Tháng Sáu 2015, vào ngày dài nhất
trong năm, tôi đã giong buồm ra khơi rời khỏi vùng biển nam Na Uy, trên
một chiếc thuyền buồm dài 11m làm bằng chất liệu sợi thuỷ tinh, đi tới
một trong những vùng đất hoang vu nhất Châu Âu và cũng là chuyến phiêu
lưu lớn nhất đời tôi.
Là người Mỹ, tôi là phụ nữ duy nhất giong buồm cùng bốn người đàn ông
khác – hai người Na Uy, một người Đức và một người Nga. Chúng tôi lập
tức gắn bó với nhau vì có cùng khát vọng tìm kiếm những vùng đất mới ít
người dám tìm đến.Đích đến của chuyến hành trình kéo dài 112 ngày của chúng tôi là quần đảo Svalbard ở vùng Bắc Cực thuộc Na Uy – khu vực hoang sơ băng tuyết phủ và là nơi có số gấu Bắc Cực đông hơn người.
Những du thuyền thường ghé thăm Svalbard trong các tháng hè, và bạn có thể từ Na Uy bay đến nơi này bất cứ lúc nào trong năm.
Nhưng hành trình của chúng tôi thì khác. Chúng tôi lên kế hoạch thực hiện chuyến đi kéo dài 7.500km trên chiếc thuyền buồm Barba thông thường, vốn hợp với một chuyến đi trên Địa Trung Hải hơn là hành trình vào vùng nước băng giá.
Ba tuần đầu tiên, chúng tôi đi qua phần phía bắc dọc bờ biển Na Uy. Cùng sống trong một không gian nhỏ như một phòng ký túc xá thời đại học, năm người chúng tôi có cơ hội hiểu nhau hơn – ngoài những việc cơ bản như lái thuyền.
Chỉ có những thành viên người Na Uy, là thuyền trưởng và thuyền phó, có thể được coi như là những tay lái thuyền buồm chuyên nghiệp. Và khi chúng tôi hiểu rằng quốc tịch khác nhau của chúng tôi khiến chúng tôi có kiểu ăn sáng khác nhau ra sao thì đó cũng là lúc chúng tôi nhận ra mỗi thành viên có một cách dạy và học khác nhau thế nào.
Và cũng phải qua một vài cuộc cãi vã để hiểu thành viên nào trong thuỷ thủ đoàn có thể làm việc tốt nhất với nhau trong một nhiệm vụ nào đó trên thuyền, từ việc lái thuyền đến việc đi mua đồ chuẩn bị cho các bữa ăn.
Sống trên một chiếc thuyền buồm hơi giống như sống trên một hòn đảo xa xôi, đây là điều trở nên rõ ràng từ khi chúng tôi rời vùng lục địa Na Uy và vượt biển trong bốn ngày để đến Svalbard. Chúng tôi chuyển từ chỗ dễ dàng liên lạc điện thoại với bạn bè và gia đình sang tình trạng sóng điện thoại trở nên chập chờn.
Thế giới bên ngoài trở thành một khái niệm xa xôi. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào một nhiệm vụ tốn thời gian cả ngày: đưa con thuyền băng qua vùng biển Na Uy lạnh giá và kéo dài cho đến khi chúng tôi gặp vùng đất kế tiếp.
Mỗi thành viên chịu trách nhiệm lái tàu và định hướng trong hai giờ, trong khi những thành viên còn lại ngủ hoặc thư giãn. Tuy nhiên nghỉ ngơi giữa một hành trình dập dềnh lại chỉ có tính tương đối. Hầu hết thời gian đó chúng tôi nằm bất động trong khoang thuyền chung, cố gắng không bị say sóng.
Đó là lúc bạn nhận thấy những điều tốt đẹp nhất ở con người – và cũng nhận thấy cả những điều tồi tệ nhất. Khi một thành viên trở nên xanh xao và bấu lấy thanh chắn lại chính là lúc một thành viên khác bất ngờ trở nên tỉnh táo khoẻ mạnh để vực dậy tinh thần chung.
Một trong số chúng tôi có thể tự nguyện canh chừng thêm giờ, trong khi một người khác sẽ nấu một chút thức ăn nhẹ để củng cố tinh thần – dĩ nhiên là trong trường hợp bạn có thể nuốt nổi chút gì.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến vùng đất hoang sơ xa xôi ở phía nam quần đảo Svalbard, nơi không có một bóng người nào chào đón. Tuy nhiên, ở đó lại có dấu chân gấu Bắc Cực.
Sau một thời gian quá dài ở trên tàu, cảm giác thật dễ chịu khi chúng tôi có thể thư giãn chân cẳng và đốt một đống lửa trại từ các khúc gỗ trôi nổi từ Siberia tới vùng Svalbard vốn chẳng hề có cây cối.
Không gặp phải bất cứ sự quấy rầy nào, chúng tôi nói chuyện, nghe nhạc, nhìn chăm chăm vào đống lửa hoặc lắng nghe những âm thanh từ thiên nhiên: cánh nhạn biển Bắc Cực bay qua trên đầu, tiếng băng vỡ ra và đụng vào bờ đá.
Trong sáu tuần sau đó, chúng tôi gắn bó với nhau như hình với bóng trên quần đảo. Đi dạo không còn là cách để có được khoảnh khắc riêng tư một mình nữa, vì chỉ có người Na Uy mới được phép mang theo súng trường mà bạn buộc phải có khi đến quần đảo Svalbard để đối phó trong trường hợp gặp gấu Bắc Cực. Bạn phải là người bảo vệ hoặc bạn phải được ai đó bảo vệ.
Có nhiều nguy hiểm khác nữa. Nếu chúng tôi dự định đi đâu đó xa khỏi con tàu, chúng tôi buộc phải để lại một người trên tàu đề phòng trường hợp tàu Barba bị tuột mỏ neo trôi đi mất, bỏ rơi chúng tôi phía sau.
Nhưng ngoài những lo lắng mới mẻ thì chúng tôi có đầy những niềm vui bất tận và khám phá mới.
Trên tàu Barba chất đầy các thiết bị thám hiểm. Chúng tôi tận dụng tất cả những dịp có thời tiết tốt để bay dù lượn đến những nơi chúng tôi cảm thấy chưa có ai từng bay qua trước đó. Vào một lần bay, thuyền trưởng của chúng tôi bay lượn ngay trên đầu một chú gấu Bắc Cực đang ăn trứng chim trên một mỏm đá cao.
Chúng tôi lặn scuba xuống biển để khám phá thế giới rực rỡ bọt biển và hải quỳ. Và leo núi cũng đầy những điều kinh ngạc: bạn không bao giờ biết mình đã vô tình trèo lên một bộ xương cá voi trên bờ biển hoặc vô tình nhận ra mình đang đi dạo trên mép một tảng băng.
Vì trời không bao giờ tối trong suốt mùa hè Bắc Cực, ngày và đêm tan vào nhau. Có quá nhiều thời gian, năm chúng tôi đã thảo luận và bàn bạc rất nhiều điều, bao gồm cả chuyện liệu một chú gấu Bắc Cực có trèo lên thuyền hay không.
Một sáng sớm, chúng tôi có câu trả lời cho chuyện đó. “Gấu Bắc Cực! đang bơi về phía tàu!” Thuyền trưởng la lên khi chúng tôi đang ngủ ở khoang dưới. Đầu tiên tôi nghĩ đó là trò đùa, nhưng không dám lơ là, tất cả chúng tôi đều bật dậy, mắt kèm nhèm, và thấy một chú gấu Bắc Cực đang bơi về phía đuôi tàu.
Chúng tôi có súng bắn pháo sáng và cả vũ khí hạng nặng hơn, sẵn sàng khai hoả nếu cần, nhưng chỉ cần cái cây đẩy băng đã đủ khiến chú gấu đang đạp nước tránh xa tàu. Chú gấu trẻ và dai sức, thử ít nhất 10 lần định trèo lên tàu, nhưng rốt cuộc cũng phải nản mà bỏ cuộc, bơi ra xa.
Để tàu an toàn tránh khỏi gấu là nỗ lực của cả đội, và đó là tất cả những gì chúng tôi làm ở Bắc Cực. Việc này càng trở nên rõ ràng khi chúng tôi lái tàu Barba về phía Bắc, tới khối băng vòng quanh Bắc Cực, đi xa đến mức tối đa về giới hạn an toàn theo tính toán của chúng tôi.
Tại vị trí 81 độ bắc, chúng tôi neo tàu vào một tảng băng trôi để lặn xuống khối băng nơi gấu Bắc Cực thường săn hải cẩu. Một vài thành viên trong đội không lặn, mà cầm súng sẵn sàng cảnh giới gấu Bắc Cực, vì sinh mạng những người lặn xuống giờ nằm trong tay họ.
Sau đó, biết rằng đây là điểm xa nhất về phía bắc của chuyến phiêu lưu, chúng tôi có một bữa tiệc nhỏ ngay lúc đó, với một vài món cho dân sành ăn mà chúng tôi để dành được – giăm bông khô ngon lành từ vùng Tyrol miền nam nước Ý và rượu trái cây schnapps của Đức.
Một trong những điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là bãi biển đầy các chú hải tượng ở Kapp Lee, một mũi đất ở phần phía đông quần đảo Svalbard. Những chú hải tượng trên quần đảo gần như đã bị săn đến mức tuyệt chủng trong suốt 350 năm, nhưng giờ đây đã hồi phục lại.
Vào cuối tháng Tám, mùa thu nhanh chóng lại gần. Sau khi nằm phơi nắng dưới ánh mặt trời giữa đêm khuya, cùng với các chú hải tượng, chúng tôi lần đầu tiên được chứng kiến cảnh mặt trời lặn và để ý thấy những mảng băng tuyết đầu tiên bám trên boong tàu Barba.
Thời tiết khắc nghiệt hơn đang dần đến, cả trên mặt đất và trên biển. Đã đến lúc quay về phương nam.
Chúng tôi ngồi vài giờ trên bờ biển Kapp Lee, bao quanh là âm thanh đám hải tượng khịt mũi và ợ. Chúng tôi quan sát khu vực phía núi có gấu Bắc Cực không, điều đã trở thành nhiệm vụ quen thuộc.
Chúng tôi đã ở đó, vẫn còn bên nhau sau nhiều tuần, nhưng đã lạc lối trong thế giới riêng của mình. Tôi để cái gánh nặng ý thức là chúng tôi đang ở đâu – và bằng cách nào chúng tôi đến được đây – chìm xuống.
Thậm chí đến tận bây giờ, nhiều tháng sau chuyến hành trình sáu tuần, quay lại với đời sống văn minh, mọi người vẫn hỏi tôi về gấu Bắc Cực, về cái lạnh và những cơn say sóng. Và hơn hết là họ muốn biết tôi đã thực hiện cuộc phiêu lưu đó như thế nào.
Tôi thực hiện điều đó vì trải nghiệm của con người sống trên một hòn đảo, và để xem cảm giác trở thành một thành viên của nhóm mà cuộc sống của tôi lệ thuộc vào họ ra sao. Trong 112 ngày đó, mọi thứ thực sự là vậy.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét