Khu phức hợp mua sắm khổng lồ Starfield
COEX Mall tại Seoul vừa khánh thành thư viện công cộng Starfield rộng
2.800 ㎡ với ba kệ cao 13 m chứa khoảng 50.000 quyển sách và tạp chí,
trong đó có những ấn bản mới nhất và tạp chí quốc tế. Thiết kế thư viện
dĩ nhiên có chỗ cho người đọc miễn phí. Hàng tháng, không gian tri thức
Starfield còn tổ chức các hoạt động văn hóa và trình diễn nghệ thuật.
Chủ đề văn hóa hàng ngày cũng thường xuyên thay đổi, có ngày thi ca, có
ngày thì nghệ thuật, có ngày dành cho thiếu nhi. Diễn giả có khi là thi
sĩ, nghệ sĩ dương cầm, có lúc là chuyên gia du lịch hoặc nhà bình luận
thời sự… Người ta đã chi 6 tỷ won (5,3 triệu USD) để tạo ra không gian
văn hóa bên trong khu phức hợp mua sắm-giải trí này; và riêng thư viện
cần 500 triệu won/năm cho việc bảo quản…
Mô hình phục vụ cộng đồng kiểu Starfield
là xu hướng phổ biến từ hơn 10 năm nay, trong khuôn khổ khái niệm “trách
nhiệm cộng đồng trong kinh doanh”. Khắp thế giới, nhiều doanh nghiệp
đang thể hiện tư duy kinh doanh trong đó trách nhiệm xã hội được xem là
sự đầu tư không thể tách rời yếu tố lợi nhuận. Nó được nâng lên vị trí
đáng kể trong chiến lược công ty. Nó nằm trong chiến lược xây dựng
thương hiệu, hiện diện trong chiến lược mở rộng thị trường, có mặt trong
chiến lược cạnh tranh…
Trách nhiệm cộng đồng đối với hoạt động
kinh doanh thậm chí được nâng lên tầm nhận thức ở góc độ giáo dục. Đại
học Columbia đã cải tổ hệ thống giảng dạy bằng thạc sĩ quản trị kinh
doanh (MBA) với nội dung nhắm vào khái niệm trách nhiệm xã hội doanh
nghiệp (corporate social responsibility – CSR). Các chương trình CSR
tương tự cũng xuất hiện tại nhiều đại học khắp Mỹ. Cuối năm 2008, Quốc
hội Đan Mạch đã yêu cầu 1.000 công ty lớn nhất nước họ cũng như giới đầu
tư và công ty nhà nước phải đưa CSR vào báo cáo thường niên, gồm chính
sách công ty như thế nào về CSR cũng như họ đạt được thành tích gì liên
quan CSR lẫn SRI (socially responsible investments – đầu tư trách nhiệm
xã hội)…
Nói chung, yếu tố “dịch vụ đạo đức” (miễn
phí) được cung cấp kèm theo dịch vụ bán hàng đã và tiếp tục là nhận
thức lẫn hành động của giới kinh doanh thế giới. Điều đáng tiếc là hầu
hết công ty áp dụng chính sách trách nhiệm cộng đồng thường nằm tại
những quốc gia có chính sách trách nhiệm cộng đồng như một phần không
thể tách rời của kế hoạch phát triển vĩ mô quốc gia. Phát triển trách
nhiệm cộng đồng là một phần của tiến trình không ngưng nghỉ trong việc
xây dựng con người và xây dựng xã hội. Người ta xây tương lai bằng cách
lập ra nhiều thư viện. Người ta gìn giữ nền móng quá khứ bằng cách lập
viện bảo tàng chứ không phải tượng đài.
Chỉ những chính phủ rất tồi mới không đầu
tư cho thế hệ sau bằng việc gìn giữ tài nguyên và bảo vệ môi trường như
một thể hiện của trách nhiệm vì cộng đồng cho tương lai ngày sau. Thật
khó có thể đòi hỏi một công ty áp dụng chính sách trách nhiệm cộng đồng
trong kinh doanh nếu chính quyền là những kẻ vô trách nhiệm. Khó có thể
đòi hỏi người dân ý thức hơn trong trách nhiệm cộng đồng nếu chính quyền
là những kẻ ích kỷ và chỉ biết trục lợi từ cộng đồng và bòn rút người
dân bằng đủ mánh khóe. Thật khó có thể hướng đến một giấc mơ văn minh
hoặc một tham vọng Dubai hay Paris nếu chính quyền đến giờ vẫn còn chưa
biết trách nhiệm nhà nước đối với cộng đồng là gì, và cũng lờ mờ giữa
việc xây dựng cao ốc với xây dựng văn hóa. Chẳng quốc gia nào có thể lột
xác để trở nên giàu có và sang trọng khi chính quyền vẫn tự cho thấy họ
còn là những kẻ lấm lem chân bùn và mỗi lúc mỗi cách xa với phần còn
lại của thế giới văn minh.
Mạnh Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét