18 thg 2, 2019

Cố Hương - Hà Thúc Sinh - Văn Việt


Hà Thúc Sinh

Cụ Hồng Ân đã bước vào tuổi cổ lai hy, cho nên cụ cư xử với chúng bạn – kể cả những người bạn thật trẻ – một cách điềm đạm, cởi mở. Bữa nào gặp chuyện găng, lại có tí rượu, xảy tranh luận, và cụ có lỡ lộ ra phần nào cái khối óc quảng bác của cụ, đến nỗi tạo ra chút khói lửa la đà, là y như rằng cụ cất ngay tiếng cười hê hê đến ngộ, và nói một câu ngắn gần như thông lệ, cốt như ngăn sao cho kịp để bạn hữu dừng lại đúng lúc trước bờ vực nóng giận. Nếu câu chuyện ấy mà do cụ đề xướng thì cụ bảo, “Hê hê… láo cho vui cả ấy mà.” Và nếu đề tài do người khác đưa ra, cụ lỡ đặt cho đương sự vài câu hỏi hóc hiểm khiến ông ta sửa soạn phùng mang trợn mắt, thuốc chữa của cụ vẫn là, “Hê hê… láo cho vui cả ấy mà.” Mãi rồi cái thành ngữ ấy biến thành một thứ minh triết. Bọn trẻ tuy không nói ra nhưng quả có thầm ưng trong bụng. Chuyện đời ngoài kia đã bát nháo lắm. Gần như mọi mặt. Có thêm hương thêm sắc chẳng vì thế mà hoa cứt lợn biến thành hoa hồng cho được. Bàn là bàn cho vui đấy thôi, ai dại gì lại để cho cái mùi xú uế đọng lâu trong khu vườn hoa của cụ, làm giảm đi hương vị những tách trà Bắc Thái xanh thơm, giảm đi những câu chuyện mà theo cụ, “Văn hoá là cái chi chi , nếu chẳng là tiếng nói, là cái ăn, cái mặc?” Cho nên bọn trẻ năng đến với cụ, kéo nhau vào lắm chuyện cổ kim những ngày cuối tuần, rồi khi sửa soạn cáo lui, gần như họ mặc nhiên đồng ý với thành ngữ nay đã được giản lược là “láo cả” của cụ làm dấu chấm hết. Nhưng trên đường về, mấy cái “láo cả” ấy có khi vương trong lòng lắm điều nghĩ ngợi.
*
Thẩm đến với cụ Hồng Ân như một người đồng hương trẻ tuổi. Thường khi anh đến cụ hay đem những loại trà quý pha uống với nhau. Cụ vốn biết anh cũng mê trà lắm lắm. Gì chứ lắm trường hợp cái thứ cao trà coi vậy nó cũng có sức dính hết sức lạ lùng. Nhưng trên hết, Thẩm đến với cụ để học những điều mà anh cho là nếu thiếu, chuyện dạy con trong nhà hãy yêu lấy quê hương xem ra là điều khó thông. Đến trúng bữa cơm, thế nào cụ cũng vồn vã kêu vợ con lấy thêm bát đũa, rồi với tiếng cười bất hủ, cụ kéo ghế bảo, “Hê hê, tiện thể ấy mà.” Thẩm ít khi cãi ý cụ. Anh ngồi xuống mâm và hai người lại bắt đầu nhắc nhau nghe – đúng hơn là cụ nhắc khéo cho anh nhớ – những món ngon quê nhà, không phải Sài Gòn, mà mãi tận xứ Thanh xa như giấc mộng.
Trúng bữa phở là cụ lung khởi:
“Này ông, ông còn nhớ quê mình có câu ‘chó con so bò con rạ’ đấy chứ nhỉ?”
“Vâng, em cũng… mang máng.”
“Nghĩa sao nhỉ?”
“Dạ…”
“Đúng rồi. Bò con rạ,” Cụ quay sang các cô cậu đang vừa ăn vừa lắng tai nghe, nói như giải thích chung. “Chó nó đẻ lứa đầu con sẽ to, nhưng bò thì ngược lại, phải từ lứa thứ hai trở đi con mới to mới tốt.” Rồi cụ yên lặng, cẩn thận chọn một lá húng thật tươi, đưa lên miệng cắn, chỉ một tí thôi, sợ như nếu nhai cả cái lá húng ấy sẽ là quá độ, vị giác sẽ thơm quá độ, có nguy cơ làm cho miếng nạm tiếp theo không còn nguyên hương vị của nó mà đến biến thành một miếng bạc nhạc xoàng xĩnh. Đợi cho miếng ăn đã yên ổn trong bụng cụ mới ngước nhìn Thẩm. Cứ như không hề thấy sự lúng túng của người bạn trẻ, cụ lại hồn nhiên tiếp, “Mà chắc ông còn nhớ cái bát phở Bái Thượng đấy nhỉ?”
“Dạ, lờ mờ lắm.”
“Xa quê mấy mươi năm thế mà đố tôi quên cho được. Gớm, đâu mà lại có cái thứ gầu nó giòn đến thế, nhai cứ canh cách như nhai miếng cùi dừa ấy thôi, vừa béo lại vừa thơm.”
“Nhưng sao đặc biệt thế thưa bác?”
Ông cụ ngừng đũa, nhìn Thẩm với ánh mắt vui vẻ:
“Đấy, chuyện cũ rốt cuộc rồi cũng chỉ lũ già này phải nhớ đấy thôi. Ông biết vùng Bái Thượng mà. Cỏ lăng Lam Sơn tốt vô cùng, lại là vùng núi đồi, có lẽ vì thế bò nó khoẻ ăn khoẻ chạy, thành ra miếng thịt miếng thà nó thơm lạ thơm lùng. Nói không sợ thậm xưng, đi cách quán phở nửa cây số miệng mũi mình nó đã nở cả ra.”
Thẩm lặng lẽ húp từng thìa phở bà chị mà lòng trôi dạt ngàn dặm về chốn cố hương. Lại có lần khác đến cụ ngồi nhâm nhi lon bia với mấy con nghêu, anh buột miệng nhắc:
“Bác còn nhớ cái món bún phi không bác nhỉ?”
Cụ Hồng Ân trợn mắt:
“Trên ba trăm ngàn cây số vuông tổ quốc chỉ có mỗi quê Thanh mình có cái món tiến vua ấy mà ông lại cho là tôi quên được à?”
“Ngày ấy ở thị xã cứ sáng sáng đầu ngõ nghe tiếng rao ‘ai phi….i…í… mua!’ là mợ em thế nào cũng gọi vào.”
“Ai mà chả gọi vào. Gớm, cái nước phi đựng trong nồi đất sao mà nó ngọt nó thơm đến là như vậy, ông nhỉ. Dễ hơn bốn mươi năm qua mà nhắc lại, chậc chậc, tôi vẫn như còn thấy tô bún với cái màu nước nhờ nhờ, những con phi trắng nuột trắng nà nó thơm nó bùi trên lưỡi ấy thôi. Mà ông còn nhớ rõ hình dạng con phi đấy chứ?”
“Vâng.”
“Giông giống con trai ông nhỉ, to chỉ bằng hai ngón tay.”
“Em nghe nói ở biển Sầm Sơn có hai luồng nước ấm lạnh…”
“Chết, ông có nhớ nhầm không? Ông biết sông Mã mà.”
“Em chỉ nhớ tí chút cái đoạn Hàm Rồng thôi.”
“Đấy đấy, Hàm Rồng đi lại chỗ cầu Tào không bao xa. Sông Mã đến đoạn này sẽ chảy tiếp ra cửa Lạch Triều, còn một nhánh tách thành sông Tuần ở ngã ba Tuần chảy qua làng Hà Thượng. Mà làng Hà Thượng đất xấu lắm. Sông Tuần đoạn này nước thường chảy ngầm dưới cát. Mãi đến mùa lụt thường vào tháng sáu bảy tám âm lịch mới gọi là có nước, nhưng vì ngoài biển nước tràn vào, thành ra nước ở đây lợ. Con phi phát xuất khoảng này và trong điều kiện này đấy ông ạ.”
“Nhưng sao nó lại thơm ngon như thế hả bác?”
“Tôi không chắc tôi đúng lắm đâu, nhưng có lẽ đoạn sông này cát, không lắm phù sa, vì thế nó không béo quá để đến nỗi tanh. Vả nói không sợ thậm xưng, đi nhiều mới thấy tôm cá xứ Thanh mình nó ngon nhất nước ông ạ. Tôm cá ngoài Bắc thì gầy, còn trong Nam lại quá béo; ở Thanh từ con cá thu đến con cá nục, từ con cá chim đến con cá hồng, cá trích, cá khoai hay đến cá thờn bơn đi nữa, cá nào cũng thơm ngon đặc biệt. Nó không quá gầy để xác, mà cũng không quá béo để tanh. Hay là cái ưu điểm địa dư nó chiều bụng những ông đồ khó ăn ông nhỉ? Chắc vì thế mà dân gian mới có cái câu ‘xứ Thanh gạo trắng nước trong’ chăng? Nhưng nhớ thì tôi phải nhớ nhất cái món gỏi cá quê mình.”
“Cá chép bác nhỉ!”
“Còn phải nói. Nhưng phải là cá chép vào mùa có trứng cơ. Trứng với lòng cá băm làm nước giẻo còn gọi là nước bỗng, phải quánh lại như mật thì mới ngon. Nhưng đến chết tôi cũng chẳng quên được cái món gỏi cá lanh ông ạ. Các cụ mình có câu ‘cá lanh đầu nhỏ mình dài; tớ cũng tranh thầy ăn gỏi trừ cơm.’”
“Em cũng mê gỏi cá lắm thưa bác. Nói ăn trừ cơm được quả không ngoa bác nhỉ?”
Cụ Hồng Ân tủm tỉm:
“Nhưng mà này, ông có biết vì sao mà gỏi cá nó ngon, ăn mãi không chán không?”
“…?”
“Chà, để ăn gỏi ông biết rồi, hàng vài chục loại rau chứ ít gì. Lấy lá sung vấn cái phễu, rồi chất dần lên nào lá đinh lăng, lá vọng cách, lá ổi non, lá mơ… rồi cá, rồi nước bỗng. Ăn một miếng với từng đó lá đã đủ đầy miệng. Có miếng có rau này mà không có rau kia, có rau kia lại không có rau nọ. Ăn mười miếng đủ mười vị khác nhau thì chán làm sao cho được phải không ông?”
Lũ trẻ ăn xong mở nhạc inh ỏi. Cụ quý bầy cháu nhỏ không bắt tắt, chỉ bảo chúng vặn nhỏ lại thôi, rồi như có hứng cụ đủn luôn Thẩm xuống dòng sông Mã chẳng những lắm huyền thoại, lắm cá tôm mà còn lắm cả âm nhạc nữa.
Cụ bảo:
“Mà lạ, cứ nhắc đến sông Mã, đến tôm đến cá tai tôi như lại cộm lên những điệu hò.”
“Cậu em cũng thường hay nhắc đến phong cảnh lồng lộng lắm thác nhiều ghềnh của con sông, nhắc đến những chuyến đò dọc với đủ quy củ, hiệu lệnh đã thành nếp từ lâu đời. Cụ bảo mỗi con đò dọc là một tổ chức độc lập gồm năm người.”
“Cụ nói đúng đấy. Hò sông Mã có câu ‘Kể từ trên bến ra khơi ; anh tài đạp lái bốn anh em tôi cầm chèo.’ Nhưng có bao giờ ông tò mò tự hỏi vì đâu tổ tiên ta có những bài Hò Sông Mã như thế không nhỉ?”
“Người Thanh nhiều văn nghệ tính?”
“Cũng có thể. Nhưng tôi thì tôi nghĩ có lẽ là tổ tiên mình đã sớm biết ứng dụng văn nghệ vào thực tế đấu tranh. Đã bao lần tôi đứng bên bờ sông Mã rét mướt, mưa mù, nhìn những chuyến đò dọc vượt nhiều đoạn thác ghềnh rất dễ sợ, nhất là cái đám kết gỗ bè thả dọc từ miền rú xuống. Kinh lắm. Mà cũng hùng vĩ lắm. Con người dám thách đố với thiên nhiên như vậy mà thiếu tổ chức, thiếu quy củ là chết như chơi. Có phải vì thế mà Hò Sông Mã đã biến thành một liên khúc ăn khớp với nhau chăng? Nào là Hò Rời Bến, Hò Đò Ngược, Hò Đò Xuôi, Họ Mắc Cạn, Hò Cặp Bến, hò như đã biến thành sức động viên cho cả thuyền vượt thử thách mà về đến bến bình an.”
Cụ Hồng Ân nói một hơi, rồi như câu chuyện có sức mạnh lôi ngược cụ về nửa thế kỷ dĩ vãng, nơi ấy có chàng thanh niên đứng nhìn xuống dòng nước từng in bóng bao đổi dời lịch sử, nơi bà Triệu không chịu thua bà Trưng; nơi vua Lê mà qua truyền thuyết tính khí chắc là nóng nảy, bộc tuệch lắm, đã phất cờ dựng nghiệp; nơi hai họ Trịnh – Nguyễn khởi một cuộc phân tranh, nhúng dân tộc vào vũng tang thương cả trăm năm dài, nhưng trong cái rủi lại có cái may, đất nước nhờ đó mà có được bờ cõi như bây giờ.
Thoắt như chìm trong cơn mơ màng, cụ Hồng Ân lại tiếp:
“Ông nhớ ngã ba Trịnh đấy chứ, chỗ sông Chu sông Mã gặp nhau, thế đất giống như cái ngai vậy. Cha ông mình nói nơi đây là cái đuôi rồng, chỗ phát nghiệp nhà Lê. Lạ lắm ông, nước sông Mã đang hùng hổ đổ xuống, đến đây thì hai bên bờ như hẹp lại, hãm hết sức nước lại. Câu hò vang vang trên những con đò dọc nhỏ nhoi mà kiêu hãnh:
Cầu lim, ván táu, song sào,
Rửa chân cho sạch, bước vào trong khoang
Sông Tuần một dải nông sờ
Hàm Rồng một dãy lờ mờ núi cao
Vui thay núi thẳm, sông sâu
Thuyền đi hai dãy như sao hôm rằm
Thâm trời còn nhớ trăng trong
Tuy thuyền ngái bến, nhưng lòng vẫn ngưn…
Cái giọng vừa mạnh vừa nặng, giọng không dấu ngã, như cái âm hơi nhiều cường lực bốc lên từ lồng ngực những con người mang tính khí thẳng mực Tàu, gần như là cực đoan trong tư duy, gần như là quyết liệt trong chiến đấu – người Thanh – của cụ Hồng Ân đã ngưng lúc lâu thế mà Thẩm vẫn ngẩn ra. Anh thấy trong đôi mắt già thường ngày tươi vui vừa thoáng một vầng thâm trời – bầu trời u ám.
Cụ nói khẽ, gần với sự thầm thì:
“Tiếng Thanh mình ngưn là gần, ngái là xa. Ngái quá rồi ông nhỉ, mà lòng mình có giây phút nào không ngưn cố hương.”
*
Một buổi sáng mùa hè Thẩm đến chơi giữa lúc cụ đang đánh trần sơn cái giàn hoa trước nhà.
Thẩm la lên:
“Chết, sao bác trèo cao thế kia.”
Từ ghế cao ngó xuống, cụ cười:
“Hê hê… Đời tôi đã làm lắm nghề, sáng nay mới làm thêm nghề đi chợ đấy ông. Vớ được mấy con cá tươi lắm,”
“Vâng, đây gần Newport Beach, thỉnh thoảng người ta có bán cá biển tươi.”
“Không, cá sông ông ạ, striped bass, Có đứa cháu trên San Francisco hay xuống chơi, bảo trên đó có con sông nước lợ, có giống cá tôi vừa nói đấy, là quý ngư trên đời. Sáng nay đi hớt cái tóc, ghé qua tiệm hải sản không ngờ lại gặp quý ngư, tươi rói, cổ còn gắn cả nhãn kẽm đề chữ striped bass cẩn thận, tôi hớt mấy con về ăn thử xem sao.” Cụ tụt xuống, đặt hộp sơn trên đất. “Đám trẻ chúng đi làm cả, sơn dở sơn dang nom ngứa mắt quá, tôi làm thử luôn nghề sơn xem đã chết ai. Hê hê… đợi tôi chùi tay tí nhá.”
Lát sau hai anh em ngồi bên mâm trà Thẩm mới thấy chẳng vì thế mà cái thùng sơn, cái chổi quét đã được cụ bỏ hẳn ngoài sân.
Cụ nói:
“Phải nói xứ này nó văn minh thật. Nghề nào cũng có, và trong cái rừng vật liệu biết chút nguyên tắc tìm cái gì cũng ra. Quê mình xưa coi thì lạc hậu, nhưng thực thì lại thể hiện một lối sống văn minh cách khác. Ông có biết xứ Thanh mình xưa có bao nhiêu nghề không ông?”
“…?”
“Dĩ nhiên là tương đối, là trong một giai đoạn nào đó thôi.”
“…?”
“Quê mình sự hiểu biết đó họ gom hết vào ca vè ông ạ. Ca vè Đường Bộ, ca vè Đường Biển, ca vè Quả, ca vè Chim, ca vè Cá. Tôi nhớ không lầm xưa xứ Thanh có đâu độ mười tám nghề thôi. Ca vè Các Thợ cho biết vậy mà. Đoạn nói về thợ Sơn sao nhỉ? À…
Thợ sơn người thế trên đời
Sơn từ gác phượng, những nơi tường đào
Sơn lọng chóp bạc, sơn ngựa long châu
Gì nữa nhỉ? À…
Mùi sơn lạt, mùi sơn tươi…”
Cụ lại khựng, gãi trán. Thẩm nói vào cho đỡ trống:
“Ồ, nhiều năm lắm em lại mới nghe lại cái chữ mùi. Mùi là màu bác nhỉ?”
“Thì vậy. Nhưng biết bao giờ mới sơn lấp đi được cái mùi đỏ ấy!”
Hình như cụ còn muốn đọc thêm gì nữa, nhưng khi biết trí nhớ không chiều mình, cụ chắt lưỡi. “Cũng vì nhiều năm như ông nói mà tôi quên hết cả. Mà lạ, ông để ý xem, óc mình nó kỳ lắm, tên biển thủ thứ dữ đó. Gửi gì cho nó mà lâu lâu không thanh tra sổ sách là có ngày mất sạch. Giờ tôi quên nhiều quá. Uống đi ông, cái trà Bắc Thái mà kỳ trước ông bảo tôi uống nó rồi uống thứ khác không được nữa đấy.”
“Em mới lùng được ở phố Tàu một loại Kỳ Chủng thật hay. Để hôm nào…”
Cụ gật gù:
“Hê hê… nghĩ cũng lạ, sang cái xứ này cái gì cũng hảo hạng hết á. Trà có tuyển nó mới đem sang đây. Thế mà sao tôi vẫn nhớ nhung một bát chè lá Phú Điền ông ơi. Uống vừa thơm vừa bùi. Ngon không thể tưởng được.”
“Vâng, chả thế mà các cụ nhà mình đã bảo: ‘Khoai ao Lang Xá chè lá Phú Điền.’”
“Ông còn nhớ!”
“Nào em có nhớ cái nước chè ấy cho cam, chỉ nhớ địa danh vì thuở bé cậu em hay cho sang chơi nhà ông chú bên Hậu Lộc.”
“Ừ, đúng đấy. Lang Xá Phú Điền đều thuộc huyện Hậu Lộc gần đền Bà Triệu ấy mà.” Thốt nhiên cụ nhìn lung ra cái màu nắng sáng trên cây cỏ, dễ lặng lúc lâu rồi mới thầm thì, “Biết đến bao giờ nữa, ông nhỉ!”
Thẩm góp tí lạc quan:
“Em tin thế nào cũng có một ngày về bác ạ. Hai anh em mình sẽ đi với nhau. Bác sẽ chỉ lại cho em những lối đi cũ, những con đê, những bờ sông, những đỉnh núi, những di tích lịch sử, và cả những miếng ngon nữa. Em tin bác còn nhớ cả.”
Cụ Hồng Ân nhìn Thẩm, giọng bâng khuâng:
“Đường xá thì còn nhớ như in, chỉ có cái từng đó tháng ngày đày đoạ sợ núi kia cũng đến mòn, sông kia cũng đến cạn, huống hồ những miếng ngon. Nói ngay từ lúc còn ở Sài Gòn tôi đã lo như vậy ông ạ.” Rồi như muốn giấu một tình cảm, cụ thốt cười. “Mà thôi ông còn trẻ, chớ sa vào cơn mộng, vào cái mối lo kiểu lo bò trắng răng như đám già này làm gì, nguy đấy!”
Thẩm cười nhẹ. Anh không muốn nói với cụ điều suy nghĩ của anh. Đi là một hứa hẹn đem sự phong phú trở về. Non hai mươi năm qua người mình dấn thân vào thế giới ồ ạt như lũ người đi tìm vàng, và anh tự biết mình có mặt trong đám người ấy, nhưng không thiếu lúc lòng nổi lắm hồ nghi. Anh cố tự hãm mình lại trước sự lạc quan quá đáng. Anh gom chuyện cũ như thằng bé tí hon gom những hạt đậu nhét túi và rải dọc đường. Anh muốn những lúc mệt mỏi ngoái nhìn ít lắm anh có được chút yên tâm. Mai kia mốt nọ tới lúc quay về anh sẽ không lạc. Giờ đường còn dài, chim trời sóc núi lại nhiều, anh đến với cụ là để xin thêm những hạt đậu bỏ túi đấy thôi.
Nhìn nét nghĩ ngợi trên mặt Thẩm có lẽ cụ Hồng Ân đoán được bụng anh, nhưng lái đi:
“Hôm nay ông đến chơi chắc phải có chuyện gì đặc biệt, ngày thường mấy ai mà rảnh thế này.”
Thẩm nhớ ra mục đích của mình, anh lôi trong túi ra một bao thư:
“Dạ vâng, hôm rồi em nhận được lá thư một người hàng xóm cũ mới sang định cư bên này. Ông ấy bảo bên nhà có gửi theo cho em đôi lá thư và tí quà. Thấy thư có chung khu bưu chính với bác. Họ còn cẩn thận dặn gần nhà có một khu chợ búa lớn chi đó.”
“Đây thì đâu mà chả có chợ búa. Đâu đưa tôi xem nào.”
Cụ cầm lấy bao thư xem qua, mắt hơi nhíu lại:
“Ở đây mười mấy năm rồi sao cái tên đường này nó lạ thế nhỉ?”
Cụ nhìn ra đường. Mười một giờ nhưng nắng vùng biển chưa lấy gì làm gay gắt. Gió ngai ngái. Những luống hoa muôn màu muôn vẻ như ngầm chứa sức lôi cuốn một cuộc dạo chơi cho những đôi chân nhàn hạ.
Cụ Hồng Ân chợt hỏi:
“Trưa nay ông rảnh chứ?”
“Vâng, hôm nay em cũng chẳng có gì bận.”
“Thế thì tôi giữ ông lại dùng cơm trưa với tôi. Để bảo bà nhà tôi ra vườn nhặt mớ thì là nấu tí giấm cá ăn cho mát ruột. Trong khi chờ đợi mình thả bộ tí chơi, nhân tiện tìm xem cái nhà nó ở đâu.”
Một già một trẻ vui chân thả dọc hết đường này sang đường khác. Đi như đi dạo nên chẳng ai quan tâm tới việc phải lục xem bản đồ. Cả hai vừa đi vừa xem hoa, xem nhà, vừa ơ hờ nhìn tên đường, nhìn thành phố vắng lặng.
Cụ Hồng Ân hỏi:
“Ông thấy nước Mỹ nó vĩ đại ở chỗ nào nhất?”
“Em ấy ạ? Em thì em nghĩ cái vĩ đại nhất của nó là nó tiến được tới sự bình đẳng tiêu dùng cho mọi người.”
“Cũng hay!”
“Thế bác nghĩ sao?”
“Tôi lại nghĩ láo rằng cái vĩ đại nhất của nó là nó xóa mờ được mọi ranh giới. Người ta phải tỉnh táo lắm mới biết được mình đang đứng đâu trước lằn ranh xưa với nay, sướng với khổ, chủ với nô trong cái đời sống mà như ông vừa nói đó, có sự bình đẳng tiêu dùng.”
Mặt trời đứng bóng nhưng cuộc đi dạo vẫn chưa đạt kết quả sau cùng. Cụ Hồng Ân ra dáng sốt ruột.
Cụ bảo:
“Xưa cha ông mình hay mắng con cháu ‘Đường ở đâu ấy à? Đường ở mồm mày đấy!’ Sang đây trật lất cả. Hỏi đường phải hỏi bản đồ.”
Trên trán ông cụ nắng soi óng những hạt mồ hôi như hạt tấm.
Thẩm áy náy:
“Chắc bác mệt rồi, hay mình về đi, chút nữa em xem bản đồ tự tìm lấy vậy.”
Cụ Hồng Ân đồng ý. Hai người lại quay về các lối cũ. Khi còn cách nhà độ mươi ‘lốc’ phố, cụ bỗng dừng chân, la khẽ:
“Ồ, nó đây này!” Rồi cụ dáo dác nhìn ngược xuôi, “Tưởng đâu hoá ra lại là con đường chạy vòng ngay phía sau khu thương xá vùng tôi. Chết, chết thật.”
Thẩm dừng chân nhìn lên tấm biển tên đường. Bầu trời xanh ngắt. Nắngtrời chói chang. Vài cánh hải âu bay qua buông mấy tiếng kêu thanh thản. Bất giác anh nhận ra trên khuôn mặt hồng hào của cụ Hồng Ân như thoáng một nét nhăn nhó, gần với đớn đau. Hay vì mải nhìn tấm biển cụ vừa va vào cây cọ to lớn sần sùi kia?
Anh lo lắng hỏi:
“Bác sao thế bác?”
Cụ lắc đầu, nhẹ thở dài:
“Khi không tôi lại chóng mặt ông ạ.”
“Thế thì mình phải về thôi. Bác dùng cơm rồi nghỉ.”
Cụ chỉ nhẹ gật đầu. Về tới cửa cụ dậm chân trên tấm lát, quay nhìn quang cảnh quen thuộc trước nhà với một nét mỏng tư lự; nhưng rồi thật nhanh, bộ mặt hồng hào tươi vui cố hữu đã trở về với cụ, và cụ chép miệng bảo:
“Hê hê… Thế ra mình đã sống láo cả, quên phéng mất cái câu ‘Ở đây ăn bát rau chành; còn hơn chốn khác mâm gành cỗ gơ.’” (*) Rồi cụ chỉ tay nhường lối. “Thôi mời ông,” cụ bảo. “Trưa nay ta ăn món giấm cá và có lẽ cả hai phải cùng chú ý xem loại striped bass ở đây nó thơm thịt như thế nào.”
                    *
Non hai tiếng sau Thẩm mới ra về được. Cụ Hồng Ân tiễn anh ra tận xe. Cụ xoa hai tay, cười đấy nhưng có vẻ bồn chồn; mãi khi anh sửa soạn đeo dây an toàn cụ mới đắn đo hỏi:
“Thật thì ông thấy thế nào?”
“Thưa chuyện gì ạ?”
“Thì cái giống striped bass?
Thẩm cười:
“Dạ, em thấy cũng vậy vậy.”
Một luồng hạnh phúc như từ đâu sa vào đôi mắt cụ Hồng Ân. Cụ đột ngột reo lên:
“Biết ngay mà. Nó chỉ beo béo vậy thôi phải không ông, bảo là quý ngư trên đời là láo, láo quá, so với cá mè sông Mực chấm nước mắc Do Xuyên quê mình.”
__ 
*) rau chành: rau vặt vãnh; mâm gành cỗ gơ: mâm gỗ, cỗ được xếp thành nhiều tầng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét