“Sự
phát triển của khoa học từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai gây ấn
tượng mạnh, khiến nhân loại nghĩ rằng khoa học có một khả năng vô tận
trong việc nhận thức thế giới và giải quyết các vấn đề của nhân loại. Sự
thực không phải như vậy: khoa học có những giới hạn và những giới hạn
đó là từ bản chất bên trong của nó… Càng đi sâu nghiên cứu, nhiều nhà
khoa học càng đi đến kết luận không thể tránh được: Thượng đế có tồn
tại”.
Đó là Lời Giới thiệu cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC của nhiều nhà khoa học hàng
đầu thế giới, do NXB Khoa học & Kỹ thuật Hà-nội xuất bản năm 2004.
Tôi có cuốn sách này ngay từ khi nó vừa ra mắt. Nhưng vì nhiều lý do,
tôi đã bỏ quên nó trong một góc khuất của tủ sách hơn 12 năm nay. Gần
đây tình cờ “phát hiện” ra, tôi giật mình nhận ra đây là một cuốn sách
triết học khoa học vô cùng quý giá. Không hề cường điệu, tôi muốn nói
rằng nếu không nắm được những tư tưởng trong cuốn sách này, cách nhìn về
thế giới của chúng ta sẽ bị khiếm khuyết đáng kể, bởi chính khoa học
hiện đại đã phát triển tới chỗ cho thấy thế giới quan thuần túy duy vật
đã trở thành bất lực trước hàng loạt hiện thực diễn ra trước mắt khoa
học.
Gấp cuốn sách lại, tôi có cảm giác ân hận vì đọc nó quá muộn. Nhưng
“muộn còn hơn không bao giờ”, tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách
này đến đông đảo bạn đọc, với hai thông điệp chủ yếu mà cuốn sách muốn
gửi tới nhân loại thế kỷ 21:
- Khoa học có giới hạn, và giới hạn đó là hệ quả tất yếu của nhận thức logic dựa trên nền tảng duy vật chủ nghĩa.
- Vì khoa học bị giới hạn, cần phải có một sự thay đổi mang tính cách mạng về thế giới quan để chắp cánh cho sự nhận thức vượt khỏi tầng hiện thực vật chất chật hẹp, vươn tới những tầng hiện thực bên ngoài khoa học ─ tầng hiện thực phi vật chất và tâm linh.
Hai thông điệp đó được chuyển tải thông qua những bài báo hoặc những cuốn sách nhỏ sau đây:
- Bài báo “Những điều giả định trước và những giới hạn của khoa học” của Peter Hodgson, Trưởng nhóm vật lý lý thuyết của Viện Vật lý Hạt nhân ở Oxford, tác giả cuốn “Nuclear Reactions and Nuclear Structure” (Phản ứng hạt nhân và Cấu trúc hạt nhân), do NXB Clarendon Press xuất bản tại Oxford, 1971.
- Bài báo “Các giới hạn của khoa học” của Jean Fourastié, nhà kinh tế học, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị của Pháp.
- Bài báo “Các giới hạn của khoa học” của Eugene Wigner, nhà vật lý Mỹ gốc Hungary, đoạt Giải Nobel vật lý năm 1963.
- Bài báo “Các giới hạn của khoa học” của Peter Medawar, nhà sinh học Anh, đoạt Giải Nobel về sinh lý học và y học năm 1960, từng là chủ tịch Hội nghị quốc tế ở Viện Wistar, Philadelphia, 1966, một hội nghị lớn thảo luận về Học thuyết Tân-Darwin, đã đi tới kết luận học thuyết này không thể bảo vệ được về mặt toán học.
- Cuốn sách “Thượng đế và khoa học” của các tác giả: Jean Guitton, viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, một trong những nhà triết học xuất sắc nhất cuối thế kỷ 20, người thừa kế cuối cùng của nhà triết học lớn Henri Bergson, và hai anh em Grichka Bogdanov và Igor Bogdanov, cả hai đều là tiến sĩ vật lý thiên văn và vật lý lý thuyết.
- Bài báo “Thượng đế và Big Bang” của Dominique Lambert, giáo sư Đại học Notre-Dame de la Paix ở Namur.
Một trong các dịch giả đồng thời là người biên tập chính: GS Đặng Mộng
Lân, một nhà vật lý uy tín của Việt Nam, tác giả cuốn “Bẩy hằng số vũ
trụ”, một cuốn sách “bán chạy” cách đây khoảng 30 năm.
Tất cả các tác giả nói trên, bằng ngôn ngữ riêng của mình, thông qua
lĩnh vực hoạt động cụ thể của mình, đều khẳng định rằng khoa học bị giới
hạn, nó không trả lời được rất nhiều câu hỏi do chính khoa học đặt ra
hoặc do thực tiễn thách thức. Đó là điều mọi người cần biết, không chỉ
để học lấy sự khiêm tốn, mà quan trọng hơn, để suy nghĩ về việc làm thế
nào mở rộng sự nhận thức lên những tầng cao hơn khoa học, rộng hơn khoa
học.
GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC VÀ KHOA HỌC VỀ GIỚI HẠN
Nếu bạn có cuốn sách này trong tay, hãy đọc ngay lời giới thiệu trên trang bìa cuối:
“Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học có thể gây ấn tượng là khoa học có
một khả năng vô tận trong việc nhận thức thế giới và giải quyết các vấn
đề của nhân loại. Nhưng sự thực không phải như vậy: khoa học có những
giới hạn từ bản chất bên trong của nó. BÊN NGOÀI KHOA HỌC được
tập hợp từ nhiều bài viết của các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới,
những người đã được Giải thưởng Nobel về các ngành khoa học. Họ là
những nguồi đi tìm câu trả lời cho các vấn đề: ‘Đâu là giới hạn của khoa học? Đâu là cầu nối giữa khoa học và tôn giáo? Thượng đế có tồn tại hay không?’. Cuốn
sách này chắc chắn sẽ mang lại hứng thú cho đông đảo bạn đọc, những
người muốn tìm hiểu về khoa học cũng như các vấn đề ở bên ngoài khoa
học”.
Peter Hodgson cũng nhấn mạnh điều tương tự ngay từ lời mở đầu bài báo của ông :
“Các thành tựu của khoa học và công nghệ thật ấn tượng và có ảnh hưởng
khiến người ta có xu hướng nghĩ rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết
bằng phương pháp khoa học, và bất kỳ vấn đề gì mà không thể giải quyết được như vậy thì đều là những vấn đề giả, vô nghĩa. Một
sự tin tưởng ngây thơ như vậy vào sức mạnh toàn năng của khoa học ngày
nay đã ít được để ý, vì rõ ràng xã hội đang phải đương đầu với hàng loạt
vấn đề nan giải không thể giải quyết được chỉ bằng các phương pháp khoa
học, và cũng có những vấn đề thực sự về con người mà chúng mãi mãi vượt ra ngoài khả năng tìm kiếm của khoa học”. (trang 7)
Đọc đến đó, một đầu óc lành mạnh sẽ lập tức bật ra câu hỏi: “Vấn đề thực
sự nào về con người có thể mãi mãi vượt ra ngoài khả năng của khoa
học?”.
Theo Peter Hodgson, đó là khả năng tồn tại của thế giới tâm linh ─ một
thế giới phi vật chất không thể kiểm chứng bằng giác quan và công cụ vật
lý nhưng có nhiều dấu hiệu khách quan cho thấy nó tồn tại.
Thật vậy, Peter Hodgson đã dẫn một câu chuyện của Alexis Carrel, một nhà
sinh lý học người Pháp từng đoạt Giải Nobel 1912 về sinh lý học và y
học năm 1912. Trong một cuốn sách của mình, Alexis Carrel đã kể lại một
câu chuyện dị thường mà chính ông đã theo dõi: cô
Marie Bailly, một bệnh nhân bị lao phúc mạc sắp chết, đã hành hương tới
Lourdes để cầu xin Đức Mẹ chữa bệnh cho cô. Kết quả cô đã tự nhiên khỏi
bệnh. Carrel chính là người theo dõi bệnh tình của cô và ông đã kể lại tường tận sự việc. Ông xác nhận đây là một phép lạ mà ông chứng kiến.
Mọi người Công giáo đều biết Lourdes (Lộ Đức), một thị trấn nằm ở phía
tây-nam nước Pháp, dưới chân dãy núi Pyrénées, là một vùng đất thánh,
nổi tiếng thiêng liêng vì Đức Mẹ từng hiện ra ở đó. Người công giáo từ
khắp nơi trên thế giới đều ao ước một lần trong đời được đặt chân tới
đó. Họ tin tuyệt đối vào những hiện tượng lành bệnh như của cô Marie
Bailly, nhưng các nhà khoa học vô thần thì không tin. Peter Hodgson cho
biết những ghi chép của Alexis Carrel về trường hợp lành bệnh của cô
Marie Bailly hoàn toàn nằm trong sự quan sát của một nhà khoa học. Theo
ông, hiện tượng Marie Bailly tự nhiên khỏi bệnh khi hành hương đến
Lourdes là một hiện tượng có thật, nhưng nằm bên ngoài khoa học, vượt
quá tầm với của khoa học.
Trong phần phụ lục ở trang 25, GS Đặng Mộng Lân cho đăng lại một bài báo
của ông trên tạp chí Vật lý Ngày nay, số Tháng 10/2003, trong đó cho
biết từ cuối thế kỷ 19, khoa học đã tiến hành nhiều thí nghiệm chặt chẽ
để nghiên cứu hiện tượng tâm linh, nhưng cho đến nay, những nghiên cứu
này vẫn chưa được coi là khoa học. Nói cách khác, hiện tượng tâm linh vẫn nằm bên ngoài khoa học. Một
trong những lý do cụ thể là ở chỗ những hiện tượng này không mang tính
chất lặp đi lặp lại để có thể áp dụng phương pháp quy nạp ─ phương pháp
chủ yếu của nghiên cứu khoa học cho phép tổng quát hóa các sự kiện riêng
lẻ thành định luật khoa học.
Đứng trước sự thật này (hiện tượng tâm linh nằm ngoài khoa học), có hai
thái độ ứng xử: người vô thần theo chủ nghĩa duy khoa học (scientism)
lập tức bác bỏ các hiện tượng tâm linh, quy kết đó là ảo ảnh, dối trá,
nhưng những người có tư duy mở có thể suy đoán rằng tồn tại một “thế
giới tâm linh”, hoặc một tầng “hiện thực tâm linh” (psychic reality /
spiritual reality) nằm ngoài tầng hiện thực vật chất thông thường, và do
đó khoa học bất lực trong việc nghiên cứu nó. Đó chính là điều Peter
Hodgson muốn gợi ý để chúng ta suy ngẫm.
Trong thực tế, những ai từng chứng kiến những phép lạ chữa bệnh của cụ
Nguyễn Đức Cần ở Việt Nam những năm đầu thập kỷ 1970 hoặc được biết
những phép lạ chữa bệnh của nhà chữa bệnh tâm linh Bruno Groening đều dễ
dàng tin trường hợp của cô Marie Bailly là một sự thật. [1] Chỉ có những người thờ phụng chủ nghĩa duy vật như một tín điều mới không tin.
BÍ ẨN CỦA SỰ SỐNG
Có một sự thật rất đáng ngạc nhiên mà bất kỳ ai quan tâm tới thuyết tiến
hóa cũng nên biết: một số môn đệ của thuyết tiến hóa Darwin, trong khi
bảo vệ niềm tin của mình, đã tuyên bố rằng vấn đề nguồn gốc sự sống
không nằm trong thuyết tiến hóa. Sự thiếu hiểu biết này thực ra không
đáng tranh luận, vì cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC từ lâu đã trình bày một cách
rõ ràng những vấn đề liên quan đến nguồn gốc sự sống, qua đó chúng ta có thể thấy tính chất phi lý và phi khoa học của thuyết tiến hóa.
Thật vậy, tại trang 138, các tác giả viết :
“Nhưng sự sống, nó là cái gì vậy? Câu hỏi mà tôi muốn đặt ra ở đây, câu hỏi mà tôi không thể tránh được, là biết rõ sự sống xuất hiện bằng “phép lạ” nào… Sự sống xuất hiện ngẫu nhiên, hay hoàn toàn ngược lại, nó là kết quả của một tính tất yếu huyền bí?”
Hỏi tức là đã trả lời. Đọc câu hỏi đó chúng ta đã có thể đoán người hỏi muốn trả lời như thế nào.
Cụ thể. Theo cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC, có hai quan điểm đối lập về nguồn
gốc sự sống: 1/ Sự sống hình thành một cách ngẫu nhiên từ vật chất không
sống; 2/ Sự sống hình thành do một tác động siêu nhiên, một chủ ý có
trước của Đấng Sáng tạo.
Quan điểm thứ nhất là quan điểm của thuyết tiến hóa, và cũng là quan
điểm của “học thuyết sự sống hình thành tự phát” (doctrine of
spontaneous generation) có từ thời Hy lạp cổ đại.
Quan điểm thứ hai là quan điểm của Lý thuyết Thiết kế Thông minh (Theory
of Intelligent Design) và của Thuyết Sáng tạo (Creationism).
Quan điểm thứ nhất, học thuyết sự sống hình thành tự phát, đã bị đập tan
bởi Định luật Tạo sinh (Law of Biogenesis) do Louis Pasteur khám phá
năm 1862, với thí nghiệm bình cổ cong thiên nga nổi tiếng. Nhưng Darwin
đã sáng tác ra học thuyết về “cái ao ấm áp”, sau này được các đệ tử chế
biến thành lý thuyết về “nồi súp nguyên thủy” (primordial soup) hoặc
“nồi súp tiền sinh thái” (prebiotic soup), thậm chí được các môn đệ tôn
lên thành “thuyết tiến hóa hóa học” (chemical evolution), trong đó cho
rằng vật chất vô cơ vào một dịp may mắn nào đó ngẫu nhiên kết hợp lại
thành phân tử sống đầu tiên, rồi phân tử này tiến hóa dần dần thành mọi
sinh vật ngày nay. Đây thực chất là học thuyết sự sống hình thành tự
phát đã bị bác bỏ. Cơ sở duy nhất của thuyết tiến hóa hóa học là thời
gian và cơ may ─ với thời gian gần như vô hạn, ít nhất sẽ có một dịp may
xảy ra, và như thế là đủ để sự sống sinh sôi nẩy nở. “Thời gian tự nó
sẽ làm các phép lạ” (Time itself performs miracles), George Wald tuyên
bố (!!!). Vậy hãy xem các nhà khoa học trong cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC nói
gì về khả năng xảy ra “phép lạ” như George Wald nói.
Sau khi so sánh một con bướm (sự sống) với một hòn sỏi (cái không sống),
Jean Guitton nhận xét “sự sống chứa đựng một lượng thông tin phong phú
gấp bội so với cái không sống”, rồi ông hỏi: “Nếu sự sống chỉ là vật chất chứa nhiều thông tin hơn thì thông tin ấy từ đâu mà ra?” (trang 138).
Nếu thuyết tiến hóa bảo vật chất vô cơ NGẪU NHIÊN tập hợp lại để tạo thành vật chất sống thì, Guitton chất vấn, “Bằng
“ngẫu nhiên” nào mà một số nguyên tử lại xích lại gần nhau để tạo thành
những phân tử acid amin đầu tiên? Và bằng “ngẫu nhiên” nào mà những
phân tử ấy được tập hợp lại để đi tới tòa nhà phức tạp ghê gớm là ADN
ấy?… ai đã vạch ra các đề án của phân tử ADN đầu tiên mang theo thông
điệp đầu tiên cho phép tế bào sống đầu tiên tự sinh sản?” (trang 139)
Rồi Guitton cho biết: “Những nhà nghiên cứu hàng đầu không còn bằng lòng
với việc đọc thuộc lòng các quy luật của Darwin mà không suy nghĩ; họ
dựng lên những lý luận mới, thường rất đáng kinh ngạc. Đó là những giả
thuyết rõ ràng dựa vào sự can thiệp của một nguyên lý tổ chức siêu việt vào vật chất” (trang 139) [2]
Có nghĩa là những nhà nghiên cứu đi tiên phong trong sinh học không còn
tin vào thuyết tiến hóa của Darwin nữa. Họ xây dựng những lý thuyết mới,
trong đó nêu lên vai trò thiết yếu của Nhà Tổ chức Siêu việt ─
người ban hành những nguyên lý tổ chức buộc vật chất trong vũ trụ phải
tuân thủ sao cho chúng kết hợp lại với nhau theo một tổ chức xác định
chính là sự sống.
Guitton kết luận: “Cuộc phiêu lưu của sự sống đã được một nguyên lý tổ chức sắp xếp” (trang
140). Có nghĩa là ông bác bỏ khái niệm sự sống hình thành ngẫu nhiên
hoặc tự phát, và hơn thế nữa, chỉ ra vai trò không thể thiếu của Nhà
Thiết kế, tác giả của “nguyên lý tổ chức” đó.
Đáp lại ý kiến của Guitton, nhà vật lý Grichka Bogdanov nhắc đến một
hiện tượng đáng kinh ngạc của sự sống do Ilya Prigorine, nhà hóa học
đoạt Giải Nobel năm 1977, khám phá ra. Đó là hiện tượng các phân tử sống có khả năng giao tiếp với nhau như thế nào. Đây, hãy nghe chính Prigorine nói:
“Điều gây kinh ngạc là một phân tử BIẾT các phân tử khác làm gì đồng
thời với nó ở những khoảng cách rất lớn. Những thí nghiệm của chúng tôi
cho thấy các phân tử giao tiếp với nhau như thế nào. Tất cả mọi người
đều chấp nhận thuộc tính ấy trong những hệ sống, nhưng chính thuộc tình
ấy lại ít được chờ đợi nhất trong các hệ không sống” (trang 142).
Chữ “BIẾT” trong câu nói trên đã được tôi, PVHg, viết to để nhấn mạnh, bởi đây là hiện tượng quá kỳ lạ, kỳ
lạ đến mức khó tin, nhưng buộc phải tin, vì đó là một kết quả thực
nghiệm có thể nhìn thấy tận mắt. Sự thật này làm tôi liên tưởng ngay đến
một tư tưởng rất quan trọng của Phật giáo mà Đức Đạt Lai Lạt Ma trình
bày trong cuốn sách của ngài: “Vũ trụ trong một nguyên tử”, do Công ty
Truyền thông Nhã Nam và NXB Thế giới vừa xuất bản tại Việt Nam năm 2016.
Trong cuốn này, Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định rằng ranh giới phân biệt
sự sống với cái không sống là ở Ý THỨC chứ
không phải ở cấp độ phức tạp của cấu tạo vật chất ─ cái gì có ý thức
thì cái đó là một thực thể sống; cái gì không có ý thức thì cái đó là
cái không sống, bất kể cấu tạo vật chất ra sao. Nếu thừa nhận quan điểm
này thì lập tức suy ra rằng thuyết tiến hóa hoàn toàn bất lực trước việc
giải thích nguồn gốc và bản chất sự sống, bởi nó hoàn toàn bất lực
trước khái niệm ý thức. Toàn bộ học thuyết Darwin tảng lờ vấn đề ý thức,
vì mọi cơ chế tiến hóa mà nó nêu lên đều là những cơ chế vật chất thuần
túy.
Trở lại với hiện tượng các phân tử của sự sống BIẾT lẫn nhau, nếu khái
niệm BIẾT ở đây được ví như “trí thông minh” của một phân tử thì, theo
Ilya Prigorine, “trí thông minh” của phân tử cũng là ranh giới để phân biệt sự sống với cái không sống!
Vậy “trí thông minh” của phân tử sống từ đâu mà ra? Nếu không thừa nhận
một lực lượng bí ẩn nào đó đã cung cấp “trí thông minh” ấy cho phân tử
sống thì làm thế nào để giải thích hiện tượng này? Nhà vật lý Bogdanov
cho rằng đó là “lối ứng xử thông minh lạ thường” (trang 142) của các
phân tử sống mà khoa học không thể giải thích được ─ khoa học dựa trên
logic thuần túy vật chất trở nên quá nghèo nàn để có thể hiểu được bản
chất sự sống.
Đến lượt Guitton, ông cho rằng hiện tượng đó nói lên rằng vũ trụ có một định hướng, và “cái hướng sâu xa ấy nằm ở bên trong bản thân nó, dưới hình thức một nguyên nhân siêu việt” (trang 142).
Nguyên nhân siêu việt là cái gì, nếu không phải là Nhà Tổ chức Vĩ đại
như đã nói ở trên, hay Nhà Thiết kế Vĩ đại, Nhà Lập trình Vĩ đại, Đấng
Sáng tạo, Thượng đế, Chúa,…?
Các nhà khoa học thời này rất đáng thương. Họ phủ nhận Thượng đế nhưng
chính khoa học đưa họ đến chỗ buộc lòng phải thừa nhận vai trò nhất
thiết phải có của Đấng Sáng tạo để giải thích những hiện tượng vượt khỏi
tầm với của khoa học. Trong tình huống lưỡng nan như thế, họ né tránh
việc sử dụng những từ ngữ quen thuộc như Thượng đế, Chúa, Đấng Sáng
tạo,… Họ phải tạo ra những tên gọi mới, thuật ngữ mới, có lẽ vì họ quá
nhạy cảm với sự chống đối từ phía các nhà khoa học vô thần. Những từ ngữ
mới đó giúp họ tránh được việc đối đầu mất thì giờ với những cái đầu
khoa học thô thiển trình độ thấp. Nhưng rốt cuộc họ vẫn phải quay lại
điểm ban đầu, rằng Thượng Đế sáng tạo ra tất cả! Đó là điều cuốn BÊN
NGOÀI KHOA HỌC nói một cách tế nhị với chúng ta.
Và đúng như tôi đã từng trình bày trong nhiều bài viết phê phán thuyết
tiến hóa rằng toán học xác suất bác bỏ mọi cơ may để sự sống có thể hình
thành ngẫu nhiên từ vật chất không sống, nhà vật lý G. Bogdanov cũng
nhấn mạnh:
“Không một thao tác nào đã nhắc tới trên đây có thể được thực hiện ngẫu
nhiên cả. Hãy lấy một trong nhiều ví dụ: để cho việc ghép các nucleotid
“ngẫu nhiên” dẫn tới chỗ tạo ra ARN dùng được, Tự Nhiên cần phải mò mẫm
thử đi thử lại nhiều lần, ít ra trong 10^15 năm, tức là một trăm nghìn
lần nhiều hơn toàn bộ tuổi của vũ trụ chúng ta. Một ví dụ khác: nếu đại
dương nguyên thủy đã đẻ ra tất cả các biến thể (tức là các đồng phân) có
thể được tạo ra theo lối “ngẫu nhiên” từ chỉ một phân tử chứa đựng vài
trăm nguyên tử, thì điều đó phải đưa chúng ta tới chỗ tạo dựng được hơn
10^80 đồng phân có thể có. Thế nhưng, cả vũ trụ có lẽ hiện chỉ có dưới
10^80 đồng phân”. (trang 145)
Đọc những phân tích nói trên, tôi muốn chuyển một thông điệp đến ngài
George Wald, tác giả câu nói bất hủ “Thời gian tự nó sẽ tạo ra các phép
lạ”, và ông Richard Dawkins, cái loa lớn tiếng nhất của thuyết tiến hóa
hiện nay, rằng “Thưa các ông, các ông có hiểu những phân tích của G.
Bogdanov ở trên không? Nếu không hiểu thì làm sao các ông có thể thấy
được tính chất hoang đường của thuyết tiến hóa? Ngược lại, nếu hiểu thì
các ông còn ôm lấy cái thuyết tiến hóa dựa trên may rủi như cờ bạc làm
gì nữa?”.
Không ngờ những suy nghĩ đó hoàn toàn khớp với những gì Jean Guitton nói tiếp sau đó:
“Do đó, khi quan sát tính phức tạp đáng kinh ngạc của sự sống, tôi đi
tới kết luận rằng bản thân vũ trụ thật “thông minh”: một trí tuệ siêu
việt tồn tại trên bình diện hiện thực (tồn tại ở khoảnh khắc ban đầu mà
chúng ta gọi là Sáng Tạo) đã ra lệnh cho vật chất đẻ ra sự sống” (trang
145).
Đến đây thì chúng ta thấy rõ ràng rằng các nhà khoa học trong cuốn BÊN
NGOÀI KHOA HỌC không còn úp mở gì nữa, mà khẳng định rằng Đấng Sáng Tạo
là tác giả của sự sống!
Chú thích:
[1] Xem:
[2] Trong khi trích dẫn, tôi có sữa chữa một chút về từ ngữ cho thích hợp và dễ hiểu hơn (PVHg)
Tác giả: Phạm Việt Hưng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét