Ts Phạm Trọng Chánh
         
    Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện chép lại lời Vua Gia Long khiển trách Nguyễn Du : « Nhà nước dùng người, ai giỏi thì cất lên, không hề phân biệt người Bắc, người Nam. Khanh với Ngô Vị đã được vua biết tài mà bổ dụng, làm quan đến chức á khanh (tham tri) biết điều gì cứ nói để làm hết trách nhiệm của mình, sao lại cứ rụt rè, chỉ dạ dạ, vâng vâng thế thôi ! “
                Bài viết này không bàn chuyện im lặng của Nguyễn Du vì ông anh rễ là Tiến Sĩ Vũ Trinh, vì là thầy dạy Nguyễn Văn Thuyên, con Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành nên bị án giam hậu và bị đày đi Quảng Nam 12 năm, hay vì chồng Hồ Xuân Hương là Tham Hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiển bị án tử hình ; mà muốn nói đến Ngô Thời Vị một người được vua Gia Long biết tài trọng dụng ngang hàng với Nguyễn Du và còn xuất sắc hơn cả Nguyễn Du, tuổi trẻ hơn, đỗ đầu bốn kỳ thi, nên được Nguyễn Du  gọi là Ngô Tứ Nguyên.  Làm quan  hai lần đi sứ năm 1809 làm Phó sứ và năm 1820 làm Chánh sứ thay Nguyễn Du, bị bệnh mất, Ngô Thời Vị còn là tác giả chính của Hoàng Lê Nhất Thống Chí, tác phẩm văn xuôi độc đáo nhất nước ta. Là một trong An Nam Ngũ Tuyệt, một trong năm người văn chương hay nhất nước Nam cùng Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Nguyễn Hành.  Thế mà tên tuổi Ngô Thời Vị bị chìm trong quên lãng.
 Bài viết này đi tìm mối liên quan giữa Nguyễn Du và Ngô Thời Vị. Một quan hệ lâu đời giữa thân sinh hai người Nguyễn Nghiễm và Ngô Thời Sĩ, gia đình quan Tham Tụng (Tể Tướng) và gia đình quan Ngự Sử. Cả hai gia đình  cùng ở Bích Câu bên cạnh Văn Miếu Quốc Tử Giám, thời kỳ 1773-1777 Ngô Thời Sĩ làm quan Ngự Sử  tại Thăng Long. Mối quan hệ giữa hai ông anh Nguyễn Nể và Ngô Thời Nhiệm cùng làm quan nhà Tây Sơn vua Quang Trung. Mối quan hệ giữa Nguyễn Du và Ngô Thời Vị, cả hai cùng làm quan thời vua Gia Long, nhà Nguyễn.  Giới thiệu những bài thơ độc đáo của Ngô Thời Vị.
                Ngô Thời Vị (hay Ngô Thì Vị) còn có tên Ngô Thời Hương, sinh năm Giáp Ngọ 1774 và mất năm Tân Tị,  1821,  tự Thành Phủ, hiệu Ước Trai, con út Ngô Thời Sĩ, em Ngô Thời Nhậm và Ngô Thời Chí, Ngô Thời Hoàng. Quê Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông. Mồ côi cha năm 6 tuổi, ông được ông anh cả Ngô Thời Nhậm nuôi dưỡng. Gia phả chép khá sơ lược bước đường làm quan của ông : Đầu đời Gia Long ông được mời làm việc với chức Thiêm sự Bộ Lại, rồi Hiệp trấn Lạng Sơn. Ông chưa từng làm quan đời Lê, Trịnh hay Tây Sơn, mới ra làm quan, ông đã vào chính phủ với một chức vụ khá cao ? trong khi Nguyễn Du phải qua các chức vụ Tri huyện, Tri phủ, Đông Các, Cai Bạ (Trấn Thủ)  rồi mới vào Triều đình giữ chức  Hữu Tham Tri Bộ Lễ. Ngô Thời Vị tham dự kỳ thi nào mà đỗ đầu cả bốn kỳ, nên gọi là Tứ Nguyên, ông đỗ đầu cả bốn trường trong kỳ thi Hương hay đỗ đầu kỳ thi Khảo Hạch, rồi thi Hương, thi Hội, thi Đình ?  điều này chưa từng thấy trong lịch sử khoa cử Việt Nam, vì chúng ta chỉ có Tam Nguyên Lê Quý Đôn, Tam Nguyên Trần Bích San, Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến, Tam Nguyên Vũ Phạm Hàm ? Gia phả họ Ngô Thời cũng không cho ta biết rõ hơn về bước đường thi cử của ông . Năm 1807 vua Gia Long mở khoa thi đầu tiên, nhiều người đã ra làm quan rồi, cũng trở lại trường thi ứng thí. Ngô Thời Vị có dự kỳ thi này chăng ? có lẽ sau kỳ thi này Ngô Thời Vị được cử làm Phó Sứ sang nhà Thanh ? Trong các anh em, Ngô Thời Vị xuất sắc chẳng kém tài ông anh cả Ngô Thời Nhậm. Nhưng có lẽ cái tài năng xuất chúng của Ngô Thời Nhậm xây dựng cho nhà Tây Sơn vua Quang Trung, làm mờ nhạt đi tài năng Ngô Thời Vị  phục vụ cho vua Gia Long. Nhưng điều này lại ngược lại ở anh em Nguyễn Du ; Nguyễn Du đã làm mờ nhạt đi tài năng của ông anh Nguyễn Nể, từng được Đoàn Nguyễn Tuấn xưng tụng với sứ đoàn nhà Thanh, Nguyễn Nể là đỉnh cao thi trận nước Nam, tài năng và học thức được vua Quang Trung nể vì, thường gióng ngựa quý đến thăm, Nguyễn Nể lên đến tột đỉnh danh vọng làm Hữu Trung Thư, ngang hàng với quân sư Trần Văn Kỷ, nhưng lại bị người đời quên lãng.  Năm 1809 Ngô Thời Vị được cử làm Phó Sứ sang nhà Thanh năm ông 35 tuổi, lần thứ nhì thay Nguyễn Du làm Chánh Sứ, trên đường về ông mất tại Quảng Tây ngày 1-1-1821 hưởng dương 47 tuổi. Ông để lại hai tác phẩm chính là Mai dịch thu dư (thơ làm khi đi sứ) và Thành Phủ Công thi văn, gồm hàng trăm bài thơ với nhiều đề tài thể loại khác nhau. Ngày nay đọc thơ văn ông ta vẫn xúc động. Thơ Ngô Thời Vị  không phải là thơ ngâm vịnh nhàn nhã, mà là thơ có bản lĩnh mạnh mẽ, có tinh thần dân tộc cao, ông phủ định những gì có hại cho đất nước, cho quyền sống con người, thơ ông phản ảnh những nét chân thực của đời sống xã hội từ Việt Nam đến Trung Quốc. Nếu phải so sánh thơ chữ Hán Nguyễn Du với  thi hào Lý Bạch, thì Ngô Thời Vị là một Đỗ Phủ của Việt Nam và ông còn là một La Quán Trung (tác giả Tam Quốc Chí) viết bộ Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bộ tiểu thuyết lịch sử  danh tiếng nhất nước ta.
                Thân phụ là Ngô Thời Sĩ (1726-1780), đỗ Tiến sĩ năm 1766, từng làm quan Đốc Đồng ở Thái Nguyên, rồi được bổ làm Hiến sát sứ ở Thanh Hóa. Làm Tham chính Nghệ An bị bãi chức, năm 1773 lại khôi phục làm Hàn Lâm hiệu thứ rồi thăng Thiên Đô ngự sử. Năm 1777được đi nhậm chức Đốc trấn Lạng Sơn, ông mất tại đấy năm 1780 hưởng dương 54 tuổi. Ông để lại sách : Anh Ngôn thi tập, Ngọ Phong văn tập, Nhị Thanh động tập, Việt sử tiêu án, Hải Dương chí lược, Bảo chương hoành mô, Quan lan thập vịnh. Văn thơ ông và các con thành một phái gọi là Ngô gia văn phái rất nổi tiếng đương thời.
                Anh cả Ngô Thời Vị  là Ngô Thời Nhậm (1746-1803) tự Hi Doãn, hiệu Đạt Hiên, cuối đời nghiên cứu Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh lấy hiệu Hải Lượng Hòa Thượng được xem là Trúc Lâm Đệ Tứ Tổ. Năm 1769 đỗ đầu thi Hương, năm 1769 đỗ khoa Sĩ Vọng được bổ làm Hiến sát phó sứ Hải Dương, năm 1775 đỗ Tiến sĩ được bổ làm Hộ khoa cấp sự trung rồi thăng Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, sau đổi làm Đốc đồng trấn Kinh Bắc. Năm 1780 xảy ra vụ án Trịnh Tông (mưu toan dấy binh dành ngôi em Trịnh Cán lúc chúa Trịnh Sâm lâm bệnh) ông bị nghi  là người tố cáo nên được thăng Hữu thị lang Bộ Công. Bấy giờ thân phụ mất ông xin về quê chịu tang. Trong vụ án này Tiến sĩ Nguyễn Khản, anh Nguyễn Du bị giam lỏng. Tháng 9 năm Nhâm Dần 1782, Trịnh Sâm mất, kiêu binh nổi loạn giết Quận Huy Hoàng Đình Bảo, đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa, Nguyễn Khản lên làm Lại Bộ Thượng Thư,  Ngô Thời Nhiệm lánh về quê vợ Sơn Nam ẩn náu suốt 6 năm. Năm 1788. Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần II, xuống lệnh tìm quan cũ Lê Trịnh để bổ dụng ông được quân sư Trần Văn Kỷ tiến cử. Nguyễn Huệ trọng dụng, phong cho làm Tả thị Lang bộ Lại, tước Trình Phái Hầu. Trong giai đoạn tham chính với vua Quang Trung tài năng ông phát huy trên nhiều lãnh vực : chính trị, quân sự, ngoại giao..Nào ngờ ngày 29-4-1792 vua Quang Trung mất sau cơn bệnh đột ngột, ông được triều đình cử làm Chánh Sứ đi báo tang và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh, lên đường ngày 20-2 âm lịch năm Quý Sửu 1793 đến Yên Kinh ngày 8-5  và trở về tháng 9 âm lịch. Tình hình chính trị rối ren cuối triều Tây Sơn, ông rút lui từ năm 1796 về dinh cũ của cha,  lập thiền viện tại Bích Câu Hà Nội.
Năm 1802 triều đại Tây Sơn sụp đổ, vua Gia Long ra Bắc chiêu dụ nhân tài, ông được gọi đến nơi hành tại để dò xét ý kiến nhưng không dùng.  Sau đó không lâu ông và em rễ là Phan Huy Ích bị Đặng Trần Thường, quan Tào Binh Bắc Thành đem ra kể tội, đánh đòn tại Văn Miếu, sau trận đánh ông về nhà không lâu thì mất ngày 9-3-1803 hưởng dương 57 tuổi.. Ông để lại đời các tác phẩm : Nhị thập nhất sử toát yếu, Bút Hài tùng đàm, Ứng vân nhân vịnh, Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Cấm đường nhàn hoài, Hoàng hoa đồ phả, Hàn các anh hoa, Kim mã hành dư, Xuân Thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. . đều là những sách giá trị trong văn học cổ điển nước ta.
                Ngô Gia Văn Phái là một văn phái lớn ở nước ta các tác giả họ Ngô Thời kế tiếp nhau trong khoảng 100 năm từ cuối triều Lê, qua Tây Sơn đến đời Nguyễn (Thế kỷ 18, 19). Với hàng chục tác giả : Ngô Thời Ức, Ngô Thời Sĩ, Ngô Thời Nhậm, Ngô Thời Đạo, Ngô Thời Chí, Ngô Thời Trí, Ngô Thời Hoàng, Ngô Thời Vị, Ngô Thời Du, Ngô Thời Điển..  Tác phẩm hết sức phong phú, bao quát nhiều lĩnh vực, nhiều thể tài : văn học, sử học, triết học, kinh tế, thơ phú, truyện ký, tự, bạt, biểu tấu.. Ngô Văn Gia phái là một bộ sách đồ sộ, một kho tài liệu vô giá, phong phú cung cấp cho ta những tài liệu giá trị về lịch sử thế kỷ 18. Từ tình hình chính trị trong nước, đường lối ngoại giao, chính sách ruộng đất, thuế khoá, tình hình khai thác mỏ, tình hình biên giới.. đến chính sách giáo dục khoa cử, Nho giáo, Phật Giáo..(xem Một số tác giả và tác phẩm trong Ngô Văn Gia phái. Ty Văn Hóa và Thông Tin Hà Sơn Bình xb, 1980) Tác phẩm nổi bật nhất là Hoàng Lê Nhất Thống Chí, một tiểu thuyết lịch sử hàng đầu trong văn học cổ điển nước ta. Ở Thư Viện Khoa Học Xã Hội, Hà Nội có 11 bộ sách Ngô Văn Gia Phái bản chép tay nhưng bộ tốt nhất mang ký hiệu A 117 a. Theo tôi thì Ngô Thời Vị là tác giả chính của Hoàng Lê Nhất Thống Chí, chứ không phải anh ông là Ngô Thời Nhậm. Trái với ông anh bị bận rộn trong việc ngoại giao triều chính, tham dự trực tiếp các biến cố lịch sử, Ngô Thời Vị có một khoảng cách thời gian để nhìn rõ hơn các sự kiện đương thời và có nhiều tài năng bản lĩnh để viết ra những điều về nhà Tây Sơn, điều này trở thành cấm kỵ trong thời nhà Nguyễn. Việc biên soạn Hoàng Lê Nhất Thống Chí đã đưa Ngô Thời Vị lên hàng năm người văn chương tài giỏi nhất nước Nam (An Nam Ngũ Tuyệt):  Nguyễn Du,  Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Ngô Thời Vị và Nguyễn Hành. Một người được vua Gia Long biết tài và trọng dụng ngang hàng với Nguyễn Du.
                Cuộc đời Ngô Thời Vị cần xem xét lại gia phả. Theo Một số tác giả và tác phẩm trong Ngô Văn Gia phái. tr 179. Năm 19 tuổi ông ra làm quan nhà Nguyễn. So với năm sinh thì năm 1802 ông đã  28 tuổi. Trong thơ Nguyễn Du gọi ông là tình bạn thuở còn thơ, ông nhỏ hơn đến 8 tuổi,  Nguyễn Du là bạn ngang tuổi với Ngô Thời Hoàng anh của Ngô Thời Vị. Hai gia đình thân thiết nhau vừa hàng xóm vừa làm quan đồng triều,  khoảng thời gian từ 1773-1777 lúc Ngô Thời Sĩ  giữ chức Thiêm đô Ngự sử  tại Thăng Long. Năm 1777 ông được cử làm Trấn Thủ Lạng Sơn. Nguyễn Du, thân phụ là cụ Nguyễn Nghiễm làm Tế Tửu Quốc Tử Giám (Hiệu Trưởng) và làm Tể Tướng về hưu trí năm 1774 lại được triệu ra làm Tả Tướng quân cùng Tướng Hoàng Ngũ Phúc đi đánh chúa Nguyễn, ông bị bệnh dịch về quê dưỡng bệnh và mất năm 1775. Nguyễn Du được ông anh cả Nguyễn Khản, nuôi dưỡng. Trong vụ án Trịnh Tông,  năm 1780 Nguyễn Khản là thầy dạy, nên bị giam hơn hai năm cho đến khi chúa Trịnh Sâm mất, kiêu binh đưa chúa Trịnh Tông lên ngôi, Nguyễn Khản lên làm Thượng Thư Bộ Lại kiêm trấn thủ Hưng Hóa và Thái Nguyên.  Thời gian này Nguyễn Du trở về Hồng Lĩnh học với chú là Nguyễn Trọng, năm 1783 thi đỗ Tam Trường trường thi Sơn Nam được Nguyễn Khản phong làm Chánh Thủ Hiệu quân Hùng Hậu Hiệu cùng Nguyễn Quýnh giữ chức Trấn Tả Đội đại diện binh quyền mình bên cạnh Cai Gia Nguyễn Quang Tiến, tước Quản Vũ Hầu, một thuộc hạ (tân khách) gốc người Việt Đông, Trung Quốc. Tại Hưng Hóa con rễ Nguyễn Huy Tự làm quyền Trấn Thủ, và Nguyễn Trứ tri huyện. Tại Sơn Tây Nguyễn Điều thay Nguyễn Khản làm Trấn Thủ, Nguyễn Nể phụ tá.
Thơ chữ Hán của Ngô Thời Vị  thật là bản lĩnh và độc đáo của một người tự tin vào tài văn học của mình, khác với mọi người ca tụng những gì mọi người đã ca tụng, ông đưa ý kiến bài bác những sai lầm : Thôi Hiệu đã ở trên quê hương mình còn nhớ nhà cái nổi gì , tôi đi sứ xa quê hương mới đúng nhớ nhà, nhớ quê ? Lý Bạch đọc thơ Thôi Hiệu : Trước mắt có cảnh không tả được, Vì thơ Thôi Hiệu ở trên đầu. Lý Bạch sợ chứ tôi đây là sứ thần nước Việt Ngô Thời Vị, tôi làm thơ đây, tôi chẳng sợ ! Triều đình Trung Quốc đòi tượng vàng Liễu Thăng là ngu dốt, vì đòi như thế là nhắc cho mọi người nhớ cái sự bại trận thảm hại của mình, tướng bị rơi vào bẩy Quỷ Môn Quan bị chết chém có gì vinh hiển mà đòi người vàng ?. Cái tên Ải Trấn Nam thực đáng nực cười, triều đình Trung Quốc không thể dùng sức thắng nước ta được, nên to mồm to miệng làm kẻ cả đặt tên An Nam với Trấn Nam ?  Quách Cự vì muốn nuôi mẹ mà chôn con, là không tròn đạo nhân, đạo làm người giết con là giết mình, mẹ già ăn có được bao nhiêu chia xẻ chút cơm đâu đến nổi chết đói mà toan đem chôn con, kẻ sát nhân  như thế mà được xem là có hiếu làm sao có thể sánh ngang với vua Thuấn hay Mẫn Tử Khiên ?..Bài Phong tục ngâm, bằng mấy nét đơn sơ ông tả cảnh sinh hoạt trong xã hội Trung Quốc : Quần áo vải xanh, một kiểu ăn mặc, dân phong không gian ác ngang ngạnh. Bài Vịnh khoáng phu : cho ta thấy tâm trạng của người đàn ông lớn tuổi chỉ vì nghèo không lấy được vợ.   Có lẽ trong văn học  nước ta chưa từng có ai có những phản bác độc đáo, những bài thơ tả hiện thực xã hội  như thế.
Với bản lĩnh cương trực như thế, đi sứ mà chẳng  sợ gì  triều đình Trung Quốc, không sợ thơ Lý Bạch, Thôi Hiệu, tôi cho rằng ông là tác giả chính Hoàng Lê Nhất Thống Chí vì dưới triều Gia Long ai cũng xem Quang Trung Nguyễn Huệ là ngụy, là giặc chỉ có ông là người dám viết sử trung trực, dám viết những đoạn văn ca tụng tài năng Nguyễn Huệ.
Năm 1809 Ngô Thời Vị làm Phó Sứ sang nhà Thanh đến lầu Hoàng Hạc Lâu ông đã viết :
                Thành bên sông Hán Thủy mùa thu mịt mù bóng lá cây và bóng mây. Người tiên không thấy chỉ thấy mái lầu trơ trọi. Hạc vàng bên trời bao giờ trở lại,  dòng sông như dành riêng phó mặc cho bầy âu trắng bơi lội. Nhà thơ Lý Bạch chưa hề chịu thua ai sao lại dừng bút : Trước lầu Hoàng Hạc Lý Bạch viết : Trước mắt có cảnh không tả được, Vì thơ Thôi Hiệu ở trong đầu. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu Thôi Hiệu hay quá, lởn vởn trong đầu nên không làm thơ được.(Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu ) Nhà thơ Thôi Hiệu sao lạ cảnh mà chạnh lòng nhớ quê hương buồn rầu thế ? Ngô Thời Vị phê bình câu thơ của Thôi Hiệu : Bên sông khói sóng cho sầu lòng ai ? . Hai câu kết mọi người đều khen là tuyệt tác đồng ý với nhà phê bình Kim Thánh Thán, thế mà  Ngô Thời Vị chỉ trích : Bên cảnh lạ làm sao mà nhà thơ Thôi Hiệu nhớ quê ngay, ông ở quê ông còn nhớ quê cái nổi gì tôi sứ thần đi sứ, mới là xa quê hương. Và ông ung dung xưng danh : Sứ thần nước Việt Ngô Thời Vị, Chẳng sợ làm thơ trước cảnh này.
ĐỀ LẦU HOÀNG HẠC
Sông Hán,  thành thu mơ  lá, mây,
Người tiên chẳng thấy, thấy lầu đây.
Hạc vàng biết có bao giờ lại,
Âu trắng dành riêng dãi nước đầy.
Lý Bá cớ chi dừng bút lại,
Thôi  Quân sao lại nhớ quê ngay.
Sứ thần nước Việt : Ngô Thời Vị,
Chẳng sợ làm thơ viếng cảnh này.
Thơ chữ Hán Ngô Thời Vị, Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt
ĐỀ HOÀNG HẠC LÂU
Hán thủy thành biên vân thụ thu,
Tiên nhân bất kiến chỉ không lâu.
Hà thời thiên tế lai hoàng hạc,
Đề ý giang trung phó bạch âu.
Lý Bá vị ưng thâu bút lực,
Thôi quân bất hợp tác hương sầu.
Việt Nam sứ giả Ngô Thời Vị,
Đấu đảm đề thi ký thử du.
Chú thích:
Người tiên Tương truyền Phí Văn Vỹ lên tiên, cưỡi hạc vàng qua chơi đó. Trong lầu có hai tượng thờ Phí Văn Vỹ và Lã Đồng Tân.
Lý Bạch: Thí bá Lý Bạch lên chơi lầu thấy thơ Thôi Hiệu, bỏ đi đến Kim Lăng, lên đài Phượng Hoàng đề thơ Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài.
Thôi Quân: Thôi Hiệu (704-754) nhà thơ đời Đường, người Biện Châu (nay là Khai Phong) tỉnh Hà Nam,  tác giả bài Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng, ông ít làm thơ nhưng Hoàng Hạc Lâu được xem là một trong những bài thơ hay nhất trong thi ca Trung Quốc.
Ngô Thời Vị thật là độc đáo hơn người. Bài thơ đến tay Nguyễn Du đang làm Cai Bạ Doanh Quảng Bình, Trấn Thủ một trong bốn doanh đất kinh kỳ nhà Nguyễn. Nguyễn Du viết:  Gửi ông  Thanh Oai Ngô Tứ Nguyên : Còn nhớ đêm hôm nào hai chúng ta đàm đạo cùng nhau, trên bãi biển Quỳnh Hải thời Tây Sơn. Ngô Thời Vị có đến chơi với Nguyễn Du, khi ông ở Quỳnh Hải (1796-1802) Chúng ta là bạn chơi với nhau tình bạn thuở ấu thơ, hai gia đình thân thiết nhau, vẫn còn nguyên như cũ. Chúng ta cùng làm quan, cái cày là cái lưỡi vẫn thường no đủ. Xa quê mà  lòng nào già không muốn về. Bệnh tiêu khát của Tư Mã Tương Như, anh mỗi ngày thêm nặng. Hồn mộng tôi đêm đêm nhập vào thơ Đỗ Phủ (Nguyễn Du đã có ý so sánh thơ Ngô Thời Vị với thơ Đỗ Phủ). Đứng trên bờ sông chưa dám đề thơ Anh Vũ (thơ Hoàng Hạc Lâu: Phương thảo thê Anh Vũ châu)  vì nhớ nơi Trung Nguyên có một bậc thầy  (thi hào Lý Bạch). Nguyễn Du tôn Lý Bạch là thầy thi ca của mình nên lấy chữ Thanh, bút hiệu và quê Thanh Liên của Lý Bạch, ghép vào chữ Hiên. Cả gia đình Nguyễn Du nhiều người lấy chữ Hiên trong bút hiệu: Nghị Hiên, Giới Hiên, Quế Hiên, Thích Hiên..
HỌA THƠ GỬI ÔNG NGÔ TỨ NGUYÊN NGƯỜI THANH OAI.
Bãi biển một đêm lộng gió Tây,
Bạn chơi thơ ấu nghĩa cao dầy.
Cày thay bằng lưỡi sống thường đủ,
Già chẳng  về quê  ngao ngán thay.
Tiêu khát mỗi ngày Tư Mã bệnh,
Hồn thơ đêm mộng Thiếu Lăng thi.
Bên sông, ngại viết thơ Anh Vũ,
Nhớ mãi trung nguyên một bậc thầy.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nam Trung tập ngâm. Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
KÝ THANH OAI NGÔ TỬ NGUYÊN
Nhất dạ tây phong đáo hải mi,
Đồng niên giao nghị thượng y y.
Đại canh hữu thiệt sinh thường túc,
Khứ quốc hà tâm lão bất qui ?
Tiêu khát nhật tăng Tư Mã bệnh,
Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi.
Lâm giang vị cảm đề Anh Vũ,
Hoàn hữu Trung nguyên nhất đại thi.
                Chúng ta thử đọc lại bài thơ danh tiếng của Thôi Hiệu, Hoàng Hạc Lâu, bài thơ được xem là một trong mười bài thơ hay nhất của thi ca Trung Quốc. Làm Lý Bạch ngần ngại khi muốn đề thơ lầu Hoàng Hạc. Nhưng lạ thay sứ thần Việt Nam qua đây ai cũng đề thơ lầu Hoàng Hạc : từ Nguyễn Du, Ngô Thời Vị, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhiệm, Đoàn Nguyễn Tuấn.. sưu tập hết các bài thơ các sứ thần Việt Nam viết về lầu Hoàng Hạc hẵn là một đề tài thú vị, chẳng có thi nhân sứ thần  Việt Nam nào sợ thơ Thôi Hiệu cả !
 HOÀNG HẠC LÂU
Người xưa cỡi hạc vàng đã khuất
Để lầu Hoàng Hạc chốn này trơ,
Hạc vàng một biệt không về nữa,
Mây trắng ngàn năm vẫn lững lơ.
Hán Dương rừng toả  hồng cây nắng.
Anh Vũ cỏ thơm  xanh  bến mơ.
Chiều tối quê hương đâu đó nhỉ ?
Trên sông khói sóng khách sầu thơ.
Thơ Thôi Hiệu, Nhất Uyên dịch thơ.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu,
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du,
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng xử nhân sầu.
Chú thích :
Anh Vũ : tên bãi khúc sông huyện Vũ Xương tỉnh Hồ Nam. Cuối đời Hán, Hoàng Tổ làm chức thái thú ở Giang Hạ, con cả ông ta là Hoàng Sạ mời khách vào trong bãi ấy uống rượu. Giữa lúc ấy, có người dâng một con chim anh vũ. Nễ Hành liền làm bài thơ phú Anh Vũ tả cảnh cuộc hội họp đó. Từ đấy người ta gọi bãi ấy là bãi Anh Vũ.
                Nguyễn Du năm 1813, khi đi sứ, thăm Hoàng Hạc Lâu cũng có đề thơ : Nguyễn Du không nhớ quê hương, nhưng tự hỏi nỗi lòng mình biết tỏ cùng ai, trăng thanh gió mát cũng thờ ơ như lầu vắng, thần tiên đã đi mất.
HOÀNG HẠC LÂU
Thần tiên đã đến tự bao giờ,
Còn lại dấu tiên trên bến mơ.
Giấc mộng Lư Sinh kim cổ nhớ,
Vần thơ Thôi Hiệu hạc lầu trơ.
Ngoài hiên khói sóng bay mờ mịt,
Trước mắt cỏ cây vẫn cũ xưa.
Nỗi niềm có biết cùng ai tỏ ?
Trăng thanh gió mát cũng thờ ơ.
Thơ Nguyễn Du Bắc Hành tạp lục, Nhất Uyên dịch thơ.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
HOÀNG HẠC LÂU
Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì,
Do lưu tiên tích thử giang mi.
Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng,
Hạc khứ không lâu Thôi Hiệu thi.
Hạm ngoạii yên ba chung diểu diểu,
Nhãn trung thảo thụ thượng y y.
Trung tình vô hạn bằng thùy tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
Chú thích :
Lư Sinh mộng, giấc mộng chàng Lư. Lư Sinh đời Đường thi trượt, trên đường về nghỉ trọ ở Hàm Đan, gặp một đạo sĩ cho mượn chiếc gối để nằm ngủ. Trên gối ấy, Lư Sinh mơ thấy mình thi đỗ, làm quan đến Tể Tướng, hưởng giàu sang trên mười năm. Khi tỉnh dậy nồi kê của chủ quán nấu vẫn chưa chín.
THƠ NGÔ THỜI VỊ
                Bài Trấn Nam Quan, Nam Quan ở địa đầu tỉnh Quảng Tây. Cửa một tầng xây bằng những phiến đá. Hai bên tả hữu có hai ngọn núi đối nhau. Ở trên mỗi ngọn núi đều cắm một lá cờ trắng đề bốn chữ “Trấn Nam đại quan”. Đằng trước cửa giáp với đài Ngưỡng Đức của nước ta, đằng sau cửa có một đồi tức đài Chiêu Đức, nơi sứ thần đốt hương bày đồ cống. Theo nghi lễ ngày xưa : Cửa ải chỉ mở vào những ngày hội đồng giao tế. Khi mở, đầu tiên nổ ba phát súng, rồi viên quan coi cửa cầm cờ vàng mở khóa. Trong cửa bọn thơ lại và lính tráng giao gậy vào nhau ngăn lính kỵ mã theo sau, bắt dừng lại đợi sứ bộ tiến qua, cuối cùng họ quay lại đóng cửa. Từ ải Nam Quan đến Bắc Kinh, mỗi chặn đường địa phương do lính kỵ mã địa phương cùng quan địa phương theo hộ vệ sứ đoàn, và lo mọi lễ nghi tiếp tân. Các sứ đoàn nước ta đều đi qua ải này, sứ đoàn Nguyễn Du làm Chánh Sứ năm 1813 có 27 người. Sứ đoàn đông nhất thời Tây Sơn năm 1790 có 158 người do Phan Huy Ích làm Chánh Sứ, có ông vua giả Quang Trung, tên Phạm Công Trị là cháu bên vợ nhà vua, hoàng tử Nguyễn Quang Thùy và một ban hát bội Quy Nhơn 10 người, đồ cống còn có thêm hai con voi đực..
                Trong ngoài hai đài Ngường Đức và Chiêu Đức đối nhau chen giữa núi biếc. Mở ra thấy cờ xí phất phới, khép lại thấy mây xám âm u. Lệ nước cứ bốn năm triều cống một lần. Vùng biên giới muôn dậm này chỉ đặt có trạm nghỉ. Lễ nhạc ở đây chỉ truyền thụ cho chim chóc hót. Núi sông nơi đây từng làm quen với cảnh xe ngựa của người đi sứ. Sợ trời nên nước ta giữ lễ triều cống. Nhưng cửa ải mang tên “Trấn Nam” kia thật là thô lậu.  Các triều đình phương Bắc vốn thất bại trong việc đem quân đánh nước ta sáp nhập làm quận huyện. Nên bày ra việc triều cống phong vương để giữ thể diện, các nước chư hầu như Triều Tiên, Nhật Bản hay An Nam, hoàn toàn tự trị, nhưng cứ bốn năm một lần gửi sứ đoàn mang cống phẩm, để tỏ tình giao hảo, để đưọc yên thân không nhọc công trong việc chiến tranh, khi vua mất, thái tử lên ngôi cũng phải báo tang và xin cầu phong cho vua mới. Vị Chánh Sứ va hai phó sứ thường chọn lựa những vị quan cấp Tham Tri, có tài ứng đối  giỏi thi ca, có thể làm vua quan thiên triều nể phục không xem thường nước ta.  Đời nhà Nguyễn sứ đoàn từ Phú Xuân đi thuyền đến thạch đình sông Vị Hoàng, Nam Định, quan Bắc Thành tiếp rước, qua mỗi địa phương đều có đặt bàn hương án, quan tri huyện cùng quân kỵ tiếp rước đưa lên đến Trấn Nam Quan.
                Ngô Thời Vị chú thích : «  Đại để triều đình phương Bắc đối với nước ta, vốn không thể dùng sức mà thắng được, nhưng về mặt văn tự thì họ tranh lấy « gió cao », chiếm lấy « đất đầu ». Họ đặt tên cửa ải là « Trấn Nam Quan » và đặt quốc hiệu nước ta từ đời Lê về trước là « An Nam », đều ngụ một ý rất đáng phù cười ! ». Từ năm 1802 nước ta qua sứ đoàn ngoại giao đầu tiên tên nước đã được đặt lại là Việt Nam.  Chữ An Nam xuất hiện từ đời nhà Đường có nghĩa là bình định phương Nam. Thời kỳ này  Trung Quốc  thiết lập An Đông đô hộ phủ ở Triều Tiên, An Tây đô hộ phủ ở Tân Cương, An Bắc đô hộ phủ ở Nội Mông, và An Nam đô hộ phủ ở nước ta. Ngày nay Trấn Nam Quan đổi tên thành Hữu Nghị quan.
.
 CỬA ẢI TRẤN NAM
Ngoài cửa hai đài chen núi xanh,
Mở cờ rực rỡ, đóng : mây lam.
Bốn năm lệ nước đi triều cống,
Muôn dậm biên cương trạm nghỉ chân.
Lễ nhạc nơi đây chim chóc hót,
Núi sông quen cảnh ngựa xe đàn.
Sợ trời giữ lễ nên triều cống,
Thô lỗ  ơ  kìa tên “Trấn Nam”.
Thơ Ngô Thời Vị tập Mai Dịch tu dư, Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TRẤN NAM QUAN
Biểu lý song đai trĩ bích kham,
Khai thời tinh tiết, bế yên lam.
Tứ niên quốc lễ thông triều nhất,
Vạn lý biên thầm ký dịch tam.
Lễ nhạc ưng giao cầm điểu tập,
Sơn khê tằng dữ mã xa am.
Ủy thiên tự ngã cung hầu độ,
Lậu sát quan danh hiệu « Trấn Nam ».
                Bài Liễu Thăng Thạch, nơi ghi dấu tướng chỉ huy nhà Minh Liễu Thăng bị vua Lê Lợi chém đầu, chiến công anh dũng nước ta, cũng là cái ngu của nhà Minh khi đòi tượng người vàng Liễu Thăng. Sau khi Vua Lê Lợi dành lại độc lập đất nước, đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi. Nước ta và nhà Minh giao hão, nhưng nhà Minh đòi vua Lê ba năm phải tiến cống một tượng Liễu Thăng bằng vàng để trả cái nợ đã giết tướng Liễu Thăng tại Quỷ Môn Quan, Chí Linh. Ngô Thời Vị cho rằng đòi như thế là ngu dốt, vì cái nhục bại trận tướng chỉ huy bị chém lẽ ra phải quên đi, lại đòi nằng nặc là cứ nhắc đến cái nhục thảm bại của mình.
                Cách Quỷ Môn Quan ở Lạng Sơn  vài dậm, nơi nổi tiếng ở Trung Quốc: Quỷ Môn Quan, mười người đi chỉ một người về . Quảng giữa đền Quang Lang và đền Hổ Lao, có năm sáu phiến đá, nằm ngữa ở vệ đường về phía tay trái. Trong số đó có một phiến đá hình người, đầu mất nhưng thân thể còn nguyên vẹn. Tục truyền rằng vua Lê Thái Tổ chém Liễu Thăng ở đó, linh khí của hắn không tan kết thành đá. Từ chiến thắng Quỷ Môn Quan, nhà Minh không dám dòm ngó nước ta.
                Việc ấy nay chẳng cần biện bạch cho rõ là có hay không, chỉ biết công đức nhà Lê xưa ở chỗ bình được giặc Minh, quân Minh thua trận bị bắt làm tù binh, tướng đầu hàng được trả về nguyên quán. Trong vết đá còn lờ mờ lưỡi đao chém xuống, Sắc rêu còn in mờ nhạt vết máu khô trên áo giáp. Khe nước chảy như còn reo lên trước chiến bại của Liễu Thăng. Đòi bồi thướng người vàng, ta cười cho nhà Minh quá ngu tối.. Trời chiều dừng xe lại xem vết tích còn sót lại. Tưởng còn trông thấy mặt trận bày ra thuở xưa.
                Ngô Thời Vị chú thích: “ Ngày xưa, đánh thắng được kẻ địch rồi, người ta đắp hình cá kình ở nơi công quán để tượng trưng cho võ công. Nước ta có cửa Hàm Tử là nơi bắt giặc, lại có bến Chương Dương là nơi cướp giáo giặc, đến nay còn truyền. Đá Liễu Thăng là thật hay giả cũng là chuyện vui lưu truyền muôn thuở. Nó không thể giống như vết chân Từ Đạo Hạnh in trên hang đá Sài Sơn, tuy cũng coi là một chuyện huyền ảo. “
HÒN  ĐÁ  LIỄU  THĂNG
Không có chẳng cần chi biện bạch,
Chiến công Lê chúa diệt quân Ngô.
Còn hằn trên đá vết đao chém,
Mờ nhạt rêu phong  máu giáp khô.
Khe nước chảy reo quân Liễu bại,
Người vàng đòi mãi nhục Minh ngu.
Dừng xe chiều xế xem di tích,
Còn thấy năm nao mở trận đồ.
Thơ Ngô Thời Vị, Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
LIỄU THĂNG THẠCH
Đề sự hà tu biện hữu vô,
Hoàng Lê công đức tại bình Hồ.
Thạch ngàn ẩn ước sương đao lạc,
Đài sắc y hi huyết giáp ô.
Lưu thủy tuyền như Minh Liễu bại,
Thường kim ngã tự tiếu Minh ngu.
Đinh luân nhật vãn khan di tích,
Tưởng kiến đương niên bố trận đồ.
                Năm Kỷ tỵ 1809 Ngô Thời Vị làm Phó Sứ, đã đến thăm Lầu Nhạc Dương, nhớ cách đây 17 năm năm Quý Sửu anh cả là Ngô Thời Nhậm từng làm Chánh Sứ đi sứ báo tang Vua Quang Trung mất năm 1793 qua lầu này, Ngô Thời Nhiệm để lại tập: Bang giao hảo thoại và Hoàng hoa đồ phả.
                Năm Quý Sửu anh tôi đã lên lầu này, đến nay tôi lên là mười bảy mùa thu qua.  Ngoảnh đầu nhìn lại việc trước đáng ghê mình vì cuộc biển dâu, nay tôi nối gót anh tôi mà đi sứ thấy lòng hổ thẹn cho bao kiếp tu từ lâu đời. Người xưa đi qua rồi không trở lại nữa, y như đám mây chạy hoài. Cuộc đời thay đồi không ngừng y như dòng nước chảy. Khâm phục  lời nói hay của tiền nhân, càng nghĩ kỹ, càng cảm động: có rút chân khỏi bước giang hồ, mới khỏi lo lắng .

                TRÊN LẦU NHẠC DƯƠNG CẢM HOÀI
Anh tôi Quý Sửu thăm lầu này,
Mười bảy năm giờ em đến thay.
Dâu biển quay nhìn lòng sợ hãi,
Sứ trình tiếp bước hổ lòng nay.
Người xưa qua đó như mây nổi,
Đời đổi không ngừng nước chảy bay.
Khâm phục lời hiền nhân nghĩ  kỹ,
Giang hồ rời gót mới an vui.
Thơ Ngô Thời Vị, Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
ĐĂNG NHẠC DƯƠNG LÂU CẢM HOÀI
Gia huynh Quý Sửu thướng tư lâu,
Đại ngã kim niên thập thất thu.
Tang hải hồi đầu kinh cựu sự,
Hoa trình tiếp vũ quý tiền tu.
Cổ nhân bấc tác văn trường vãng,
Thế biến vô cùng thủy tự lưu.
Bội phục hiền ngôn chung hữu cảm,
Giang hồ nhược thoái cánh hà ưu !
                Bài Qua Hà Nội (Trung Quốc) thăm làng cũ hai người con có hiếu. Ngô Thời Vị bác bỏ tên Quách Cự, vì hiếu với mẹ mà toan đem con đi chôn sống để có đủ miếng ăn nuôi mẹ. Chỉ biết có hiếu mà không biết đến nhân toan giết con mình là như tự giết mình không thể gọi là hiếu được.
                Sông nước  lụt ngăn trở, phải qua Hoàng Hà. Thay đổi hành trình, tìm khắp mọi bến. Nhân qua huyện Hà Nội, vô tình đọc tấm bia cổ. Đinh Lan và Quách Cự đều là người Hà Nội.( Đương thời  nhà Nguyễn có sứ thần Lý Văn Phức phổ nôm truyện: Nhị Thập Tứ Hiếu.) Một người vì mẹ chôn con, một người tạc tượng gỗ phụng thờ cha mẹ. Hai người đều được khen là con có hiếu. Rõ  ràng ghi trong bia. Chuyện hiếu của Đinh Lan không có gì để bàn luận. Còn chuyện của Quách Cự ta thiết nghĩ: Ngũ luân vốn không phải có một. Mẹ và con đều cùng một gốc. Nếu không có cách nào bảo toàn được cả mẹ cùng con. Thì một miệng ăn đâu đã khiến nhà nghèo !  Hiếu của Quách Cự sao chỉ có một chiều! Giết con như là giết bản thân mình !   Tâm Quách Cự sao mà tàn nhẫn thế ? Biết có hiếu, chưa biết có nhân!  Nếu không bắt được vàng, thì Quách Cự đã tàn hại đến đạo luân thường. Hành động y như người ngu và tàn bạo !  Tình người như thế là giả dối hay chân thật ?. Xem chuyện Đặng Bá Đạo (bỏ con giữ cháu). Việc khác nhau nhưng lỗi thì như nhau . Cách sử sự đã đi quá mức, sợ không phải là điều thánh hiền trân trọng. Lòng của người có nhân, lòng của người con là có hiếu. Suy nghĩ cho kỹ ta lấy làm bi thương và chua xót. Tại sao trong truyện Nhị Thấp Tứ Hiếu. Lại để Quách Cự đứng ngang hàng với vua  Ngu Thuấn và Mẫn Tử Khiên. Đúng vậy Chu Phu Tử  thâm ý còn có gì đây. Sách Tiểu Học khen nhiều người con có hiếu. Mà riêng tên Quách Cự không thấy nói đến. Kinh Xuân thu trách hiền giả. Đức có xứng mới là vẹn toàn. Phụng thờ cha mẹ đến như thế này, người đời theo thế nào cho được. Nếu chỉ khen một tiết hạnh tốt. Thì Cự, Lan không khác gì nhau. Đều có thể cảm hóa kẻ ngang ngạnh, khinh bạc. Cũng có thể thông cảm cả quỷ thần. Đạo lý trên tuy chẳng đủ. Song đời sau khó ví bằng.  Ta đi qua đất này. Lúc quay ngựa trên đường về. Dừng xe nhìn làng người con có hiếu. Kìa lô nhô những mộ phần ai ? Đường đầy cỏ khô chẳng ai phát cỏ. Thôn xóm vắng lạnh, mây chiều hôm phủ đầy. Than thở nhớ người hiền giả. Muốn hỏi nhưng chẳng gặp ai  ! Ta vốn đã hiểu được đâu. Sao dám nhẹ miệng nông nổi nghị luận. Nghĩ nhớ đến chương: Minh phát.  Lệ sa đầm đầm ướt cả khăn tay. !
QUA HUYệN HÀ NộI (TRUNG QUỐC)
THĂM LÀNG CŨ HAI NGƯỜI CON CÓ HIẾU
Lụt lớn qua Hoàng Hà,
Tìm bến đổi đường qua.
Nhân qua huyện Hà Nội,
Vô tình đọc bia xưa.
Đinh Lan và Quách Cự,
Đều dân Hà Nội ta.
Người chôn con nuôi mẹ,
Người khắc tượng mẹ cha.
« Hai người tiếng con hiếu,
Rõ ràng ghi trong bia.”
Đinh Lan chẳng bàn qua,
Chuyện Quách Cự nghĩ xa:
Ngũ luân nào phải một,
Mẹ, con cùng người ta.
Hai đường chẳng bảo toàn,
Một miệng chẳng túng hơn.
Cự chỉ biết có hiếu,
Giết con là giết mình.
Sao Cự lòng tàn nhẫn,
Biết hiếu chẳng biết nhân.
Nếu vàng không bắt được,
Thật tàn hại đạo luân.
Thật ngu và tàn bạo,
Giả dối hay thật nào ?
Xem chuyện Đặng Bá Đạo,
(Bỏ con và giữ cháu)
Việc khác lỗi như nhau.
Xử sự đi quá mức,
Không phải điều thánh nhân.
Lòng có nhân có hiếu,
Suy nghĩ xót thương lòng.
Trong Nhị Thập Tứ Hiếu,
Thuấn, Mẫn sao ngang hàng ?
Đúng vậy Chu Phu Tử,
Thâm ý có gì khuyên ?
Sách Tiểu Học khen hiếu,
Quách Cự chẳng có tên.
Xuân Thu trách hiền giả,
Đức xứng mới vẹn toàn.
Thờ cha mẹ thế nào ?
Mọi người có thể theo.
Nếu chỉ khen đức tốt,
Cự, Lan khác gì nhau !
Cảm hóa kẻ ngang ngạnh,
Cảm thông cả quỷ thần.
Đạo lý tuy chẳng đủ,
Đời sau khó ví bằng .
Ta đi qua đất này,
Ngựa về nước qua đây,
Nhìn làng người con hiếu,
Lô nhô mộ phần ai ?
Đầy đường cây khô dại,
Thôn vắng chiều mây bay.
Than thở nhớ hiền giả,
Muốn hỏi chẳng gặp ai.
Ta vốn chẳng hiểu được,
Dám nghị luận bốc đồng.
Nghĩ nhớ chương Minh Phát,
Lệ sa ướt cả khăn.
Thơ Ngô Thời Vị, Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
QUÁ HÀ NộI HUYệN NHỊ HIẾU CỐ LÝ
Trở thủy Hoàng Hà độ,
Cải trình biến mịch tân.
Nhân kinh Hà Nội huyện,      
Ngẫu phỏng cổ bi văn :
Đinh Lan dữ Quách Cự,
Câu thị Hà Nội nhân,
Nhất vị mẫu mai tử,
Nhất khắc mộc phụng thân.
Nhị nhân tịnh xứng hiếu,
Tạc tạc bi trung trần.
Phù Lan vô dung nghị,
Ư  Cự, hữu cảm vân,
Ngũ luân bản phi nhất.
Mẫu tử giai đồng cân.
Lưỡng toàn túng vô kế,
Nhất khẩu khởi gia bần.
Cự hiếu hà kỳ dốc,
Sát tử do sát thân,
Cự tâm hà kỳ nhẫn !
Tri hiếu vị tri nhân.
Hoàng kim cẩu bất hoạch.
Cơ tự tàn nhất luân,
Tích đồng ngu dữ bạo,
Tình thị kiểu da chân ?
Quan chư Đặng Bá Đạo.
Sự thủ, thất tắc quân.
Xử biến quá kỳ chính,
Khủng phi thánh hiền trân.
Nhân nhân hiếu tử tân.
Tế dịch thường bi tâm,
Vận hồ Thập Nhị Tứ.
Tịnh khuThuấn Mẫn quần.
Nghi hồ Chu Phu Tử,
Thấm ý tưởng hữu nhân,
Tiểu Học xứng hiếu dã,
Cự danh độc bất văn,
Xuân Thu trách hiền giả.
Đức xứng phương vi thuần.
Sự thân chí như thử.
Sử nhân hà sở tuần,
Nhược thủ kỳ nhất tiết,
Lan, Cự thành vô phân,
Giai khả khởi ngoan bạc,
Diệc năng thông quỷ thần,
Ngữ thương tuy bất túc,
Hậu thế nan tị lân.
Ngã lai quá danh địa,
Tao hồi mã thủ tân,
Đình tham vọng hiếu lý,
Lỗi lỗi thùy gia phần ?
Khô bồng lộ bất tiễn,
Hàn thôn sinh mộ vân
Thứ tức tư kỳ hiền,
Dục vấn vô di dân,
Cố ngã khởi năng hiếu,
Hà cảm khinh trí thần.
Điếu hoài minh phát chương,
San nhiên lệ chiêm cân.
Chú thích:
Hà Nội: tên huyện thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Đinh Lan: Người đời Hán, mồ côi cha mẹ từ lúc còn bé, vì thương nhớ cha mẹ, đã tạc tượng gỗ giống hình cha mẹ để thờ.
Qúach Cự: Người đơòi Hán , nhà nghèo, mỗi khi ăn cơm mẹ phải xẻ một phần cho cháu. Quách Cự thấy thế định chôn sống con, nhưng đào huyệt thì bắt được vàng.
Đặng Bá Đạo: Đặng Du, người Lương Lăng đời Tấn. Thời vua Hoài Đế, giặc Thạch Lặc vào đánh phá Trung Quốc. Bá Đạo đưa cả nhà chạy trốn. Gặp giặc biết không lưỡng toàn được cả hai con và cháu, con người em ruột, đã để con lại mà dắt cháu đi. Sau làm đến Lại Bộ Thượng Thư. Người đời rất cảm kích về hành vi đó.
Cuốn Nhị Thập Tứ Hiếu:  24 người con có hiếu, do Quách Cự Kinh đời Tấn biên soạn. Lý Văn Phức nước ta có dịch diễn ca nôm ra thơ lục bát. Trong đó có Ngu Thuấn, Mẫn Tử Khiên, Đinh Lan, Quách Cự.
Chu Phu Tử:  Chu Hy đời Tống biên soạn sách Tiểu Học.
Kinh Xuân Thu: sử do Khổng  Tử biên soạn.
Hiền giả đây chỉ Đinh Lan và Quách Cự.
Minh phát: thơ Tiểu nhã trong Kinh Thi: Minh phát bất mị, hữu hoài nhị nhân. Đến tảng sáng vẫn chưa ngủ được vì nhớ đến cha mẹ.
 Bài Tuyết Nê: Tuyết hay bùn. Nâng lên là tuyết trắng, dẫm lên thành bùn đen. Quý trong đấy rồi cũng rẻ rúng đấy,, chi do người ta lỡ bước chân mà dẫm phải. Phẩm giá trong trắng lẽ nào rơi xuống chỗ thấp hẻn. Là tuyết cứ nên ở tít trên ngọn thông đẩu núi.
TUYẾT HAY BÙN
Nâng lên tuyết trắng, xéo bùn đen,
Quý tiện do người dẫm bước lên.
Tiết sạch lẽ nào sa xuống thấp,
Cội tùng trăng xóa tuyết đầu non.
Thơ Ngô Thời Vị , Nhất Uyên dịch thơ.
TUYẾT NÊ
Phủng vi băng ngọc, tiễn vi nê,
Quý tiện do  nhân bộ bất tề.
Khiết tháo khởi nghi lưu hạ xứ.
Cô tùng tuyệt điến nhiệm quân thê.
                Trong kho tàng văn học cổ điển nước ta bằng chữ Hán, thơ  Ngô Thời Vị là một đỉnh cao đáng trân trọng và lưu ý để tìm hiểu tư tưởng tiền nhân nước ta. Mong Viện Hán Nôm sớm công bố toàn bộ thơ văn Ngô Thời Vị. Một tài năng được đương thời, trọng dụng và  đánh giá ngang hàng với đại thi hào Nguyễn Du  không thể để mãi trong quên lãng.
Paris 18-10-2013
*Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.

Bài nầy đã đăng trên Trang NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ