21 thg 7, 2017

Sơn Chà trong ảnh – trong tôi - Ngô thị Kim Cúc - Từ Văn Việt

FB Ngô Thị Kim Cúc Trong tôi, Sơn Chà là bức bình phong màu xanh sẫm, vừa vững chãi vừa đẹp đẽ, làm nền và che chắn cho Đà Nẵng thân yêu của tôi trước bão tố biển Đông. Chỉ cần đặt chân đến khu vực bờ sông Hàn, từ khúc đường nào tôi cũng có thể nhìn thấy ngọn núi như một biểu tượng mà cũng vừa như một người bạn lớn, hết sức gần gũi thân thiết.
Những ngày đỉnh Sơn Chà phủ nhiều mây, khí trời sẽ dịu mát hơn so với ngày Sơn Chà xanh ngắt không một gợn mây. Chẳng cần là nhà dự báo khí tượng, tôi cũng tự nhận ra điều đó từ khi còn là cô học trò trung học, ngồi mãi ở ghế đá bờ sông tới mức thuộc lòng từng chuyển động của Sơn Chà.
Câu ca dao “Chiều chiều mây phủ Sơn Chà/ Lòng ta thương nhớ bạn nước mắt và lộn cơm” chắc cũng ra đời từ một ngày Sơn Chà phủ rất nhiều mây, và vì vậy, có lẽ đã gieo xuống đời tình của ai đó một cơn mưa ngập tràn nước mắt của cách trở, ngăn chia…
Cùng với Hải Vân, Sơn Chà đã góp một cánh tay xanh để hình thành nên vịnh Đà Nẵng, một vịnh biển rất kín gió với mực nước sâu, đủ sức đón những tàu thuyền trọng tải lớn (Tôi đã từng lên một chiếc tàu trọng tải 50.000 tấn của Liên Xô cập cảng Sơn Chà, được ngồi xe tham quan chiếc tàu quân sự mênh mông ấy như trên một căn cứ ở đất liền). Chính nhờ ưu điểm trời cho này mà từ nhiều trăm năm trước, Đà Nẵng với những tên gọi khác nhau và dưới sự cai trị của những nhà cầm quyền khác nhau, đã được xác định là một hải cảng cực kỳ quan trọng, có lúc còn là hải cảng duy nhứt mà tàu nước ngoài được phép cập bến, và người nước ngoài được phép lên bờ.
Tôi vẫn nhớ câu chuyện về Sơn Chà, mà tôi nghe được sau ngày 30 tháng tư năm bảy lăm. Rằng, một thời gian sau khi chiến tranh chấm dứt, có một người đàn ông ốm như que củi, tóc dài phủ vai, áo quần tơi tả, đã đi từ trên núi xuống, láp dáp lọng cọng trò chuyện với những người gặp mình đầu tiên. Anh ta kể mình là lính nhưng không muốn đánh nhau, đã chạy trốn sâu trong rừng Sơn Chà nhiều năm rồi. Anh ta cắt đứt mọi liên quan với xã hội, nên không biết chiến tranh đã chấm dứt. Gần đây, nghe loáng thoáng chuyện từ những người lên núi đốn củi, anh ta mới trở ra xem có đúng vậy không…
Không rõ vì sao cùng câu chuyện đó, có người kể anh ta là bộ đội cộng sản, lại có người kể, đó là một anh lính quốc gia. Riêng tôi, tôi nghĩ đó là một người lính (không cần biết phe nào) đã chán ghét cuộc chiến tranh quá dài, tới mức thà từ bỏ xã hội, từ bỏ con người, vào rừng sống cùng cây cỏ thú vật mà trốn được chiến tranh, còn hơn phải mặc áo lính, cầm súng bắn vào nhau.
Câu chuyện chẳng biết thực hư ra sao, nhưng nó nói lên một sự thật: Sơn Chà ngày ấy rất um tùm rậm rạp, nên anh lính đào ngũ ấy mới không bị phát hiện sau thời gian dài nương náu.
Sơn Chà trước 1975 là khu vực quân sự, do quân đội Mỹ kiểm soát, dân thường không được phép héo lánh. Chị em tôi thường đi chơi ở các bãi biển quanh Đà Nẵng, có lần đã chụp ảnh ở bãi biển Nam Thọ dưới chân Sơn Chà. Bức ảnh cũ cho thấy một phần sườn núi phía Đà Nẵng đang bị bạt đi, có lẽ để làm đường lên đỉnh, nơi người Mỹ sẽ cho xây dựng hai trạm ra đa được mệnh danh là Mắt thần Đông Dương, bao quát hoạt động không lưu cả một khu vực có bán kính hàng trăm cây số.
Nếu bạn đi từ bắc vào nam bằng tàu lửa, đến Đà Nẵng vào ban ngày, bạn sẽ nhìn thấy Sơn Chà vẽ một đường cong cực kỳ duyên dáng trên màu biển xanh bao la bên dưới. Còn nếu đến Đà Nẵng vào ban đêm, bạn sẽ được nhìn ngắm cả một rừng sao lấp lánh, khi Đà Nẵng lên đèn. Nếu bạn sử dụng máy bay, bạn sẽ dòm xuống một Sơn Chà thật sự là tường thành đúng nghĩa, chở che Đà Nẵng trước những cơn bão nhiệt đới hàng năm.
Sau 1975, tôi lại có nhiều dịp lên Sơn Chà…
Có lần tôi đi với nhóm bạn làm báo, ngủ lại một đêm giữa rừng Sơn Chà. Đi cùng chúng tôi có kỹ sư Hoàng Đình Bá, nguyên giám đốc Sở Lâm Nghiệp tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Anh Hoàng Đình Bá đã bị một “án oan”: cách chức và khai trừ đảng, khiến bao người biết chuyện hết sức bức xúc, nhưng bản thân anh coi là chuyện bình thường, chẳng buồn khiếu nại. Vốn là người yêu Sơn Chà một cách cuồng nhiệt (được mệnh danh là “ông thần rừng”), anh đã đi trước thời đại một quãng xa, huy động cả sự đóng góp từ trong dân thường vào việc khôi phục và bảo vệ rừng, khiến những kẻ bảo thủ không thể chấp nhận.
Một lần khác, cùng với nhà văn Trương Điện Thắng và kỹ sư Hoàng Đình Bá, tôi lại lên Sơn Chà, được nghe rất nhiều câu chuyện về rừng ngập tràn nhiệt huyết từ một người không còn trẻ, nhìn ngắm Đà Nẵng từ một đỉnh cao, sau khi vượt qua quãng dài mây mù nặng hạt và lạnh buốt, dù trong một ngày trời nắng ráo.
Những lần khác, tôi đi ra cù lao Chàm qua đường Sơn Chà (hồi ấy chưa có tàu từ Hội An thường xuyên ra vào cù lao Chàm như sau này). Tôi phải ngủ đêm ở Sơn Chà để sáng sớm hôm sau đi nhờ tàu bộ đội ra đảo. Những năm ấy bộ đội quá nghèo, chẳng có thứ gì ngon để mời khách, buổi sáng chỉ đãi tôi sắn luộc với nước sâm nam ngọt dịu và mời tôi thưởng thức mùi hương cũng như vẻ đẹp hoang dã của hoa riềng, loại cây mà tôi cứ nghĩ chỉ để ăn, không ngờ hoa của nó lại dễ thương đến vậy.
Cảm giác còn mãi trong tôi là mỗi khi tàu ra cửa Vũng Thùng, sóng lừng nhồi lắc con tàu như muốn vùi nó xuống dưới lòng biển, ruột gan tôi lộn tùng phèo hết cả. Những lúc đó, tôi thường nghĩ tới những người vượt biên. Giữa đại dương mênh mông, con tàu của họ chẳng khác gì một chiếc lá bé xíu mong manh. Vậy mà ngoài sóng gió, họ còn phải đương đầu với những cơn đói khát kéo dài, và nhất là với lũ cướp biển luôn hãm hiếp và bắn giết chẳng ghê tay. Bao nhiêu người trong số họ đã lấy đáy biển làm mồ chôn, vĩnh viễn không bao giờ tới được miền đất trong mơ ước…
Quận Ba của Đà Nẵng, trước đây vốn chỉ là một làng chài quê mùa và nghèo khó, rất cách biệt với cuộc sống thị dân bên này sông Hàn, hơn mươi năm gần đây cũng đã rùng rùng chuyển động. “Bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá” đã chạy đua không mệt mỏi với “bên ni Hàn phố xá nghinh ngang”.
Sau khi những cây cầu xinh đẹp xóa hết sự cách trở đò giang, nhà cao tầng vun vút mọc lên bên kia sông Hàn. Và nhà hàng, khách sạn cũng chen nhau san sát. Những cơn sốt đất đã khiến “quận Ba” cũ của Đà Nẵng không hề thua chị kém em so với các quận trung tâm Đà Nẵng ngày xưa.
Dù là dân Đà Nẵng chính hiệu mà khi về quê, tôi cũng không sao nhớ hết đường đi nước bước cả ở trung tâm lẫn ngoại vi thành phố do Đà Nẵng đổi thay nhanh quá. Đà Nẵng đổi thay, vừa là điều đáng mừng, cũng đồng thời là điều rất đáng lo.
Những người yêu văn hóa và lịch sử cứ sợ rằng Đà Nẵng rồi có thể sẽ là một đô thị “hiện đại” với nhà cao tầng, đường phố thênh thang. Nhưng đó chỉ là vẻ đẹp đâu-cũng-có, một kiểu đô thị không bản sắc, không lịch sử, một thứ nhà giàu mới nổi, không hồn vía, thêm nhiểu bê tông của sự hống hách nhưng mất hết những cảnh quan, dấu tích làm nên một Đà Nẵng từng có trong trái tim và trí óc người dân Việt yêu đất nước Việt.
Và điều đó đã được chứng thực qua cách người ta đang đối xử với Sơn Chà.
Hình ảnh những trụ bê tông cốt thép chĩa lên trời giữa một vùng núi bị cày nát cắm sâu vào tâm trí những người yêu Đà Nẵng lời thách thức: Sơn Chà đang bị phá hoại bởi thứ kinh tế thị trường định hướng kiểu Vinashin, Vinalines, EVN, bô xít tây nguyên, Formosa… Sơn Chà đang bị khoác cho cái nhiệm vụ làm-ra-tiền, sổ toẹt hết tất cả những gì thiên nhiên đã ban tặng, thứ tài sản quý giá không thể có lại được lần thứ hai.
Không còn là sự tức giận. Đó thật sự là cú sốc, là nỗi đau, là sự thách thức, chà đạp lên những ai còn muốn giữ-được-cái-gì-thì-giữ, trước thảm họa tiền-quyết-định-tất-cả.
Sơn Chà của tôi, vẫn là cách gọi của mẹ tôi, bà ngoại tôi. Mẹ tôi nếu còn sống đã đủ trăm tuổi, còn bà ngoại thì gần trăm rưỡi tuổi, là một thế kỷ rưỡi tuổi. Họ chẳng hề hay biết có “ông Gu-gồ”, cũng chẳng bao giờ tra cứu sách vở, dù sách vở thời họ sống hay sách vở mới bây giờ. Họ gọi tên ngọn núi như ông bà họ đã gọi, nhiều trăm năm trước. Và tôi cũng vậy.
Tôi biết rằng một phần quận Ba- Đà Nẵng cũ đã đổi tên thành quận Sơn Trà từ năm 1997, nghĩa là một địa danh được quy định trong giấy tờ hành chính, không dùng không được. Nhưng điều đó không có nghĩa là cái tên Sơn Chà bỗng thành ra bị SAI, không thể dùng nữa.
Tôi, một người Đà Nẵng chính hiệu, sẽ vẫn gọi Sơn Chà là Sơn Chà, vì cái tên đó mới gắn với những ký ức buồn vui của tuổi thơ tuổi trẻ tôi. Tôi không có nhu cầu dùng tên Sơn Trà để tỏ ra mình “hiểu biết”, theo thời, và để khai tử cái tên Sơn Chà.
Tôi còn nhớ, một câu bình luận cửa miệng mà bà ngoại tôi hay dùng, khi có ai làm điều gì đó quái dị, chướng tai gai mắt: “Đồ con dộc già”. Ngày còn nhỏ, tôi nghe mà chẳng hiểu bà nói gì: con dộc là con gì? Nay thì tôi đã biết: con dộc của bà ngoại chính là con “voọc” chà vá ngày nay, đang rất hot trên mạng xã hội.
Những con dộc già đang làm các trò khỉ chắc chắn sẽ bị bêu tên trong phần xú-lịch-sử của Đà Nẵng. Bởi vì, đồng tiền dơ bẩn chỉ có thể làm lóa mắt một thiểu số, không thể mua được lòng người, lòng dân-vạn-đại…
clip_image002
clip_image004
clip_image006
clip_image008
clip_image010
https://www.facebook.com/kim.ngo.7739/posts/1602767593068393

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét