9 thg 7, 2017

Cả một cuộc đời được ghi lại trên cánh cửa

S. Alexievich

Một cảnh trong phim Chernobyl Diaries (2012)
 Tôi muốn được làm một người chứng . . .
Nó đã xẩy ra 10 năm trước đây. Nó vẫn xẩy ra với tôi như thế mỗi ngày.
Chúng tôi sống ở một thành phố có tên là Pripyat.
Tôi không phải là nhà văn. Tôi sẽ không thể nào tả lại được việc đã xẩy ra. Đầu óc tôi không có khả năng thấu hiểu hết sự việc. Cả cái bằng tốt nghiệp đại học của tôi cũng bất lực như vậy. Bà thấy đấy: tôi là một con người bình thường. Một người nhỏ bé. Giống như bất cứ người nào khác – tôi đi làm, hết giờ làm về nhà. Tôi được nhận một mức lương trung bình. Mỗi năm tôi đều được hưởng một kỳ nghỉ có lương. Một con người bình thường như thế đấy. Rồi bỗng nhiên một ngày tôi bị biến thành người Chernobyl, biến thành con thú, ai cũng tò mò muốn tìm hiểu và chẳng có ai biết gì về nó cả. Tôi muốn được là một người bình thường như bao người khác, nhưng giờ đây tôi không thể. Người ta nhìn tôi bằng một con mắt khác rồi. Họ hỏi tôi: Nó có đáng sợ không? Làm sao mà cái nhà máy phản ứng ấy nó bị cháy? Thế anh đã thấy những gì? Liệu rồi anh có thể có con được nữa không? Vợ anh bỏ anh chưa?
Chúng tôi bị biến thành những con thú. Chính cái tên “Chernobyl” là một dấu hiệu để người ta chú ý. Mọi người ai cũng quay đầu nhìn tôi. Anh ta ở Chernobyl đấy!
Mọi chuyện đã khởi sự như thế! Chúng tôi không chỉ mất đi thành phố nơi mình sinh sống, chúng tôi mất luôn cả đời sống của mình. Chúng tôi ra đi vào ngày thứ ba. Nhà máy phản ứng vẫn còn đang cháy. Tôi nhớ một người bạn của tôi bảo: “Có mùi phóng xạ”. Đó là thứ mùi không thể nào diễn tả được. Thế nhưng báo chí đang ra sức bàn tán về nó. Họ đã biến Chernobyl thành một nơi chứa toàn những điều kinh khủng, mặc dù thực ra họ vừa biến nó thành một bức tranh hí họa.
Tôi sẽ chỉ kể lại những gì xẩy ra với tôi. Sự thật của riêng tôi.
Như thế này: Qua đài phát thanh họ thông báo rằng không ai được phép mang theo mèo. Thế nên chúng tôi giấu con mèo vào trong va li. Nhưng nó không chịu, bò ra ngoài, cào cấu mọi người. Không ai được mang theo đồ đạc gì. Không sao cả! Tôi sẽ không mang theo bất cứ vật gì. Ngoại trừ một thứ. Chỉ một thứ. Tôi sẽ gỡ cánh cửa phòng tôi ở khu chung cư và mang nó theo. Không thể để cái cửa lại được. Tôi dùng những tấm bìa cứng che tạm cửa phòng. Cánh cửa phòng của chúng tôi – đó là tấm bùa tượng trưng cho sự may mắn, là di vật của gia đình tôi. Cha tôi đã nằm trên cánh cửa này. Tôi không biết đó là tục lệ gì, không phải chỗ nào cũng như vậy, nhưng mẹ tôi bảo người chết phải được đặt nằm trên cánh cửa nhà của mình. Xác cha tôi được để nằm trên cánh cửa cho đến khi người ta mang quan tài tới. Tôi đã ngồi cạnh ông suốt đêm. Căn phòng cũng mở toang suốt đêm. Trên cánh cửa này có những vết khắc, đánh dấu từng thời kỳ tôi lớn lên. Những dấu khắc chỉ : lớp một, lớp hai. Lớp bẩy. Trước khi tôi vào quân đội. Kế đó là những dấu khắc từ thời thơ ấu của con trai tôi. Của con gái tôi. Cả cuộc đời tôi được khắc lại trên cánh cửa này. Làm sao mà tôi bỏ nó lại được?
Người hàng xóm của tôi có chiếc xe hơi, tôi nhờ anh ấy giúp đem cái cánh cửa đi. Anh ta ra dấu chỉ vào đầu mình. Ý muốn nói cái đầu tôi có gì đó không ổn, phải không? Rồi tôi cũng tìm cách mang nó đi được. Bằng xe gắn máy. Khi đêm xuống. Xuyên qua rừng. Đó là khoảng thời gian 2 năm sau khi mà căn phòng của chúng tôi đã bị cướp vét sạch mọi thứ. Cảnh sát đuổi theo tôi. “Chúng tao sẽ bắn! Chúng tao bắn đấy!”. Họ nghĩ tôi ăn trộm cánh cửa. Tôi mang cánh cửa nhà của chính mình đi như thế đó.
Tôi đưa con gái và vợ vào bệnh viện. Trên người họ bắt đầu nổi những mụn đen. Những mụn này xuất hiện rồi lại biến mất. Chúng cỡ đồng tiền 5 kopek. Nhưng không làm đau đớn. Bệnh viện làm thử nghiệm những mụn ấy. Tôi hỏi họ kết quả thế nào. Họ bảo: “Làm thử nghiệm đâu phải cho người bệnh đâu!”. Tôi hỏi lại: “Vậy thử nghiệm cho ai ?”.
Lúc ấy ai cũng nói: “Rồi sẽ chết hết thôi. Sẽ chết hết thôi. Đến năm 2000 sẽ chẳng còn người Belarus nào sống sót. Con gái tôi được 6 tuổi. Khi đưa con lên giường ngủ, nó thì thầm vào tai tôi: “Bố ơi, con muốn sống. Con vẫn còn bé mà!”. Trước đó, tôi cho rằng con bé chẳng hiểu gì hết.
Bà có thể hình dung ra được cảnh 7 đứa con gái nhỏ đầu cạo trọc ở  chung một phòng? Có 7 đứa con gái như con gái tôi ở bệnh viện . . . Nhưng kể thế đủ rồi. Đủ rồi! Khi tôi nói về câu chuyện này, tôi có cảm tưởng như bụng mình đang bảo dạ mình – mày đã phản bội những bé gái đó. Bởi vì tôi cần phải kể câu chuyện như là một người lạ, người ngoài cuộc. Vợ tôi từ bệnh viện về nhà. Cô ấy hết chịu đựng nổi rồi. “Thà nó chết đi còn đỡ khổ hơn là chịu đau đớn như thế này. Hãy để em chết đi, để không còn phải chứng kiến những cảnh đau lòng này nữa.”. Thôi, đủ rồi! Đủ rồi. Tôi không còn  muốn nghe gì nữa. Không!
Chúng tôi đặt nó nằm trên cái cửa. Trên cùng cái cửa mà cha tôi đã nằm. Cho đến khi họ mang đến chiếc quan tài nhỏ xíu. Nó nhỏ như chiếc hộp đựng búp bê.
Tôi muốn được làm một người chứng, rằng: Con gái tôi đã chết vì Chernobyl.
Và người ta muốn chúng tôi phải quên nó đi.
Nikolai Fomich Kalugin, Người cha
 _______________________________________________________
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét