Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 17/07/2017
Một cô gái đã chết vì rắn cắn lúc ra ngủ ngoài cái chuồng bò, khi đang trong những ngày có
kinh nguyệt, theo tập tục mê tín mà người dân Nepal tin là linh thiêng, đàn bà con
gái nếu ở thời kỳ này bắt buộc phải tách rời khỏi gia đình và ngủ một mình tại
một chỗ nào khác.
Nạn nhân, cô gái 19 tuổi, Tulasi
Shahi, ở miền tây quận Dailekh, Nepal, đang chịu phép tập tục “chhaupadi”, một
tập tục được theo khá phổ biến tại vùng phía tây nước này, nơi này đàn bà con
gái được xem là không vệ sinh sạch sẽ trong thời kỳ có kinh nguyệt, tùy theo
lâu mau, Shahi cũng đã làm theo nó nhiều lần trước đây nhưng hôm tối thứ năm vừa
qua, nằm một mình trên đống rơm trong cái chuồng bò của chú mình, cô đã bị con
rắn hỗ cắn ở trên đầu và chân, mới đầu, gia đình cô cố dùng thứ thuốc nam do họ làm nhưng sau đó đem cô tới tạm
y tế địa phương, kém may là nơi này không còn thuốc trị nọc độc. Mùa mưa dầm,
đường núi chật hẹp quanh co ngập lụt, khó đi, cuối cùng vất vả lắm họ mới mang
cô tới bệnh viện gần đó sau ba tiếng đồng hồ lặn lội, nhưng quá trễ, sau bảy giờ
đồng hồ chống đở với nọc độc, Shahi chết vào chiều thứ sáu.
Tại một khu rừng hoang, sâu hút trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, đêm xuống lạnh
cắt da, đứa con gái 15 tuổi, ngồi co ro trước đống cây khô đốt lửa, giữa cái
chòi nhỏ hẹp mong tìm chút hơi ấm không lâu ngủ thiếp đi rồi chết vì hít hơi
khói ngạc, cô đã ở đó một mình, bị buộc phải tách rời xóm làng, gia đình chỉ vì
cái chu kỳ kinh nguyệt của người con gái mà trời đã định cho. Cái chết của cô
gái từ làng Gajra, quận Achham của Nepal này là cái chết thứ nhì trong vòng một
tháng, trước đó đã có 10 cô khác chết ở các mấy cái chòi tương tự tại quận
Achham trong 9 năm qua, nguyên nhân cái chết là do hít khói ngạc, rắn cắn và
không thuốc men dùng cho thời kỳ kinh nguyệt.
Trong vòng hai tháng qua ở Dailekh, Shahi là người con gái thứ nhì đã chết
vì cái tập tục “chhaupadi”, ngày 22 tháng 5, cô gái 14 tuổi, Lalsara Bika chết
vì bị trúng cảm lạnh khi ngủ một mình trong một căn nhà chòi giữa đồng không mông
quạnh. Cuối năm ngoái, có hai cô khác cũng chết trong trường hợp tương tự gần
quận Achham, theo lời của một người hoạt động cho phụ nữ, bà Radha Paudel, “con
gái chúng tôi và những người đàn bà khác đang chết dần trong khi chính quyền nhắm
mắt làm ngơ”. Tập tục “chhaupadi” đã bị tòa án tối cao Nepal phán bất hợp pháp
năm 2005, ba năm sau, chính quyền cho ban hành những tài liệu chỉ dẩn ngăn cấm
việc này trên cả nước nhưng theo giới quan sát thời cuộc thì dường như không có
kết quả gì lớn lao khác biệt. Cũng theo bà Paudel, “cái mà chính phủ làm chỉ là
những điều hướng dẩn trên giấy, vì không ai báo cáo cho cảnh sát, không ai thụ
án cho nên, người ta không thể trừng phạt bất cứ ai làm chuyện bặt buộc con cái
hay vợ họ ra sống trong các nhà chòi”.
Những người hoạt động nhân quyền hay xã hội nói rằng, tại Nepal, có luật
chấm dứt việc kết hôn cho trẻ em, bạo động đánh đập trong gia đình và những vấn
đề khác về phụ nữ nhưng không có điều khoản nào bảo vệ quyền “có kinh nguyệt” của
họ. Quận trưởng quận Dailekh cho biết “sau khi có nhiều người chết này, văn
phòng quận sẽ triệu tập một kỳ họp nội bộ, để có chung ý kiến, đề nghị lên
chính phủ có biện pháp gắt gao và thực tiển hơn.
Tập tục “Chhaupadi” có từ nhiều thế kỷ trước, cội rễ liên quan tới sự
tin tưởng của người theo đạo Hindu về “thời kỳ kinh nguyệt của phụ nữ”. Để theo
đúng tục lệ, đàn bà con gái, không những bị cô lập trong các nhà chòi chật hẹp
còn gọi là “nhà chòi kinh nguyệt”, dựng lên bằng lá, cửa nhỏ vừa đủ cho một người
chui vào, không cửa sổ hay lổ thông hơi mà còn bị cấm, không cho đụng chạm vào
người ta, trâu bò, rau cải, cây trái, theo như bản tường trình của LHQ năm
2011. Đàn bà con gái đồng thời cũng không được phép uống sữa hay ăn các loại
phó sản từ sữa và đến gần các vòi nước máy cũng như giếng nước. Nhiều người dân
trong vùng viễn tây của Nepal còn tin tưởng rằng, ông trời hay bà trời có thể
giận dữ nếu các điều này bị phạm tới, người phạm tội sẽ sống yểu mạng, trâu bò
sẽ chết và mùa màng hư hại thất mùa, thêm nữa, họ cũng tin, nếu đàn bà con gái
trong thời kỳ kinh nguyệt mà đụng vào trái cây xanh thì trái này sẽ rụng trước
khi chín, nếu lấy nước ở giếng thì giếng sẽ cạn khô. Tại một số vùng khác, sự
giới hạn này gồm luôn cả việc đàn bà con gái đọc sách hay viết lách hoặc cầm
sách vở trong thời kỳ có kinh nguyệt, vì nếu không, vị thần Saraswati, bà thần giáo dục sẽ nổi giận lên.
Kết quả thăm dò của chính phủ Nepal mới đây cho thấy tại quận Dailekh, với
49 ngàn gia đình đã có hơn 500 cái “chòi kinh nguyệt” nhưng những người hoạt động
xã hội và nhân quyền nói rằng, con số này không phản ảnh đúng hiện tình sự thật
cho lắm, theo họ, dân chúng có thể ngưng không dựng chòi loại này nữa nhưng hiện
nay họ lại dùng những chỗ khác như một góc tối tăm nào đó bên trong căn nhà hay
chuồng bò chuồng dê... Anita Gyawali, một nhân viên phụ trách văn phòng Phát
triển dịch vụ phụ nữ tại quận Dailekh, được bổ nhiệm chừng bảy tám tháng trước
cho biết, cô hết sức ngạc nhiên khi thấy viên chức chính quyền ở đây lơ là về vấn
đề này và nhận xét rằng, để có hiệu quả, ngoài việc giáo dục quần chúng hiểu sự
lỗi thời, kém văn minh của việc này, luật pháp phải nghiêm khắc trừng trị những
ai vi phạm. Paudel, người hoạt động cho nhân quyền, thất vọng khi nói rằng, ở
Nepal, họ có bà tổng thống, chủ tịch quốc hội cũng bà và cả một bà thẩm phám tối
cao pháp viện nhưng không có một tiếng một chữ nào về việc này, không còn gì xấu
hổ hơn.
Tập tục “chhaupadi” đã bị tòa án tối cao Nepal đặt ra ngoài vòng pháp luật
năm 2005 nhưng nó vẫn còn tồn tại nhất là tại các vùng xa phía tây. Chưa có con
số thống kê chính thức nhưng tập tục này được biết rất phổ thông tại các quận
Achham, Doti và Baruja. Làng Gajira, nơi có đứa con gái chết vì khói, đã tuyên
bố là nơi không còn “chhaupadi” nữa trong năm 2015 nhưng, theo một nhân viên
khác của văn phòng Phát triển dịch vụ phụ nữ, Bhagwati Aryal thì, có hơn 70%
trong số 138 ngàn người phụ nữ ở quận Achham vẫn tiếp tục làm theo. Luật Nepal
đã ngăn cấm chuyện này nhưng không có điều khoản nào nói về hình phạt dành cho
người phạm luật, cho tới khi và trừ khi nào Nepal có một thứ luật pháp nghiêm
khắc, ghi rõ mức độ trừng trị thích đáng, thay đổi sẽ tới mặc dù tới rất chậm
hơn là không có gì cả như hiện tại.
Tại làng Gajra, có khoảng 1500 dân
sinh sống, các bô lão bảo thủ, thầy pháp rao truyền cho dân trong làng, bất cứ
những điều rũi ro, xui xẻo xãy ra ở đây, hậu quả là do đàn bà con gái đã không
còn theo tập tục “nhà chòi kinh nguyệt” nữa, do vậy, cha mẹ tại một số làng
chung quanh đã bắt đầu tin vào và buộc vợ con họ phải làm theo như từ trước tới
giờ.
Thuyên Huy
Mon 17.07.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét