Posted on 20/10/2015
Tác giả: Đặng Hoàng Xa
“Mọi
sự đều sẽ hết, nhưng người Do Thái thì không. Tất cả các thế lực khác
sẽ qua đi, nhưng Họ vẫn còn. Bí mật trong sự bất tử của Họ là gì?” – Văn hào Mark Twain
Người Do Thái trên vùng đất Israel (Canaan)
Sự ra đời của đức tin
Người Do Thái có nguồn gốc từ người Hebrew cổ đại xuất hiện tại Trung
Đông vào 4.000 năm trước. Theo truyền thuyết, người Do Thái và người Ả
Rập là con cháu dòng dõi từ Abram (tên lúc sinh của Abraham) là người đã
vâng theo lời gọi của Thượng Đế rời bỏ quê hương ở thành Ur thuộc phía
Bắc vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà) – nay là Đông-Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đến lập
nghiệp tại xứ Canaan, một vùng đất kéo ngang từ bờ sông Jordan tới biển
Địa Trung Hải ngày nay.
Đó là vào khoảng năm 2.000 TCN. Theo Sách Xuất Hành trong Kinh Thánh,
Abram cùng gia đình rời bỏ quê hương ở Ur đi đến Harran. Tại đó, Abram
đã nhìn thấy Thượng Đế trong giấc mơ và được Người chỉ đường tới vùng
đất Canaan. Thượng Đế cũng lập Giao Ước với Abram rằng: “Ta là Thiên Chúa toàn năng, và Ta lập Giao Ước với ngươi. Ngươi sẽ là tổ phụ của nhiều dân tộc, và để đánh dấu Giao Ước này,
ngươi sẽ đổi tên thành Abraham (có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”).
Ta sẽ giữ lời hứa, và xứ Canaan sẽ thuộc về ngươi và dòng dõi của ngươi
đời đời; và Ta sẽ là Thiên Chúa của họ.” Xứ Canaan về sau được gọi là Đất Hứa (Promised Land) là vì vậy. Abraham chấp nhận Giao Ước, và nguyện sẽ tôn thờ Thượng Đế – Đức Jehovah[1] – là Thiên Chúa duy nhất của vũ trụ.
Lịch sử của dân tộc Do Thái bắt đầu với câu chuyện của gia đình Abraham
như thế. Họ trở thành một thị tộc (clan), rồi phát triển lớn hơn thành
một bộ tộc (tribe), và cuối cùng cắm rễ để trở thành một dân tộc
(nation) – dân tộc Do Thái.
Theo Kinh Thánh, Thượng Đế tạo nên trái đất, sau đó tạo ra con người.
Tên của con người đầu tiên là Adam. Con cháu của Adam và Eva dẫn tới
Noah.[2] Con
trai lớn của Noah là Shem trở thành tổ tiên của các giống dân Do Thái
và Ả-rập. Do đó, phát sinh danh từ ‘Semites’ để gọi chung người Do Thái
và Ả-rập, có nghĩa là ‘con cháu của Shem’. Con cháu của Shem dẫn đến
Abraham. Abraham cưới Sarah nhưng không có con cho nên Abraham lấy Hagar
làm vợ thứ. Hagar sinh cho Abraham một con trai là Ishmael, và rồi cùng
lúc người vợ đầu Sarah may mắn có bầu và sinh con trai đặt tên là
Isaac. Sarah sau đó đòi Abraham đầy Hagar và Ishmael ra khỏi bộ tộc.
Kinh Koran của Hồi giáo theo sát Kinh Thánh Cựu Ước cho đến thời điểm
này nhưng bắt đầu tách ra từ đây. Theo Kinh Koran, Ishmael đi tới Mecca
và con cháu của Ishmael phát triển mạnh khắp bán đảo Ả-rập và trở thành
người Hồi giáo. Còn con cháu của Isaac vẫn ở lại Palestine và trở thành
tổ tiên của người Hebrew mà sau này chúng ta gọi là Israelites rồi Jews,
gọi chung trong tiếng Việt là người Do Thái. Trong rất nhiều thế kỷ
người Hồi giáo và người Do Thái, mặc dù cùng chung một nguồn gốc, vẫn
không hết thù ghét nhau phần lớn là do kỳ thị tôn giáo. Phải chăng đây
là một lời nguyền nghiệt ngã mà Thượng Đế đã đặt lên số phận người Do
Thái và người Ả Rập!
Tiếp tục với câu chuyện về gia đình Abraham. Sau khi Abraham chết, trách
nhiệm lãnh đạo được truyền lại cho con trai của ông là Isaac, và rồi
đến con trai của Isaac là Jacob. Jacob về phần mình có mười hai người
con trai. Tất cả từ Abraham, Isaac, Jacob cho đến mười hai người con
trai của Jacob được gọi là ‘tổ phụ’ (Patriarchs) tức là tổ tiên của dân tộc Do Thái. Chữ Israellần
đầu tiên được dùng trong Kinh Thánh có liên quan đến Jacob. Một đêm,
Jacob nằm mơ vật lộn với một người lạ, và sau đó, chính người lạ ấy –
hình bóng của Thượng Đế – đã chúc phúc và đặt cho Jacob cái tên Israel, có nghĩa là ‘Kẻ chiến đấu với Thượng Đế’. Kể từ đó, người Hebrew được gọi là Bnei Yisrael – ‘Son of Israel’ (Những người con của Israel) – hoặc Israelites.
Theo thời gian, từ dân tộc Do Thái đã ra đời ba tôn giáo lớn nhất và ảnh
hưởng nhất trên thế giới, khởi đầu là Do Thái giáo vào khoảng năm 1500
TCN, tiếp theo là Ki-tô giáo được Chúa Jesus sáng lập vào giữa thế kỷ 1
như một nhánh ly khai từ Do Thái giáo, và sau đó là Hồi giáo được nhà
tiên tri Muhammad sáng lập vào thế kỷ 6. Tuy nguyên thủy không phải là
một nhánh ly khai từ Do Thái giáo hay Ki-tô giáo, Hồi giáo tự cho mình
là sự tiếp nối hoàn hảo và thay thế cho hai tôn giáo nói trên. Sự ra đời
của ba tôn giáo cùng những bản văn thiêng liêng đã tạo nên Kinh Thánh –
cuốn sách được đọc rộng khắp nhất qua mọi thời đại. Kinh Torah của Do
Thái giáo (hay còn được gọi là Kinh Cựu Ước theo Ki-tô giáo) đã đem lại
nguồn cảm hứng cho 14 triệu tín đồ Do Thái giáo, hai tỷ tín đồ Ki-tô
giáo, và được kể lại trong Kinh Koran cho 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo.
Canaan và người Canaan ( Canaanites)
Canaan nằm ở nơi giao nhau của các nền văn minh, kết nối ba châu lục
Phi, Âu và Á. Nếu như ngày nay người ta tin rằng con người có nguồn gốc
từ châu Phi, thì tổ tiên của tất cả người châu Á và châu Âu chắc chắn đã
đi qua vùng đất này.
Khi các Đế quốc lần lượt nổi lên thì vùng đất Canaan trở thành địa điểm
chiến lược. Nó trở thành một hành lang nằm giữa biển và sa mạc, cung cấp
cho các đoàn thương nhân và các đạo quân chinh phục một con đường độc
nhất xuyên giữa các quốc gia rộng lớn và hùng mạnh xung quanh. Những
trận đánh dữ dội đã diễn ra trên và quanh vùng đất Canaan. Tất cả những
điều này khiến Canaan trở thành lời nguyền cũng như phước lành cho các
dân tộc nhỏ sống ở đó. Trong số các dân tộc này có tổ tiên của người Do
Thái.
Có rất ít bằng chứng vật chất về người Do Thái đầu tiên. Phần lớn những
điều chúng ta biết về người Do Thái là qua Kinh Torah – một tài liệu rất
có khả năng thiếu sót nếu được xem là một tư liệu tham khảo lịch sử.
Như đã nói trong Kinh Thánh, sự tồn tại của người Canaan (gọi là
Canaanites) của Palestine có thể được xác nhận, cũng như người Moabites,
Amorites, và Edomites ở phía đông, vương quốc Aram ở phía bắc. Những
bảng đất sét Ebla (Ebla Tablets) có chạm khắc trong khoảng thời gian rất
sớm là năm 2350 TCN được đào thấy ở thành cổ Ebla thuộc miền Bắc Syria
cho biết manh mối về người Canaan. Những lá thư giao dịch Mari (Mari
Letters[3]) và Amarna (Amarna Letters[4]) đều viện dẫn đến những người du mục lang thang gọi là Habiru hay Apiru, tựa như rất giống người Hebrew.
Habiru hoặc Apiru là tên gọi đã được tìm thấy trong các nguồn di tích
khác nhau từ Sumerian, Ai Cập, Akkadian, Hittite, Mitanni, Ugaritic
(trong khoảng thời gian giữa 1800-1100 TCN) cho một nhóm người xâm lăng
du cư trong các khu vực của Fertile Crescent (vùng Lưỡi liểm Phì nhiêu)
từ đông bắc Mesopotamia và Iran đến biên giới của Ai Cập ở Canaan. Tùy
thuộc vào nguồn và thời đại, những người Habiru này được mô tả là dân du
mục hoặc bán du mục, phiến quân, ngoài vòng pháp luật, cướp, lính đánh
thuê, tôi tớ, nô lệ, lao động phục dịch, vv…
Một giả thuyết khá thuyết phục hiện nay cho rằng người Do Thái cổ đại mà
chúng ta gọi là Hebrew là pha trộn của người Canaan và người Habiru,
hoặc dân cướp Shasu Bedouin là những người sau này khẳng định có nguồn
gốc từ Ur. Theo thời gian có vẻ như họ đã đạt tới biểu tượng của nền văn
minh, với một ngôn ngữ mẹ đẻ tinh tế. Tiếng Hebrew thuộc cùng hệ ngôn
ngữ Semitic[5] như
tiếng Canaanite, Phoenician và Punic, nhưng cho đến nay chỉ có tiếng
Hebrew là còn sót lại. Người Canaan cũng phát triển bảng chữ cái phụ âm
đầu tiên của thế giới trong thế kỷ 18 và 17 TCN. Được phổ biến bởi người
Phoenician thông qua thương mại, bảng chữ cái này hình thành các mẫu
(template) cho các hệ thống mẫu tự Hebrew, và sau đó cho tiếng Hy Lạp,
Latinh và tiếng Ả Rập.
Về chính trị, Abraham, Isaac và Jacob chỉ là những diễn viên nhỏ tại
vùng đất Canaan giữa vô số những bộ lạc lớn hơn xung quanh. Trong suốt
thiên niên kỷ thứ 2 TCN, Canaan chỉ là một tỉnh của một trong những
cường quốc trong khu vực hồi đó: Ai Cập ở phía nam, Babylon[6] và
Mesopotamia ở phía bắc. Những cường quốc này tự phụ là có những hệ
thống quản trị tiên tiến, sở hữu công nghệ quân sự mới nhất, và buôn bán
mở mang vượt ra khỏi biên giới. Không ai thoát khỏi ảnh hưởng của họ cả
về vật chất như nghệ thuật và kiến trúc, cũng như tinh thần.
Những truyền thuyết và các chuẩn mực xã hội của Mesopotamia rõ ràng đã
ảnh hưởng và đem lại màu sắc cho những phong tục tập quán của người Do
Thái những ngày đầu.
Di cư đến Ai Cập
Pharaoh[7] Djoser
[2650-2575 TCN] xây dựng kim tự tháp đầu tiên vào năm 2650 TCN tại
Saqqara và khởi đầu cho Cổ Vương Quốc Ai Cập (Old Kingdom of Egypt) đóng
đô tại Memphis. Cổ Vương Quốc đã bị tan rã trước tình trạng hỗn loạn
vào năm 2180 TCN. Trong khoảng 200 năm, Ai Cập bị chia đôi thành Vương
quốc miền Bắc và Vương quốc miền Nam và cuối cùng thống nhất thành Vương
Quốc Ai Cập (Middle Kingdom of Egypt) vào khoảng năm 2000 TCN dưới
quyền trị vì của Pharaoh Mentuhotep II đóng đô tại Thebes.
Sau năm 1800 TCN, bùng nổ kinh tế ở Ai Cập đã lôi kéo hàng ngàn người
ngoại quốc di cư đến đây, trong đó có cả người Palestine. Họ lập nên
những cộng đồng riêng và có cả vua riêng của họ.
Tại Canaan, một trăm năm sau Abraham, vào thời đại của Jacob, đất Canaan
rơi vào cảnh mất mùa đói kém. Dân Do Thái lại phải tiếp tục di cư tìm
kiếm những đồng cỏ mới. Lúc này, đất Ai Cập với phù sa sông Nile là vựa
lúa của vùng Địa Trung Hải và là miền đất hứa cho các dân tộc quanh đó
tìm đến khi gặp đói kém hoạn nạn. Toàn thể gia tộc của Jacob với nhân số
khoảng 70 người dưới sự dẫn dắt của Jacob di cư sang Ai Cập. Chuyến đi
tị nạn tưởng chỉ một đôi vụ mùa, ngờ đâu kéo dài tới 400 năm. Mười hai
người con trai của Jacob phát triển thành 12 chi tộc sống ở Goshen, vùng
đất phì nhiêu của Ai Cập, thuận lợi cho việc trồng trọt và chăn nuôi.
Người Do Thái chuyển từ cuộc sống du mục sang cuộc sống định cư nông
nghiệp. Rồi thời thế lại thay đổi, 70 người di dân nay phát triển thành
hàng trăm ngàn người, và trở thành mối lo ngại cho người Ai Cập rằng sự
phát triển của người Do Thái có thể gây tổn hại đến Đế chế Ai Cập. Các
Pharaoh về sau quay lưng lại ngược đãi người Do Thái, bóc lột họ như nô
lệ, ép họ phải đi lao dịch nặng nhọc và độc ác nhất là ra lệnh dìm chết
tất cả những bé trai Do Thái mới lọt lòng nhằm dần dần tiêu diệt dân Do
Thái.
Những tư liệu của Ai Cập chưa bao giờ đề cập đến sự tồn tại của người Do
Thái dọc theo sông Nile. Thậm chí Kinh Thánh không nói gì trong quãng
thời gian 400 năm giữa thời Joseph (con cả của Jacob) và Moses. Tuy
nhiên điều đó không phải là không chứng minh sự có mặt của người Do Thái
ở Ai Cập. Trong khoảng thời gian 1700-1550 TCN, một nhóm người gọi là
Hyksos nổi lên và có vẻ như đã loại trừ tất cả các thủ lĩnh người bản
địa. Câu hỏi rằng nhóm người này gốc gác ở đâu cho đến nay vẫn là một ẩn
số. Một vài học giả cho rằng đó là người Semite, một vài người khác cho
rằng đó là người Ấn-Âu (Indo-European) từ Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ hiện
đại). Nhiều sử gia, quay lại tham khảo sử gia Ai Cập Manetho (thế kỷ 3
TCN), suy luận rằng đó là người Do Thái.
Moses
Giữa hoàn cảnh nô lệ đầy khổ cực của người Do Thái, một cứu cánh đã đến,
như một phép màu, đã giải cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ. Đó là sự xuất
hiện của Moses vào khoảng thế kỷ 15-14 TCN.
Theo lời kể lại trong Kinh Thánh, Moses là một người kiệt xuất: nhà lãnh
đạo dân tộc, nhà thông thái, người mang tư tưởng kiến thiết xã hội,
người thầy thực tế, một con người đầy lòng trắc ẩn, cấp tiến, và đôi khi
cũng là một bạo chúa. Moses là người đã dẫn dắt dân Do Thái trong cuộc
hành trình Exodus ra khỏi Ai Cập. Moses cũng là người Hebrew đầu tiên đã
có ảnh hưởng lên thế giới cổ đại. Người Hy Lạp đã xếp Moses đứng cùng
hàng với các vị thần và anh hùng của họ.
Nguồn thông tin duy nhất mà chúng ta có về cuộc đời của Moses là từ Kinh
Torah. Không có bất cứ một hé lộ nào về Exodus trong các tư liệu của Ai
Cập. Tuy nhiên vị trí tâm điểm của Moses đối với Do Thái giáo là không
thể chối cãi.
Tên gọi ‘Moses’ có thể có nguồn gốc Ai Cập. Theo lời kể trong Kinh
Thánh, Moses được sinh ra ở Ai Cập, bố là Amram người Levite, và mẹ là
Jochebed người Do Thái. Người Do Thái sống gần 400 năm trong sự hòa đồng
với người Ai Cập trên vùng đất Goshen phía đông của đồng bằng sông
Nile. Khi một Pharaoh mới lên cầm quyền và ra lệnh giết tất cả những trẻ
sơ sinh trai Do Thái, người chị của Moses là Miriam đã dấu Moses trong
một bụi cây bồ hoàng cho đến khi công chúa Thermuthis con gái Pharaoh
phát hiện ra. Công chúa mang bé trai về cung và đặt tên là Moses. Từ đó
Moses được nuôi dưỡng và lớn lên như một hoàng tử trong hoàng cung.
Một hôm, Moses giết chết một người lính Ai Cập khi chứng kiến người lính
này đánh đập một người nô lệ Do Thái. Lo sợ bị phạt, Moses bỏ trốn
hoàng cung chạy đến Ethiopia làm người chỉ huy quân đội. Sau đó ông di
chuyển đến sa mạc Jordan làm người chăn cừu cho linh mục Jethro người
Midianites. Trong thời gian này, Moses cưới con gái của Jethro,
Zipporah, và sinh con trai là Gershom.
40 năm sau, liên quan đến Exodus, theo Sách Xuất Hành 2-3 (Kinh Thánh
Hebrew), một lần trong khi Moses dẫn cừu đi sâu vào vùng núi thiêng
Sinai (thuộc bán đảo Sinai của Ai Cập ngày nay), bỗng nhiên Thiên Chúa
hiện ra ở giữa một bụi gai đang bốc cháy. Rồi Moses nghe tiếng Thiên
Chúa nói, “Ta
đã thấy nỗi thống khổ của dân ta ở Ai Cập, nơi họ đang bị đối xử như nô
lệ. Ta sẽ giải phóng chúng khỏi đất nước tàn bạo đó, và ban cho chúng
một mảnh đất khác tốt lành, đượm sữa và mật. Vì thế, ngươi, Moses, phải
dẫn dắt dân ta ra khỏi Ai Cập về Miền Đất Hứa”.
Thế là Moses, cầm theo cây gậy linh thiêng của Thiên Chúa ban cho, cùng
với vợ con lên đường trở lại Ai Cập đặng giải thoát dân Do Thái đang bị
câu thúc. Biến cố ly kỳ này được ghi lại trong Sách Xuất Hành, mô tả chi
tiết hành trình gian truân về Miền Đất Hứa (sử hiện đại gọi cuộc hành
trình này là The Exodus)
của khoảng bốn chục vạn dân Do Thái, chạy trốn khỏi Ai Cập, vượt qua
Biển Đỏ (Red Sea), đi về hướng đông qua nhiều sa mạc hoang vu và lưu lạc
ở đó suốt 40 năm, cuối cùng trở về chinh phục vùng đất Canaan mà Thượng
Đế đã hứa cho họ từ thời Abraham. Riêng Moses, dù sống thọ đến 120
tuổi, Moses đã không được vào Miền Đất Hứa mà phải chết trong sa mạc.
Trong hành trình gian truân về Miền Đất Hứa, một sự kiện rất trọng đại đã xảy ra có liên quan đến ‘Mười Điều Răn’ (The Ten Commandments)
của Thiên Chúa. Đó là thời điểm khi người Do Thái dừng chân tại vùng
núi thiêng Sinai. Từ ngọn núi này, Thiên Chúa đã truyền ban Mười Điều
Răn và Lề Luật cho dân Do Thái thông qua Moses. Mười Điều Răn tuyệt đối
này, rất căn bản cho đời sống của người Do Thái giáo, được tìm thấy
trong Sách Xuất Hành 20:1-17 và Sách Đệ Nhị Luật 5:6-21 của Kinh Thánh
Hebrew.
Trước đây, Thượng Đế giao ước riêng với Abraham, còn lần này, Ngài giao
ước với toàn thể dân tộc Do Thái qua những lần Moses lên đỉnh núi Sinai
để trực tiếp gặp Ngài. Qua những lần gặp gỡ Thượng Đế, Moses chuyển giao
lại cho dân tộc Do Thái các huấn thị của Ngài. Thượng Đế lúc này tỏ lộ
danh xưng là ‘YHWH’, gọi là Jehovah,
nghĩa là ‘Ta là kẻ ta là’. Và đặc điểm của Giao Ước lần này cũng rất
rành rọt, đó là chừng nào dân Ngài chọn còn vâng lời Ngài, chừng đó họ
sẽ được Ngài che chở.
Những tư liệu pháp lý liên quan đến sự kiện trên núi Sinai đã trở thành
những tư liệu quan trọng nhất trong Kinh Thánh Hebrew. Theo Sách Sáng
Thế, các nguyên lý căn bản của Do Thái giáo thực sự được mặc khải[8] tuần
tự theo dòng dõi các tổ phụ, từ Adam đến Jacob. Tuy nhiên, Do Thái giáo
thực sự được hình thành như là một tôn giáo chỉ khi Moses nhận
lãnh Mười Điều Răn trên núi Sinai, cùng với hệ thống tư tế và các nghi
thức thờ phụng tại Ngôi Đền Jerusalem sau khi dân tộc này được giải cứu
khỏi Ai Cập.
Nhiều câu hỏi rằng tại sao Moses lại dẫn dắt đoàn người quẩn quanh trong
sa mạc tới 40 năm trước khi trở về Miền Đất Hứa? Làm sao một dân tộc
quen sống trong cảnh sung túc rồi chịu làm nô lệ hàng trăm năm có đủ
tính cách và bản lĩnh để có thể chinh phục vùng đất trước mặt và xây
dựng một quốc gia hùng mạnh trong tương lai? Làm sao Giao Ước của Thượng
Đế, vốn thuần túy chỉ là những hứa hẹn, được pháp chế hóa thành luật lệ
và thiêng liêng hóa trong những ràng buộc mang tính tôn giáo?
Theo truyền thống Do Thái giáo, để có đủ năng lực tiếp nhận Miền Đất Hứa
và xứng đáng làm người chủ của nó, Moses đã buộc phải dẫn dắt dân Do
Thái trải qua những cuộc thanh tẩy đạo đức cùng thao luyện nghiệt ngã
trong suốt 40 năm trong sa mạc cho đến khi một thế hệ mới trưởng thành
có đủ bản lĩnh để chinh phục Miền Đất Hứa. Moses được mô tả trong Thánh
Kinh là một lãnh tụ tôn giáo, người công bố luật pháp, nhà tiên tri đầu
tiên của Do Thái giáo. Ông được xem là người viết Kinh Torah (năm sách
đầu tiên của Kinh Thánh Hebrew, còn gọi là Ngũ thư Kinh Thánh hay Ngũ kinh Moses)
trong quãng thời gian 40 năm trong sa mạc. Moses còn được coi là một
thiên tài quân sự và là một vị anh hùng dân tộc của người Do Thái. Buổi
đầu sự nghiệp của ông khá giống với vua Cyrus Đại Đế – vị Hoàng đế khởi
lập Đế quốc Ba Tư. Ông cùng với vua Cyrus Đại Đế đều đóng vai trò vô
cùng lớn lao trong lịch sử của dân tộc mình.
Trên thực tế, ngoài những hiểu biết dựa theo các tài liệu trong Kinh
Thánh Hebrew, chúng ta không có những tư liệu lịch sử đáng tin cậy khác
về hành trình của Moses, và vì vậy những câu chuyện trong Kinh Thánh
Hebrew cho ta cảm giác về những huyền thoại không xác thực. Chúng ta chỉ
có thể phán đoán rằng khi Moses dẫn người Do Thái đến đỉnh núi Sinai
thì ông ta chỉ làm theo tập tục lâu đời của người Ai Cập có hàng ngàn
năm trước đó trong những cuộc viễn chinh săn tìm đá quí. Câu chuyện về
cuộc sống lang thang 40 năm trong sa mạc cũng thế, thoạt nghe tưởng như
khó tin, song giờ đây lại có vẻ hợp lý với một dân tộc quen sống du mục;
và cuộc chinh phục xứ Canaan nói cho cùng chỉ là trường hợp một bộ tộc
du mục đói khát tấn công một cộng đồng định cư yên ổn để giành đất sống.
Sau hết, phải chăng cuộc đối thoại giữa Moses và Thượng Đế trên đỉnh
núi Sinai cũng chỉ là cách Moses bầy đặt ra để dễ bề cai trị một đám dân
du mục gồm hàng ngàn người cứng đầu cứng cổ trong hành trình Exodus đầy
gian khó?
Khi đề cập đến câu chuyện 40 năm này, bà Golda Meir, người “đàn bà sắt”
và cũng là thủ tướng thứ tư của Israel [1969-1974], đã có lần nói vui
rằng: “Hãy
để cho tôi nói cho các bạn nghe về một điều mà tôi chống lại Moses. Đó
là ông ta đã dẫn dắt chúng tôi 40 năm lang thang trong sa mạc để rồi
cuối cùng đưa chúng tôi đến một vùng đất ở Trung Đông (tức là Canaan)
không có lấy một giọt dầu mỏ.”. Quả là một nghịch cảnh.
Trong những ngày cuối đời, Moses chuyển giao quyền lãnh đạo sang cho
Joshua, con một người gác trại thân cận của Moses. Không chỉ là một nhà
lãnh đạo quân sự, Joshua giờ có trong tay quyền lực qua phước lành của
Moses. Nhưng liệu Joshua có thể tập hợp và gắn kết các bộ tộc với nhau
hay không?
Bài
viết được trích từ chương 1 cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa,
Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản
vào đầu năm 2016.
Hình: Hành trình của Abraham tới Canaan. Nguồn: Wikipedia.
(Còn tiếp)
Xem thêm các phần khác của chuỗi bài tại đây: Lịch sử Do Thái
——————
[1] Jehovah:
trong Kinh Thánh Torah, Jehovah là tên riêng của Thượng Đế, như đã mặc
khải cho Moses trên núi Sinai [xem “Câu chuyện Do Thái: lịch sử thăng
trầm của một dân tộc”].
[2] Noah:
theo Sách Sáng thế, ông Noah đóng con tàu lớn mà ngày nay gọi là tầu
Noah để tự cứu ông và gia đình, bảo tồn thế giới động vật, thực vật khỏi
bị diệt vong bởi trận trừng phạt đại hồng thủy của Thiên Chúa.
[3] Mari Letters: là một bộ sưu tập các thư từ hoàng gia từ Mari, một nhà nước thành phố cổ trên sông Euphrates.
[4] Amarna
Letters: thư từ ngoại giao, trên bảng đất sét, chủ yếu giữa chính quyền
Ai Cập và đại diện của họ ở Canaan và Amurru trong khoảng thời gian
những năm 1300 TCN.
[5] Semitic
là nhóm các ngôn ngữ có liên quan với nhau được nói bởi 470 triệu người
tại Tây Á, Bắc Phi, và Sừng châu Phi. Chúng là một nhánh của họ ngôn
ngữ Phi-Á. Ngôn ngữ Semitic được nói nhiều nhất hiện nay là tiếng Ả-rập,
Amharic, Hebrew, Tygrinia và Aramaic.
[6] Babylon:
một thành quốc của Lưỡng Hà cổ đại, nằm ở Al Hillah, tỉnh Babil, Iraq,
khoảng 85 km về phía nam thủ đô Baghdad (Iraq). Tất cả những gì còn lại
của thành phố Babylon cổ đại nổi tiếng ngày nay chỉ còn là một gò đất…
[7] Pharaoh: tước hiệu của vua Ai Cập cổ đại.
[8] mặc khải: là một từ thần học hay được dùng trong Ki-tô giáo, có nghĩa là vén mở ra bức màn bí mật để cho thấy một điều gì đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét