20 thg 7, 2017

VỀ LAI LỊCH CỦA Ý TƯỞNG “VĂN HỌC LÀ NHÂN HỌC”

Trần Đình Sử

Cách nói “văn học là nhân học” đã thịnh hành một thời, mọi người đã biết là do M. Gorki nói, những chưa rõ nói vào lúc nào, nội dung thế nào. Sau một hồi tra cứu tôi đã tìm thấy. Đó là ý kiến trong lời phát biểu của M. Gorki trong Đại hội của những người nghiên cứu địa phương học thuộc Hội nghiên cứu địa phương học Nga, (có thể dịch là phương vực học, địa phương chí, tiếng Nga gọi là “kraevedenie”) ngày 12 tháng 6 năm 1928. Địa phương học là khoa học nghiên cứu về các địa phương, từ địa lí, lịch sử, nhân vật, sản vật. Trong nhà trường tiểu học và trung học cơ sở của Nga hiện vẫn có môn học địa phương học dành cho học sinh từ lớp ba đến lớp sáu. Thời ấy danh tiếng M. Gorki lẫy lừng, các hội đoàn, tỉnh, thành, các xí nghiệp, nông trang ai cũng mời Gorki đến thăm, nói chuyện, lấy tên Gorki để đặt tên cho cơ quan, trường, viện, đường phố, vườn hoa, xí nghiệp. Hội địa phương học cũng mời Gorki dự đại hội. Trong lời phát biểu M. Gorki nói: “Trước hết tôi xin cảm ơn các đồng chí đã cho tôi một vinh dự lớn, là bầu tôi làm thành viên của đại gia đình những người làm địa phương học, xin đa tạ. Nhưng dù sao tôi vẫn nghĩ rằng, công việc chính của tôi, công việc mà tôi làm suốt đời, không phải là địa phương học, mà là nhân học (tiếng Nga viết là chelovekovedenie, nghĩa là nghiên cứu về con người hay khoa học về con người – TĐS). Nói thế tuyệt đối không phải là tôi giảm nhẹ tầm quan trọng của địa phương học, mà tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đã bắt đầu cuộc đời của mình  giữa những người mà họ nhanh chóng bắt tôi phải suy nghĩ về vấn đề những  người không có khả năng viết và sự vắng mặt của họ trong những cuốn sách mà tôi đọc.” Với câu nói đó ta hiểu nhà văn muón nói đến việc ông mở ra đề tài mới trong văn học, về con người lao khổ, thất học, về con người viết hoa. Trong bài này không có câu nào gíông như “văn học là nhân học”. Cả bài này không có trong tập kỉ yếu của Hội địa phương học, mà chỉ có bài ghi đã được tác giả chỉnh lí và lưu trong lưu trữ của nhà văn.
Mệnh đề “văn học là nhân học” được các nhà lí luận Liên Xô xác lập trên ý tưởng của Gorki, và đã được mở rộng. Đối tượng của văn học là con người, cuộc sống, hành vi, ý nghĩ. Dù có miêu tả con vật hay phong cảnh tự nhiên thì trong đó vẫn có con người…Văn học đưa ra quan niệm về con người, giá trị, ý nghĩa của nó. Những năm 50 thế kỉ XX các nhà văn Trung Quốc như Ba Nhân, Chu Cốc Thành nói văn học là nhân học vì văn học thể hiện tính người, tình người, họ bị phê phán là phái hữu, là xét lại, tư sản, vì không nói đến công nông binh, không nói đến đấu tranh giai cấp…Từ thời đổi mới mở cửa các nhà văn Trung Quốc khẳng định văn học là nhân học là tư tưởng không bao giờ lỗi thời.

Trần Đình Sử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét