại vác đến nhà mình cái của còi cọc này. Thật mẹ đến dở khóc dở cười.”
“Rồi mình cũng sẽ ăn cặp ngỗng đó vào ngày lễ thánh Martin mất thôi”, Katja đăm chiêu nói. Cô nhìn tránh sang một bên.
“Thế thì có gì là xấu xa đâu, hử? Mình sẽ nướng chúng trong lò với táo tươi mùa thu ấy.”
“Nhưng con mèo thì có thể sống đến cả mười năm kia, Biết đâu chẳng đến mười hai năm là đằng khác.”
Mẹ cô buông một tiếng thở dài:
“Con ăn nói chẳng đâu vào đâu cả.”
Con mèo mon men tới chỗ mẹ Katja bằng những móng vuốt mỏng manh chưa vững chãi của mình. Nó chúi mũi vào cái xô sáng loáng và hoảng sợ nhảy vội ra xa khi một mảnh vỏ khoai rơi vào đấy.
“Nó đói đấy mẹ ạ.”
“Vào trong mà xem có còn thừa sữa từ ban sáng không. Chiều nay mẹ chưa vắt sữa.”
Katja bỏ dở một ít rau cần tay chưa xắt xong. Cô lấy cái bình thiếc mà mẹ cô vẫn đựng kim băng và trút cả ra. Cô rót một ít sữa vào rồi đặt bình bên cạnh lò để hâm nóng.
“Con đã nghĩ ra cho nó một cái tên rồi mẹ ạ.”
“Tên gì?”
“Chú Tí ạ.”
“Lạy Chúa tôi! Con tưởng thế à? Ngộ nhỡ nó là mèo cái thì sao?”
Katja ngớ người không biết nói gì. Ở dưới sông cả cô lẫn Arvids không ai nghĩ đến chuyện đó cả vì dường như chẳng quan trọng gì. Nó là một con mèo con, và chỉ có vậy thôi.
“Đưa nó cho mẹ xem nào!” mẹ Katja ra lệnh.
Cái mớ đen đen ấy, bây giờ đã mang tên Chú Tí, vặn vẹo toàn thân và đá lung tung trong đôi tay bà mẹ. Nó quất qua quất lại cái đuôi một cách buồn cười và thậm chí còn rít lên nữa.
“Tạ ơn Chúa, nó là mèo đực!”
Katja cũng thở phào nhẹ nhõm. Chú Tí giờ đây đã trở thành một thành viên của gia đình Rừng Sồi.
Cô gái nhúng ngón tay vào chỗ sữa, thấy đã đủ nóng cho chú mèo con uống. Cô đặt bình xuống nền nhà và nhẹ nhàng gọi “Miu, miu miu!” Nhưng chú mèo con chẳng hề nhúc nhích vì nó không hiểu cô gọi thế để làm gì. Nó chỉ quen tiếng kêu rừ rừ êm ái của mẹ nó, con mèo mẹ to lớn, đen tuyền và ấm áp. Thế là Katja phải túm lấy cái gáy của nó và đặt nó xuống bên chiếc bình.
“Mẹ đi vắt sữa bò đây”. Mẹ Katja nói khi bà đã gọt xong chỗ khoai. “Con bỏ rau vào nồi xúp và canh cho lửa đừng tắt nhé.”
“Thưa mẹ, vâng!” Katja ngoan ngoãn đáp.
Lúc bà mẹ quay lại với xô sữa đầy, bà thấy một sự im lặng như tờ trong nhà bếp. Cái nồi gang không còn sôi lên sùng sục nữa. Trong bếp lò, khúc củi nhỏ cuối cùng đang cháy rực giữa đám tro tàn xám xịt. Mớ rau cần tây có xắt xong thật, nhưng còn nằm cả trong cái tô để trên bàn.
Bà còn biết làm gì với một cô con gái đoảng như thế này đây? Ngữ này thật rõ là ăn chưa no, lo chưa tới, chẳng trông cậy gì được cả! Nó lại tếch đi đâu nữa rồi cũng nên.
Nhưng lúc mẹ Katja đang chẻ củi để nhóm lại bếp, bà nghe như có tiếng huýt sáo và thì thầm từ phòng con gái vẳng ra. Bà nhóm lửa xong xuôi rồi bước đến mở cửa.
Katja đang đứng trước cửa sổ hát khe khẽ một mình. Cô không nghe thấy tiếng cánh cửa kêu kẽo kẹt và cả tiếng chân của mẹ. Trên giường, ngay trên mặt gối, chú mèo con cuộn mình lại như một trái banh đen trên cái bao gối trắng toát. Katja đã xoã tóc ra tự bao giờ, và mẹ cô bây giờ mới để ý thấy cái điều mà đáng lẽ ra bà phải để ý đến từ lâu. Lạy Chúa cao xa, con gái bà bà đã cắt tóc mất rồi!
Katja đang hát nhưng chẳng ra lời ra chữ gì cả. Cô lắc lư nhè nhẹ qua lại như một thân cây trong làn gió thoảng. Điệu nhạc lạ tai ấy—bà mẹ mới nghe lần này là lần đầu—khiến bà có cảm giác về một điều gì rất tươi tắn và thân yêu, đã ít nhiều bị lãng quên theo những tháng năm dài đằng đẵng. Katja đang nhìn cái gì đó qua khung cửa sổ. Bỗng dưng bà mẹ cảm thấy một sự thôi thúc mạnh mẽ buộc bà phải nhìn xem thử đó là cái gì. Bà tiến lại gần hơn, đứng sau lưng Katja, nhìn qua vai cô.
Nhưng trong sân chẳng có gì để nhìn cả, chẳng có thứ gì đặc biệt để phải ngó đăm đăm. Chẳng có gì mà trước đây bà đã chẳng từng nhìn thấy cả trăm cả ngàn lần. Dưới triền dốc thoai thoải, giữa một khoảng trống của những cây sồi đen thẫm, dòng sông Gauja lặng lờ chảy qua. Và trên làn nước xanh biếc nổi bềnh bồng những cụm mây trắng thanh thoát của mùa hè.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét