3 thg 10, 2017

TÔI LÀ NGƯỜI SỐNG BẰNG NHỮNG GIẤC MƠ - Lê Bá Đảng (27/6/1921- 7/3/2015)

Lê Bá Đảng
Phạm Thị Anh Nga dịch từ nguyên bản tiếng Pháp
"Bàn chân Giao Chỉ", tác phẩm của Lê Bá Đảng, được làm với chất liệu gỗ thu nhặt từ những đổ nát vụn vỡ và ... cháy , của quê hương Quảng Trị của ông. Triển lãm ở Huế vào tháng 5/2002.

Tôi là một người sống bằng những giấc mơ của thiên đường đã mất của mình.
Dù đã từng thành công đến mức nào, từng mạo hiểm đến thế nào đi nữa, cũng sẽ có lúc anh ta tìm thấy chính mình trong thế giới tiềm ẩn đó, thế giới anh ta đã khám phá qua những trải nghiệm thuở ấu thời.
Tôi chưa bao giờ rời bỏ quê hương. Dù cho trên thực tế tôi sống xa quê, nhưng tâm hồn tôi vẫn luôn gắn bó với quê nhà. Và trong lao động nghệ thuật, tất cả những gì tôi làm chỉ là phản ánh tình yêu vô cùng đa dạng đó.
Những đồ vật hiện hữu quanh tôi là thực tại trần trụi của cuộc sống thường nhật, nhưng khi người nghệ sĩ trong tôi lên tiếng, thì bao giờ cũng nhằm tìm lại không gian không rào cản nơi tôi đã lớn lên và không gian đó đã khơi gợi trong tôi tình yêu sáng tạo.
Những con đường của hành trình sáng tạo này được đánh dấu bằng những yếu tố điểm xuyết ở từng chặng khai mở sáng tạo. Và điều tôi tìm cách diễn đạt trong tác phẩm là những tia phản chiếu ánh sáng của các yếu tố đó, những tia sáng bắt nguồn từ tâm trạng ngất ngây của chính tôi.
Chính quê hương thời thơ ấu của tôi là nơi tôi đã học cách khám phá và yêu sự tươi trẻ vĩnh hằng của thế giới.
Và luôn luôn có cái gì khác đàng sau và ở giữa các sự vật, luôn luôn có một thung lũng phía sau một ngọn núi, nhưng hạnh phúc với tôi là được khám phá lại quãng không gian đã định hình nên tôi. Quãng không gian đó có thể là không gian ngăn cách tôi với một ngọn đồi hay một con sông, nâng tôi lên cao hơn cả những ngọn cây cao nhất.
Trong không gian đó có thể có sự bình yên của những nơi cư trú vĩnh hằng bên bờ đêm tối, có thể có dáng dấp quen thuộc của những người thân yêu, giọng nói và những bước chân của những người chúng ta yêu thương và yêu thương chúng ta, nhưng trên hết là cái ánh sáng không thể nào quên được đang run rẩy kia. Ánh sáng của một ngày vừa tỉnh giấc và chuẩn bị rực rỡ vào ban trưa, ánh sáng mà đêm tối gom lại như một kho báu.
Trong bóng tối đó, trong buổi hoàng hôn đó, trong cái nóng dữ dội của ngày hay trong làn gió dịu nhẹ của đêm, những hồ nước và những dòng sông lóng lánh như những vật thể bằng khoáng chất. Bãi cát lấm tấm những cánh hoa lấp lánh, và ở dốc núi các tảng đá lăn xuống biến thành những dòng thác lộng lẫy.
Đêm tối là một chiếc hộp nhung giam nhốt ánh sáng của tôi và ngăn không cho nó xung động. Những bức tường đen đá tảng khiến ánh sáng tung ngược trở lại như những viên đá cuội nẩy lên trên triền những ngọn sóng.
Huyền nhiệm thay ánh sáng, và đó là điều tôi thử tóm bắt trong các "không gian đen" của mình.
Nghệ thuật đích thực luôn là thơ, là sự biểu hiện tinh tế những quang cảnh giản dị hay các phương thức chuyển di ẩn dụ những cảm xúc sâu kín.
Điều tôi diễn đạt trong ngôn ngữ nghệ thuật của mình là chu kỳ muôn thuở của ánh sáng và của cuộc sống bên trong các sự vật, chung quanh các sự vật, bên trên các sự vật, và vượt ra ngoài các sự vật.
Vượt ra ngoài những thể hiện của nét bút trần gian.

(Phạm Thị Anh Nga chuyển ngữ theo đề nghị của Đạo diễn Đặng Nhật Minh và bà Lê Cẩm Tế, nguyên giám đốc Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, nhằm bổ sung cho cuốn phim tài liệu đang hoàn thiện về Lê Bá Đảng.
Bản gốc bằng tiếng Pháp của bài này không có nhan đề, bắt đầu bằng câu: “Je suis un homme qui vit des rêves de son paradis perdu.” và được xem là bài viết cuối cùng của Lê Bá Đảng trước khi từ trần.)
Nguồn: https://phamthianhnga.blogspot.com/2017/10/toi-la-mot-nguoi-song-bang-nhung-giac.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét